Nhưng “cơn gió bụi” này không phải là cuộc chiến tranh chống ngoại xâm để bảo vệ Tổ quốc mà là một cuộc nội chiến “huynh đệ tương tàn” do vua chúa khởi động (chín tầng gươm báu trao tay) để bảo vệ quyền lợi riêng của mình. Nói cách khác đây là một cuộc chiến tranh phi nghĩa. Tác phẩm viết về đề tài chiến tranh này được Đặng Trần Côn (hiện chưa rõ năm sinh năm mất, chỉ biết rằng ông sống vào khoảng nửa đầu thế kỷ XVIII) viết bằng chữ Hán theo thể thơ trường đoản cú (câu dài câu ngắn xen lẫn nhau) gồm có 476 câu và tương truyền bản dịch thơ bằng chữ Nôm hiện đang được dùng phổ biến là của Hồng Hà nữ sĩ Đoàn Thị Điểm (1705 – 1748), gồm 408 câu, viết theo thể thơ song thất lục bát; cũng có ý kiến cho rằng là của Phan Huy Ích (1751 – 1822).
Đương thời, “Chinh phụ ngâm” có ý nghĩa như một tiếng nói phản chiến. Theo các nhà nghiên cứu, tác phẩm được Đặng Trần Côn viết vào đầu đời Cảnh Hưng, khoảng năm 1740. Lúc này đất nước đang lâm vào tình cảnh rối ren, loạn lạc; phong trào khởi nghĩa của nông dân diễn ra ở khắp nơi. Chứng kiến và cảm thán cho những cảnh ly biệt, tình nhớ thương của người chinh phu và chinh phụ trong dân gian mà Đặng Trần Côn đã soạn ra khúc ngâm này. Hẳn là lúc chào đời, tác phẩm đã gây một tiếng vang trong đời sống văn học bấy giờ, khi mở ra một khuynh hướng mới trong sáng tác. Đó là tác phẩm phản ánh rõ nét những dấu ấn của hiện thực đời sống xã hội. Tuy nhiên tác phẩm viết bằng chữ Hán cho nên chưa thể đáp ứng được hết nhu cầu của xã hội cho nên đã có nhiều người dịch tác phẩm sang chữ Nôm, trong đó bản dịch hay nhất được cho là của nữ sĩ Đoàn Thị Điểm. Người ta kể nữ sĩ Hồng Hà dịch “Chinh phụ ngâm” trong khoảng thời gian ông Nguyễn Kiều (chồng bà) đi sứ nhà Thanh (khi mới cưới vợ chưa đầy một tháng, năm 1743). Có lẽ sống trong cảnh hương lửa đang nồng nay phải cách xa chồng cùng với biết bao lo toan của cuộc sống ở nhà nên nỗi lòng bà dễ dàng đồng cảm với nỗi niềm của những người chinh phụ nên bản dịch “Chinh phụ ngâm” của bà chất chứa nỗi niềm tâm trạng với biết bao lo âu, sầu muộn; vừa có sự phấp phỏng vừa có nỗi sợ hãi của một người vợ trẻ đang ngày đêm mong ngóng tin chồng giữa không gian và thời gian bao la, mịt mờ, xa thẳm. Có lẽ trong cái tâm trạng ấy mà nữ sĩ đã chọn thể thơ song thất lục bát để diễn tả nỗi lòng qua những cấu trúc tiết tấu nhịp điệu như thể chất chứa tâm trạng buồn lo, nhung nhớ. Cũng bởi vậy mà tác phẩm dễ đi vào lòng người và nhận được sự đồng cảm của biết bao thế hệ bạn đọc qua các thời kỳ lịch sử.
