Với những lợi thế về văn hóa, các cấp ủy, chính quyền huyện Bình Xuyên đã quan tâm lãnh, chỉ đạo thực hiện bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch văn hóa tâm linh. Nhiều di tích được đầu tư tu bổ, tôn tạo, trong đó một số di tích có giá trị được xếp hạng cấp tỉnh; một số lễ hội lớn được du khách trong và ngoài địa phương quan tâm, góp phần giáo dục lịch sử và truyền thống văn hóa, lý tưởng cách mạng cho thế hệ trẻ, phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.
Xuất phát từ thực tế này, xã Trung Mỹ đã xây dựng và triển khai “Đề án phát triển du lịch giai đoạn 2020 đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030” với các mục tiêu cụ thể, giải pháp và phương hướng đúng, phù hợp để tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân, khôi phục làng nghề truyền thống góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, bảo vệ nguồn tài nguyên nhân văn và sinh thái của địa phương.
Ông Trương Quang Vinh - Chủ tịch UBND Xã Trung Mỹ cho biết: Xã có 8 thôn gồm hơn 2000 hộ với gần 8000 người, thuộc 16 dân tộc cùng sinh sống sát chân núi Tam Đảo. Trong đó dân tộc thiểu số gần 60%, chủ yếu là dân tộc Sán Dìu. Hệ thống giao thông toàn xã hiện có 3 tuyến giao thông chính. Tuyến 1 đường tỉnh 302 chạy từ ngã tư My Kỳ đến ngã tư đập tràn thôn Trung Mầu đi xã Thiện Kế, tuyến thứ 2 từ ngã tư đập tràn thôn Trung Mầu đi đập tràn Thanh Lanh. Tuyến 3 đường d3 vào đập Thanh Lanh. Hiện xã có những khách sạn, nhà hàng, nhiều khu vui chơi giải trí, thể dục thể thao phục vụ nhu cầu của người dân và cho du khách khi đến đến thăm quan, nghỉ dưỡng.
Ông Diệp Văn Dũng (ảnh trên) - Cán bộ Văn hóa xã Trung Mỹ cho biết: Toàn xã hiện có 12 di tích lịch sử, văn hoá; trong đó xếp hạng cấp tỉnh 2 di tích và các di tích có giá trị như đền thờ Thành Quận Hẻo; đền Hà Mã thôn Đồng Giang; Đình Trung Mầu thôn Trung Mầu, Đình Gia Khau thôn Gia Khau...là những di tích LSVH tiêu biểu.
Về di tích lịch sử của 2 đền được xếp hạng cấp tỉnh là đền Thượng và đền Trung được xây dựng vào thời vua Lê Dụ Tông, niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ 10 (1714), khoảng đầu thế kỷ XVIII – thời Lê Trung Hưng. Sau đó, được trùng tu, tôn tạo tương đối quy mô và các năm 1733, 1769. Hai đền đã từng được nhân dân trong vùng và khách thập phương rất sùng bái và công đức. Trải qua những biến cố, thăng trầm của lịch sử và thiên nhiên, đền đã bị mai một, hư hỏng nhiều. Đến năm 1996, nhân dân địa phương đã công đức để xây dựng lại tòa tiền tế của đền Thượng và tòa đại bái 3 gian nhỏ của Đền Trung. Năm 2004, xây trung tế và hậu cung trên nền đền Thượng cũ. Cả 2 ngôi đền đều thờ 4 vị Sơn thần là: Tản Viên Sơn Thánh, Cao Sơn Đại Vương, Quý Minh Đại Vương và U Sơn Đại Vương. Theo truyền thuyết, Tản Viên Sơn Thánh là con rể của vua Hùng Vương thứ 18 và là thống lĩnh quân đội nhà Hùng; Cao Sơn và Quý Minh là 2 bộ tướng thân cận của Tản Viên. Ba vị đều có công lớn trong thời kỳ dựng nước của nhân dân ta.
Ông Lưu Thanh Cước - Thủ nhang đền Thượng giới thiệu Đền Thượng tọa lạc trên đỉnh 1 quả núi thấp ở cuối thôn Thanh Lanh, nhìn về hướng Tây Nam. Phía trước Đình là xóm làng quần tụ và cánh đồng trù phú trong một thung lũng rộng, xung quanh bao bọc bởi dãy núi thấp thường được gọi là dãy Đá Đen. Bên phải và phía sau là hồ chứa nước Thanh Lanh. Bên trái là dãy núi Trung sô, nối liền với núi non trùng điệp của sơn hệ Tam Đảo.
Mặt bằng kiến trúc của Đền Thượng hình chữ Nhị, gồm: Tòa tiền tế 3 gian, mái ngói với 4 đầu đao cong. Trên nóc đắp hình lưỡng long chầu nhật. Tòa trung tế gắn với hậu cung kiểu chuôi vồ. Trung tế 3 gian 2 chái và hậu cung 2 gian. Mái trung tế được làm kiểu chồng diêm 2 tầng 8 mái với các đầu đao cong vút hình đầu rồng. Mái lợp ngói mũi truyền thống. Giá trị kiến trúc của ngôi đền thể hiện ở sự hài hòa giữa kiến trúc và tổng thể cảnh quan thiên nhiên, không gian đồi núi xung quanh, khiến cho ngôi đền có vẻ đẹp vừa trang nghiêm, vừa cao vợi, khoáng đạt, lại gần gũi, gắn bó với cộng đồng làng xã.
Đền Trung được xây dựng ở chân 1 ngọn đồi trên con đường từ trung tâm xã chạy dọc thôn Thanh Lanh. Cổng đền xây dựng kiểu tứ trụ cánh phong, sơn vẽ khá cầu kỳ. Ngoài cổng chính còn có 2 cổng phụ bên ngoài 2 cánh phong, khiến cho cổng đền giống kiểu cổng tam quan của chùa.
Theo lời kể của các cụ cao niên trong làng, trước đây đền Trung cũng được xây dựng quy mô không kém Đền Thượng. Nhưng do giặc giã và thiên tai nên vết tích của ngôi đền đồ sộ hiện chỉ còn lại những tấm bia đá đã mòn, vỡ.
Kết cấu kiến trúc của Đền Trung hiện nay khá đơn giản. Mặt bằng kiến trúc hình chuôi vồ với tiền tế 3 gian và hậu cung. Tiền tế xây tường hồi bít đốc, vì kèo bằng gỗ bào trơn đóng bén kiểu quá giang gối tường. Hậu cung được nâng sàn xi măng làm bệ thờ.
Phía sau Đền Trung là Chùa Thanh Lanh được xây dựng khang trang với quy mô rộng lớn. Đền Thượng, Đền Trung cùng với Chùa Thanh Lanh tạo thành quần thể di tích đáp ứng nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng của nhân dân trong vùng và du khách thập phương.
Với những huyền tích, giá trị lịch sử, kiến trúc, năm 2008, Đền Trung và Đền Thượng, thôn Thanh Lanh đã được UBND tỉnh công nhận là Di tích Lịch sử Văn hóa cấp tỉnh, trở thành một điểm nhấn trong chuỗi du lịch tâm linh của xã Trung Mỹ, huyện Bình Xuyên.
Tiến Dũng