Chuyên gia Pháp ngỡ ngàng trước vẻ đẹp của Đình So

Jean Michel Gallet, một chuyên gia nông nghiệp kiêm nhiếp ảnh gia nổi tiếng người Pháp. Ông đã có gần 40 năm gắn bó với các làng quê trên khắp dải đất Việt Nam. Mới đây nhân kỷ niệm 50 năm quan hệ Việt - Pháp, ông đã trở lại thăm Việt Nam và đề nghị được đến thăm làng So, nơi có ngôi đình cổ độc đáo được mệnh danh là “Danh lam đệ nhất xứ Đoài”.

Từ đầu những năm 90 của thế kỷ trước, Jean Michel Gallet đã với tư cách là chuyên gia của Hội Nông dân Pháp đến Việt Nam để giúp đỡ ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn. Ông đã tích cực giúp đỡ ngành bò sữa và giúp Việt Nam tiếp cận những khoản tín dụng ưu đãi của Chính phủ Pháp trong thúc đẩy lĩnh vực nông nghiệp. Từ niềm đam mê trong công việc, ông đã khắp các làng quê Việt Nam để ghi lại những nét đẹp sinh hoạt và thắng cảnh để giới thiệu về vẻ đẹp Việt Nam - Đất nước - Con người vời bè bạn quốc tế thông qua nghệ thuật nhiếp ảnh. Ông là tác giả của hàng trăm ngàn tấm ảnh tư liệu về Việt Nam.

5d91b313-7fef-4cc9-81a8-a7f39fcfdbc2-1709374894.jpeg

Jean Michel Gallet và một số nghiệp ảnh gia Việt Nam tác nghiệp tại Đình So

Là người đi khắp các miền quê Việt Nam để chụp ảnh những danh làm thắng tích và sinh hoạt của người dân các vùng miền, nhưng khi về Làng So được đi điền dã cùng một số nhiếp ảnh gia Việt Nam, ông vô cùng ngỡ ngàng trước vẻ đẹp quyến rũ của ngồi đình cổ được giới thiệu ở Pháp là “Danh lam đệ nhất xứ Đoài”.

Cả một ngày Jean Michel Gallet say sưa chụp ảnh và tìm hiểu những câu chuyện về ba vị thành hoàng làng So cùng 300 tráng sĩ của làng đã có công giúp Đinh Bộ Lĩnh bình định 12 sứ quân ở thế kỷ X,  đến việc tìm hiểu những phong tục tập quán của cư dân địa phương.

edd5f441-aeee-45ae-b51c-2793ffd28e26-1709375094.jpeg

Jean Michel Gallet cùng Nhà báo Vương Xuân Nguyên trong chuyến điền dã tại Làng So 

Jean Michel Gallet đã được Nhà báo Vương Xuân Nguyên, một người con làng So dành nhiều thời gian để nói về nét kiến trúc độc đáo của đình Làng So mà hiếm nơi có được. 

Theo Nhà báo Vương Xuân Nguyên, đình làng So được biết đến là “danh lam đệ nhất Xứ Đoài”, một kiến trúc đình chùa tiêu biểu của đồng bằng Bắc Bộ. Ngôi đình được tọa lạc nhìn về hướng Đông nằm trên thế đất hình con Quy, phía trước có hồ nước bán nguyệt tạo yếu tố tụ phúc, tụ thủy, phía sau là đồi Vĩ Quy làm thế tựa, thế tỳ, phía Nam có đồi Phượng tạo thế tay vịn. Bên ngoài đê là cánh đồng bãi màu mỡ ven dòng sông Đáy linh thiêng. Quanh đình là vườn cây lưu niên tạo không gian xanh mát, tĩnh lặng cho ngôi đình. Về bố cục tổng thể đình So nằm trong sự chuyển tiếp từ ngôi đình có bố cục chữ Nhất sang kiểu chữ Đinh, chữ Công rồi sang kết cấu “nội công ngoại quốc”.

