Khu di tích lưu niệm Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh
Nằm giữa vẻ đẹp hùng vĩ của vùng quê Bắc Bộ, Khu di tích lưu niệm Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh là kho báu lưu giữ lại giá trị của thời gian, biểu tượng uy nghiêm trên mảnh đất địa linh nhân kiệt. Đây không chỉ là không gian thờ cố Tổng Bí thư mà còn là nơi trưng bày những hiện vật quan trọng liên quan đến cuộc đời ông.
Cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh tên khai sinh là Nguyễn Văn Cúc (Mười Cúc); sinh ngày 01/7/1915, mất ngày 27/4/1998, người con thôn Yên phú, xã Giai phạm (Yên Mỹ - Hưng Yên). Cuộc đời ông là một hành trình gắn liền với sự nghiệp cách mạng dân tộc và giải phóng miền Nam, từng đảm nhận vị trí Tổng bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam từ 1986 đến 1991, có công lớn trong phong trào đổi mới đất nước. Bằng bút danh N.V.L. (Nói Và Làm), ông nổi tiếng qua những bài báo trên báo Nhân Dân về cải cách xã hội, góp phần quan trọng vào đổi mới Việt Nam.
Nhà tưởng niệm Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh được khánh thành vào tháng 9/2004, nằm trong khuôn viên rộng 4.685m2, bao gồm nhiều công trình như Nhà tưởng niệm; Nhà trưng bày lưu niệm, và nơi đón tiếp khách thăm viếng, cùng hệ thống các công trình phụ trợ. Đặc biệt, Nhà tưởng niệm với diện tích gần 300m2, kiến trúc hình chữ nhất và kiểu bốn mái truyền thống tạo nên không gian tâm linh trang trọng, thể hiện lòng kính trọng đối với Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh. Ban thờ tại đây được bài trí tinh tế, treo bức hoành phi sơn son thếp vàng với bốn chữ quốc ngữ "Hưng, Quốc, An, Dân" và câu đối do giáo sư, anh hùng lao động Vũ Khiêu đề tặng, thể hiện lòng tri ân của nhân dân.
Ngoài ra, khu Nhà trưng bày Lưu niệm, khởi công xây dựng vào năm 2015, giữ lại khoảng 120 tài liệu, hình ảnh và gần 100 hiện vật tiêu biểu, tạo nên không gian phong phú tái hiện cuộc đời và sự nghiệp của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh. Trong đó, các bức ảnh và bản trích treo trên tường chia thành bốn chủ đề chính, từ quê hương đến quá trình cách mạng, đến gia đình và tình cảm của Đảng, Nhà nước và nhân dân đối với ông.
Năm 2017, Nhà tưởng niệm Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia, thu hút đông đảo người dân và du khách, là điểm đến không thể bỏ qua khi khám phá vùng đất Hưng Yên, nơi từng sinh sống và làm việc của nhiều danh nhân có công với lịch sử dân tộc. Khu di tích lưu niệm Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh trở thành một biểu tượng tâm linh và văn hóa truyền thống giáo dục cho thế hệ sau. Nơi đây, luôn mở cửa đón chào những du khách muốn tìm hiểu về di sản văn hóa và cách mạng của Việt Nam.
Nhà tưởng niệm Trung tướng Nguyễn Bình - Chiến sĩ kiên trung
Kế bên Khu Di tích lưu niệm Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, là Nhà tưởng niệm Trung tướng Nguyễn Bình, một vị tướng xuất sắc của quê hương Hưng Yên.
Trung tướng Nguyễn Bình, tên khai sinh Nguyễn Phương Thảo (30/7/1908 - 29/9/1951). Ông lớn lên trong một gia đình yêu nước, tại miền quê giàu truyền thống văn hiến và cách mạng - thôn Yên Phú, xã Tịnh Tiến (nay là xã Giai Phạm), huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên. Nguyễn Phương Thảo, từ nhỏ đã thể hiện tài năng, hiếu học và chăm chỉ rèn luyện võ nghệ. Với lòng yêu nước sâu đậm, thấm nhuần tư tưởng cách mạng, ông đã trở thành chiến sĩ cách mạng kiên trung, tướng tài của Quân đội và cách mạng Việt Nam.
