Bài thơ “Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây”, khúc hát yêu thương của một thời hoa lửa

Nếu mỗi một nhà thơ có một “vùng đất thẩm mỹ ” riêng thì với Phạm Tiến Duật hẳn đó phải là núi rừng Trường Sơn, tuyến đường Trường Sơn trong những năm tháng chiến tranh chống mỹ cứu nước.

totruong-sun-dong-1710062397.jpg

Ảnh minh hoạ bên dãy Trường Sơn Đông. Nguồn: Internet

Cho nên không phải vô cớ mà người đời gọi ông là “Nhà thơ của Trường Sơn”, “Thi sĩ huyền thoại của đường mòn Hồ Chí Minh trong những năm chống Mỹ”, “Con chim lửa của Trường Sơn huyền thoại”, “Cây săng lẻ của rừng già”...  Và đương thời, khi còn sống, chính Phạm Tiến Duật cũng đã từng nói: “Tôi gắn bó máu thịt với Trường Sơn và có thể nói Trường Sơn đã đẻ ra nhà thơ Phạm Tiến Duật. Trước đây, bây giờ và sau này nếu tôi viết được chút gì neo lại trong lòng bạn đọc chính là nhờ những năm tháng ở Trường Sơn”. Có thể nói, chiến tranh trên dải Trường Sơn thời chống Mỹ vô cùng ác liệt.

Ở đó xuất hiện đủ mọi thứ của chiến tranh, thậm chí có những thứ mà chiến tranh ở nơi khác không hiện diện thì ở Trường Sơn vẫn có đủ. Bây giờ cuộc chiến ấy đã đi qua cũng xấp xỉ nửa thế kỷ nhưng đọc lại những vần thơ viết ở Trường Sơn của ông người ta không khỏi rợn người và xúc động bởi cái khung cảnh của chiến trường, không khí của thời đại, nghĩa tình của những người đồng chí và cả những tình cảm của những đôi lứa yêu nhau… Trong số những bài thơ nổi tiếng của Phạm Tiến Duật viết về Trường Sơn ấy, ngoài “Gửi em cô thanh niên xung phong”, “Bài thơ về tiểu đội xe không kính”, Lửa đèn”, “Nhớ” (là những tác phẩm đạt giải Nhất của báo Văn Nghệ năm 1969) người ta vẫn thường nhắc (hát) đến bài thơ “Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây” của ông. Bài thơ như sau:

Cùng mắc võng trên rừng Trường Sơn
Hai đứa ở hai đầu xa thẳm
Đường ra trận mùa này đẹp lắm
Trường Sơn Đông nhớ Trường Sơn Tây.

Một dãy núi mà hai màu mây
Nơi nắng nơi mưa, khí trời cũng khác
Như anh với em, như Nam với Bắc
Như Đông với Tây một dải rừng liền.

Trường Sơn Tây anh đi, thương em
Bên ấy mưa nhiều, con đường gánh gạo
Muỗi bay rừng già cho dài tay áo
Rau hết rồi, em có lấy măng không?

Còn em thương anh bên tây mùa đông
Nước khe cạn, bướm bay lèn đá
Biết lòng anh say miền đất lạ
Chắc em lo đường chắn bom thù.

Anh lên xe, trời đổ cơn mưa
Cái gạt nước xua đi nỗi nhớ
Em xuống núi nắng về rực rỡ
Cái nhành cây gạt mối riêng tư.

Đông sang tây không phải đường thư
Đường chuyển đạn và đường chuyển gạo
Đông Trường Sơn, cô gái “ba sẵn sàng” xanh áo
Tây Trường Sơn bộ đội áo màu xanh.

