Sáng nay 29/01/2024, được sự cho phép của Viện Nghiên cứu Văn hóa và Phát triển, Trung tâm Nghiên cứu Lịch sử và Bảo tồn Di sản Văn hóa Quốc gia đã tổ chức Lễ tổng kết công tác hoạt động năm 2023 và đề ra phương hướng, nhiệm vụ năm 2024.
Năm 2023, là năm có rất nhiều khó khăn thách thức nhưng được sự quan tâm của lãnh đạo Viện Nghiên cứu Văn hoá và Phát triển, cùng sự nỗ lực của các cán bộ, nhà nghiên cứu, nhân viên, Trung tâm đã vượt khó, vươn lên, giành được nhiều kết quả trên các lĩnh vực.
Để Trung tâm hoạt động có hiệu quả, đi vào nề nếp, đã ban hành Nội quy lao động, phân công rõ các nhiệm vụ cho Ban Giám đốc, Trưởng các Phòng, ban, nhà nghiên cứu, chuyên viên và biên tập viên. Để bổ sung bộ máy lãnh đạo Trung tâm đáp ứng với yêu cầu phát triển, ngày 08 tháng 12 năm 2023, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa và Phát triển có Quyết định số 0812/QĐ-VHPT về việc tiếp nhận và bổ nhiệm Nghệ nhân Ưu tú Lương Thị Nguyên về làm Phó Giám đốc Trung tâm, kiêm nhiệm làm Chủ nhiệm Câu lạc bộ.
Về hoạt động nghiên cứu, năm 2023, Trung tâm đã hoàn thành 02 công trình nghiên cứu đó là Xuất bản sách Lịch sử Đảng bộ huyện Đô Lương; biên soạn và xuất bản thành công một số công trình Lịch sử Đảng bộ các xã như Na Ngoi, Hữu Kiệm, Thanh Lĩnh... Đang tổ chức tiến hành Hội thảo lần 2 các công trình lịch sử như: Lịch sử truyền thống Bệnh viện Đa khoa khu vực Bắc Quảng Bình, tập I (1960 - 2020); Lịch sử Đảng bộ Quân sự Thị xã Ba Đồn (1945 - 2020).
Về hoạt động phản biện khoa học, Trung tâm đã tham gia thực hiện và phản biện các nhiệm vụ khoa học cấp sở, cấp tỉnh như: Tìm hiểu thân thế và sự nghiệp của Quản Thông, Quản Thụ; Danh xưng Tương Dương; Danh xưng Thanh Chương; các hồ sơ xếp hạng các di tích trên địa bàn tỉnh Nghệ An...
Năm 2023, Trung tâm đã phối hợp với Hội đồng gia tộc dòng họ Nguyễn Đình (xã Khánh Hợp, huyện Nghi Lộc) xây dựng đề cương trưng bày và tham gia trưng bày tại Nhà truyền thống của đền Nguyễn Xí. Tổ chức khảo sát, đánh giá và có ý kiến về một số công trình kiến trúc trên địa bàn tỉnh Nghệ An như đình Nhân Hậu (xã Hùng Tiến, huyện Nam Đàn), nhà thờ Nguyễn Văn (xã Thanh Giang, huyện Thanh Chương).
Các hoạt động phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể, trong năm 2023, Trung tâm đã ra mắt được Câu lạc bộ lâm thời Bảo tồn và Phát huy các giá trị của Thực hành tín ngưỡng thờ mẫu Tam phủ của người Việt do Nghệ nhân ưu tú Lương Thị Nguyên - Phó Giám đốc Trung tâm làm Chủ nhiệm Câu lạc bộ; Tổ chức 01 buổi thực hành giao lưu và trao quà thiện nguyện tại Điện Liên Hoa do đồng thầy Đoàn Văn Bắc là thành viên của Trung tâm chủ trì với sự có mặt của lãnh đạo Trung tâm, Đại diện lãnh đạo Đảng ủy, HĐND, UBND địa phương; Phối hợp với UBND huyện Thanh Chương tiền hành khảo sát các di tích thờ Mẫu trên địa bàn huyện…
Năm 2023, Trung tâm đã xây dựng và hình thành được logo nhận diện mới; xây dựng được 01 trang page của Trung tâm; tổ chức nhiều bài viết về hoạt động của Trung tâm và các hoạt động của Câu lạc bộ; xây dựng các clip quảng bá các di sản văn hóa trên các phương tiện truyền thông, trong đó cử chuyên viên tham gia hoạt động đưa tin, bài nghiên cứu xuất bản trên Chuyên trang Phương Nam của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.
Công tác xây dựng cơ sở vật chất, Trung tâm đã ra mắt văn phòng giao dịch mới, mua sắm các dụng cụ như bàn ghế, máy in, máy tính... Văn phòng rộng rãi, khá khang trang, có đầy đủ các phòng chức năng có thể đáp ứng các yêu cầu của công việc phục vụ cho các hoạt động của Trung tâm.
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Danh Hòa - Giám đốc Trung tâm đã đánh giá cao các hoạt động của đơn vị trong thời gian qua. Tuy nhiên, để thực hiện tốt các yêu cầu của Viện đề ra, năm 2024, Trung tâm cần bám sát một số nhiệm vụ như: Tiếp tục hoàn thành và ký kết các Hợp đồng về nghiên cứu lịch sử, văn hóa địa phương, ban ngành đoàn thể, phấn đấu trong năm 2024 hoàn thành 4 công trình nghiên cứu. Kiện toàn và Đại hội để ra mắt Câu lạc bộ chính thức trong tháng 3/2024. Mở rộng, thu hút thêm các thành viên, tập hợp tốt các thanh đồng, những người có tâm huyết trong hoạt động thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ. Kiện toàn và ra mắt Hội đồng Khoa học của Trung tâm. Phối hợp với các tổ chức, Sở ngành để tổ chức các chương trình Liên hoan Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt ở các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa và Quảng Bình. Tổ chức khảo sát, đánh giá, định hướng cho một số địa phương về Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ và các di tích lịch sử như đền, đình, chùa, miếu... Phối hợp với Nhà xuất bản Dân trí để ra sách Chân dung các nghệ nhân tiêu biểu. Trong đó giới thiệu các nghệ nhân, thanh đồng xuất sắc trong hoạt động tín ngưỡng thờ Mẫu để giới thiệu, quảng bá. Tổ chức tập huấn, đào tạo các hoạt động phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của Trung tâm.
Tại buổi lễ, các đại biểu đã phát biểu, đề ra các giải pháp để đưa Trung tâm ngày càng phát triển hơn. Trong đó nhấn mạnh Ban lãnh đạo của Trung tâm cần phát huy hết năng lực, trình độ, các mối quan hệ; cùng nhau bàn, đề ra các chương trình cụ thể, thống nhất, đoàn kết trong các hoạt động. Phát huy tính sáng tạo của từng thành viên, huy động tối đa các nguồn lực trong và ngoài Trung tâm để hoàn thành các mục tiêu đã đề ra.
Phối hợp với các tổ chức, Sở ngành để tổ chức các chương trình Liên hoan Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa và Quảng Bình. Đối với các hoạt động cần có chương trình, kế hoạch chi tiết cụ thể, giao trách nhiệm cho từng thành viên, có giám sát, đánh giá, sơ tổng kết từng nội dung. Đối với tập thể cán bộ, nhà nghiên cứu, nhân viên… thực hiện nghiêm Nội quy hoạt động đã được ban hành...
Chương Thành