Phải nói luôn rằng, bức tranh xã hội trong “Chinh phụ ngâm” được nhìn qua tâm trạng đau buồn của người chinh phụ. Cái nhìn ấy cũng đã phần nào phản ánh cho chúng ta thấy được những nét tiêu biểu của hiện thực đời sống trong một giai đoạn lịch sử đầy biến động với biến cố là những cuộc chiến “huynh đệ tương tàn” đau thương của dân tộc. Đồng thời cũng thể hiện được những tình cảm chân thành của nhân dân. Sự thấu hiểu, đồng cảm và chia sẻ của các tác giả với nhân dân, đất nước đã làm cho tác phẩm có một sức hút và sự ảnh hưởng to lớn đối với đương thời. Có lẽ vì các giá trị nhân bản ấy mà trong suốt trường kỳ lịch sử tác phẩm không bị già đi với thời gian. Nó vẫn được các thế hệ người Việt Nam đón nhận như một lời phản tỉnh chiến tranh phi nghĩa bằng một cảm xúc đầy yêu thương, trân trọng. Trong suốt trường kỳ đó nhiều trích đoạn của tác phẩm đã được đưa vào chương trình của sách giáo khoa Ngữ văn các cấp để giáo dục, bồi dưỡng tâm hồn các thế hệ học sinh. Dưới đây là một trong những trích đoạn đang được tuyển chọn đưa vào học trong chương trình Ngữ văn lớp 9 (bộ sách “Kết nối tri thức với cuộc sống”).
“Đường giong ruổi lưng đeo cung tiễn
Buổi tiễn đưa lòng bận thê noa
Bóng cờ tiếng trống xa xa
Sầu lên ngọn ải, oán ra cửa phòng.
Chàng tuổi trẻ vốn dòng hào kiệt
Xếp bút nghiên theo việc đao cung
Thành liền mong tiến bệ rồng
Thước gươm đã quyết chẳng dong giặc trời.
Chí làm trai dặm nghìn da ngựa
Gieo Thái sơn nhẹ tựa Hồng mao
Giã nhà đeo bức chiến bào
Thét roi cầu Vị ào ào gió thu.
Ngòi đầu cầu nước trong như lọc
Đường bên cầu cỏ mọc còn non
Đưa chàng lòng rười rượi buồn
Bộ khôn bằng ngựa thủy khôn bằng thuyền.
Nước có chảy mà phiền khôn rửa
Cỏ có thơm mà dạ chẳng khuây
Nhủ rồi tay lại cầm tay
Bước đi một bước giây giây lại dừng.
Lòng thiếp tựa bóng trăng theo dõi
Dạ chàng xa tìm cõi Thiên san
Múa gươm rượu tiễn chưa tàn
Chỉ ngang ngọn giáo vào ngàn hang beo.
Săn Lâu Lan rằng theo Giới Tử
Tới Man Khê bàn sự Phục Ba
Áo chàng đỏ tựa ráng pha
Ngựa chàng sắc trắng như là tuyết in.
Tiếng nhạc ngựa lần chen tiếng trống
Giáp mặt rồi phút bỗng chia tay
Hà lương chia rẽ đường này
Bên đường trông bóng cờ bay ngùi ngùi.
Quân trước đã gần ngoài doanh Liễu
Kỵ sau còn khuất nẻo Tràng Dương
Quân đưa chàng ruổi lên đường
Liễu dương biết thiếp đoạn trường này chăng?
Tiếng địch thổi nghe chừng đồng vọng
Hàng cờ bay trông bóng phất phơ
Dấu chàng theo lớp mây đưa
Thiếp nhìn rặng núi ngẩn ngơ nỗi nhà.
Chàng thì đi cõi xa mưa gió
Thiếp thì về buồng cũ chiếu chăn
Đoái trông theo đã cách ngăn
Tuôn mầu mây biếc trải ngàn núi xanh.
Chốn Hàm Dương chàng còn ngoảnh lại
Bến Tiêu Tương thiếp hãy trông sang
Khói Tiêu Tương cách Hàm Dương
Cây Hàm Dương cách Tiêu Tương mấy trùng.
Cùng trông lại mà cùng chẳng thấy
Thấy xanh xanh những mấy ngàn dâu
Ngàn dâu xanh ngắt một màu
Lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai”.