Hoạt động cách mạng từ năm 16 tuổi, Nguyễn Bình bị đuổi học ở Hải Phòng vì tổ chức tang lễ cho cụ Phan Chu Trinh. Ông chuyển vào Nam làm việc và tham gia xứ bộ Việt Nam Quốc dân Đảng Nam kì năm 1928. Bị bắt và kết án tù 5 năm, đày ra Côn Đảo.
Sau khi mãn hạn tù, năm 1935 Nguyễn Bình trở về quê nhà và bí mật xây dựng Đông Triều làm căn cứ chống Pháp. Năm 1941-1942, ông được giao nhiệm vụ mua vũ khí cho tổng khởi nghĩa và thành công trong sứ mệnh này.
Đêm 12/3/1945, Nguyễn Bình chỉ huy đánh trận đồn Bần Yên Nhân và giành thắng lợi, được Đại tướng Võ Nguyên Giáp đánh giá cao. Trong những tháng tiếp theo, ông chỉ huy nhiều trận đánh, giành chính quyền tại thị xã Quảng Yên trước cách mạng tháng Tám năm 1945.
Với khả năng xuất sắc về quân sự, vào tháng 9 năm 1945, ông được Chủ tịch Hồ Chủ tịch bổ nhiệm chịu trách nhiệm về việc thống nhất các lực lượng vũ trang tại chiến trường Nam Bộ. Đồng chí được giao nhiệm vụ làm Ủy viên quân sự Nam Bộ, đồng thời giữ chức Khu trưởng khu VII. Sau đó, ông tiếp tục đảm nhận vị trí Tư lệnh Bộ Tư lệnh Nam Bộ, có toàn quyền quyết định các vấn đề liên quan đến lĩnh vực quân sự tại khu vực Nam Bộ.
Năm 1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh phong quân hàm Trung tướng cho Nguyễn Bình, trở thành Trung tướng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam. Tháng 9-1951, ông hy sinh khi ra Bắc nhận nhiệm vụ mới, được truy tặng nhiều Huân chương và danh hiệu Anh hùng.
Nhân dịp kỷ niệm 110 năm ngày sinh, Nhà tưởng niệm Trung tướng Nguyễn Bình được xây dựng từ tháng 2-2018 và hoàn thành sau 6 tháng. Nằm trong khuôn viên rộng 1.794 m2, nơi trưng bày hình ảnh và thân thế của Trung tướng. Công trình không chỉ là điểm đến du lịch, mà còn thể hiện lòng biết ơn và tôn trọng của Đảng, nhân dân Việt Nam, đặc biệt là Đảng bộ và nhân dân Hưng Yên, dành cho vị tướng tài ba, chiến sĩ cộng sản xuất sắc, người con ưu tú của quê hương và đất nước.
Khu lưu niệm Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, kết hợp với Nhà tưởng niệm Trung tướng Nguyễn Bình, tạo thành quần thể di tích quan trọng để cán bộ, đảng viên và nhân dân tham quan, nghiên cứu, và truyền đạt truyền thống cách mạng cho thế hệ sau.
Những công trình lưu niệm tại Hưng Yên là địa điểm du lịch lịch sử, không gian tâm linh và giáo dục truyền thống đặc biệt. Việc tôn vinh Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh và Trung tướng Nguyễn Bình không chỉ là sự biết ơn của địa phương mà còn là cách để thế hệ sau học hỏi và tôn trọng những nhân vật lịch sử đã góp phần quan trọng vào độc lập và tự do của dân tộc Việt Nam.
Bình An
Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/hung-yen-tong-bi-thu-nguyen-van-linh-va-trung-tuong-nguyen-binh-hai-dau-an-lich-su-cua-dan-toc-a22966.html