Lễ hội Lồng tồng hay Hội Xuống đồng, là một nghi lễ mở đầu cho một mùa sản xuất mới. Lễ hội tại xã Đà Vị thường được tổ chức sau dịp Tết, vào khoảng thời gian từ ngày 7 tháng Giêng kéo dài trong 1 đến 2 ngày, đây lễ hội lớn nhất trong năm tại địa phương này.
Trong lễ hội người ta thường lễ tạ Thành Hoàng, Thần Nông, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, gia súc phát triển, con người khỏe mạnh, bản làng yên vui, mọi người, mọi nhà ấm no, hạnh phúc…
Đây là một sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng dân gian mang bản sắc văn hóa lâu đời.
Mỗi lần lễ hội được tổ chức sẽ mang lại cho đồng bào những giờ phút nghỉ ngơi, thanh thản, mọi người có điều kiện gặp gỡ thăm hỏi, chúc tụng nhau. Đồng thời đây cũng là dịp giao lưu tình cảm giữa các cô gái, chàng trai bằng những lời ca, tiếng hát…
Trước giờ khai hội Ban tổ chức rước mâm lễ từ Đền Vằng Sâu về chính lễ.
Sau tiếng trống khai hội nhiều du khách lần đầu được tận mắt chứng kiến nghi lễ cầu mùa của dân tộc Tày, lễ cầu phúc của dân tộc Dao.
Nghi lễ tạ ơn trời đất tại Lễ hội Lồng tồng
Những mâm cỗ tế lễ được người dân trong vùng chuẩn công phu, kỹ lưỡng với lòng thành kính, biết ơn các vị thần rừng, thần núi, thần trời và thần đất.
Đây không chỉ thể hiện nét đặc sắc trong truyền thống của bà con dân tộc mà còn thể hiện ý nghĩa tâm linh sâu sắc trong đời sống văn hoá của họ.
Náo nhiệt nhất và thu hút đông người tham gia nhất trong Lễ hội Lồng tồng có lẽ là trò chơi dân gian ném còn. Ngay giữa sân lễ hội, Ban Tổ chức đã chọn và đặt sẵn một cây tre cao khoảng 12 sải tay, tượng trưng cho 12 tháng trong một năm. Phần ngọn của cây tre được uốn thành một vòng tròn rồi dùng giấy hồng dán kín.
Quả còn được làm bằng 4 mảnh vải mầu ghép lại thành từng múi, được xếp thành 4 góc thể hiện 4 phương hội tụBên trong quả còn, người ta thường nhồi thóc, hạt vừng, hạt cải, hạt bông. Những loại hạt này thể hiện khát vọng sinh sôi nảy nở, thóc nuôi sống con người, còn bông cho sợi vải. Xung quanh quả còn được may thêm các tua vải nhiều màu sắc trang trí và giúp định hướng quả còn khi bay.
Cày tịch điền đầu năm mới là nghi lễ không thể thiếu trong lễ hội Lồng tồng.
Trò chơi ném còn xuất phát từ quan niệm, khi quả còn được tung lên hay ném đi, mang ý nghĩa tượng trưng cho mọi việc xui rủi, ốm đau, bệnh tật sẽ được rũ sạch, thay vào đó là sự ấm no, hạnh phúc.
Nếu ném trúng vòng tròn và xuyên thủng làm rơi giấy là âm, dương giao hoà, cuộc sống sẽ sinh sôi, mùa màng sẽ bội thu.
Một nghi lễ thu hút người tham dự Lễ hội Lồng tồng là Lễ tịch điền. Ban Tổ chức thường chọn một thửa ruộng nhỏ tượng trưng gần khu vực lễ hội, do Chủ tịch UBND xã và một con trâu khỏe để thực hiện đường cày đầu tiên mở màn cho mùa vụ mới, tiếng vỗ tay, reo hò cổ vũ của đông đảo người dân và du khách.
Cùng thời điểm này, tại sân Lễ hội, không khí cũng náo nhiệt với các trò chơi dân gian như: Tung còn,đẩy gậy, kéo co, đi cà kheo…Chấm thi mâm cỗ là trò chơi mang đậm ý nghĩa của tín ngưỡng nông nghiệp.
Trò chơi dân gian tại lễ hội Tồng tồng
Hội xuống đồng của người Tày, xã Đà Vị là lễ hội cầu mùa điển hình. Cả phần lễ lẫn phần hội đều phản ánh ước nguyện của dân làng là mong ước được mùa, người người khoẻ mạnh. Đậm nét có thể thấy đó là tín ngưỡng bao quanh các yếu tố ảnh hưởng đến nông nghiệp như: Sinh sản, nước, mặt trời, cây lúa cây ngô…
Với sự phong phú cả về phần lễ và phần hội, có thể nói Lễ hội Lồng tồng xã Đà Vị không chỉ phản ánh đời sống tâm linh, mà còn tái hiện một cách hết sức sinh động cuộc sống thường nhật của dân tộc Tày nơi đây.
Mỗi khi lễ hội được tổ chức là lúc đồng bào được nghỉ ngơi, đoàn tụ gia đình, gạt bỏ đi các điều ác để hướng tới cái thiện, làm tan đi những nỗi ưu tư, phiền muộn, lo lắng trong cuộc sống hằng ngày, để có sự thanh thản.
Đồng thời, đây cũng là dịp để người già nhắc nhở, răn dạy con cháu biết ơn và tôn kính các vị thánh hiền, tiền nhân có công khai phá, xây dựng bảo vệ bản làng, quê hương ấm no hạnh phúc.
Thái Sơn
Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/tuyen-quang-dac-sac-le-hoi-long-tong-xa-da-vi-na-hang-a23320.html