“Lê Triều hoàng nữ chính cung
Thập Nhất Công Chúa nổi vùng Xuân Phong
Cẩm Vinh bà giáng ngự đồng
Bà phù dân chúng ngưỡng mong sở cầu…”
Cẩm Vinh Trưởng công chúa nước Đại Việt, có tên Húy là Mỹ Thuần, là con gái thứ 11 của Tháng Tông Thuần hoàng đế, mẹ là Thọ An cung Kính phi họ Nguyễn. Công chúa sinh giờ Dậu, ngày Bính Tuất, tức mồng 3 tháng 6 nhuận, năm Giáp Ngọ, niên hiệu Hồng Đức thứ 5 (1474), từ nhỏ tính tình đã thuần hậu, tiên đế hết lòng yêu quý. Ngày Mậu Thân 12 tháng 9 năm Đinh Mùi (1487) đặc sai Nam quân Đô đốc phủ, Tả Đô đốc, Bình Lương bá Lê Chí, Nội phủ giám kiêm Thái giám Phạm Kiệt đến ban kim sách phong làm Cẩm Vinh Công Chúa – vẻ lan thêm đẹp, nét ngọc càng thuần. Cũng năm đó vào ngày Quý Mão mùng 8 tháng 11, sai Hộ bộ Thượng thư Trịnh Công Ngô làm Nạp Thành Phó sứ làm lễ cho công chúa hạ giá cùng con trai của Trung quân Đô Đốc phủ, Chưởng phủ sự, Thái úy quận công Lê Thọ Vực, tức Phò mã đô úy Tủng Thuyên cho đặt phủ đệ ở Phường Đông Tác huyện Vĩnh Xương phủ Phụng Thiên, Công chúa tự lo việc nhà, cần kiệm quản gia. Tình cầm sắt tuy hòa hợp nhưng mộng hùng bi chưa thành.
Ngày Đinh Mùi 12 tháng 5 năm Mậu Ngọ niên hiệu Cảnh Thống 1 (1498) công chúa bị cảm. Thánh thượng Hoàng đế sai thái y viện Đại sứ Lý Thủ Hộ, Tế Sinh đường khán chẩn Nguyễn Bá Lân ngày đêm thăm khám thuốc thang mà không khỏi. Giờ Mùi ngày Đinh Dậu mồng 3 tháng 7 Công chúa qua đời, hưởng thọ 25 tuổi. Nghe được tin buồn, Thánh thượng vô cùng đau đớn, bỏ 3 ngày không thiết triều, ban tiền an ủi 27 vạn. Sai Tư lễ giám Tả Đề điểm Hà Văn Đãi lo tang sự, Đề đốc Hiệu lực Tứ về Quân sự vụ Dung Hồ bá Lê Lan đến tế. Đại ý rằng: Mệnh em không dài, phúc em ít ỏi, nghe tin buồn đến, đau xé lòng ta. Ân lễ trước sau rất mực đầy đủ.
Ngày Bính Thìn 24 tháng 11 năm ấy đưa tang. Ngày Tân Mùi mồng 10 tháng 11 táng ở cánh đồng Cao Hay, Phong Bang huyện Lôi Dương là quê của thân mẫu công chúa. Công chúa dịu dàng kín đáo, hiền thục đoan trang, khiêm nhường cao quý, xứng đáng được khắc ghi vào bia đá, truyền mãi muôn đời.
Đến nay, ngôi mộ công chúa Cẩm Vinh Trưởng có niên tuổi hơn 500 năm, nằm tại cánh đồng Cao Hay, thuộc làng Lữ Đại, xã Xuân Phong, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Năm 2019, để bảo vệ bảo quản di vật tránh bị hư hỏng, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa đã bảo vệ, tu sửa nhằm phát huy giá trị di vật theo quy định hiện hành của Nhà nước.
Tùy vào điều kiện hàng năm mà các hoạt động của lễ hội đền công chúa Cẩm Vinh Trưởng được tổ chức linh hoạt (thường diễn ra trong 02 ngày 22 và 23 tháng Giêng) với ý nghĩa tri ân công đức của bà.
Lễ khai hội năm nay với nghi lễ Tế nữ quan - theo các cụ cao niên xã Xuân Phong, Tế nữ quan là một nghi lễ đặc biệt, là nét đặc trưng riêng và không thể thiếu của lễ hội để tưởng nhớ về nguồn cội, tri ân công đức của công chúa Cẩm Vinh. Do đó, việc lựa chọn những người tham gia đội tế lễ phải được thực hiện cẩn thận, kỹ lưỡng.
Đội Tế nữ quan trong trang phục áo dài, đầu đội khăn kim tuyến, thắt lưng dải lụa, chân đi hài thêu thực hiện nghi thức tế lễ truyền thống. Ngoài nghi lễ trên là nghi lễ hầu Thánh tín ngưỡng văn hoá tâm linh hay còn gọi là hầu đồng - nghi thức tín ngưỡng tiêu biểu nhất của Đạo Mẫu được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể.
Một số hình ảnh nghi lễ hầu thánh tín ngưỡng văn hóa tâm linh do ông Vũ Văn Chiến thủ nhang bản Đền thực hiện.
Sau phần lễ, Lễ hội đền công chúa Cẩm Vinh còn có chương trình nghệ thuật và nhiều hoạt động vui chơi, giải trí đặc sắc. Người dân xứ Thanh nói chung cũng như huyện Thọ Xuân nói riêng có câu “ba ngày Tết, bảy ngày xuân” để nói về thời điểm thảnh thơi nhất trong năm: tháng Giêng. Cùng với những lễ hội như: lễ hội truyền thống Xuân Phả (diễn ra trong 2 ngày, mùng 9 và mùng 10 tháng 02 âm lịch), Lễ hội đền thờ Lê Hoàn.. Lễ hội đền công chúa Cẩm Vinh không chỉ là dịp để "ngưỡng vọng tiền nhân" với đạo lý "uống nước nhớ nguồn", lễ hội còn có ý nghĩa về tâm linh của người dân nơi đây, cầu mong cho mọi sự tốt lành đến với mọi người trong năm mới.
Bên cạnh đó, lễ hội còn là dịp để những người dân xã Xuân Phong, huyện Thọ Xuân và các vùng lân cận tụ họp, gặp gỡ, giao lưu, tạo nên một không gian văn hóa sôi động và ý nghĩa. Đây cũng là dịp để thế hệ trẻ hiểu rõ hơn về truyền thống văn hóa của địa phương và nuôi dưỡng tình yêu quê hương cũng như góp phần quảng bá đến với du khách thập phương và nhân dân về một vùng đất mang đậm giá trị bản sắc văn hóa Việt Nam để ai ai cũng đều ngưỡng vọng...
Nguyễn Hương
Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/thanh-hoa-dac-sac-le-hoi-den-cam-vinh-truong-cong-chua-a23604.html