- Nói như bà thì nói làm gì. Công việc đang làm ăn dang dở với đối tác, mình bỏ coi như “xôi hỏng bỏng không”. Mà bà nhớ, tháng này còn phải về giỗ mẹ ở quê nữa đấy. Mình là con trưởng không thể không về. Ôi, tôi điên đầu quá!
Đang chành chọe với vợ, ngoài cửa lại có người bấm chuông. Bực mình, gã chạy ra thì bà Lam Tổ trưởng dân phố đã đứng ngoài cổng nói oang oang.
- Tổ phát phiếu đi chợ cho nhà mình đây. Còn nữa, phiếu đăng ký tiêm chủng vaccine, bác xem nhà mình có ai tiêm, đăng ký sáng mai nộp lại cho tôi nhé!
Bà Tổ trưởng đi rồi, gã lẩm bẩm:
- Rách việc. Phiếu đi đường, phiếu đi chợ rồi nay mai còn phiếu gì nữa đây!
Vừa bước chân vào nhà, điện thoại trong túi réo vang. Từ đầu dây bên kia thằng Nam, bạn học thời phổ thông giọng lè nhè:
- Có gì mới không?
- Mới mẻ gì. Hôm qua mấy cha hay đánh tổ tôm hẹn tụ tập nhưng không đi được, bởi mụ vợ tao giám sát chặt quá. Bà ấy còn bảo: “Ông ra đường vào thời điểm này,có nhiều chốt chặn, không có giấy phép họ phạt hai củ, lúc đó đừng trách tôi không cảnh báo”.
- Bà ấy nói đúng đấy, hạn chế ra đường đi mày ạ! Thằng Thơ ở Sài Gòn ra, nghe nói dính F0 phải nhập viện rồi. Thôi gác lại mọi việc phòng thủ tại nhà cho an toàn. Mày còn sướng hơn tao, vợ chồng mỗi đứa một phòng, tự do thoái mái. Còn tao, vợ chẳng buông thalấy một giây. Đêm ngủ, cô ta còn buôn chuyện với mấy cô bạn bị dính F0, F1, rồi ngáy như sấm, chịu hết nổi.
Vừa bỏ chiếc điện thoại vào túi quần bước vào phòng khách, vợ gã đã la lối:
- Ông có vào ăn sáng cho tôi còn dọn.
Vẫn là bát mì tôm, đập thêm quả trứng, món ăn sáng cứ diễn đều ngày nào cũng như ngày nào.
- Lại mì tôm, ngán quá rồi. – Gã lẩm bẩm.
- Ăn tạm đi, đang mùa dịch. Rồi đến lúc mì tôm cũngkhông có mà ăn đâu. Ông nghĩ mấy triệu đồng lương hưu còm của ông đủ chi tiêu cho sinh hoạt chắc? Tiền điện, rồi tiền ăn, tiền đóng góp cho phường chống dịch, trăm thứ bà dằn. Chưa kể thực phẩm khan hiếm đắt đỏ. Điều này ông phải hiểu hơn tôi chứ?
Mặc cho mụ vợ lắm mồm lải nhải, gã lặng lẽ bước đi ném lại phía sau cái nhìn khó chịu. Vào phòng, gã mở tủ lạnh lấy chai cà phê pha sẵn rót nửa ly thủy tinh, cho thêm ít sữa và hai viên đá rồi khuấy đều. Xưa nay gãquen xài cà phê đen đá nhưng hôm qua cô con gái về mua biếu hai bịch sữa, nói mùa dịch bố dùng thêm sữa cho có dưỡng chất, nên gã mới phá lệ.
Đặt ly cà phê trên bàn, gã thả lỏng người trên chiếc ghế tựa, châm lửa điếu thuốc xì gà, rít một hơi rồi thong thả nhả khói. Gã mơ màng nhớ về cái ngày được cơ quan Bộ biệt phái về Tây Nam Bộ mở văn phòng đại diện báo Tiếng Dân. Rồi duyên phận đưa đẩy thế nào, trong một lần họp báo gã đã gặp rồi yêu mê mệt một cô phóng viên báo đảng bộ Tỉnh. Hai người nguyện kết tóc xe duyên yêu nhau đến đầu bạc răng long. Nhưng đùng một cái, cơ quan bất ngờ điều chuyển gã về Hà Nội nhận nhiệm vụ mới. Lúc này chiến tranh phá hoại của Mỹ diễn ra ác liệt, hai người mất liên lạc với nhau từ đó.
Nghe đâu sau khi sinh hạ cậu con trai, giọt máu gã để lại trong bụng nàng, vì không chịu nổi miệng lưỡi thiên hạ nàng đã mang con trốn đi đâu biệt tích. Cho đến bây giờ, mỗi khi nghĩ lại, gã cảm thấy ân hận trách mình lúc đó đã vô tâm không dốc sức đi tìm nàng.
