Ngay từ năm học 2011 - 2012, Trường THCS Phú Lộc đã có nhận thức đúng về tầm quan trọng của giáo dục STEM đối với việc hình thành các năng lực và phẩm chất của học sinh theo mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục. Trường chỉ đạo các tổ chuyên môn xây dựng các chuyên đề bồi dưỡng giáo viên về việc áp dụng phương pháp dạy học mới “Bàn tay nặn bột”. Đồng thời, hằng năm tổ chức hướng dẫn học sinh nghiên cứu KHKT và đã có nhiều dự án tham gia dự thi cấp tỉnh, cấp quốc gia được đánh giá cao.
Cô giáo Nguyễn Thị Huế - Hiệu trưởng Trường THCS Phú Lộc chia sẻ:Từ năm học 2016 -2017, trường bắt đầu triển khai xây dựng một số chủ đề giáo dục STEM gắn với việc dạy học bộ môn. Các chủ đề dạy học này hầu hết được xuất phát từ các vấn đề gặp phải ngay trong cộng đồng nơi các em sinh sống. Đến năm học 2021 - 2022, việc dạy học STEM được triển khai đồng loạt ở tất cả các môn thuộc khoa học tự nhiên, môn Địa lý thông qua bài giảng STEM của giáo viên. Ngoài ra, trường cũng đã tổ chức một số hoạt động trải nghiệm STEM, tổ chức cho học sinh làm đồ dùng học tập, đồ chơi, tham gia cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng, nghiên cứu KHKT…
Trong quá trình thực hiện các bài học theo chủ đề giáo dục STEM, học sinh Trường THCS Phú Lộc đã chủ động, tích cực đề xuất và thực hiện các sản phẩm học tập dưới sự hướng dẫn của giáo viên. Học sinh được hoạt động, trải nghiệm và thấy được ý nghĩa của tri thức với cuộc sống, tạo hứng thú trong học tập. Qua triển khai các dự án học tập STEM, học sinh hợp tác với nhau, chủ động và tự lực thực hiện các nhiệm vụ học; được làm quen hoạt động có tính chất nghiên cứu khoa học… Các hoạt động này góp phần tích cực vào hình thành và phát triển phẩm chất, năng lực cho học sinh.
Rất nhiều các sản phẩm của các em đã được dự thi và đạt giải cao ở các cuộc thi: Khoa học kĩ thuật, vận dụng kiến thức liên môn vào giải quyết tình huống thực tiễn.Đặc biệt, năm học 2022 - 2023, các hoạt động giáo dục STEM của trường được đánh giá đạt hiệu quả cao. Tham gia Cuộc thi sáng tạo STEM đoạt 1 giải Khuyến khích cấp Quốc gia; 1 giải A gian trưng bày tại Ngày hội STEM cấp huyện, 2 giải ba robot, 1 giải Nhất, 1 giải Ba thi sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng.
Hoạt động nghiên cứu khoa học năm học 2023 - 2024 có nhiều khởi sắc với 2 dự án đoạt giải cấp huyện (1 giải Nhất, 1 dự án giải Nhì); 2 dự án đoạt giải cấp tỉnh (1 giải Nhất, 1 giải Nhì).
Việc vận dụng phương pháp dạy học theo mô hình dạy học tích hợp các môn học là rất quan trọng đối với việc phát triển năng lực cho học sinh, không thể thiếu đối với mỗi trường học hiện nay. Tại Trường Tiểu học Phú Lộc, nhà trường đã xây dựng kế hoạch thực hiện, cử cán bộ giáo viên tham gia các lớp tập huấn do Sở GD&ĐT, Phòng GD&ĐT tổ chức và triển khai tới 100% cán bộ giáo viên tại trường. Với các tiết dạy được xây dựng bởi sự đầu tư của cả tập thể đã giúp giáo viên đã hình dung được thế nào là bài dạy STEM, bài dạy có tích hợp STEM…
Tháng 8/2023, Trường Tiểu học Phú Lộc đã chỉ đạo các tổ chuyên môn của trường xây dựng kế hoạch môn học và hoạt động giáo dục, chỉ đạo các tổ lựa chọn ít nhất 2 bài dạy STEM và thực hiện tích hợp nội dung giáo dục STEM vào các bài học một cách triệt để, giúp học sinh học mà chơi- chơi mà học. Đến thời điểm này, các tổ đã thực hiện được 10 bài dạy STEM và có 1 bài tham gia sinh hoạt chuyên môn liên trường được đồng nghiệp đánh giá cao. Các em học sinh đã tự tay làm được những sản phẩm qua việc ứng dụng các kiến thức từ nhiều môn học và hoạt động giáo dục như Toán, Mĩ thuật, Công nghệ, Tin học, Khoa học,…
Theo kế hoạch, tháng 3/2024, Trường Tiểu học Phú Lộc sẽ tổ chức Ngày hội STEM cấp trường. Đây là hoạt động mang ý nghĩa thiết thực giúp học sinh và giáo viên có cơ hội giao lưu, học hỏi, chia sẻ kiến thức, sản phẩm trong lĩnh vực giáo dục STEM, góp phần thúc đẩy việc đổi mới hình thức tổ chức, phương pháp dạy học, phát triển năng lực cho học sinh.
Còn đối với Trường THCS Gia Thanh, xác định giáo dục STEM là mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng trong quá trình đổi mới toàn diện giáo dục phổ thông, trường THCS Gia Thanh đã triển khai lồng ghép linh hoạt các hoạt động giáo dục STEM vào kế hoạch giảng dạy của nhà trường. Hiệu trưởng Trường THCS Gia Thanh Ngô Ngọc Thụy cho biết: Nội dung các bài học STEM bám sát nội dung chương trình môn học, gắn liền với các di sản sống ở địa phương, giúp học sinh chủ động tiếp nhận, vận dụng kiến thức vào thực tế thông qua các hoạt động. Từ đó khơi dậy niềm đam mê nghiên cứu khoa học, phát huy khả năng sáng tạo của học sinh.
Việc vận dụng STEM nón lá vào giảng dạy được triển khai tại Trường THCS Gia Thanh từ năm học 2022 - 2023. Ban đầu đưa vào giảng dạy ở bộ môn Toán, môn khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội lớp 6 và lớp 7, môn Ngữ văn, Lịch sử, môn Công nghệ, môn Nghệ thuật (Âm nhạc và Mỹ thuật). Sau hiệu quả ban đầu, từ năm học 2023 - 2024, nón lá được đưa vào giảng dạy ở hầu hết các bộ môn. Nội dung của các bài học STEM nón lá được xây dựng một cách chặt chẽ, theo nội dung chương trình học và liên kết với di sản ở địa phương. Điều này giúp học sinh chủ động hơn trong việc tiếp nhận và ứng dụng kiến thức vào thực tế thông qua các hoạt động học tập cụ thể.
Sáng kiến đưa nón lá vào trường học thông qua giáo dục STEM của Trường THCS Gia Thanh còn mang lại giải thưởng trị giá 1.000 USD cho thầy trò Trường THCS Gia Thanh khi là 1 trong 6 trường học trên thế giới đoạt giải trong Cuộc thi Kế hoạch Bài học về Di sản sống Châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO.
Bên cạnh đó, với đề tài “Bảo tồn và phát huy giá trị sản phẩm làng nghề truyền thống nón lá Gia Thanh thông qua hoạt động giáo dục STEM”, em Hán Phương Thảo và Lưu Thị Thanh Hằng, học sinh lớp 8B của Trường THCS Gia Thanh đã đoạt giải Nhì Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp tỉnh năm học 2023 - 2024.
Đình Thơm