(Theo “Giảng văn Chinh phụ ngâm”, Đặng Thai Mai,
Trường Đại học Sư phạm Hà Nội I, 1992)
Đoạn trích trên nằm ở phần đầu của tác phẩm, gồm 52 câu, từ câu 13 đến câu 64. Về tổng thể, đoạn trích miêu tả buổi tiễn đưa người chinh phu lên đường ra trận của người chinh phụ. Buổi tiễn đưa ấy đã cho chúng ta thấy nhân sinh quan của người chinh phu và người chinh phụ đều bị chi phối bởi những quy phạm của tư tưởng phong kiến trong cái bả vinh hoa của mộng công danh. Nhưng phía sau cái ước mơ “phong hầu” kia các tác giả cũng không hề che đậy hay giấu giếm những nỗi nhớ thương, bịn rịn, lưu luyến của kẻ ở người đi. Hai mặt của vấn đề này tưởng như mâu thuẫn với nhau nhưng lại rất thống nhất với nhau trong thực tế của con người trung đại. Tiếc rằng, các tầng lớp thống trị khi ấy đang lợi dụng cái chủ nghĩa anh hùng của chế độ phong kiến để củng cố quyền lực và lợi ích riêng của gia đình mình chứ không vì muôn dân trăm họ. Chẳng những thế chúng còn đẩy bách tính vào cái thảm cảnh: “Non Kỳ quạnh cõi trăng treo/ Bến Phì gió thổi đìu hiu mấy gò/ Hồn tử sĩ ù ù gió thổi/ Mặt chinh phu trăng vòi vọi soi/ Chinh phu sĩ tử mấy người/ Nào ai mạc mặt, nào ai gọi hồn”. Đoạn trích trên đã rất thành công trong việc khắc họa chủ nghĩa anh hùng trong tư tưởng con người của thời đại đồng thời cũng dự báo những thảm cảnh bất hạnh trong tương lai, phía sau những ánh hào quang mà bọn phong kiến đang giao giảng cho cả hai phía ở nơi tiền tuyến và chốn hậu phương.
1. Chủ nghĩa anh hùng phong kiến với lý tưởng công danh qua hình ảnh người chinh phu lúc lên đường.
Hình ảnh người chinh phu lên đường trong đoạn trích được các tác giả (nguyên tác và dịch giả) khắc họa bằng bút pháp ước lệ, tượng trung theo những nguyên tác của mỹ học thời phong kiến. Với bút pháp ước lệ, tượng trưng đó đoạn trích đã tái hiện được một màn xuất quân ra trận mang đậm nét tinh thần chung của thời đại với nhưng nét phổ quát nhất. Ở đó chúng ta chỉ thấy những hình ảnh tổng thể, chung nhất qua thanh âm, hình ảnh của nhạc ngựa, trống hành quân, bóng cờ bay: “Đường giong ruổi lưng đeo cung tiễn”, “Tiếng nhạc ngựa lần chen tiếng trống”, “Bóng cờ tiếng trống xa xa”, “Bên đường trông bóng cờ bay ngùi ngùi” và hình ảnh của đội tiền quân, hậu kỵ trên đường ra trận: “Quân trước đã gần ngoài doanh Liễu”, “Kỵ sau còn khuất nẻo Tràng Dương”. Ở trong đoạn trích này người ta thấy lối miêu tả ở đây khác với cách miêu tả của văn chương hiện đại; thường phải rõ ràng về địa điểm và thời gian, chính xác về số lượng và chi tiết về cảnh vật… Cái cách thể hiện này mang đậm nét phong cách nghệ thuật văn chương thời phong kiến. Nhìn chung văn chương thời trung đại là vậy. Cho nên cái cảnh ra trận ở trên giống như một công thức chung, người ta có thể gắn (lắp ghép) với bất kỳ một buổi lên đường nào cũng được.