Đang mơ màng thì thằng Phong làm ở ngân hàng, có quan hệ làm ăn với gã nhiều năm nay, nhắn tin hẹn gặp: “Tao đây, mình gặp nhau đi, ở khu bờ đê gần nhà tao có quán karaoke mở chui, mày rủ cái Loan còn tao gọi bồ nhí đến đó xả stress, ở nhà mãi phát điên mất”.
Làm sao bây giờ? Nếu bỏ đi vợ gã biết sẽ xé xác, mà không khéo còn bị chốt kiểm dịch tóm được thì ê mặt. Nhưng nếu chối từ, sau này còn mặt mũi nào nhìn hắn.Vậy nên gã vẫn liều đi. Gã nối máy gọi cho cô bạn gái hẹn đón ở gần bờ sông. Được cái nàng đang cuồng chân, nghe gã gọi sướng rơn mà đồng ý ngay. Mặc vội chiếc quần sooc, khoác cái áo cộc tay, nhét ít tiền vào túi quần. Mùa dịch, nhà gã hầu như ngày nào cũng cửa đóng then cài nên gã phải nhẹ nhàng từng bước xuống mở cửa, dắt xe máy ra ngoài.
Thật hú vía, vợ gã đang ôm cháu ngủ trong buồng nên không hề hay biết. Khóa cửa xong cũng là lúc trời lất phất mưa, gã lên xe phóng đi trong màn đêm tối đặc.
Vừa đi gã vừa lo ngộ nhỡ qua chốt kiểm dịch họ tra vấn đêm hôm còn mò đi đâu thì khốn. Trong người lại không có giấy tờ ngoài chiếc thẻ nhà báo đã hết hạn.
Đang mơ màng nghĩ đến phút giây hạnh phúc bên nàng bỗng gã giật bắn mình, phía trước mặt một chốt kiểm dịch biển hiệu đỏ chói chặn giữa đường. Phải tháo lui ngay. Nghĩ rồi gã quay ngoắt đầu xe vù ga tháo chạy. Đi được vài trăm mét, gã mới dám ngoái đầu nhìn lại. Rất may, không có chú công an nào rượt đuổi. Gã thở phào nhẹ nhõm, phóng thẳng vào một con ngõ nhỏ chạy tắt ra bờ đê.
Đến điểm hẹn đã thấy nàng đứng đó tự bao giờ, hờn dỗi trách móc:
- Anh đi đâu giờ mới đến, làm em lo đến thót tim. Thôi nào, “có gan ăn muống có gan lội hồ”, mình đi thôi anh. Nàng lên xe, ôm chặt lưng gã cười khúc khích.Đang phóng xe, gã chột dạ khi nghe chuông điện thoại đổ dồn. Thôi chết, gã nghĩ mụ vợ gọi, nhưng khi nhấc máy hóa ra là thằng Toàn, người cùng phố:
- Có gì mới không?
- Có đấy, nói sau nhé! - Nói rồi gã vội vã cúp máy.
Tối hôm đó, gã cùng Phong ôm ấp bạn gái ngồi hát karaoke, rượu bia vui vẻ cho tới tận khuya mới về nhà. Rất may, gã lọt vào nhà an toàn mà vợ không hề hay biết. Gã hân hoan cho rằng mình vừa lập được mộtchiến công vĩ đại, một mình trót lọt vượt qua vòng phong tỏa của các chốt kiểm dịch. Chẳng khác gì một trinh sát viên vượt qua vòng kiểm soát của địch trong thời kháng chiến.
Mười ngày trôi qua, sáng nay đang ngồi nhâm nhi tách cà phê ngoài ban công, gã thấy toàn thân đau nhức, miệng húng hắng ho, nước mũi chảy, ngột ngạt khó thở. Thấy trong người có dấu hiệu bất thường, gã vào tủ lấy nhiệt kế đo, sốt trên 38 độ. Vị cà phê thơm ngongiờ khứu giác gã cũng không nhận biết được hương vị. Buổi trưa hôm đó gã đau bụng dữ dội, liên tục bị Tào Tháo đuổi. Mở google ra tra, gã hoảng hồn nghi mình nhiễm Covid - 19. Đúng là trời phạt, giờ tốt nhất khai thật với vợ để mụ báo cho y tế phường.
Càng nghĩ, gã càng hoảng sợ. Nghe nói người nhiễm căn bệnh này nếu chưa tiêm chủng và có bệnh nền thìcoi như cầm chắc cái chết. Nhưng sống chết do số mệnh, gã không lo, chỉ lo nhất là phải đối diện với cơn thịnh nộ của mụ vợ và ánh mắt khinh thường của haicô con gái. Giá như gã nghiêm túc thực hiện giãn cách xã hội như bao người dân khác thì đâu đến nỗi phải lãnh cái kết đắng như thế này.
-------
Trong tập truyện "Bão đời" của Phạm Công Thắng, NXB Văn học, 2024.
Truyện ngắn của Phạm Công Thắng
Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/huyen-binh-chanh-tp-hcm-xa-vinh-loc-b-tong-ket-cong-tac-hoat-dong-nam-2023-a23150.html