Từ nơi em gửi đến nơi anh
Những đoàn quân trùng trùng ra trận
Như tình yêu nối lời vô tận
Đông Trường Sơn nối tây Trường Sơn.
                                              (Theo Thơ Việt Nam 1945 - 1985, 
                                              Nguyễn Đức Nam - Chủ biên NXB Giáo Dục, 1987)

Tổng thể bài thơ “Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây” không dài; cấu trúc cũng rất đơn giản với bảy khổ thơ bốn câu, chủ yếu là những câu thơ thất ngôn rất dễ nhớ. Nhìn tổng thể cấu trúc ấy có thể hình dung gồm có ba phần. Phần thứ nhất, khổ thơ đầu là lời tự tình của đôi lứa yêu nhau. Phần thứ hai, gồm năm khổ thơ tiếp theo là những khúc tâm tình trên hai dải Trường Sơn. Phân thứ ba, khổ thơ cuối là vẻ đẹp bất tử của tình yêu trong cái nhìn của một niềm tin tất thắng. Theo lời nhà thơ chia sẻ thì bài thơ “Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây” được sáng tác vào cuối năm 1969, tại làng Cổ Giang, nằm bên bờ sông Son, thuộc tỉnh Quảng Bình. Làng Son ở gần đường 20, con đường xẻ ngang dãy núi Trường Sơn huyền thoại. Bài thơ bắt nguồn từ một chuyện tình có thật của một anh lính ở phía Tây Trường Sơn yêu một cô y tá đang ở phía Đông Trường Sơn. Một lần ngồi chung xe đi sang phía Tây, suốt dọc đường anh lính ấy cứ liên tục nhắc đến người yêu. Nối nhớ của anh lính ấy đã “lây lan” sang nhà thơ và bài thơ được hình thanh bắt đầu từ đấy. Sau khi ra đời, bài thơ được bộ đội và thanh niên xung phong trên chiến trường chép lại và để trong túi áo để học thuộc. Đến năm 1971, bài thơ lại có duyên với nhạc sỹ Hoàng Hiệp khi ông phổ nhạc thành bài hát cùng tên với bài thơ của Phạm Tiến Duật. Kể từ đó, chất thơ và chất nhạc quyện chặt vào nhau, “nâng cánh cho nhau vang vọng khắp các chiến trường, thôi thúc hàng triệu trái tim xông pha nơi tiền tuyến, giết giặc lập công… ”.

Và đến nay bài hát cùng tên với bài thơ ấy vẫn được nhiều người yêu thích và được đánh giá là một trong những tình khúc hay nhất của thời chống Mỹ. Đọc bài thơ chúng ta thấy nội dung chính của tác phẩm là viết về tình yêu lứa đôi. Một cách viết rất hay của nhà thơ Phạm Tiến Duật. Đó là sự thể hiện những niềm thương nỗi nhớ của hai người yêu nhau đang cùng có mặt trên dải Trường Sơn trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Họ ở cùng nhau trên “một dải rừng liền” nhưng không thể gặp được nhau bởi người ở “Trường Sơn Đông”, kẻ ở “Trường Sơn Tây”. Trong hoàn cảnh éo le ấy hai người không nguôi nhớ về nhau. Nhưng vượt lên trên tất cả vẫn là một tình yêu trong sáng, cao cả của họ bởi khi đất nước lâm nguy thì tình yêu Tổ quốc là tình cảm thiêng liêng và cao quý nhất.  
    Phần mở đầu bài thơ giống như một lời tự sự về câu chuyện tình của đôi lứa yêu nhau: “Cùng mắc võng trên rừng Trường Sơn/ Hai đứa ở hai đầu xa thẳm/ Đường ra trận mùa này đẹp lắm/ Trường Sơn Đông nhớ Trường Sơn Tây”. Qua câu chuyện kể này ta thấy đôi trai gái yêu nhau ở đây có một cảnh ngộ giống như chàng trai và cô gái trong bài thơ cổ của Trung Hoa: “Chàng ở đầu sông Tương/ Thiếp ở cuối sông Tương/ Nhớ nhau không gặp mặt/ Cùng uống nước sông Tương” (Trường Tương tư – Lương Ý Nương) và cũng có cái tâm trạng như Nguyễn Du đã từng nói “Sông Tương một dải nông hờ/ Bên trông đầu nọ bên chờ cuối kia” (Truyện Kiều). Cái cảnh ngộ éo le trong thơ xưa ấy trớ trêu thay lại có thật trên dải Trường Sơn trong những năm tháng đánh Mỹ cho nên mới có cái cảnh “Cùng mắc võng trên rừng Trường Sơn/ Hai đứa ở hai đầu xa thẳm”. Nhưng khác với với câu chuyện tình bị ngăn cách bởi sự cấm đoán trong thơ xưa, câu chuyện tình cách trở trong thời chống Mỹ này xuất phát từ một nghĩa vụ vô cùng cao đẹp, do cả hai bên cùng tự nguyện. Chính bởi vì có sự tự nguyện mà họ mới nhận ra: “Đường ra trận mùa này đẹp lắm”, cho dù cả hai đều trong tâm trạng lúc nào cũng đầy những nhớ nhung yêu thương: “Trường Sơn Đông nhớ Trường Sơn Tây”. Khúc tự sự mở đầu của Phạm Tiến Duật không chỉ nói được nỗi lòng của đôi trai gái trên chiến trường mà còn mở ra cho người đọc thấy được không khí của cả thời đánh Mỹ. Câu thơ có nhớ nhung nhưng không hề bi lụy. Trái lại nó còn hùng tráng bởi có cái không khí của một thời kỳ ra trận được xem là ngày hội non sông: “Những buổi vui sao, cả nước lên đường/ Xao xuyến bờ tre, từng hồi trống giục/ Xóm dưới làng trên, con trai con gái/ Xôi nắm cơm đùm, ríu rít theo nhau/ Súng nhỏ súng to, chiến trường chật chội/ Tiếng cười hăm hở, đầy sông đầy cầu” (Đường ra mặt trận – Chính Hữu). Những chàng trai, cô gái tuổi mới đôi mươi trong lòng chứa chan tình yêu Tổ quốc. Với họ mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng thì “cuộc đời đẹp nhất là trên trận tuyến đánh quân thù” như câu nói của Lê Mã Lương. Ở lời tự sự này, cái tài trong câu thơ Phạm Tiến Duật là nén được tình riêng đằng sau nghĩa lớn. Cái tình riêng ấy được thể hiện một cách kín đáo qua cách nói bằng lối nhân hóa và hoán dụ rất duyên dáng: “Trường Sơn Đông nhớ Trường Sơn Tây”.