Cái tính ước lệ ấy không chỉ được dùng để miêu tả cái không khí chung của buổi lên đường, của hình ảnh đoàn quân tiến ra mặt trận mà còn được sử dụng để thể hiện ngay cả trong cách xây dựng nhân vật trung tâm. Bởi thế mới có hình ảnh:
“Chàng tuổi trẻ vốn dòng hào kiệt
Xếp bút nghiên theo việc đao cung
Thành liền mong tiến bệ rồng
Thước gươm đã quyết chẳng dong giặc trời
Chí làm trai dặm nghìn da ngựa
Gieo Thái sơn nhẹ tựa Hồng mao
Giã nhà đeo bức chiến bào
Thét roi cầu Vị ào ào gió thu”.
Như thế, rất rõ ràng, nghệ thuật trung đại chỉ chú ý tới việc nêu cao chí khí để khơi gợi chủ nghĩa anh hùng chứ không quan tâm tới việc miêu tả, khắc họa diện mạo cụ thể của nhân vật. Cho nên đọc các câu thơ ấy người ta chỉ thấy các tác giả như đang giới thiệu cho người đọc biết được người chinh phu ra trận thuộc hàng con dòng cháu giống, có học thức, có tinh thần, có quyết tâm … Hoặc nếu có cụ thể hơn chút nữa thì cũng chỉ là những họa tiết của sắc màu trang phục để ta có thể biết được đó là một người có vị trí nhất định nào đó trong đoàn quân ra trận như:
“Áo chàng đỏ tựa ráng pha
Ngựa chàng sắc trắng như là tuyết in”.
Chỉ thế thôi, chúng ta không biết được hơn điều gì cụ thể, ví như về cấp bậc, chức vụ, nét mặt, quê quán … Và, hiện lên trong đoạn trích, giữa bối cảnh mịt mù của chiến tranh với những tiếng trống trận (Trống Tràng Thành lung lay bóng nguyệt/ Khói Cam Tuyền mờ mịt thức mây) cùng tiếng hịch truyền (Nửa đêm truyền hịch định ngày xuất chinh) đang thôi thúc, giục giã, người chinh phu xuất quân ra trận với một vẻ đẹp lộng lẫy, oai phong như một chàng dũng sĩ theo đúng lý tưởng phong kiến. Trang hào kiệt này có đủ các phẩm chất tốt đẹp (truyền thống gia đình, có học thức, có chí tiến thủ phấn đấu, có quyết tâm cao độ, sẵn sàng xả thân vì lý tưởng) để xoay trời, đảo đất và quyết đem thân mình trả nợ núi sông:
“Chàng tuổi trẻ vốn dòng hào kiệt
Xếp bút nghiên theo việc đao cung
Thành liền mong tiến bệ rồng
Thước gươm đã quyết chẳng dong giặc trời.
Chí làm trai dặm nghìn da ngựa
Gieo Thái sơn nhẹ tựa Hồng mao”
Chàng dũng sĩ hăm hở đi vào cuộc chiến với dáng vẻ rất dứt khoát và đầy mạnh mẽ. Chỉ cần một tiếng “thét roi” (Giã nhà đeo bức chiến bào/ Thét roi cầu Vị, ào ào gió thu) cũng đủ cho người ta thấy được sức mạnh và quyết tâm hành động của chàng. Kể từ giờ phút bước chân ra trận, tuy “xác” chàng còn đang trên đường hành quân nhưng “hồn” chàng có vẻ như đã ở ngoài xa vạn dặm:
“Dạ chàng xa tìm cõi Thiên san
Múa gươm rượu tiễn chưa tàn
Chỉ ngang ngọn giáo vào ngàn hang beo.
