Kỳ 30.
Nửa sau thế kỷ IV và đầu thế kỷ III TCN, La Mã tiến đánh quốc gia của người Xamnite ở miền Trung bán đảo Italia. Để chiến thắng, người La Mã phải trải qua 3 cuộc chiến tranh, kéo dài từ 343 TCN đến 290 TCN và làm chủ miền Trung Italia.
Sau khi làm chủ toàn bộ bán đảo Italia, La Mã tiếp tục xâm lược các nước khác trên bán đảo Ban Căng mà chủ yếu là các thành bang Hi Lạp. Quân đội Hi lạp đã chống cự người La Mã quyết liệt. Trong một trận giao chiến lớn của hai bên ở Benoeven, Hi lạp bị đánh bại, La Mã chiếm toàn bộ bán đảo Hi Lạp.
Như vậy trải qua 200 năm chiến tranh xâm lược, người La Mã đã làm chủ toàn bộ bán đảo Ý và Hi Lạp. Từ đây, bán đảo này là hậu phương, căn cứ vững chắc để người La Mã vươn ra xâm lược Nam Âu, Bắc Âu, Tây Âu và những quốc gia phía Đông Nam, phía Nam Địa Trung Hải là vùng đất Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Đông và Bắc Phi, lập nên một đế quốc rộng lớn. Nhưng trên con đường thực hiện tham vọng bá chủ toàn bộ vùng Địa Trung Hải, La Mã gặp một kỳ phùng địch thủ hùng mạnh ở Bắc Phi mà phải 100 năm với 3 cuộc chiến tranh La Mã mới hạ gục được: Đó là người Carthage với quốc gia Carthage mà trung tâm là Cộng hoà Tunisia ngày nay.
Quốc gia Carthage: Thời cổ đại trên lãnh thổ Tunisia ngày nay tộc người Phoenicia đã đến định cư, sinh sống và trở thành chủ nhân ở đây. Thế kỷ VII TCN, người Phoenicia đã lập nên đế quốc Carthage bao trùm thế lực ở Bắc Phi, Cận Đông và Tây bộ Địa Trung Hải. Carthage là một quốc gia chiếm hữu nô lệ hùng mạnh với thiết chế cộng hòa, phát triển kinh tế nhiều thành phần. Trong kinh tế nông nghiệp, giai cấp chủ nô Carthage thiết lập những điền trang lớn, sử dụng hàng nghìn nô lệ. Carthage còn phát triển mạnh mẽ kinh tế thủ công nghiệp, thương nghiệp, đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế ở khu vực ba châu lục thời kỳ đó. Nhà nước Carthage đã xây dựng một quân đội hùng mạnh để bảo vệ quyền lợi cho giai cấp chủ nô, mở rộng thị trường thuộc địa.
Cũng vào thế kỷ VII TCN, người Carthage đã thành lập một đế quốc ở Tây Địa Trung Hải. Thế kỷ VI TCN, người Carthage chiếm ưu thế thương mại và hàng hải ở toàn khu vực, đạt đến đỉnh cao nhất của sự hưng thịnh.
Trước kia, Carthage đã liên minh với La Mã trong cuộc xâm lược của La Mã ở miền Nam Âu, chống lại thành bang của người Hi lạp. Đây là một sai lầm nghiêm trọng trong chính sách đối ngoại của Carthage khi liên minh với kẻ thù để tiêu diệt kẻ thù của kẻ thù của mình. Sau khi tiêu diệt các thành bang Hi Lạp và làm chủ toàn bộ bán đảo Ban Căng, La Mã vươn thế lực bành trướng sang khu vực Địa Trung Hải, đất thuộc địa của Carthage. Từ là đồng minh với nhau, La Mã và Carthage trở thành những kẻ thù không đội trời chung, chiến tranh là điều không thể tránh khỏi. Và chiến tranh giữa Carthage-La Mã đã bùng nổ. Lịch sử gọi đây là cuộc chiến tranh Punic vì người La Mã gọi người Phoenicia, tổ tiên của người Carthage là người Punic.
3. Chiến tranh Punic.
3.1. Chiến tranh Punic lần thứ nhất (264 TCN - 241 TCN). Nguyên nhân chiến tranh là do sự bành trướng xâm lược của đế quốc La Mã, trước tiên đối với vùng Tây bộ Địa Trung Hải là đất thuộc địa của Carthage. Nguyên cớ trực tiếp để chiến tranh bùng nổ là do hai bên tranh chấp đảo Sicily giàu có. Bước đầu chiến tranh La Mã đã giành được những thắng lợi quan trọng, chiếm được thành phố quan trọng của Sicily là Arizentum. Để khắc phục những yếu kém lực lượng trên mặt biển, La Mã gấp rút xây dựng lực lượng hải quân với 120 tàu chiến lớn. Năm 260 TCN, hải quân La Mã thu được thắng lợi lớn ở Lipari. Năm 256 TCN, 5 vạn quân La Mã đã tràn vào đánh chiếm miền Bắc Phi giàu có, quân La Mã bắt và biến 2 vạn dân ở đây thành nô lệ.
Nhưng quân đội La Mã không thể chiến đấu lâu dài ở Bắc Phi nên phải rút về. Quân đội Carthage chuyển sang phản công quân La Mã ở Sicily và vùng biển Italia. Trước nguy cơ thất bại, bọn chủ nô La Mã đã đóng 200 chiến thuyền và xây dựng lực lượng hải quân mạnh giúp chính quyền La Mã. Năm 244 TCN trong một trận hải chiến, Carthage bị đánh bại phải ký hòa ước với La Mã. Theo hòa ước này, Carthage phải nhường cho La Mã đảo Sicily, Corsia và Sardinia, phải bồi thường 2.300 talent (đơn vị tiền tệ cổ Hi lạp) chiến phí cho La Mã trong 10 năm.