Phần thứ hai, gồm bốn khổ thơ tiếp theo là những khúc tâm tình trên hai dải Trường Sơn. Trong phần này nhà thơ trực tiếp thể hiện những nỗi nhớ nhung của đôi trai gái yêu nhau ở hai bên sườn núi trên dãy Trường Sơn hùng vĩ. Tình yêu và xa cách vốn không có gì mới trong thơ ca. Nhưng tự nguyện xa cách trong những nỗi niềm nhớ thương của hai người yêu nhau thì sẽ không có nhiều. Ở bài thơ này Phạm Tiến Duật đã rất khéo léo lấy những cái khác biệt, thậm chí đối lập của tự nhiên ở Trường Sơn kết hợp với các câu thơ sử dụng phép so sánh để khẳng định khối tình vững chắc không gì có thể chia cắt được của con người và hai miền Bắc – Nam. Đông Trường Sơn và Tây Trường Sơn đúng là “một dãy núi mà hai màu mây” và “nơi nắng nơi mưa” nhưng đó là một thể thống nhất không gì chia cắt được “Như anh với em, như Nam với Bắc/ Như Đông với Tây một dải rừng liền”. Phải chăng qua cách nói này nhà thơ muốn lấy cái hiện hữu của tự nhiên để khẳng định cái bất biến của tình cảm đôi lứa cũng như là sự toàn vẹn lãnh thổ của hai miền Bắc – Nam mà không thể có một thế lực nào chia cắt được.