Săn Lâu Lan rằng theo Giới Tử
Tới Man Khê bàn sự Phục Ba”
Người chinh phu không chỉ mạnh mẽ trong tiếng “thét roi” mà còn hiện lên một cách hùng dũng, oai phong, lẫm liệt qua các hành động, cử chỉ: “Múa gươm rượu tiễn chưa tàn/ Chỉ ngang ngọn giáo vào ngàn hang beo”. Đặc biệt chàng đã lấy gương những anh hùng hảo hán trong sử sách Trung Hoa để noi theo và thể hiện chí khí báo đền nợ nước như sự kiện Phó Giới Tử giết chết An Quy là vua nước Lâu Lan vì giám giết sứ thần sỉ nhục nhà Hán, Mã Phục Ba hơn sáu mươi tuổi vẫn cầm quân chinh chiến Man Khê. Một con người như thế tất không phải là tầm thường cho nên vẻ đẹp của chàng không thể không bừng sáng giữa đoàn quân:
“Áo chàng đỏ tựa ráng pha
Ngựa chàng sắc trắng như là tuyết in”
2. Chiến tranh phong kiến và ước vọng phong hầu của người chinh phụ cùng nỗi niềm tâm trạng của kẻ ở người đi.
Chủ nghĩa anh hùng phong kiến với lý tưởng công danh qua hình ảnh người chinh phu lúc lên đường như đã nói ở trên ban đầu chắc hẳn phần nào cũng có giá trị hấp dẫn nhất định với cả người chinh phu và người chinh phụ. Nếu không hấp dẫn thì làm sao lại có sự ra đi hào hùng và lẫm liệt đến thế. Phải chăng cũng vì mưu cầu quyền lợi của cá nhân mà có lúc cả hai cũng có mơ ước được “tử ấm”, “thê phong”. Tuy nhiên chiến tranh không phải trò đùa, nhất lại là những cuộc chiến phi nghĩa. Cho nên dù có hoài bão, khát vọng đẹp đẽ đến đâu thì thực tế tàn nhẫn, đau khổ dường như đang bày ra trước mắt cả hai người chinh phu và chinh phụ. Bởi thế đằng sau cái sự hoàng nhoáng đến choáng ngợp kia người ta vẫn nhận ra cái tâm trạng dùng dằng của cả hai người khi tiễn nhau ra trận:
“Đường giong ruổi lưng đeo cung tiễn
Buổi tiễn đưa lòng bận thê noa
Bóng cờ tiếng trống xa xa
Sầu lên ngọn ải, oán ra cửa phòng”
Trang nam tử “lưng đeo cung tiễn” lên đường thực hiện chí nam nhi nhưng trong buổi tiễn đưa lòng không khỏi vương bận “thê noa” (nhung nhớ, lo lắng cho vợ con …). Cái tâm trạng lo lắng, nhung nhớ, buồn thương ấy không chỉ có ở người ra trận mà chất chứa trong nỗi lòng kẻ ở hậu phương. Dường như những sầu và oán đang lan rộng từ “cửa phòng” lên đến miền “quan ải”; từ lòng người tràn ra khắp không gian, nhuốm vào cả dòng nước và cỏ cây hoa lá bên đường:
“Ngòi đầu cầu nước trong như lọc
Đường bên cầu cỏ mọc còn non”
Nỗi buồn lo của nàng chinh phụ trong buổi tiễn đưa như chất như chồng, chan chứa trong suy nghĩ, tâm tư:
“Đưa chàng lòng rười rượi buồn
Bộ khôn bằng ngựa thủy khôn bằng thuyền.
Nước có chảy mà phiền khôn rửa
Cỏ có thơm mà dạ chẳng khuây”
Phải nói rằng ngôn ngữ dân tộc trong bản dịch đã thể hiện được đầy đủ các cung bậc của cảm xúc đang diễn ra trên khuôn mặt và trong tâm trạng của nhân vật trữ tình. Từ láy rười rượi vừa diễn tả nỗi buồn khôn tả, miên man vừa thể hiện được bộ mặt rầu rĩ, ủ rũ. Cùng với cách sử dụng ngôn ngữ đắc địa bản dịch thơ còn phải kể đến thành công của nghệ thuật so sánh, nghệ thuật điệp cấu trúc để nhấn mạnh và diễn tả mức độ của nỗi buồn. Đúng là “sầu đong càng lắc càng đầy” cho nên từ tâm trạng dẫn đến hành động là điều cũng dễ hiểu:
“Nhủ rồi tay lại cầm tay
Bước đi một bước giây giây lại dừng”.