099dc255-8fb0-4183-b8bb-23f2084b5de6-1709375204.jpeg
 

e7907de5-3d7b-442b-9d31-379dc7fdf2b1-1709375242.jpeg

Jean Michel Gallet vô cùng ấn tượng với những khung hình đẹp tại Đình So

Đình bao gồm các hạng mục: Đại bái, Hậu cung, hai dãy Tả - Hữu vu, Nghi môn, hồ nước lớn hình bán nguyệt. Khu đình chính được đặt ở vị trí trung tâm. Đại bái gồm 7 gian 2 dĩ, chiều rộng 14m, chiều dài 34m; xung quanh là hệ thống cửa bức bàn, sàn gỗ chạy dọc hai bên. Sự hòa quyện giữa hai yếu tố di tích và không gian cảnh quan tạo nên nét riêng khác cho di tích đặc biệt này.

“Đáng chú ý, mỹ thuật của đình So khá phong phú và đa dạng với những mảng chạm có giá trị mỹ thuật và mang tính kỹ thuật cao. Các mảng chạm khắc ở đình So tập trung chủ yếu ở Nghi môn, gian giữa tòa Đại đình và Ống muống. Đình so trải qua nhiều giai đoạn lịch sử và cũng có các đợt trùng tu nên các mảng trang trí trong đình cũng có những kỹ thuật thể hiện khác nhau nhưng chung lại vẫn tạo được sự tổng thể và thống nhất tạo nên một công trình bề thế về không gian và giá trị về thẩm mỹ của đình So nói riêng và cho các ngôi đình Việt Nam nói chung.

efc56f02-d76f-4c79-bbc3-0d47b265a888-1709375375.jpeg

Jean Michel Gallet nghe các cụ cao niên trong làng So chia sẻ về những phong tục tập quán của địa phương

Cụ thể, ở Nghi môn của đình So với những bức chạm khắc các đề tài phong phú nhưng hình tượng rồng được làm đề tài chính xuyên suốt từ Nghi môn vào đến Đại đình. Với bức chạm bộ tứ linh thì trung tâm là hai con rồng lớn đang trong tư thế quay đầu vào nhau được thể hiện rất dữ tợn với hai mắt lồi về phía trước, trán u và mũi chạm vào nhau. Tạo hình rồng này đã xuất hiện tai thú và ngay phía sau tai là các bờm được cách điệu như các đao lửa xuôi về phía sau. Thân rồng uyển chuyển lẩn khuất trong những đám mây, thân vảy to và chân đang trong tư thế cuốn mây, đuôi xoắn ở hai góc phía trên. Phía sau đuôi rồng là hình ảnh hai con phượng đang tung cánh bay lên, phía dưới có 2 con lân và 2 con long mã đối xứng nhau. Hình ảnh long mã ở phía dưới mảng chạm cũng đang trong tư thế chạy và đầu hướng về phía lân như đang vui đùa. Cùng với long mã có xuất hiện rùa chở cuốn thư (Quy lạc thư) miệng phun nước tượng trưng cho khát vọng cầu mùa gắn liền với tư duy đặc trưng gắn với nền văn minh nông nghiệp lúa nước. Hình tượng cá chép cũng xuất hiện trong các mảng trang trí với đề tài long cuốn thủy”, Nhà báo Vương Xuân Nguyên cho biết. 

Cũng theo chia sẻ của Nhà báo Vương Xuân Nguyên, các mảng chạm khắc ở Nghi môn được kết hợp nhiều phong cách khác nhau tạo ra sự đa dạng trong trang trí từ chạm nổi hoa lá cách điệu (Tùng – Cúc – Trúc – Mai) đến chạm bong hình tượng rồng nghê tạo nên được những không gian đa chiều của kiến trúc. Trước cửa đại đình ở hai bên tam cấp được trang trí bằng 2 con rồng đá dài 1,55m rộng 70cm độ dày thân là 32cm có chiều cao 92cm với thân ngắn, mập mạp trán thấp, nhỏ nhặt, mũi và miệng to đuôi xoắn phía sau với vảy cá chép điểm xuyến bằng các họa tiết mây lửa.

43e4d4fe-3d96-4b70-8e19-5756c5a62ff0-1709375498.jpeg

Toàn cảnh Đình So đẹp thơ mộng với phong cảnh hữu tình

Vào trong Đại đình thì đề tài trang trí được thể hiện bao quát trong tòa Đại đình là hình ảnh “tứ linh” mà chủ yếu là hình tượng rồng được thể hiện tất cả trên các bức cốn, y môn, đầu dư, xà nách và các kẻ trong gian lòng thuyền được coi là trung tâm của Đại đình.

