Đền thờ Liệt sỹ Vĩnh Tường “Địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cách mạng, khơi dậy lòng yêu nước, ý thức tự tôn dân tộc cho thế hệ trẻ
Được tọa lạc ở vị trí đắc địa (trung tâm huyện) với tổng diện tích gần 5ha, đền liệt sỹ huyện Vĩnh Tường là một công trình tâm linh đặc biệt, phụng thờ các bậc tiền nhân có công với nước, 393 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, 3.668 anh hùng liệt sỹ của huyện Vĩnh Tường đã anh dũng hy sinh cho nền độc lập của dân tộc. Các hạng mục của ngôi đền như: Đền chính; Lầu thông linh; Nhà Tả vu, Hữu vu; Nghi môn; Hồ sen; Sân vườn và các công trình phụ trợ được thiết kế theo mô thức văn hóa truyền thống đồng bằng Bắc bộ tạo nên vẻ đẹp thâm nghiêm, cổ kính.
Nội thất được bài trí đảm bảo đăng đối, thứ tự, lớp lang với các bức đại tự, hoành phi, câu đối, văn bia, án gian, cửa võng, lư hương, bát bửu, chuông, trống,... Trong từng chi tiết kết cấu công trình, từng hoa văn, họa tiết, trang trí mỹ thuật, mỗi câu từ đều được chú trọng ở mức cao nhất, nhằm đảm bảo tính bền vững, thẩm mỹ, biểu hiện sinh động, sâu sắc triết lý âm dương ngũ hành. 2 văn bia: “Truyền thống vẻ vang” và “Tương lai rộng mở” do Giáo sư, Anh hùng Lao động Vũ Khiêu soạn lời tựa như “cuốn Biên niên sử” của Vĩnh Tường truyền tải được thông điệp về các giá trị lịch sử văn hóa, cốt cách của vùng đất, con người đất Phủ Vĩnh Tường “sùng văn, trọng võ”, “lớp cha trước, lớp con sau” luôn có những đóng góp vẻ vang vào tiến trình lịch sử dựng nước và giữ nước hào hùng của dân tộc.
Hạng mục Tả, Hữu vu chính là điểm nhấn quan trọng, góp phần tôn cảnh sắc không gian ngôi đền được sử dụng làm phòng trưng bày kỷ vật chiến tranh, nhà truyền thống huyện, phòng chiếu phim tư liệu. Có hàng nghìn kỷ vật chiến tranh do thân nhân các anh hùng liệt sỹ, các thương, bệnh binh, các cựu chiến binh hiến tặng được trưng bày, bài trí, sắp xếp công phu và bảo vệ nghiêm cẩn. Tất cả được hòa quyện với nhau trong một chỉnh thể thống nhất, hài hoà, lớp lang, tạo cho không gian đền liệt sỹ huyện Vĩnh Tường không chỉ là một công trình văn hóa tâm linh, mà còn trở thành “Địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cách mạng, khơi dậy lòng yêu nước, ý thức tự tôn dân tộc cho thế hệ trẻ.
Đã thành truyền thống, hằng năm, cứ vào ngày Thương binh Liệt sỹ 27/7, ngày thành lập Đảng cộng sản Việt Nam 3/2, các dịp lễ, tết, Đảng bộ - Chính quyền - Mặt trận Tổ quốc, thân nhân các anh hùng liệt sỹ, các tầng lớp nhân dân lại đến không gian linh thiêng của đền Liệt sỹ Vĩnh Tường để thành kính dâng hoa, dâng hương bày tỏ sự tri ân, tôn kính và lòng biết ơn sâu sắc đến các anh hùng liệt sỹ đã hy sinh cho nền độc lập của dân tộc.
Vào các ngày thứ Bảy, Chủ nhật hằng tuần, đền Liệt sỹ Vĩnh Tường bình quân đón khoảng 300 đến 500 học sinh, giáo viên đến tham quan, chiêm bái, học tiết học Ngoài giờ lên lớp, Giáo dục Lịch sử địa phương. Tiết học Giáo dục Lịch sử địa phương tại không gian đền Liệt sỹ Vĩnh Tường thật sự trở nên sinh động khi các em được tận mắt thấy danh sách 3.668 người con ưu tú của Vĩnh Tường đã hy sinh anh dũng để bảo vệ nền độc lập của dân tộc được ghi danh trên bia đá; được ngắm nhìn những kỷ vật chiến tranh của các anh hùng, liệt sỹ; được xem Phim tư liệu “Sống anh hùng” do Hãng phim truyền hình Việt Nam sản xuất năm 2017 lấy cảm hứng từ bức Hoành phi trước đền Liệt sỹ huyện Vĩnh Tường;… Đây thật sự là những tiết học giá trị, ý nghĩa, sâu lắng, thiết thực, sinh động nhằm khơi dậy lòng yêu nước, ý thức tự tôn dân tộc cho thế hệ trẻ. Sau buổi học ngoại khóa, một số trường còn tích hợp vào những cuộc thi để học sinh tham gia sáng tác những tác phẩm tranh, truyện ngắn viết cảm nghĩ về những người đã hy sinh để bảo vệ Tổ quốc.
Em Văn Khánh Thư, học sinh lớp 5A, Trường TH thị trấn Tứ Trưng cho biết: Được tham quan, dâng hương và tìm hiểu đền Liệt sĩ của huyện, chúng em đã được bổ sung nhiều kiến thức về truyền thống lịch sử cách mạng của địa phương, biết ơn trân trọng những hy sinh to lớn của các anh hùng liệt sĩ cho quê hương, đất nước.
Chiến tranh đã lùi xa, nhưng những kỷ vật chiến tranh cùng hệ thống các hạng mục công trình của đền Liệt sỹ Vĩnh Tường thật sự là “Địa chỉ đỏ” giáo dục thế hệ trẻ luôn nhớ về trang sử hào hùng của ông cha; từ đó khơi dậy lòng yêu nước, ý thức tự tôn dân tộc, giúp các em có ý thức vươn lên trong học tập; góp phần xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp./.
Phí Văn Liệu (Trưởng Phòng VH&TT huyện Vĩnh Tường)