Dường như cái hành động đầy lưu luyến, bịn rịn, chẳng muốn rời xa nhau đã nói lên được tất cả. Và hơn khi nào hết, lúc này tâm cảnh đã chi phối mọi ngoại cảnh. Nỗi buồn từ lòng người như thể đang được “tắm” lên mọi vật. Đúng là “người buồn cảnh có vui đâu bao giờ’ cho nên mới có cái hình ảnh: “cờ bay ngùi ngùi”. Và rồi trong cái phút giây cuối cùng của buổi chia ly, người chinh phụ đã nức nở trong lòng với một câu hỏi không lời đáp: “Dương liễu biết thiếp đoạn trường này chăng?”. Cũng bắt đầu từ đây người chinh phụ chẳng thể nào trông thấy người chồng thân yêu của mình được nữa. Muốn được trông thấy chàng, nàng chỉ còn cách dùng trí tưởng tượng nhạy bén của mình để hình dung vì lẽ “Dấu chàng theo lớp mây đưa”. Nàng chinh phụ từ mộng “phong hầu” quay trở về với thực tại: “Thiếp nhìn rặng núi ngẩn ngơ nỗi nhà”. Có lẽ lúc này nàng chịnh phụ đã tỉnh ngộ chứ không còn mơ mộng. Ấn “phong hầu” còn xa vời vợi mà cuộc chia ly với nỗi sầu sống lẻ bóng của đôi người lại đang hiện hữu:
“Chàng thì đi cõi xa mưa gió
Thiếp thì về buồng cũ chiếu chăn
Đoái trông theo đã cách ngăn
Tuôn mầu mây biếc trải ngàn núi xanh”.
Nỗi buồn chia ly choáng ngợp, mênh mông. Nó như thấm, phủ cả vào mây trên trời cao và trải ra vô cùng với muôn trùng núi biếc. Người chinh phụ thấm thía nỗi chia ly; bắt đầu phải sống trong cả nỗi nhớ nhung do xa cách và sự lo lắng cho số phận của người chồng chiến binh trên chiến trường với những hòn tên mũi đạn. Có lẽ trong tâm trạng của người phụ nữ xa chồng nên nữ sĩ Đoàn Thị Điểm dễ bắt nhịp, thấu hiểu và đồng cảm với nỗi lòng của người chinh phụ cho nên những câu thơ dịch về giây phút chia ly đã làm lay động mọi con tim và trở thành một đoạn thơ nổi tiếng mà những người yêu văn chương cổ không thể không biết đến. Đó chính là những câu thơ cuối cùng của đoạn trích tiễn đưa:
“Chốn Hàm Dương chàng còn ngoảnh lại
Bến Tiêu Tương thiếp hãy trông sang
Khói Tiêu Tương cách Hàm Dương
Cây Hàm Dương cách Tiêu Tương mấy trùng.
Cùng trông lại mà cùng chẳng thấy
Thấy xanh xanh những mấy ngàn dâu
Ngàn dâu xanh ngắt một màu
Lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai?”.