“Theo “Sơn Tây tỉnh địa chí” của tác giả Phạm Xuân Độ có ghi: “Đình Sơn Lộ làm vào đời Hậu Lê, năm Dương Đức thứ III (1667), đình xây lối cổ, dài 90 thước, rộng 10 thước, theo hình chữ công, xung quanh có bao lan gỗ và sân lát gạch. Hậu cung có nghi môn che kín. Hai bên đình là hai nhà giải vũ. Đằng trước có chiếc cổng ba gian, làm theo lối tam quan các chùa và trông ra một hồ bán nguyệt, rộng ngót 7 mẫu, ở giữa nổi lên ba gò đất hình tròn. Lươn quanh mé hồ, là đường đê, đi xe hơi được”...

Đình So hiện lưu giữ được hệ thống tư liệu thành văn gồm: bia đá “Đại đình bi kí” có niên đại vào năm Dương Đức năm thứ 3 (1673), bia đá có niên đại vào năm Cảnh Hưng thứ 43 (1783), tảng đá kê chân cột hình hoa sen, rồng đá, nhang án gỗ chạm khắc khá tỉ mỉ mang phong cách nghệ thuật nửa đầu thế kỷ XVII. Hiện vật giấy gồm cuốn thần tích, hương ước và 42 Đạo sắc, sớm nhất có niên đại là năm Hoằng Định thứ 2 (1601) và muộn nhất là năm Khải Định thứ 9 (1924),…”, Nhà báo Vương Xuân Nguyên chia sẻ.

6138ba23-4379-4a91-ae49-4448812907f9-1709375621.jpeg

e7c267b1-9714-46ba-a6bf-c4370ed6f0bf-1709375652.jpeg

Jean Michel Gallet choáng ngợp trước vẻ đẹp của ngôi đình làng So 

Sau khi nghe các cụ bô lão trong làng So và Nhà báo Vương Xuân Nguyên chia sẻ về những nét độc đáo của kiến trúc Đình So, trước khi ra về, Jean Michel Gallet đã bày tỏ sự thán phục của mình không chỉ bởi kiến trúc độc đáo, nhân vật lịch sử oanh liệt, mà còn bởi những trầm tích văn hoá Việt chảy xuyên suốt thiên niên kỷ qua một địa danh cụ thể.

“Trước khi đến Việt Nam, ở tuổi 42 tôi đã đi khắp các châu lục trên thế giới. Tôi đã có gần 40 năm gắn bó với Việt Nam và tôi đã đã đặt chân khắp các vùng quê Việt Nam. Nay tôi đến Phủ Quốc theo sự giúp đỡ của Viện sĩ Đào Thế Anh và Nhà báo Vương Xuân Nguyên, tôi lại vô cùng ngạc nhiên bởi công trình kiến trúc này. Một công trình rất đặc biệt bởi những giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể. Như tôi đã trao đổi với Nhà báo Vương Xuân Nguyên trong một phóng sự truyền hình: Việt Nam có một nền văn hoá, văn minh rất đặc trưng. Không có một cường quốc nào dù là người Pháp, người Mỹ hay người Trung Hoa có thể đồng hoá họ được. Ngày nay, Việt Nam muốn phát triển bền vững thì nhất thiết phải đi bằng hai chân. Đó là sự kết hợp hài hoà giữa sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại. Chính những công trình và giá trị văn hoá xuyên thế kỷ như Đình So là nơi kết nối và lan tỏa sức mạnh đó. Tôi sẽ đem câu chuyện Đình Làng So về Pháp và những nơi trên thế giới trong hành trình những năm cuối đời của mình để kể về sức mạnh của một nền văn minh, một dân tộc Việt Nam kiên cường, văn hiến, anh hùng luôn khát vọng tiến về phía trước một cách mạnh mẽ và không bao giờ ngưng nghỉ...” Jean Michel Gallet nhấn mạnh.

Trường Giang - Minh Xuyên

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/chuyen-gia-phap-ngo-ngang-truoc-ve-dep-cua-dinh-so-a23540.html