Kỳ 40
XI. TRUNG ĐÔNG HIỆN ĐẠI: CHIẾN TRANH Ả RẬP-ISRAEL
1. Nguyên nhân chiến tranh.
1.1. Những mâu thuẫn tồn tại trong lịch sử
Trong lịch sử thế giới những cuộc chiến tranh bao giờ cũng có nguyên nhân sâu xa và nguyên nhân trực tiếp. Những nguyên nhân sâu xa là bản chất của những cuộc xung đột, chiến tranh, còn nguyên nhân trực tiếp là cái duyên cớ để bùng nổ chiến tranh. Ví như cuộc đại chiến thế giới thứ nhất (1914-1918) bùng nổ do mâu thuẫn giữa một bên là đế quốc Đức với bên kia là Anh, Pháp vì vấn đề thuộc địa, nhưng cái cớ để Đức-Áo-Hung phát động chiến tranh là hoàng thái tử nước Áo-Hung bị ám sát ở Xéc bi. Như đại chiến thế giới thứ hai (1939-1945) bùng nổ do mâu thuẫn giữa khối phát xít Đức, Ý, Nhật với bên kia là Anh, Pháp Mỹ và Liên Xô. Phe phát xít phát động chiến tranh thực hiện mưu đồ bá chủ thế giới. Nhưng cái cớ để phát động chiến tranh là Đức cho rằng kiều dân Đức ở Ba Lan bị tàn sát… Chiến tranh Trung Đông hiện đại, chiến tranh giữa các nước Ả Rập và Israel là do những mâu thuẫn của quá khứ và hiện tại, do những nguyên nhân bên trong và bên ngoài, do mâu thuẫn tôn giáo, mâu thuẫn sắc tộc, mâu thuẫn giữa xâm lược và chống xâm lược. Thực chất của xung đột Ả rập-Israel là vấn đề Israel và Palestine, còn được gọi là vấn đề Trung Đông. Đây là cuộc tranh chấp kéo dài liên miên làm cho Trung Đông thành khu vực nóng được cả thế giới quan tâm.
Hơn 1.000 năm trước đây, trên vùng đất gọi là Palestine ngày nay đã có người Canaan, tổ tiên của người Palestin từ bán đảo Ả rập đến định cư, người Canaan lập nên quốc gia của mình. Sau đó người Phoenicia cũng xâm nhập vào vương quốc Canaan, hòa nhập với người Canaan và được gọi là ngươì Palestine từ đó (tiếng Hi Lạp Phoenicia có nghĩa là Palestine).
Khoảng 2000 TCN, người Hebrew, tổ tiên của người Do Thái từ đồng bằng sông Euphrates cũng đến định cư ở vùng đất Palestine, đã gây ra những cuộc xung đột với người Palestine. Thế kỷ 11 TCN, người Hebrew thành lập vương quốc lấy kinh đô là Jerusalem (có nghĩa là thành phố Hòa bình). Jerusalem trở thành trung tâm chính trị, tôn giáo, văn hoá của người Do Thái.
Năm 64 TCN, đất đai của người Palestine và của người Do Thái bị đế quốc La Mã xâm lược. Người Do Thái đã có 4 cuộc khởi nghĩa lớn chống lại sự thống trị tàn bạo của đế quốc La Mã nhưng bị đàn áp khốc liệt. Một triệu ngươì Do Thái đã bị giết. Số đông bị La Mã đưa sang châu Âu làm nô lệ. Số sống sót phải rời bỏ tổ quốc lưu vong sang các nước Tây Âu như Pháp, Đức, Anh, Italia, Nga, Đông Âu, Bắc Mỹ. Thánh địa của người Do Thái là Jerussalem bị phá huỷ, chỉ còn trơ lại những bức tường mà người Do Thái gọi là “những bức tường khóc”. Số người Do Thái ở lại Palestine còn rất ít. Hiển nhiên, những vùng đất trống của người Do Thái thì ngươì Palestine đã dời xuống định cư. Thế kỷ I sau công nguyên, một người Do Thái ở ngoại vi Jerusalem là Jesus đã sáng lập ra đạo Thiên Chúa. Ông truyền đạo rằng xã hội không có nô lệ và chủ nô, xã hội là bình đẳng. Như vậy ông đã phủ định chế độ nô lệ La Mã. Ông cho rằng cuộc sống của thể xác ở trần gian chỉ là tạm thời, cuộc sống của linh hồn ở Thiên Đường mới là vĩnh viễn. Bọn giàu có mà tàn bạo không được lên Thiên Đường, chỉ những người lương thiện, không phạm lỗi mới được lên Thiên Đường khi chết. Như vậy Jesus đã giải quyết vấn đề sống và chết cho con người và ông đã giải phóng về mặt tư tưởng, tinh thần cho nô lệ, những người nghèo khố, những dân tộc bị đế quốc La Mã thống trị đàn áp, khi cuộc sống hiện thực đau khổ và bế tắc. Jesus bị đế quốc La Mã giết và đóng đinh lên cây thánh giá khi ông 29 tuổi. Cái chết bi thương của chúa Jesus không dập tắt được tôn giáo này mà hàng vạn tín đồ vẫn đi theo. Thiên Chúa giáo vượt qua Địa Trung Hải lan sang châu Âu và trở thành tôn giáo thế giới. Jerusalem còn là nơi thiêng liêng không chỉ đạo Do Thái, của đạo Hồi mà còn là nơi thiêng liêng của những người theo Thiên Chúa giáo, nơi có mộ chúa Giê su.