“Ở hai đầu nỗi nhớ”, chàng trai bên sườn Tây Trường Sơn thương cô gái ở bên sườn Đông Trường Sơn đang phải gánh gạo trên con đường “mưa nhiều”, “muỗi bay rừng già”. Và trong cái phấp phỏng ấy chàng trai vẫn không quên lo lắng cho cô gái “rau hết rồi, em có lấy măng không?”. Cũng như chàng trai, cô gái ở bên Đông Trường Sơn cũng rất thương và lo lắng cho người yêu đang gặp phải mùa đông mà rất có thể gặp phải cảnh “nước khe cạn, bướm bay lèn đá”. Chiến tranh, con người đối diện với bom đạn vốn đã rất gian khổ nhưng chiến tranh ở Trường Sơn thì sự gian khổ tăng lên gấp bội khi gặp tiết trời không thuận. Theo như lời kể của chính nhà thơ thì câu thơ này không phải tả cảnh đẹp mà là “một quan sát đáng run sợ của lính trinh sát” bởi “thấy cảnh ấy vào lúc chập chiều thì cầm chắc là đói vì không thể có nước nấu cơm. Mười cây số vuông quanh đó không thể có nguồn nước”. Phải chăng hiện tượng bướm bay ở lèn đá và nguồn nước có mối quan hệ nào đó chăng, giống như các kinh nghiệm về tự nhiên mà cha ông ta đã từng đúc kết, như thể: “Chuồn chuồn bay thấp thì mưa/ Bay cao thì nắng bay vừa thì râm”. Cái nỗi lo lắng cho nhau của đôi trai gái trên dải Trường Sơn ấy lại làm ta nhớ đến câu thơ của Tố Hữu: “Trường Sơn, đông nắng, tây mưa/ Ai chưa đến đó như chưa rõ mình.” (Nước non ngàn dặm) hay câu thơ của Thúy Bắc: “Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây/ Bên nắng đốt, bên mưa quây” (Gửi em) khi nói về những khắc nghiệt của thiên nhiên bên hai sườn núi của dãy Trường Sơn.

Yêu nhau tất là phải lo lắng cho nhau. Cái lo lắng cho nhau ấy là lẽ thường tình của con người. Và nhớ thương nhau trong tình yêu xa cách cũng là điều tất yếu của con người. Chàng trai và cô gái trong bài thơ này không nằm ngoài quy luật tự nhiên đó. Nỗi thương nhớ của họ được nhà thơ thể hiện một cách rất thành thực và tự nhiên: “Anh lên xe, trời đổ cơn mưa/ Cái gạt nước xua đi nỗi nhớ/ Em xuống núi nắng về rực rỡ/ Cái nhành cây gạt mối riêng tư”. Anh bộ đội lái xe ra trận với nỗi nhớ người yêu trào dâng trong cảm xúc, xối xả như mưa khi lên xe, phải nhờ cái gạt nước để xua đi nỗi nhớ. Nỗi nhớ ấy trong lòng cô gái cũng vấn vương, da diết lúc gánh gạo xuống núi trong nắng về rực rỡ, phải nhờ nhành cây gạt mối riêng tư. Chỗ này nhà thơ rất khéo léo trong việc sử dụng nghệ thuật đối và cách nói nhân hóa để kín đáo thể hiện những nỗi niềm nhung nhớ của hai người đang yêu nhau trong xa cách. Ta thấy nỗi nhớ ấy càng kìm nén, càng cố “xua” đi, “gat” đi thì lại càng hiện về rõ hơn. Mọi cố gắng để tạm quên nhau đi dường như lúc này cũng trở nên bất lực. Tuy bất lực nhưng bài thơ không hề bi lụy bởi những tiếng lòng khắc khoải đó được hòa nhịp một cách tự nhiên với không khí của thời đại:

“Đông sang tây không phải đường thư
  Đường chuyển đạn và đường chuyển gạo
  Đông Trường Sơn, cô gái “ba sẵn sàng” xanh áo
  Tây Trường Sơn bộ đội áo màu xanh”.

Nhớ lại, trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, ở miền Bắc, thanh niên có phong trào “ba sẵn sàng”; phụ nữ có phong trào “ba đảm đang”. Chàng trai và cô gái trong bài thơ này hẳn là đã và đang hưởng ứng phong trào “ba sẵn sàng” ấy. Đó là sắn sàng lên đường phục vụ chiến đấu (vận chuyển vũ khí và lương thực) ở mặt trận Trường Sơn. Và cái không khí sục sôi của thời đại ấy cũng được nhà thơ chuyển tải một cách rất nhẹ nhàng và đầy hóm hỉnh bởi cái giọng điệu “tinh nghịch” bằng câu thơ đảo ngữ “cô gái ba sẵn sàng xanh áo” và “bộ đội áo màu xanh”. Thế thôi, chẳng phải lên gân lên cốt gì cả mà hiện thực đi vào trong thơ nhẹ tênh một cách rất tự nhiên, rất chân thực.

