Những vấn đề Lịch sử Trung Đông và Châu Phi (Kỳ 39)

Trân trọng giới thiệu tiếp với bạn đọc sách “Những vấn đề Lịch sử Trung Đông và Châu Phi” của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Hồng Đức ấn hành.        

Kỳ 39.

Đối với Ba Tư thất bại trong cuộc xâm lược Hi Lạp là mở đầu cho sự suy yếu của đế quốc và khởi đầu cho thất bại trong cuộc chiển tranh với Macedonia và bị Alexandes đánh bại năm 330 TCN.

3.2. Nguyên nhân thất bại của Ba Tư: Ba Tư là một đế quốc rộng lớn, nhiều tiềm năng về kinh tế và sức người cho nên quân số đông, tướng lĩnh nhiều và nhiều kinh nghiệm xâm lược. Nhưng đế quốc Ba Tư với chế độ chính trị là nền quân chủ tập quyền chuyên chế, với một nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu, ách áp bức bóc lột đàn áp nặng nề tàn khốc đè lên vai các dân tộc bị xâm lược. Trong chế độ đó những dân tộc bại trận đều trở thành nô lệ, con em của họ trở thành binh lính. Cho nên quân Ba Tư đông số lượng nhưng kém về tinh thần, họ chiến đấu không vì quyền lợi của bản thân họ, không vì quyền lợi của dân tộc họ. Ngược lại họ căm thù ngay chính đế quốc. Đội quân đông đảo nhưng kém tinh thần, lại trang bị kém cho nên chỉ cần một thất bại là tan vỡ, mất hoàn toàn ý chí chiến đấu. Thất bại của đế quốc Ba Tư nằm ngay trong nền chính trị chuyên chế và trong cuộc chiến tranh xâm lược phi nghĩa.

          Tất cả những yếu tố trên chỉ là khả năng thất bại của đế quốc Ba Tư. Khả năng có thể không biến thành hiện thực. Cũng nên lưu ý rằng Ba Tư trước khi xâm lược Hi Lạp đã từng chiến thắng nhiều quốc gia và xây dựng nên một đế quốc khổng lồ thời kỳ cố đại. Thất bại của Ba Tư phụ thuộc vào đối phương của họ là các thành bang Hi Lạp.

4.Nguyên nhân thắng lợi của Hi lạp: Cùng là hình thái kinh tế xã hội nô lệ nhưng các thành bang Hi Lạp có một nền kinh tế công thương nghiệp phát triển. Kinh tế phồn vinh có khả năng mang lại cuộc sống no ấm cho nhân dân, cho quân đội, có điều kiện trang bị tốt cho quân đội. Quân đội Hi Lạp được trang bị tốt hơn quân đội Ba Tư. Chiến thuyền Hi Lạp nhẹ nhàng và chất lượng hơn chiến thuyền Ba Tư. Ở một đất nước bán đảo có truyền thống giỏi giang trên mặt biển cho nên trong xây dựng lực lượng, các nhà lãnh đạo Athens đã chú trọng xây dựng lực lượng hải quân là ưu thế, là sở trường của người Hi Lạp. Một quân đội dù có tinh thần chiến đấu, dù cuộc chiến tranh đó là chính nghĩa nhưng không có nghĩa là quân đội đó tay không đánh nhau với địch mà vẫn chiến thắng. Chính nghĩa muốn chiến thắng vẫn phải có nhiều sức mạnh trong đó có sức mạnh vũ khí. Quân đội phải được trang bị những vũ khí bậc nhất mà thời đại đó cho phép.

          Nếu như Ba Tư thiết chế chính trị là quân chủ tập quyền chuyên chế phản động lạc hậu, không có dân chủ cho nhân dân thì chiết chế chính trị Hi Lạp ngược lại là nền cộng hòa: Cộng hòa quí tộc chủ nô Sparta, Cộng hòa dân chủ chủ nô Athens, một thiết chế dân chủ nhất trong thời kỳ cổ đại. Ở thiết chế đó mọi công dân đều có quyền dân chủ (trừ nô lệ), quyền tham gia chính trị mà người nông dân phương Đông không thể có được, người dân bại trận trong một đế quốc như Ba Tư càng không thể có được. Cho nên Người Hi Lạp đã chiến đấu để bảo vệ dân chủ, điều đó đã mang lại sức mạnh to lớn cho nhân dân và quân đội Hi Lạp.

          Một trong nhưng nguyên nhân thắng lợi của người Hi Lạp là các thành bang đã đoàn kết chiến đấu trong một đồng minh chặt chẽ. Càng chiến đấu đồng minh càng được mở rộng và càng chiến thắng vì họ có chung một mục đích là phải chiến thắng quân thù để bảo vệ các thành bang, bảo vệ tổ quốc, nòi giống và tự do.

