Cô giáo tôi - Hoàng Minh Trâm: Trên đường Trường Sơn (Kỳ 2)

Sau gần 10 tháng vượt Trường Sơn, cả đi và dừng ở các trạm thu dung cô Trâm mới tới được Trung ương Cục miền Nam đóng tại Công Pong Chàm của nước bạn Campuchia.

dt2abv-1705933874.jpg

 Cô giáo Hoàng Minh Trâm và người yêu Đậu Hùng. Ảnh do cô giáo cung cấp.

 

Sở dĩ lâu vậy vì dọc đường đi cô bị sốt rét và gặp trận càn của địch. Cô nhớ lại con đường vượt Trường Sơn gian khổ:

 

- Đoàn cán bộ đi tàu vào đến Quảng Bình rồi lên ca nô đến làng Ho, rồi vượt biên giới sang đất Lào đúng vào Tết Canh Tuất 1970. Đoàn đi theo đường dây giao liên. Các binh trạm có mật danh là H. H1, H2... cả đoàn gần trăm người chỉ có 5 cô gái. Dọc đường hành quân anh Đậu Hùng luôn luôn bên cô. Khi mệt lả, chân không lết được, anh vừa đeo ba lô cho cô, vừa xốc cô lết đi. Cũng may anh rất vạm vỡ, cao 1,7m, nặng gần 80 ký, nên mới đeo hai ba lô, lại xốc được cô.

Đến H2, H3 cô bị sốt rét. Người nóng như lửa nhưng lại thấy rét từ trong ruột rét ra. Người run cầm cập đắp mấy chăn chiên vẫn thấy rét. Hai hàm răng đánh vào nhau lập cập, lúc nghiến ken két. Mắt cô nhắm nghiền, mặt đỏ phừng phừng trong cơn sốt.

Anh Hùng phải nằm ôm chặt cô vào lòng, trùm kín chăn cho cô. Cô thì run cầm cập còn anh thì vã mồ hôi vì nóng. Những lúc cô hết sốt, ngủ thiếp đi anh Hùng lại xuống khe tìm cá cua, ốc, rau về nấu cho cô ăn. Trong cơn mê sảng cô thấy một khuôn mặt thân quen mờ mờ như bụt trong chuyện cổ tích. Cô chới với tìm bàn tay bụt lẩm bẩm cầu xin:

- Xin bụt hãy thương con, cho con được sống về quê hương Ninh Bình nơi có chùa Non Nước trên núi cao. Có nhà thờ đá Phát Diệm mỗi buổi sáng, buổi chiều thong thả gióng chuông bing boong. Cô thấy mình trong chiếc áo dài thướt tha đang xưng tội trong nhà thờ. Cha xứ ân cần hỏi cô đi đâu mà lên tận đỉnh đèo phủ mây, xuống cả thác tung bọt trắng xóa kia. Cô lắp bắp xin cha cho con sức mạnh để con vượt được Trường Sơn vào đến miền Nam dạy học cho đồng bào ở căn cứ cách mạng. Cô hét, cô gọi...Anh lay cô:

- Trâm! Trâm! Tỉnh lại đi em. Anh đây, Đậu Hùng, người yêu của em đây! Anh nắm tay cô áp vào ngực mình, động viên:

- Ráng lên em!

Anh bón chút cháo loãng nấu với vài con tép, ốc anh vừa mò dưới khe cho cô, ép cô ăn chút canh rau rừng. Cô thấy miệng đắng ngắt. Rau, canh đắng, cháo và kể cả sữa cũng thấy đắng.

Bác sỹ ở trạm khám và nói

- Đồng chí này bị sốt rét ác tính. Rất nguy kịch. Phải ở lại để điều trị, không thể đi tiếp được. Mặt cô tái dại, môi sần sùi tróc vảy vì sốt cao. Tóc tai rối bù, mắt thâm quầng, lờ đờ không còn sinh khí.

Anh trào nước mắt, xót xa vì lo sợ sẽ mất cô. Cả anh và cô đã tận mắt thấy những cái võng chỉ còn bộ xương người. Họ đã chết khi bị cơn sốt ác tính mà không có ai bên cạnh. Lo, thương là vậy, nhưng anh cũng chỉ chăm sóc cô được hai ba ngày rồi phải dứt lòng lên đường theo đoàn.

Ôm cô vào lòng, cô nói trong nước mắt:

- Anh đi đường bảo trọng. Vào đó trước chờ em! Họ bịn rịn chia tay mà không ai dám nghĩ có ngày gặp lại vì chiến tranh tàn khốc, cái chết cận kề thường trực.

Cô được các y, bác sỹ điều trị cho đến khi dứt sốt. Lên đường! Khoác ba lô, nhằm hướng Nam, mang tình yêu theo đoàn quân tiến bước.

Không bút nào diễn tả hết vất vả gian khổ, nguy hiểm trên con đường Trường Sơn. Có những ngày mưa như trút nước, mưa như thác đổ. Mưa làm đổ cả lều. Mưa hết ngày này sang ngày khác. Nước trong khe chảy ào ào, dâng nhanh trong tích tắc, cuốn phăng cả những cây to vừa bật gốc. Cuốn theo con nai rừng vùng vẫy kêu tác tác. Cô đang nằm trong lều phải bỏ chạy lên cao. Ngoái đầu nhìn lại đã không thấy cái lều mình vừa nằm đâu nữa. Mưa kèm theo muỗi vắt sinh sôi nảy nở như nấm. Muỗi kêu như sáo diều, nhiều đến mức xòe tay quờ một cái, trong tay đã có một nắm. Đàn vắt hua hua vòi tìm hơi người như vũ điệu. Còn biết bao con vật đáng sợ như rắn độc, rết độc, chui vào ba lô, chui vào võng tìm hơi người. Mưa rừng Trường Sơn là vậy.

