Kỳ 17
III. CỘNG ĐỒNG PHÁP NGỮ VÀ CÁC NƯỚC ĐANG PHÁT TRIỂN
1. Sơ lược lịch sử hình thành cộng đồng Pháp ngữ
Do nhiều nhân tố đặc thù như chế độ tư hữu tư liệu sản xuất sớm phát triển mạnh, chế độ quân chủ chuyên chế yếu, nên chủ nghĩa tư bản Tây Âu ra đời sớm trong lòng xã hội phong kiến ngay từ thế kỷ XI. Từ đó chủ nghĩa tư bản ngày càng lớn mạnh, phát triển, tạo nên những tiền đề kinh tế, xã hội, tư tưởng cho những cuộc cách mạng tư sản ở các nước này. Trong suốt các thế kỷ XVI, XVII, XVIII, các cuộc cách mạng tư sản Tây Âu bùng nổ, lật đổ chế độ phong kiến, như cách mạng tư sản Hà Lan 1506-1609, cách mạng tư sản Anh 1640-1698, cách mạng tư sản Pháp 1789-1794…. đã lật nhào chế độ phong kiến, đưa giai cấp tư sản lên cầm quyền, thiết lập hình thái kinh tế xã hội tư sản, thay thế cho xã hội phong kiến. Chủ nghĩa tư bản được xác lập ở Tây Âu và Mỹ trở thành hệ thống kinh tế - chính trị thế giới vào cuối thế kỷ XIX.
Mục đích cuối cùng và cao nhất của nền kinh tế tư bản là lợi nhuận. Nền kinh tế đó gắn liền với việc mở rộng xâm chiếm thị trường thuộc địa để vơ vét nguyên liệu, nhân công rẻ mạt, tiêu thụ hàng hóa cho chính quốc và xuất khẩu tư bản để vơ vét lợi nhuận. Vì vậy, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của chủ nghĩa tư bản thời kỳ cận đại, các nước tư bản Tây Âu đã liên tục đẩy mạnh ráo riết việc xâm lược thuộc địa ở Châu Á, châu Mỹ và châu Phi. Xâm lược thuộc địa trở thành một chính sách đối ngoại quan trọng bậc nhất của các nhà nước tư bản. Chính sách xâm lược thuộc địa được tiến hành trong thời kỳ chủ nghĩa tư bản tự do cạnh tranh và được được đẩy mạnh trong thời kỳ đế quốc chủ nghĩa cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX.
Các nước tư bản Hà Lan, Anh, Pháp, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha… là những nước đi tiên phong trong việc xâm lược thuộc địa, mở rộng thị trường. Cuối thế kỷ XVIII, Anh là nước đi đầu trong cách mạng khoa học công nghệ lần thứ nhất, đi đầu trong công nghiệp hóa tư bản chủ nghĩa, chuyển lao động chân tay, thủ công sang lao động máy móc, đưa văn minh nông nghiệp sang nền văn minh công nghiệp. Cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật lần thứ nhất tạo nên sự chuyển biến lớn lao về mọi mặt như: Ra đời các ngành công nghiệp nhẹ, các ngành công nghiệp nặng-cơ khí máy móc, ra đời những ngành giao thông vận tải mới như đường sắt, tàu biển. Lịch sử tàu thuyền trên các đại dương bắt đầu từ thuyền buồm chạy bằng sức gió thời Côlômbô thế kỷ XV. Đến cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật lần thứ nhất, ra đời thuyền chạy bằng sức đẩy của máy hơi nước Jêm-Oắt. Nhưng phải đến thế kỷ XIX với sự ra đời của động cơ đốt trong Điezen, tàu sắt chạy bằng sức đẩy mạnh mẽ của chân vịt mới ra đời. Tàu chạy chân vịt là một cuộc cách mạng to lớn về hành trình trên biển, phục vụ cho vận tải, tạo điều kiện cho các nước tư bản Tây Âu vượt đại dương đi đến những xứ sở xa xôi để buôn bán và xâm lược.
Nhờ ưu thế kỹ thuật hàng hải mà Anh đã thay thế Hà Lan làm bá chủ mặt biển từ thời đầu cận đại, đẩy mạnh và mở rộng xâm lược thuộc địa. Nhờ vậy, Anh đã trở thành cường quốc số 1 về thuộc địa. Tới năm 1914 (trước đại chiến thế giới lần thứ nhất) Anh chiếm được 33 triệu km2 với dân số thuộc địa 500 triệu người. Người Anh tự hào với thực tế “Mặt trời không bao giờ lặn trên đế quốc Anh”.
Cách mạng công nghiệp từ Anh lan sang Pháp và lục địa châu Âu. Pháp bước vào công nghiệp hóa tư bản chủ nghĩa đầu thế kỷ XIX. Nhờ đó, Pháp trở thành cường quốc số 2 về kinh tế và cũng là cường quốc số 2 về xâm lược thuộc địa, chỉ sau Anh. Pháp có 10 triệu km2 thuộc địa so với 60 triệu cư dân, tính đến trước chiến tranh thế giới thứ nhất (1914-1918). Thuộc địa của Pháp có cả ở Châu Âu, nhưng chủ yếu là ở châu Á và châu Phi.
Ở các nước thuộc địa, các nước tư bản đã thiết lập bộ máy chính quyền cai trị về chính trị, áp bức về tinh thần, bóc lột về kinh tế và hiển nhiên một chính sách cổ truyền cơ bản của chủ nghĩa thực dân là đồng hóa về văn hóa các dân tộc bị xâm lược và thống trị. Thực dân Pháp đã du nhập văn hóa Pháp vào các nước thuộc địa Pháp, trong đó có ngôn ngữ Pháp. Tiếng Pháp trở thành ngôn ngữ chính thức của các nước thuộc địa. Những người khai sáng ra hệ thống thuộc địa Pháp không bao giờ nghĩ tới khách quan là họ đã tạo tiền đề cho sự ra đời của cộng đồng Pháp ngữ trong thời kỳ hiện đại.
Trong hệ thống thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc, nhân dân châu Á, châu Phi liên tục nổi dậy đấu tranh giải phóng dân tộc ngay từ khi các cường quốc phương Tây mới sang xâm lược. Cho đến sau đại chiến thế giới thứ hai (1939-1945), phong trào giải phóng dân tộc ở châu Á, châu Phi phát triển mạnh mẽ chưa từng có với một chất lượng mới. Đi tiên phong là phong trào giải phóng dân tộc ở Đông Nam Á mà nổi bật nhất là ở Việt Nam.
(Còn nữa)
CVL
PGS TS Cao Văn Liên
Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/nhung-van-de-lich-su-trung-dong-va-chau-phi-ky-17-a23272.html