Những vấn đề Lịch sử Trung Đông và Châu Phi (Kỳ 31) .

Trân trọng giới thiệu tiếp với bạn đọc sách “Những vấn đề Lịch sử Trung Đông và Châu Phi” của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Hồng Đức ấn hành

Kỳ 31.

3.3. Chiến tranh Punic lần 3 ( 149-146 TCN): Sau chiến tranh Punic lần 2, La Mã thấy phải tiêu diệt sự tồn tại của Carthage để bóp chết những âm mưu của Hannibal nhằm xây dựng lực lượng chống lại La Mã, tiêu diệt tận gốc thế lực duy nhất cản trở bước tiến xâm lược của La Mã ở toàn khu vực Địa Trung hải và Bắc Phi sau này. Với mưu đồ đó, La Mã chủ động gây ra cuộc chiến tranh Punic lần 3.

   Mở đầu cuộc chiến La Mã lấy cớ Carthage vi phạm hiệp ước năm 201 TCN, năm 149 TCN đem quân bao vây Carthage. Carthage đề nghị giảng hòa nhưng bị La Mã cự tuyệt. Quân La Mã bao vây thành Carthage 2 năm. Nhân dân Carthage đã anh dũng kháng chiến. Mùa xuân năm 146 TCN, kinh thành Carthage thất thủ. Nhân dân Carthage đã anh dũng chiến đấu khi quân La Mã tràn vào thành phố. Viện nguyên lão La Mã ra lệnh thiêu cháy toàn bộ thành phố Carthage, nền của thành phố bị cày lên. Làm như vậy đế quốc La Mã muốn xoá hẳn tên Carthage trên bản đồ và trong lịch sử. Carthage sau đó chỉ là một phần của tỉnh châu Phi của La Mã. Như vậy chiến tranh Punic lần 3 chỉ là chiến tranh một phía của đế quốc La Mã nhằm tiêu diệt hoàn toàn kẻ thù của mình ở Nam Địa Trung Hải và Bắc châu Phi.

4. Kết luận: chiến tranh Punic là một trong những cuộc chiến tranh lớn nhất thời cổ đại. Chiến tranh kết thúc với sự thất bại của một trong hai cường quốc thương mại phát triển nhất trong thời kỳ đó. Ngay trong thời kỳ đó, cuộc đấu tranh tranh giành thuộc địa cho nền kinh tế hàng hoá đã diễn ra gay gắt. Trong ba cuộc chiến tranh thì cuộc chiến tranh Punic lần thứ hai mang tính chất quyết định mà phần thắng đã hoàn toàn thuộc về La Mã, còn cuộc chiển tranh lần 3 chỉ là chiến tranh một phía của đế quốc La Mã để kết liễu  kẻ thù của mình khi đã chiến bại và hoàn toàn kiệt sức. Nguyên nhân thất bại của Carthage không phải do Carthage yếu kém về lực lượng kinh tế, về lực lượng quân sự, về tinh thần chiến đấu của quân đội. Nguyên nhân thất bại của Carthage nằm ở sai lầm về chính sách ngoại giao và dẫn đến hành động quân sự sai lầm. Ngay từ đầu khi quân La Mã chưa đủ mạnh, đáng lý Carthage phải liên minh với những kẻ thù của La Mã để tiêu diệt chúng thì Carthage lại liên minh với La Mã tiêu diệt các thành bang Hi Lạp trong cuộc chiến tranh La Mã xâm lược Nam Italia. Hành động này đã làm cho Carthage mất hết đồng minh để chống lại La Mã sau này. Tiếp đến trong cuộc chiến tranh Punic lần 2 Hannibal là một tướng lĩnh tài năng nhưng ông đã phạm sai lầm to lớn khi tiến quân vào đất Italia một cách phiêu lưu để bão tuyết và nước lũ làm hàng vạn quân Carthage hi sinh  một cách vô ích. Sau đó dù có chiến thắng lớn ở Canne nhưng đó không phải là chiến thắng quyết định, lại quá xa hậu phương, bị quân La Mã dùng chiến thuật chiến tranh du kích tiêu hao, đánh phá hậu phương của Hannibal, làm cho quân Carthage bị cô lập, suy yếu và sau này bị đánh bại trên chính mảnh đất Carthage.                                     Người La Mã đã chiến thắng trong cuộc chiến tranh Punic là vì họ có đầu óc thực tế phi thường, biết rút kinh nghiệm thất bại một cách nhanh chóng. Như họ biết yếu về hải quân thì họ đã nhanh chóng xây dựng lực luợng hải quân hùng mạnh. Khi quân đội của Hannibal chiến thắng lừng lấy ở Canne Nam Italia, thế lực quân Các ta giơ còn rất mạnh thì người La Mã đã chuyển sang chiến thuật chiến tranh du kích để tiêu hao kẻ thù, mặt khác quay sang đánh phá hậu phương và sau đó tấn công vào Hannibal, làm cho hậu phương và quân đội Carthage không cứu ứng được nhau và bó tay thất bại. Rút kinh nghiệm ngay trên chiến trường, điều chỉnh chiến lược chiến thuật cho thích hợp để đi tới thắng lợi là một bài học kinh nghiệm mà người La Mã là bậc thầy trong chiến tranh Punic.

   Thất bại của Carthage làm cho trên vũ đài khu vực đế quốc La Mã hầu như không còn đối thủ trên con đường xâm lược. Ngay sau chiến tranh Punic lần 2,  năm 171 TCN, La Mã đánh bại Macedonia, làm chủ toàn bộ Nam Âu. Sau khi chiếm được Nam Âu, La Mã xâm luợc các quốc gia ở Cận Đông và tiến vào xâm lược toàn bộ bắc Phi. Thế kỷ 2 TCN, La Mã trở thành một đế quốc rộng lớn, biên giới phía bắc lên đến Bắc Âu, làm chủ Tây bộ Địa Trung hải, phía Đông Nam chiếm Cận Đông, Thổ Nhĩ Kỳ, phía Nam làm chủ Bắc Phi và biên giới đế quốc tới tận sa mạc Sahara (đường xích đạo). Ở Nam Phi là các quốc gia của người da đen, dù quân xâm lược La Mã chưa đặt chân tới nhưng nhiều vương quốc vẫn phải chịu ảnh hưởng của đế quốc Roma.

   Dù thất bại trong cuộc chiến tranh Punic nhưng cuộc chiến đấu của người Carthage suốt 100 năm đã làm chậm buớc tiến của quân xâm lược La Mã đối với các quốc gia ven bờ Địa Trung Hải, Cận Đông và Bắc Phi, đã lập nên những chiến công hiển hách, đã có những trận đánh đi vào lịch sử thế giới như là kinh điển của nghệ thuật quân sự. Và như vậy, ngày nay, hậu duệ của Carthage là Cộng hòa Tunisia ở Bắc Phi, một quốc gia không lớn, với diện tích 163.200km2, dân số khoảng 9 triệu người có quyền tự hào về một quốc gia thương mại hùng mạnh của cha ông mình thời kỳ cổ đại.

(Còn nữa)

CVL

PGS TS Cao Văn Liên

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/nhung-van-de-lich-su-trung-dong-va-chau-phi-ky-31-a23457.html