Hà Nội: Lý Nam Đế trong tâm thức người dân Giang Xá

Ngày 12 tháng Giêng năm 2024 tại làng Giang Xá, dân làng và chính quyền huyện Hoài Đức, TP Hà Nội tổ chức trọng lễ kỷ niệm 1480 năm (544 – 2024) ngày Lý Bí thành lập nước Vạn Xuân và lên ngôi hoàng đế, trở thành vị Nam đế đầu tiên trong lịch sử dân tộc sánh ngang cùng Bắc đế.

dinh-lang-giang-xa-noi-tho-ly-nam-de-1708492123.jpg

Đình Giang Xá .

Đây là lễ hội lần đầu tiên được tổ chức quy mô cấp huyện nhằm ghi nhớ công ơn và tri ân vị anh hùng dân tộc, một người con ưu tú của “quê hương” Hoài Đức, người đã có công mở ra một thời kỳ mới trong lịch sử dân tộc, đặt nền móng và nâng tầm phát triển hưng thịnh của Phật giáo lên tầm quốc giáo làm tiền đề cho sự phát triển của thời đại Lý – Trần trên đất Thăng Long trong giai đoạn sau này. Để tưởng nhớ và tri ân công đức của Người trong bài viết này chúng tôi xin tìm hiểu vấn đề tâm thức của người Giang Xá đối với Lý Nam Đế để thấy được sự ngưỡng mộ và tình cảm sâu sắc của nhân dân nơi đây dành cho vị hoàng đế đầu tiên của dân tộc trong suốt gần 15 thế kỷ đã qua.

Lý Nam Đế (còn có tên gọi là Lý Bôn hoặc Lý Bí) là vị anh hùng dân tộc đầu tiên xưng “đế” ở Việt Nam. Ông là người sáng lập ra nhà Tiền Lý và khai sinh ra nhà nước Vạn Xuân vào tháng Giêng năm 544. Theo các nghiên cứu về Lý Nam Đế trong thời gian gần đây, các nhà khoa học đã thống nhất một số nội dung liên quan đến con người và cuộc đời của ông mà trước đây còn một số điều chưa được rõ ràng.

Cụ thể mọi người đều thống nhất ông sinh ngày 12 tháng 9 năm Quý Mùi (tức ngày 17 tháng 10 năm 503) tại thôn Cổ Pháp xã Tiên Phong huyện Phổ Yên tỉnh Thái Nguyên. Thủa thiếu thời ông sống và tu tập, học hành ở chùa Linh Bảo làng Giang Xá thị trấn Trạm Trôi huyện Hoài Đức thành phố Hà Nội. Tại đây ông chiêu binh, luyện quân và vào cuối năm 541 sau khi tế cờ xong ông đã tiến hành khởi nghĩa đánh đuổi quân Lương xâm lược giành độc lập cho đất nước. Lý Nam Đế mất ngày 20 tháng 3 năm Mậu Thìn (tức ngày 13 tháng 4 năm 548) tại động Khuất Lão xã Vạn Xuân (trước là xã Văn Lương) huyện Tam Nông, Phú Thọ. Tuy nhiên ngày giỗ của ông hiện vẫn chưa thống nhất: ở làng Giang Xá (Hoài Đức) giỗ vào ngày mùng 2 tháng Năm, ở Văn Lương (Tam Nông) giỗ vào ngày 20 tháng Ba. Sau khi lên ngôi, làng Giang Xá được Lý Nam Đế phong cho là “Thang Mộc Ấp” (có nghĩa là đất tắm gội) thuộc thượng kinh, đất này của đế vương nên được miễn mọi phu phen, sưu thuế. Và sau khi Lý Nam Đế mất, ngày 12 tháng 10 năm Mậu Thìn anh của Người là Lý Thiên Bảo (tức Đào Lang Vương) sau khi đăng quang kế vị đã ban sắc chỉ “Quốc vương thiên tử tiền Lý Nam Đế thánh vị” cho làng Giang Xá nghinh về để thờ.

