Kỳ 19
Tổng thư ký là người đại diện, người phát ngôn chính, chịu trách nhiệm chuẩn bị các hội nghị. Tổng thư ký còn là Chủ tịch chấp hành của Hội đồng thường trực Pháp ngữ.
Cơ quan thứ 5: Tổ chức Pháp ngữ. Đây là cơ quan hợp tác văn hóa, khoa học kỹ thuật, cơ quan thực thi các chính sách của cộng đồng, còn là cơ quan kiến nghị, lập chương trình, phân bố ngân sách cho các dự án, tổ chức các Hội nghị cấp Bộ trưởng về các vấn đề chuyên ngành hợp tác giữa các nước thành viên.
Cơ quan thứ 6: Các hội nghị cấp Bộ trưởng chuyên ngành. Hội nghị có nhiệm vụ xúc tiến hợp tác một ngành cụ thể giữa các nước thành viên. Ví dụ Hội nghị các Bộ trưởng văn hóa, Hội nghị các Bộ trưởng giáo dục… triển khai thực hiện các chương trình, các dự án do Hội nghị cấp cao quyết định, đề ra phương hướng hợp tác cụ thể giữa các nước thành viên, điều phối các lĩnh vực hoạt động đó trên bình diện quốc tế.
Cơ quan 7: Các tổ chức trực thuộc quan trọng khác. Đây là các tổ chức phi chính phủ, hoạt động trong khuôn khổ CDFN (như Hiệp hội các trường đại học sử dụng toàn phần hoặc từng phần tiếng Pháp, Liên minh quốc tế các nghị sĩ nói tiếng Pháp. v.v…)
3. Cộng đồng Pháp ngữ và các nước đang phát triển
Nhìn bản đồ địa – kinh tế của Cộng đồng Pháp ngữ chúng ta thấy các nước đang phát triển, nghèo chiếm đến 4/5 các nước thành viên, đa số là các nước Châu Á, Châu Phi. Điều đó đặt ra trách nhiệm hết sức nặng nề đối với khối này trong việc hợp tác giúp đỡ nhau phát triển kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật. Ngày nay, các nước Châu Á, Châu Phi nghèo nàn và lạc hậu là do nhiều nguyên nhân lịch sử để lại. Châu Á, Châu phi hàng trăm năm dưới chế độ phong kiến kìm hãm trong vòng lạc hậu, khốn cùng. Sau đó, bị chủ nghĩa thực dân phương Tây xâm lược thống trị, bóc lột tận xương tủy hàng thế kỷ. Riêng Châu Phi những trang lịch sử từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XIX còn đầy máu và nước mắt hơn. Suốt 3 thế kỷ đó, thực dân châu Âu đã bắt 40 triệu người da đen sang Châu Mỹ bán làm nô lệ, gần ấy số người cũng đã thiệt mạng ở quê nhà khi bị thực dân phương Tây săn bắt. Sau khi giành được độc lập, các nước Châu Phi vẫn mất ổn định, những cuộc đảo chính quân sự, những cuộc đấu tranh tranh giành quyền lực, những cuộc xung đột sắc tộc, xung đột tôn giáo đã làm cho lục địa châu Phi kiệt quệ, lại bị căn bệnh thế kỷ HIV hoành hành. Tất cả đã làm cho khu vực này trở thành nơi phát triển chậm nhất hành tình về kinh tế, văn hóa, xã hội.
Trước một thực tế như vậy, Cộng đồng Pháp ngữ cùng các tổ chức quốc tế khác phải làm gì để phát huy nội lực của các nước thành viên kết hợp với sự giúp đỡ có hiệu quả của cộng đồng để các nước đang pháp triển trong cộng đồng nói chung và các nước Châu Phi nói riêng phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa. Đó là một thách thức không chỉ của các nước đang phát triển mà còn là của cả Cộng đồng Pháp ngữ.
(Còn nữa)
CVL
PGS TS Cao Văn Liên
Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/nhung-van-de-lich-su-trung-dong-va-chau-phi-ky-19-a23291.html