Kết thúc cuộc chiến tranh Punic lần 1, dù thất bại thuộc về Carthage nhưng quyền bá chủ ở Tây bộ Địa Trung Hải vẫn chưa được phân định nên cuộc chiến tranh Punic lần 2 là không thể tránh khỏi.
3.2. Chiến tranh Punic lần 2 (218-201 TCN). Sau chiến tranh Punic lần 1 Carthage vẫn tiếp tục chiếm đóng và khai thác vàng ở Tây Ban Nha, xây dựng lực lượng và các cứ điểm chuẩn bị cuộc chiến tranh với La Mã. Quan hệ giữa Carthage và La Mã cực kỳ căng thẳng. Năm 218 T.C.N, Carthage đánh chiếm Sagonte, một thành phố phía Đông Nam Tây Ban Nha. La Mã phản đối và chiến tranh Punic lần 2 bùng nổ.
Chiến tranh Punic lần 2 được các nhà sử học thời kỳ cổ đại gọi là chiến tranh Hannibal, danh tướng Carthage trong cuộc chiến tranh lần 2. Mở đầu chiến tranh, năm 218 TCN, Tướng Carthage Hannibal ở Tây Ban Nha đã nhanh chóng đem 8 vạn quân, 12.000 kỵ binh, 37 thớt voi mạo hiểm vượt qua dãy Alpes tiến thẳng vào miền Bắc Italia. Cuộc hành quân này đã làm hàng vạn quân Carthage chết trong bão tuyết. Bất chấp thiệt hại, Hannibal đem quân vượt qua những cánh đồng lầy giữa mùa nước lớn của những dòng sông. Cuối cùng năm 217 TCN, quân Hannibal cũng tiến được vào con đường chính chạy về La Mã, mai phục và tiêu diệt một lực lượng lớn của La Mã ở con đường hẹp giữa hồ Trasimene. Thừa thắng quân Carthage tiến xuống phía Nam Italia nhằm phá vỡ hậu phương của đế quốc La Mã. Tháng 6 năm 216 TCN, 8 vạn bộ binh, 6.000 kỵ binh của La Mã bị Hannibal bao vây và tiêu diệt ở Canne, vùng Apali. Đây là trận đánh nổi tiếng thế giới về nghệ thuật quân sự bao vây và tiêu diệt. Từ đó danh từ Canne đi vào từ điển quân sự để chỉ những trận bao vây và tiêu diệt lớn. Sau chiến thắng danh tiếng Hannibal và quân đội Carthage lẫy lừng khắp Nam Italia và Địa Trung Hải.
Tuy thắng lợi lớn ở Canne nhưng quân đội Hannibal vẫn chưa giành đuợc thắng lợi có tính chất quyết định. La Mã vẫn bảo vệ được hậu phương vững chắc là miền Trung Italia. Trong khi đó quân đội Hannibal ở quá xa hậu phương của mình, tiếp viện bổ sung quân số hầu như không thực hiện đuợc. Quân đội Hannibal trở nên cô lập. Các nhà lãnh đạo La Mã rút kinh nghiệm những thất bại ở Trasimene, Canne không đánh lớn mà dùng chiến thuật chiến tranh du kích để tiêu hao quân Carthage trên đất Italia. Mặt khác quân La Mã nhân cơ hội Hannibal còn ở Nam Italia tổ chức tấn công vào hậu phương quân Carthage. Năm 211TCN, quân La Mã chiếm Sicily, đánh chiếm thành phố Tân Carthage ở Tây Ban Nha, tấn công quân của Hannibal ngay trên đất Italia. Tiếp đó, năm 205 TCN, quan chấp chính La Mã Scipio đem quân đánh vào châu Phi, phá hoại mùa màng hòng gây ra nạn đói nhằm buộc chính phủ Carthage đầu hàng, Haninibal phải đem quân về ứng cứu. Năm 202 TCN, quân La Mã do Scipio chỉ huy đánh bại quân Hannibal ở Zama, phía Nam Carthage. Đây là lần thất bại đầu tiên cũng là lần thất bại cuối cùng trong cuộc đời chinh chiến đầy danh tiếng của Hannibal. Năm 201 TCN, Carthage phải ký hòa ước với La Mã, chịu những điều khoản hết sức nặng nề của kẻ chiến bại. Carthage mất hết thuộc địa, mất quyền kiểm soát vùng Tây Địa Trung Hải, chỉ còn mảnh đất nhỏ ở châu Phi. Carthage phải giải giáp quân đội, giao lại lực lượng hải quân cho La Mã, không được tự ý gây chiến với các bộ tộc láng giềng khi không có sự đồng ý của La Mã, phải bồi thường chiến phí cho La Mã tới 10.000 talent. Sau thất bại này, Hannibal không chịu được sự khắc nghiệt của kẻ thù đã chạy sang Sirye, bí mật tổ chức lực luợng chờ thời cơ phản công lại La Mã.
Sau chiến tranh La Mã lần 2, sức mạnh chính trị và quân sự của Carthage kiệt quệ. La Mã thì ngược lại trở thành một đế quốc nô lệ hùng mạnh, xác lập chủ quyền ở Tây bộ Địa Trung Hải, trên cơ sở đó xâm lược toàn bộ vùng Địa Trung Hải sau này.
(Còn nữa)
CVL
PGS TS Cao Văn Liên
Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/nhung-van-de-lich-su-trung-dong-va-chau-phi-ky-30-a23441.html