Cũng từ đó nhân dân Giang Xá đã tôn tạo ngôi sinh từ thành ngôi đền và lập đình để con cháu muôn đời thờ cúng. Và cũng theo đó ngoài các ngày lễ mùng 1 và rằm hàng tháng, đặc biệt là các ngày 12 tháng Giêng (ngày lên ngôi hoàng đế), ngày mùng 10 tháng Ba (ngày tế cờ hưng binh khởi nghĩa), ngày mùng 2 tháng Năm (ngày giỗ), ngày 12 tháng Chín (ngày sinh) …, nhân dân làng Giang Xá thường tổ chức lễ hội, lễ chính để tưởng nhớ, tri ân công đức của hoàng đế Lý Nam Đế. Có thể nói, trong suốt cuộc đời và sự nghiệp của Người, nhân dân Giang Xá luôn coi Lý Nam Đế là người con ưu tú của quê hương. Bởi mảnh đất này đã gắn bó với suốt những năm tháng niên thiếu của Người, kể từ khi 13 tuổi. Chính trên quê hương Giang Xá này Lý Bí đã được Pháp tổ thiền sư trụ trì chùa Linh Bảo dạy dỗ, nuôi dưỡng và thắp lên những ý chí, khát vọng và tinh thần yêu nước, độc lập dân tộc để thời gian sau vùng đất này cũng chính là đại bản doanh để ông chiêu quân, luyện tập binh sĩ, dựng cờ tế trời đất và tiến hành khởi nghĩa lật đổ sự đô hộ của nhà Lương giành lại độc lộc dân tộc làm nên nhà nước Vạn Xuân.

den-giang-xa-tho-ly-nam-de-1708492123.jpgĐền Giang Xá

Cuộc đời và những chiến công oanh liệt cũng như tư tưởng yêu nước, khát vọng độc lập dân tộc của hoàng đế Lý Bí rất đáng để người đời khâm phục và ngưỡng vọng. Cũng chính vì tình cảm yêu quý và trân trọng đó mà rất nhiều tỉnh, thành như Hà Nội, Thái Nguyên, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Thái Bình … từ xa xưa đã lập đền, dựng đình để thờ phụng Người, ngoài ra chưa kể trên toàn quốc đã có rất nhiều con đường, trường học mang tên vị anh hùng dân tộc Lý Nam Đế. Trong số các địa phương có thờ phụng Lý Nam Đế dường như chúng tôi thấy hiện tại Giang Xá là một trong những làng có nhiều điểm thờ phụng Người nhất. Ở đây có cả một quần thể di tích như đình, đền, chùa thờ tự Lý Nam Đế. Có lẽ không ở làng nào mà Lý Nam Đế lại được nhân dân thờ phụng với cả ba tư cách: ở chùa thờ ông với tư cách là một người con của đức phật, ở đền thờ ông với tư cách là vị anh hùng dân tộc, ở đình với tư cách là vị phúc thần (thành hoàng làng).

Việc thờ phụng Lý Nam Đế này cùng với những hình thức kiêng kỵ trong đời sống, phong tục và các huyền thoại kể về ông ở nơi đây đã cho thấy sự tồn tại của Lý Nam Đế trong tâm thức nhân dân làng Giang Xá được thể hiện ở nhiều vị thế khác nhau và tất cả đều cho thấy một tình cảm sâu sắc, chân thành, tuyệt đối của nhân dân với vị hoàng đế mà mình tôn kính. Những tình cảm tôn thờ, ngưỡng vọng đó giúp cho chúng ta có thể nhận ra tâm thức của người dân nơi đây về vị anh hùng dân tộc trong các truyền thuyết kể về Lý Nam Đế và cuộc khởi nghĩa của ông. Ngày nay giải mã các truyền thuyết đó chúng ta sẽ nhận ra những tâm tình thiết tha của nhân dân qua các thời đại đã gửi gắm vào trong đó.  

Trở lại với truyền thuyết về Lý Nam Đế ở làng Giang Xá chúng tôi thấy mười lăm thế kỉ đã trôi qua với biết bao thăng trầm của lịch sử nhưng kí ức về người anh hùng dường như vẫn còn in đậm và sống mãi trong tâm thức của người dân nơi đây. Theo ký ức của người xưa truyền lại, truyền thuyết về Lí Nam Đế có kể lại rằng : Lý Nam Đế (Lý Bí) là người con độc nhất trong một gia đình họ Lý. Bố của Lý Nam Đế là Lý Toản làm trưởng bộ lạc, mẹ của Lý Nam Đế là bà Lê Thị Oánh. Nhà họ Lý rất hiền lành, phúc đức, nhân hậu nhưng đường con cái lại hiếm muộn. Mãi khi Lý Toản ngoài bốn mươi tuổi, thì vợ mới sinh được một mụn con. Và sự sinh nở này cũng thật thần kì. Đó là một hôm bà Lê Thị Oánh nằm mơ, trong giấc mơ thấy trời đất đang tối tăm bỗng có năm màu và hai con rồng vàng, rồng trắng xuất hiện tranh nhau vầng thái dương. Bỗng nhiên một ngôi sao xuất hiện rơi vào mồm bà.