Phân thứ ba, khổ thơ cuối là vẻ đẹp bất tử của tình yêu trong cái nhìn của một niềm tin tất thắng: “Từ nơi em gửi đến nơi anh/ Những đoàn quân trùng trùng ra trận/ Như tình yêu nối lời vô tận/ Đông Trường Sơn nối tây Trường Sơn”. Có thể thấy, với khát vọng thống nhất đất nước, bằng sự yêu đời, luôn hướng về phía ánh sáng và niềm tin trong cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, Phạm Tiến Duật đã nhận ra từ hai đầu xa cách của hai sườn núi đang được nối lại gần nhau bởi những đoàn hùng binh đêm ngày rầm rập nối đuôi nhau ra trận. Tình yêu của hai cá nhân như được hòa vào trong tình yêu đất nước.

Tất cả như đang cuồn cuộn, sục sôi và hóa thành một mạch sống mạnh mẽ dâng trào trong tâm tư người lính Trường Sơn; tạo thành một sức sống mãnh liệt cùng niềm tin tất thắng trong tâm hồn của những chàng trai cô gái tuổi đôi mươi. Đặc biệt trong khổ thơ kết thúc này nhà thơ đã sử dụng một nghệ thuật so sánh rất đặc sắc: “Như tình yêu nối lời vô tận”. Phải nói rằng sự so sánh này vừa tạo nên sự bất ngờ vừa rất tự nhiên, hợp lý. Nó thể hiện sức mạnh hùng hậu của quân đội ta khi đó với những đoàn quân trùng trùng, điệp điệp nối nhau ra trận từ Trường Sơn Đông sang Trường Sơn Tây kia giống như “tình yêu nối lời vô tận” được gửi “Từ nơi em” đến “nơi anh”. Phải chăng con đường tình yêu thời đó cũng là con đường chiến đấu. Bởi thế đọc bài thơ bên cạnh những nhớ nhung người ta còn thấy hiện lên phơi phới một niềm tin tất thắng bởi những quyết tâm giải phóng miền Nam thống nhất nước nhà.

Cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước đã lùi xa vào quá khứ nhưng ký ức về một thời lửa đạn trên tuyến đường Trường Sơn vẫn còn sống mãi trong lòng mỗi người Việt Nam qua từng trang văn, trang thơ. Và bài thơ “Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây” của Phạm Tiến Duật không phải là ngoại lệ. Qua nhưng trang thơ ấy người ta sẽ thấu hiểu được hiện thực và tâm hồn của những con người đã từng sống và chiến đấu trên dặm dài Trường Sơn thân yêu. Họ rất người nhưng cũng rất thánh.

Những con người ấy là những người đã làm nên đất nước. Hơn ai hết, Phạm Tiến Duật đã tạc tượng những người lính Trường Sơn bằng những vần thơ bất hủ. Những con người ấy, những tác phẩm đó sẽ còn sống mãi với thời gian. Hẳn đã có không ít người biết đến Trường Sơn qua những vần thơ của Phạm Tiến Duật. Và có lẽ cũng sẽ có ngày người ta được biết Phạm Tiến Duật ở Trường Sơn. Tôi đã từng đi trên con đường mang tên Phạm Tiến Duật rất dài ở thị trấn huyện Thanh Ba tỉnh Phú Thọ - quê hương của nhà thơ. Con đường ấy là một sự ghi nhận công lao của ông với tư cách là một nhà thơ nổi tiếng của đất nước thời hiện đại - một người con của Thanh Ba đã làm rạng rỡ quê hương. Và chợt nghĩ, sau này trên những nẻo đường của dải Trường Sơn mênh mông của những ngày mưa bom bão đạn năm xưa cũng sẽ có một con đường như thế thì thật ý nghĩa biết bao! 
 

Đào Thị Thu Hiền - Trường THCS Nguyễn Văn Huyên, huyện Hoài Đức, TP Hà Nội

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/bai-tho-truong-son-dong-truong-son-tay-khuc-hat-yeu-thuong-cua-mot-thoi-hoa-lua-a23669.html