Có thể nói, cùng với việc sử dụng những điển tích, điển cố thường thấy trong văn chương trung đại thì ở đoạn thơ này tác giả đã sử dụng tối ưu nghệ thuật tả cảnh ngụ tình, nghệ thuật đối (đối trong từng cặp câu và đối giữa hai vế của câu), biện pháp tu từ điệp ngữ (điệp từ, điệp cụm từ, điệp hình ảnh, điệp cấu trúc) để thể hiện cái không gian xa xôi, cách trở của cả kẻ ở lẫn người đi; cho thấy nỗi buồn chia ly triền miên, da diết. Tất cả cảnh vật hiện lên như để tô đậm, xoáy sâu vào trong tâm can nhân vật. Với cách điệp vòng tròn, đảo vị trí của hai địa danh và đổi một phần trong cách nói địa danh: Chốn Hàm Dương – Bến Tiêu Tương/ Khói Tiêu Tương – Cây Hàm Dương tác giả đã khắc họa cho người đọc thấy được hình ảnh người chinh phu và người chinh phụ trong buổi chia ly như thể đang còn dùng dằng chưa muốn rời xa, chân bước đi nhưng lòng lại luôn hướng về nhau, dõi trông theo nhau giữa một không gian thăm thẳm của đất trời cao rộng. Và rồi bóng hình của hai người cũng mất dần trong mắt nhau bởi cái bao la cách trở của những ngàn dâu xanh. Hai người cùng trông về nhau mà chẳng thấy được nhau, chỉ thấy duy nhất trong mắt một màu xanh chuyển sắc từ xanh xanh sang xanh ngắt. Đó là một màu xanh của tâm trạng đang trĩu nặng nỗi buồn. Nỗi buồn đó như thể ngập tràn không gian và đằng đẵng theo thời gian để cuối cùng được kết thúc bằng một tiếng thở dài vô vọng trong một câu hỏi tu từ giống như một lời than đầy ai oán “Lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai?”. Đến đây nỗi buồn chia ly như thể đã tăng lên đến cực điểm!
Trích đoạn “Buổi tiễn đưa” (theo nhan đề của tác giả sách giáo khoa Ngữ văn lớp 9 đã nêu ở trên đặt) có thể nói là một trong những trích đoạn hay nhất của tác phẩm “Chinh phụ ngâm”. Nhiều câu thơ trong đoạn trích được người đọc thuộc lòng và hay trích dẫn, ngâm nga. Đoạn trích là minh chứng cho việc sử dụng thành công cho nghệ thuật tả cảnh ngụ tình với bút pháp ước lệ, tượng trưng. Đặc biệt các tác giả đã vận dụng khéo léo, hài hòa các điển tích, điển cố trong kho tàng văn hóa Trung Hoa để kể lại câu chuyện tâm tình của người chinh phụ một cách rất tài hoa. Bên cạnh đó chúng ta còn phải kể đến cách sử dụng ngôn ngữ và thể thơ song thất lục bát rất điêu luyện để tạo ra những tiết tấu nhịp điệu rất giàu nhạc tính nhằm dãi bày những nỗi niềm tâm trạng của người chinh phu, nhất là người chinh phụ khi chia tay để lên đường ra trận. Những kết tinh nghệ thuật ở đoạn trích này có thể xem như một “mẫu mực về sự uẩn súc, tinh luyện của văn chương”.
Trong cái “Buổi tiễn đưa” ấy người ta thấy ẩn đằng sau giấc mộng “phong hầu” là những bịn rịn, lưu luyến, phấp phỏng, âu lo, thương nhớ với những bước đầu của sự nếm trải cảnh ngộ: “Trong cửa này đã đành phận thiếp/ Ngoài mây kia há kiếp chàng vay?/ Những mong cá nước xum vầy/ Sao giờ đôi ngả nước mây cách vời?” để rồi về sau khi thức tỉnh thì thực sự vỡ mộng “phong hầu” với “tử ấm”, “thê phong” và phải ai oán thốt lên rằng: “Xanh kia thăm thẳm từng trên/ Vì ai gây dựng cho nên nỗi này?”. Đây chính là ý nghĩa nhân đạo của tác phẩm; là tiếng nói phản chiến mãnh liệt của tri thức phong kiến đương thời với các tầng lớp thống trị thối nát.
Đào Thị Thu Hiền (Trường THCS Nguyễn Văn Huyên, huyện Hoài Đức, TP. Hà Nội)
Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/buoi-tien-dua-trich-chinh-phu-ngam-mot-tieng-noi-phan-chien-manh-liet-a23815.html