Theo đó là con rồng vàng chui theo vào bụng bà. Lúc tỉnh dậy bà thấy người mình khang khác và sau đó thì có mang. Sau chín tháng mười ngày - ngày mười hai tháng chín năm Quí Mùi (tức ngày 17 – 10 – 503) bà sinh  hạ được một người con trai. Người con trai này có tướng mạo khôi ngô tuấn tú, khác với người thường. Ba năm sau hai ông bà đặt tên là Bí. Sau năm năm thì ông bố Lý Bí chết và sau bay năm thì người mẹ lại qua đời. Sau khi cha mẹ qua đời Lý Bí sống với người chú. Một hôm vị Pháp  tổ thiền sư trụ trì chùa Linh Bảo (Giang Xá) đi qua và ngắm nhìn dung mạo của Lý Bí. Biết đây không phải người bình thường nên vị pháp tổ bèn xin phép người chú đem Lý Bí về chùa nuôi dưỡng. Khi về ở chùa Linh Bảo, Lý Bí sống dưới sự dạy dỗ của thiền sư, hàng ngày ông miệt mài học hành và tu luyện. Tương truyền Lý Bí có sức khoẻ hơn người.

Một hôm Pháp tổ thiền sư sai cậu bé đi cày, Lý Bí cày miệt mài và rất khoẻ đến nỗi con trâu trắng của chùa không theo kịp và đã lăn ra chết. Đi cày về nhiều khi đói chưa có cơm ăn Lý Bí đã khoét ruột oản để ăn. Một hôm Đức Ông báo mộng cho Pháp tổ thiền sư biết việc Lý Bí ăn vụng. Pháp tổ thiền sư mắng Lý Bí. Lý Bí biết chuyện tức lắm liền nhân lúc rảnh rỗi đã viết ba chữ “đầy trăm dặm” vào sau lưng tượng Đức Ông. Liền sau đó Đức Ông phải bỏ chùa đi lang thang. Đức Ông đã gây ra hoả hoạn ở các làng xung quanh. Dân các làng hoảng hốt sợ hãi, nhờ Pháp tổ thiền sư cầu thỉnh Phật Tổ. Pháp tổ thiền sư cúng lễ và được Phật Tổ báo mộng kể lại sự việc Đức Ông bị đày đi và còn báo rằng sau này Lý Bí sẽ làm vua nên phải dạy dỗ tử tế. Từ đó Pháp tổ thiền sư đã ra sức dạy dỗ Lý Bí cả văn lẫn võ. 

Tương truyền Lý Bí không chỉ khoẻ mạnh và học giỏi, ông còn có nhiều năng lực kì diệu, đặc biệt là khả năng nói chuyện với thần thánh. Trong thời gian Lý Bí theo học tại chùa Linh Bảo, những lúc rỗi rãi không phải học, ông thường đối thoại với long thần của chùa. Một hôm kẻ gian vào chùa ăn trộm áo mũ của nhà sư. Sư tổ trách mắng Lý Bí không cẩn thận. Lý Bí rất hận bèn trách tội long thần không giữ chùa cẩn thận và giáng cấp của long thần. Long thần bị giáng cấp bèn đi lang thang, gây cho nhân dân sống không được yên ổn. Một hôm long thần báo mộng cho lý trưởng trong làng biết chuyện sư bị mất mũ áo và Lý Bí giáng chức mình, ngoài ra long thần báo rằng Lý Bí sau này sẽ làm vua. Hôm sau tỉnh dậy lý trưởng bèn đem giấc mộng đó nói với nhà sư. Nhà sư bèn bảo Lý Bí không giáng chức long thần nữa vì trách tội long thần là động đến nhân dân. Lý Bí bèn giải tội cho long thần. Từ đó dân làng được sống yên ổn.