Thế kỷ VII, Muhammed sáng lập Hồi giáo (Islam) ở bán đảo Ả Rập. Năm 637 người Hồi giáo Ả Rập chinh phục Palestine. Người Palestie đã bị người Ả Rập Hồi giáo đồng hoá thành người Palestine Ả Rập. Năm 692 vua Halipha xây lại thành phố Jerusalem và nhà thờ Hồi giáo Al Aqsa ở đây lớn thứ ba, sau thánh địa Mecca ở đền Tiên tri Medina. Jerusalem thành trung tâm Hồi giáo thứ ba của đạo Hồi. Người Hồi giáo cho rằng Muhammed đã đăng tiên ở Jerussalem để lên chín tầng mây gặp thánh AlLah. Sau khi Jerusalem vào tay người Hồi giáo, những người theo Thiên Chúa giáo ở châu Âu đã tiến hành những cuộc “Thập tự chinh” vào Palestine để “giải phóng mộ chúa” khỏi đạo Hồi từ năm 1096 đến năm 1291, gây nên những chuộc chiến tranh bất ổn cho vùng đất Paletxtin thời kỳ trung đại. Từ thế kỷ XVI, Palestine bị đế quốc Thổ Nhĩ Kỳ chinh phục và thống trị gần 400 năm.
1.2. Chính sách bành trướng Do Thái
Chúng ta đã biết người Do Thái lưu lạc khắp thế giới từ thế kỷ thứ I trước công nguyên. Sang thời kỳ cận đại một số đã bị đồng hoá ở các quốc gia họ cư trú. Số đông vẫn giữ vững nền văn hoá dân tộc. Người Do Thái chăm đọc sách và học tập nên họ giỏi trong hoạt động học thuật, trí tuệ, giỏi kinh doanh và một số đã trở thành những nhà doanh nghiệp lớn, chiếm một vị trí quan trọng trong nền kinh tế thế giới. Đã ra đời Chủ nghĩa phục quốc Do Thái. Thời kỳ cận đại cũng là thời kỳ ra đời và lớn mạnh của giai cấp tư sản các nước châu Âu. Trong cạnh tranh tư sản các nước châu Âu đã mâu thuẫn với tư sản Do Thái. Những cuộc cạnh tranh kinh tế đã biến thành những cuộc tàn sát, uy hiếp người Do Thái. Thế kỷ XIX Nga Hoàng đã tàn sát người Do Thái với qui mô lớn càng thúc đẩy chủ nghĩa phục quốc Do Thái lớn mạnh và hoạt động mạnh mẽ hơn. Chủ nghĩa phục quốc Do Thái do Theodor Herzl sáng lập. Năm 1896 Hérzl viết cuốn sách: “Nước Do Thái”, đây là cương lĩnh của Chủ nghĩa phục quốc Do Thái. Nội dung nêu lên cần phải thành lập một nhà nước Do Thái, rằng bất kỳ người Do Thái cư trú ở bất cứ quốc gia nào trên thế giới cũng đều cấu thành một dân tộc. Nhưng dân tộc Do Thái không thế hòa nhập được với các dân tộc phi Do Thái ở nước cư trú. Cho nên để thoát khỏi sự bức hại, truy sát cần phải thay đổi địa vị vô quyền, tức là phải xây dựng một Đại gia đình Do Thái[1]. Herzl đã đặt nền tảng tư tưởng và lý luận cho Chủ nghĩa phục quốc Do Thái. Tháng 8 năm 1897 Đại hội Chủ nghĩa phục quốc Do Thái đã họp ở Basel ( Thuỵ sĩ) thông qua cương lĩnh Basel. Cương lĩnh ghi nhận rằng: “Mục tiêu của Chủ nghĩa phục quốc Do Thái là xây dựng ở Palestine một gia đình người Do Thái được pháp luật bảo đảm”[2]. Như vậy Chủ nghĩa phục quốc Do Thái là kêu gọi những người Do Thái lưu vong trở về Palestine thành lập một quốc gia của người Do Thái. Chủ nghĩa phục quốc Do Thái còn gọi là chủ nghĩa Xion (tên một ngọn núi ở Jerussalem), kêu gọi người Do Thái về lập nước ở đất thánh Jerusalem.
Sau đại chiến thế giới thứ nhất (1914-1918) phe Đức Áo-Hung và Thổ Nhĩ Kỳ bị đánh bại, nền thống trị của Thổ Nhĩ Kỳ sau 400 năm tan rã. Cuộc đấu tranh giữa các cường quốc tư bản phương Tây để giành ưu thế ở Trung Đông bắt đầu. Trung Đông có vị trí chiến lược quan trọng, cửa ngõ thông vào châu Âu, châu Phi và các nước khác trong khu vực châu Á, cửa ngõ giao lưu với các đại dương như Ấn Độ Dương, Hồng Hải, Thái Bình Dương, Địa Trung Hải và Đại Tây Dương. Trung Đông chiếm 65% trữ lượng dầu mỏ thế giới, số lượng khổng lồ khoảng 90 tỉ tấn, nguồn năng lượng bậc nhất trong thời kỳ cận hiện đại. Các cường quốc đế quốc đã tìm thấy ở Chủ nghĩa phục quốc Do Thái một con bài và biến nó thành một công cụ thực hiện ván cờ bành trường ở Trung Đông. Như vậy không chỉ thời kỳ cổ trung đại mà ngay cả trong thời kỳ cận hiện đại, những nhân tố bên ngoài gây nên sự bất ổn ở Trung Đông này càng phát triển và biến thành hiện thực với quy mô to lớn, lâu dài.
(Còn nữa)
CVL
------------------
[1] .Thông tấn xã Việt Nam. Cuộc xung đột Ixraen và Ả Rập,. NXB Thông tấn. H. 2002. Tr. 28.
[2] . Sách đã dẫn trang 28.
PGS TS Cao Văn Liên
Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/nhung-van-de-lich-su-trung-dong-va-chau-phi-ky-40-a23603.html