Vĩnh Phúc: Vĩnh Tường đón nhận thêm một Di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia

Thị trấn Tứ Trưng (huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc) ngày nay được nhiều người biết đến với cái tên vừa truyền thống, vừa thân mật - Kẻ Rưng. Ở đây không chỉ có lễ hội Rưng đặc sắc, nổi tiếng cả một vùng mà còn có 1 di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật tiêu biểu vừa được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng là di tích Quốc gia.

Di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật đền Đức Ông thuộc thị trấn Tứ Trưng, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc vừa được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng là di tích quốc gia theo Quyết định số 4246/QĐ-BVHTTDL ngày 29/12/2023 về việc xếp hạng Di tích Quốc gia, góp phần nâng tổng số di tích Quốc gia của huyện Vĩnh Tường là 21 di tích (trong đó có 01 di tích Quốc gia đặc biệt - đình Thổ Tang).

image001-1707215077.jpg
Không gian Tiền tế đền Đức Ông - thị trấn Tứ Trưng

Theo Ngọc phả viết vào các năm: Đức Long nhị niên (1630), Vĩnh Hựu nguyên niên (1730) được phụng sao năm Tự Đức tam thập tứ niên thập nhị nguyệt sơ thất nhật (năm Tự Đức thứ 34, ngày 7/12/1880), đền Đức Ông thờ Đông Kinh Phán quan Đại vương, húy là Nguyễn Văn Nhượng (tên vị Đức Ông) có công lao đánh giặc Ai Lao, gìn giữ biên cương và thờ vọng Công chúa của nước Chiêm Thành.

Đến nay, di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật đền Đức Ông còn lưu giữ được nhiều yếu tố kiến trúc gốc thời Lê, nhất là nghệ thuật chạm khắc trên gỗ. Nghệ thuật chạm trổ ở đây được thể hiện sinh động trên hầu hết các cấu kiện gỗ từ ngoài cửa vào bên trong hậu cung như: Ván nong, cốn mê, cốn nách, đầu bẩy, đầu dư, họng cột, con sơn, các vì kiến trúc, cửa võng,… đều được đục bong, chạm thủng hay chạm nổi đề tài rồng phượng, kim nghê (đồ án trang trí hình rồng chiếm số lượng lớn, được miêu tả ở nhiều góc độ khác nhau), vân mây, hoa lá, chim muông…vừa phong phú, sinh động lại vừa tinh tế, đặc sắc. Tiêu biểu nhất là chạm trổ ở ba vì kiến trúc và cửa khám thờ hậu cung.

image003-1707215077.jpg
Chạm khắc Vì nóc đền Đức Ông

Đề tài chủ yếu, phổ biến nhất trong nghệ thuật chạm trổ của đền Đức Ông chủ yếu là rồng. Lối tư duy phong phú kết hợp với trình độ nghệ thuật chạm khắc trên gỗ điêu luyện, các nghệ nhân dân gian đã tạo tác, miêu tả hình rồng ở nhiều góc độ khác nhau:  Lúc chỉ là hình đầu rồng nổi khối, có khi cả thân mình nhìn nghiêng, lúc thể hiện dạng uốn khúc, lúc được đặc tả khá to với cả một con rồng lớn với từng chi tiết, lúc là toàn cảnh nhiều con đại hội, lúc trông dữ tợn nghiêm trang, lúc trông ngộ nghĩnh vui tươi,....

Các tác phẩm chạm khắc trên gỗ ở đền Đức Ông đã phản ánh những thành công nổi bật, trình độ cao về nghệ thuật chạm khắc, trang trí dân gian trên gỗ thời Hậu Lê. Đồng thời, phản ánh lên những ước vọng về một cuộc sống thanh bình, no đủ của nhân dân ta thời kỳ Lê Trung hưng; mặt khác thể hiện tinh thần tín ngưỡng về đạo Lão, đạo Phật, đạo Nho được nhân dân ta vận dụng một cách hài hòa, đan xen nhau phục vụ đời sống tinh thần trong cộng đồng dân cư làng xã.

Việc đền Đức Ông được xếp hạng di tích Quốc gia cùng với Lễ hội Rưng được tổ chức hằng năm trong không gian linh thiêng của đền vào ngày mùng sáu tháng Giêng sẽ tạo nên sức sống mãnh liệt cho văn hóa làng xã cổ truyền trước sự phong hóa và sàng lọc nghiệt ngã của thời gian để trường tồn cùng thời gian.

Phí Văn Liệu (Trưởng Phòng VH&TT Vĩnh Tường)

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/vinh-phuc-vinh-tuong-don-nhan-them-mot-di-tich-lich-su-kien-truc-nghe-thuat-cap-quoc-gia-a23179.html