Như vây qua những truyền thuyết lưu hành ở Giang Xá về quãng đời thời niên thiếu của Lý Bí ở nơi đây chúng ta thấy có hai điều kì lạ: sự ra đời thần kì và những tài năng phép lạ. Tường giải hai chi tiết này dưới ánh sáng của phương pháp liên ngành chúng tôi thấy có một số nội dung như sau:

Thứ nhất là sự ra đời thần kì của Lý Bí. Sự ra đời của Lý Bí không phải là kết quả sinh thành của người với người mà là của thần với người. Mô típ này cũng không có gì lạ trong văn học dân gian, đặc biệt là với thể loại truyền thuyết lịch sử. Về hiện tượng này tác giả  Nguyễn Bích Hà trong công trình “Thạch Sanh và kiểu truyện dũng sĩ trong truyện cổ Việt Nam và Đông Nam Á” đã thống kê được 10 dạng thức ra đời thần kì. Đối chiếu sự sinh nở thần kì của Lý Bí chúng tôi thấy sự ra đời kì lạ này thuộc dạng thức thứ tư trong mười dạng thức kể trên. Đó là dạng thức  “Đứa trẻ ra đời do người mẹ nằm mộng”. Về kiểu ra đời này chúng ta có thể thấy trong truyện cổ ở khu vực Đông Nam Á rất rõ.

cong-lang-giang-xa-thi-tran-tram-troi-huyen-hoai-duc-chuan-bi-vao-hoi-1-1708492123.jpg

Cổng làng Giang Xá.

Chẳng hạn như truyện cổ Cămpuchia kể có một bà mẹ nằm mộng thấy thiên thần cho bà hai viên ngọc, sau đó bà thụ thai và sinh hạ được hai người con (Vocvông và Sôrivông) hoặc người mẹ nằm mộng hái được quả dừa giữa lúc trăng tròn sau đó thụ thai và sinh con (Thơmênhchây). Hay trong truyện cổ Tây Nguyên cũng kể có một bà mẹ nằm mộng thấy một con thỏ bạch nhảy đi nhảy lại trên ngực mình sau đó bà thụ thai và sinh nở (Chàng Trăng). Xét về mặt khoa học thì những sự thụ thai đó sẽ không phù hợp. Tuy nhiên dưới góc nhìn nghệ thuật thì sự không phù hợp này không phải là phi lý.

Đây không phải là một quan niệm sai lầm về sự sinh nở, tác giả dân gian đã sử dụng yếu tố hoang đường để thể hiện, phản ánh một thái độ tình cảm của nhân dân đối với một nhân vật lịch sử. Cụ thể là tình cảm của nhân dân Giang Xá với người anh hùng dân tộc Lý Nam Đế. Qua khảo sát chúng tôi thấy điều này cũng rất phổ biến trong các truyền thuyết về các nhân vật lịch sử. Ví dụ như truyền thuyết về Thánh Gióng, truyền thuyết Lý Công Uẩn, truyền thuyết về Lê Lợi.

Từ đây chúng tôi cho rằng sự sinh nở thần kỳ trong truyền thuyết về Lý Nam Đế lưu truyền ở Giang Xá nhằm phản ánh thái độ của nhân dân nơi đây đối với một vị anh hùng dân tộc Lý Bí. Đó là sự yêu mến, tôn vinh, đề cao nhân vật Lý Nam Đế. Người dân đã thần kì hoá sự sinh nở này bởi vì họ quan niệm người anh hùng phải khác người thường. Do vậy họ đã thần kì hoá quá trình sinh nở của Lý Bí. Họ muốn qua cách giải thích này để đề cao, tôn vinh nguồn gốc cao quý của người anh hùng dân tộc. Lý Bí không phải nguồn gốc xuất thân tầm thường mà thuộc nòi giống thần linh.

Hơn nữa hình ảnh con rồng vàng trong truyền thuyết này lại làm ta nhớ đến truyền thuyết Lạc Long Quân. Phải chăng qua hình ảnh này người dân nơi đây muốn khẳng định một lần nữa về nòi giống cao quý của dân tộc mình. Điều này lại làm ta nhớ đến lời dặn của Lạc Long Quân khi chia tay Âu Cơ và năm mươi người con để lên núi. Và giờ đây tổ quốc lâm nguy thì “cha rồng” lại hiện về để tìm cách cứu giúp con cháu - cho người đầu thai để người đó sau này đánh giặc cứu nước hoặc cho mượn vũ khí để đánh giặc như truyền thuyết Hồ Gươm  .

Thứ hai là những tài năng và phép màu kì lạ của Lý Bí. Theo như truyền thuyết kể trên chúng ta thấy Lý Bí có những tài năng và phép màu kì lạ là trí thông minh, sức khoẻ hơn người, đặc biệt là khả năng điều khiển và nói chuyện được với thần, phật.