Lại có mùa chỉ có nắng, nắng cháy da cháy thịt. Cây cối rụng lá, trơ cành. Lá khô cong bước lên gãy rồm rộp. Họ bảo đó là cây khộp hay cây sộp. Những con suối hung hãn giờ cạn trơ đá. Muốn có chút nước phải xuống tận chân núi, hứng từng ăng gô, bi đông nước một. Còn cái nắng. Nắng đến mức

Đầu đã đội chiếc mũ tai bèo mà tóc vẫn còn khét lẹt.

Thời gian trôi đi. Nỗi nhớ người yêu da diết. Cô mong đi nhanh vào đến nơi để gặp anh. Không biết anh ra sao, sống hay chết, có đến được căn cứ hay không? Lòng cô thắt lại khi nghĩ tới những rủi ro trên con đường.

Nắng to đến mấy, mưa nhiều bao nhiêu cô cũng chịu được. Nhưng cô sợ nhất bom B52, pháo bày, mìn lá và biệt kích Mỹ ngụy. Cô kể hai lần thoát chết trong gang tấc.

Lần thứ nhất: Khi Đến H6 đoàn gặp trận càn Đông Dương. Có lẽ là càn ở ngã ba đông Dương. Máy bay, biệt kích và hàng ngàn lính Mỹ, Ngụy tham chiến.

- Hôm đó cô và một cô nữa trong đoàn, được một anh giao liên dẫn đường, đang đi thì nghe máy bay.

Chúng lao tới ném bom, phóng rốc két xung quanh. Cả một vùng đồi núi bị cày xới, cháy loang lổ. Tiếp theo, hai chiếc trực thăng chở bọn lính lăm lăm tay súng chĩa xuống rừng, lùng sục như bày diều hâu thèm xác thối. Phát hiện ra có người. Máy bay sà xuống, lính xả đạn vào nhóm cô. Cả nhóm chạy thục mạng vào rừng ẩn nấp. Thấy một cây cổ thụ. Ba người núp sau thân cây. Tên lính trên máy bay xả hàng tràng đạn vào cây. Cành lá rơi ào ào phủ lên đầu họ. Ba người xoay quanh gốc cây tránh đạn. Chiếc máy bay và lũ lính không buông tha, chúng bay vòng quanh cây nhả đạn, quyết tiêu diệt nhóm " việt cộng ". Anh giao liên là người dày dặn kinh nghiệm. Mắt theo dõi máy bay, tay nắm tay hai cô kéo, anh lôi hai cô chạy vòng quanh thân cây tránh đạn. Chỉ đến khi thân cây nát bươm hoặc bọn Mỹ hết đạn, hoặc chúng chán trò săn người, chúng mới bỏ, bay đi. Cô thoát chết.

Làn thứ hai: cô hành quân cùng một đoàn gần trăm người. Được nghỉ ở một khu rừng có dòng suối chảy quanh. Cô chợt muốn xuống suối giặt chiếc ba lô dính đầy bùn đất mà anh giao liên bảo " dơ quá" . Tìm một gốc một cây cành lá lơ thơ, rủ xuống mặt nước. Cô chọn và ngồi trên hòn đá xám bên suối, chân thõng dưới dòng nước trong veo, mát lạnh mặc cho đàn cá suối rỉa vào chân nhột nhột, thích thú.

Vừa giặt ba lô vừa nhẩm hát bài ca cô và anh yêu thích. Chợt nghe tiếng máy bay trinh sát VO 10 bay tới. Không kịp chạy tìm chỗ nấp. Cô đành ngồi im như đá. Chiếc máy bay bay tiến, bay lùi, vòng tròn, nghiêng ngó tìm mục tiêu.

Cô nhớ đến câu chuyện ngụ ngôn: " Vova đang chơi trong rừng, bỗng một con gấu đen to lớn xuất hiện. Vova không biết làm thế nào đành nằm im, úp mặt giả chết. Con gấu lặc lè đi tới. Nó cào cào lên người, liếm thân, liếm đầu, liếm tai cậu bé. Vova nín thở nằm im. Một lát sau, con gấu hộc lên rồi bỏ đi"

Nghĩ mình phải dũng cảm và khôn ngoan như Vova. Cô ngồi im, bất động. Nếu cô vùng chạy thì sẽ lộ ngay. Bị lộ, không chỉ cô bị máy bay bắn chết hoặc bị chúng tung lưới bắt, kéo đi, mà nó sẽ thả một quả bom khói. Chỉ vài phút sau hàng đàn máy bay sẽ lao đến thả bom, phóng tên lửa, ném bom cháy thiêu trụi khu rừng. Nếu, nếu, nếu... vùng chạy! Cả đoàn quân gần trăm con người sẽ chết vì bom đạn hoặc cháy thui. Cô đã cứu cả đoàn quân nhờ học chú bé Vova.

Với người khỏe mạnh, trai tráng, bình quân thời gian đi trên đường tới Trung ương cục chỉ ba, bốn tháng. Còn cô, vừa ốm, vừa sốt rét, vừa nằm chờ ở các binh trạm, mãi tháng 10 năm 1970 mới đến được Công pông Chàm.

( Còn tiếp )

Hà Nội, tháng 12/2022

T.H.Q

 Tống Hồng Quân

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/co-giao-toi-hoang-minh-tram-tren-duong-truong-son-ky-2-a22933.html