          Cuộc chiến tranh chính nghĩa, quân đội trang bị tốt, có tinh thần chiến đấu cao, các thành bang đoàn kết trong một đồng minh chiến đấu vì lợi ích chung. Tất cả chỉ là khả năng mang lại chiến thắng. Athens-Hi Lạp đã  chiến thắng vì có những chính khách, những tướng lĩnh tài năng biết biến khả năng thành hiện thực chiến thắng trên chiến trường. Cao nhất trong bộ máy nhà nước là các Quan chấp chính (Athens), các vua (Sparta), đến các tướng lĩnh, các cơ quan quyền lực như  Đại hội công dân, cơ quan quân sự là Hội đồng 10 viên tư lệnh đến quân đội và nhân dân đều quyết tâm chiến đấu, không run sợ và hoang mang trước kẻ thù đông gấp 8 lần về số lượng bộ binh và nhiều lần về hải quân. Từ quyết tâm chiến đấu cho nên họ bình tĩnh ngay cả khi tình huống xấu nhất như trong cuộc kháng chiến lần hai. Những nhà lãnh đạo Athens- Hi Lạp đã biết chuẩn bị kháng chiến, biết rút lui chiến lược để bảo toàn lực lựơng, biết mở những chiến dịch đúng vị trí phát huy thế mạnh của quân Hi lạp, hạn chế ưu thế của quân thù như trận Marathon, trận Salamis, phát huy chiến thuật bao vây chia cắt, dụ quân địch vào thế bị bao vây mà tiêu diệt. Các Quan chấp chính Athen, vua Sparta đã anh dũng chiến đấu và nhiều vị đã hi sinh trên chiến trường. Các Quan chấp chính là những người tổ chức đồng minh và lãnh đạo đồng minh chiến đấu. Trong chiến tranh, để huy động lực lượng nhà nước Athens đã bỏ qua cả luật lệ cứng nhắc, tuyên bố giải phóng cho nô lệ nếu họ tham gia chiến đấu. Nhìn chung các nhà lãnh đạo, các tướng lĩnh Athens đã biết chuẩn bị chiến tranh  và tiến hành chiến tranh nghiêm túc với một nghệ thuật quân sự ở trình độ linh hoạt cao độ, kiên quyết chiến đấu, kiên quyết tấn công để chiến thắng quân thù.

          Dù thời đại đã cách nhau hơn 2.500 năm nhưng những nguyên nhân người Hi Lạp chiến thắng đế quốc Ba Tư vẫn là những bài học nỏng hổi, nguyên giá trị cho một quốc gia nhỏ bé muốn chống lại sự xâm lược của một đế quốc hùng cường, đất rộng người đông.

(còn nữa)

CVL                                                                       

----------------------

 Tài liệu tham khảo

1.Các Mác và Ph. Ăngghen:Toàn tập. T1,T14.Nxb Chính trị Quốc gia. H. 1993.

2. Đại học Tổng hợp Hà Nội-Khoa lịch sử: Giáo trình lịch sử thế giới cổ đại. H. 1975.

3. Đặng Đức An (Chủ biên). Những mẩu chuyện lịch sử thế giới.T1. Nxb Giáo Dục. H. 1999.

4. Chiêm Tế. Lịch sử thế giới cổ đại.T1,2. Nxb Giáo Dục. H. 1978.

5. Cao Văn Liên. Lịch sử 200 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Nxb Lao Động. H. 2007.

6. Bách khoa thư Lịch sử thế giới. Nxb Văn hoá Thông tin. H. 2004.

7. Tạp chí nghiên cứu Châu Phi và Trung Đông. Số 9-2009, số 12-2009.

8. Avdiep V.I.Lịch sử phương Đông cổ đại. M.1970 (tiếng Nga).

9. Bonga R. D-Levin G.M (Chủ biên). Các nền văn minh cổ đại. M. 1989 (tiếng Nga)

4. Tủ sách Đại học Tổng hợp.Giáo trình Lịch sử thế giới cận đại. H. 1973.

5. Anmanách. Những nền văn minh thế giới. Nxb Văn hoá Thông tin. H. 1999.

6. Bách khoa Lịch sử thế giới. Nxb Văn hoá Thông tin. H. 2004.

7. Nguyễn Thị Thư, Nguyễn Hồng Bích, Nguyễn Văn Sơn. Lịch sử Trung-Cận Đông. Nxb Giáo dục. H. 2004.

8. CaoVăn Liên. Lịch sử 200 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Nxb Lao Động. H. 2007.

9. Tạp chí nghiên cứu châu Phi và Trung Đông. số 1-2009. 

PGS TS Cao Văn Liên

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/nhung-van-de-lich-su-trung-dong-va-chau-phi-ky-39-a23591.html