Tìm hiểu điều kì lạ thứ hai này chúng tôi thấy ngoài các chi tiết nói về sức khoẻ và sự thông minh hơn người của Lý Bí thì các chi tiết kể về việc điều khiển và nói chuyện được với thần, phật trong truyền thuyết ít nhiều có liên quan đến Phật giáo. Đây là một điều đáng chú ý. Nếu lý giải được điều này chúng ta sẽ thấy được những lớp trầm tích văn hoá - lịch sử ẩn chứa trong đó mà lâu nay đã bị lớp bụi thời gian che phủ mất.

Theo chúng tôi các chi tiết kể về phép lạ điều khiển và nói chuyện được với thần, phật đã được tác giả dân gian kế thừa từ nghệ thuật hư cấu hoang đường vốn có từ trong thần thoại - khi loài người còn ấu trĩ chưa đủ trình độ để lý giải các lực lượng siêu nhiên nên đã gán cho vạn vật đều có linh hồn và suy tôn là thần thánh với những phép mầu kì diệu. Tài năng và phép lạ của Lý Nam Đế  lại làm ta nhớ đến truyền thuyết về Lý Công Uẩn đầy phật. Truyền thuyết Lý Công Uẩn kể rằng: “Lý Công Uẩn thời nhỏ rất thông minh và tinh nghịch. Một hôm bê oản cúng Hộ Pháp, Công Uẩn bảo:

- Phật to lớn hung dữ thế này, ta ăn oản trước xem làm gì được ta nào.

Đên đêm, Hộ Pháp báo mộng cho sư biết sự việc. Hôm sau sư đến kiểm tra thấy cả ba phẩm oản đều bị khoét ruột như báo mộng, liền gọi Lý Công Uẩn đến trách phạt. Chú bé tức lắm, lên chùa thụi cho Hộ Pháp ba thoi và lấy nước bọt viết vào sau lưng phật mấy chữ “ Đồ tam thiên lý ” (đầy ba nghìn dặm) cho bõ tức. đến đêm sư lại được Hộ Pháp báo mộng, vẻ mặt ỉu xìu: “Hoàng Đế đã đày tôi đi xa, xin chào từ biệt tôn giả”. Sư vội lên chùa soi đèn xem thì thấy mấy chữ  trên. Ngài vội xoá mấy chữ đi nhưng không sao hết được. Sư bèn gọi Lý Công Uẩn đến xoá mới hết được”.

Khi tìm hiểu các chi tiết kể về tài năng và phép lạ trong truyền thuyết về Lý Nam Đế ở Giang Xá với các chi tiết nêu trên chúng ta không thể nghĩ đến vai trò của phật giáo đối với nhân vật Lý Nam Đế và cuộc kháng chiến chống ngoại xâm của ông trên mảnh đất này. Trở lại với lịch sử, qua việc khảo cứu các di tích Lý Nam Đế ở Hoài Đức, Đan Phượng, Ba Vì, Quốc Oai  và Từ Liêm chúng ta được biết trong cuộc kháng chiến chống quân Lương xâm lược - thế kỷ thứ VI vùng Hoài Đức là nơi dựng cờ và là một trong những căn cứ kháng chiến của Lý Nam Đế. Nhiều địa danh và nhiều di tích lịch sử nơi đây vẫn còn ghi dấu về cuộc kháng chiến này. Chẳng hạn như ở làng Lưu Xá (tương truyền là đại bản doanh của Lý Nam Đế) và các làng lân cận có rất nhiều địa điểm mà tên gọi vẫn còn mang dấu tích phản ánh các hoạt động của nghĩa quân: chùa Rộc, chùa Đúc, chùa Giáo, gò Khảm, gò Mộc, gò Lương Y, gò ấn, gò Hòn Son, gò Yên Ngựa … là các phân xưởng công binh, lương thảo, thuốc men, đóng ấn tín, nội bản doanh, để nghiên bút, buộc ngựa … của nghĩa quân Lý Nam Đế trong cuộc kháng chiến đánh đuổi quân Lương.

Có thể nói, qua việc tìm hiểu trên, đối chiếu truyền thuyết với lịch sử chúng tôi đã giải mã được các lớp trầm tích văn hoá được ẩn dấu trong các chi tiết tài năng và phép lạ như sau :

Xét dưới góc độ văn hoá - lịch sử thì các chi tiết tài năng - phép lạ nhằm thể hiện thái độ đề cao, suy tôn tài năng hơn người của nhân dân đối với vị anh hùng dân tộc Lý Nam Đế. Nhân dân cho rằng vị vua của họ phải người anh minh, thần thánh siêu phàm. Đây cũng chính là tình cảm biết ơn và yêu quý và ngưỡng vọng của nhân dân Giang Xá, Thị trấn Trạm Trôi nói riêng và Hoài Đức nói chung với vị anh hùng dân tộc Lý Nam Đế. Các chi tiết về tài năng - phép lạ đã thực hiện nhiệm vụ “thơ” và “mộng” hoá thời kỳ niên thiếu của Lý Nam Đế trên quê hương Hoài Đức. Đồng thời phán ánh cho chúng ta thấy được vai trò của phật giáo đối với vương triều Lý và cuộc kháng chiến chống quân xâm lược nhà Lương ở thể kỉ thứ VI. Nhà Phật đã phát hiện tài năng và nuôi dạy Lý Nam Đế. Phải chăng với các chi tiết này, các truyền thuyết nhằm tuyên truyền để thu hút nhân dân dưới ngọn cờ kháng chiến chống quân Lương xâm lược của Lý Nam Đế. Mặt khác nó cũng là sự chuẩn bị, tạo dư luận tốt đẹp cho sự lên ngôi hoàng đế của Lý Nam Đế. Điểm này chứng tỏ rằng nơi đây không phải đến thế kỷ thứ X, XI mà ngay từ thế kỷ thứ VI Phật giáo đã rất phát triển và chiếm một vị trí to lớn trong đời sống xã hội.

Chỗ này có điểm tương đồng với vai trò của Phật giáo với triều Lý ở thế kỷ XI. Và điều này lý giải cho ta biết việc tại sao sau khi lên ngôi Lý Nam Đế đã cho dựng ngay chùa Khai Quốc (nay là chùa Trấn Quốc ở quận Tây Hồ). Ngoài ra các chi tiết về tài năng - phép lạ cũng góp phần lý giải các hèm, tập tục, kiêng kị của nhân dân nơi đây.

Chẳng hạn như việc kiêng không nuôi trâu trắng. Không nuôi trâu trắng vì chùa đã nuôi và Lý Bí đã cày con trâu màu này - khi Lý Bí còn nhỏ đi cày, cày khoẻ đến nỗi chết cả con trâu trắng của chùa, từ đó dân làng Giang Xá hễ cứ nuôi trâu trắng là bị chết. Và trong thực tế đời sống ngày nay, Lý Nam Đế vẫn còn sống mãi trong tâm thức của nhân dân. Người luôn được mọi người nhắc đến với một tấm lòng yêu quý, ngưỡng mộ và tôn kính.

Trong dân gian còn lưu truyền nhiều điều kiêng kị liên quan đến hoàng đê. Bao đời nay người dân có lệ kiêng tên húy. Bốn chữ người dân không bao giờ phạm đến là Oánh (tên mẹ), Toản (tên cha), Bảo (tên anh), Bí (tên thủa nhỏ của Hoàng Đế). Vì kiêng dùng từ là Bí nên mọi cây, trái họ nhà bí ở đây gọi tất là bầu. Người ta cũng không dùng màu vàng thẫm, vàng tía vì đây là màu sắc trang phục của Lý Bí; đặc biệt vật phẩm tiến cúng phải là cỗ chay vì thủa nhỏ Lý Nam Đế tu hành trong chùa Linh Bảo và ông vốn là con nuôi cửa Phật.

Trải qua thời gian, các lớp trầm tích văn hoá trên đã bị lớp bụi thời gian phủ lấp. Ngày nay tiếp xúc với các chi tiết kì lạ này người ta chỉ đón nhận nó như một yếu tố hư cấu nhằm hấp dẫn người nghe hoặc coi như là một sự lý giải cho các tập tục, kiêng kị. Tuy nhiên dưới ánh sáng của phương pháp nghiên cứu liên nghành chúng ta có thể nhận ra những giá trị hiện thực lịch sử ẩn sâu trong những ngôn từ đầy thơ và mộng đó của tác giả dân gian. Khám phá, lí giải được điều này cũng có nghĩa chúng ta đã vén được bức màn lịch sử được nhân dân gửi gắm trong mỗi trang truyền thuyết. để thấy được niềm tin và sự tôn thờ ngưỡng vọng muôn đời của nhân dân đối với vị anh hùng dân tộc; thấy được tâm thức của nhân dân về vị hoàng đế đầu tiên của dân tộc.

Phan Ngọc Anh (Trung tâm GDNN – GDTX Hoài Đức, TP Hà Nội)

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/ly-nam-de-trong-tam-thuc-nguoi-giang-xa-a23371.html