Những vấn đề Lịch sử Trung Đông và Châu Phi (Kỳ 53)

Trân trọng giới thiệu tiếp với bạn đọc sách “Những vấn đề Lịch sử Trung Đông và Châu Phi” của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Hồng Đức ấn hành.

Kỳ 53.

XIX. CỘNG HÒA NAM PHI - NHỮNG TRANG LỊCH SỬ

Tổng quan                                                 

Cộng hòa Nam Phi nằm ở cực Nam châu Phi, phía Tây giáp Đại Tây Dương, phía Đông và phía Nam giáp Ấn Độ Dương (Nam Phi có 2.500km bờ biển), phía Bắc giáp các nước Namibia, Boosswana, Zimbabwe, phía Đông Bắc giáp Mozambique, Swaziland và bao quanh toàn bộ Vương quốc Lesotho về phía Đông Nam. Diện tích Cộng hòa Nam phi 1.221.000km2, dân số đến giữa năm 2012 là 48.810.427 (1) người, trong đó nữ chiếm 52%, 79,3% là người gốc Phi da đen, 9,1% là người da trắng, khoảng 4,5 triệu người, 9% là người da màu như Ấn Độ…gần 1/3 dân số dưới 15 tuổi và 7,5% dân số (3,7 triệu người) từ 60 tuổi trở lên.

          Nam Phi có khoảng 11 ngôn ngữ chính: tiếng Anh, tiếng Zulu, Xhosa, Ndebele, Africaans (phần lớn người da trắng sử dụng ngôn ngữ này, có gốc Hà Lan và pha trộn với các ngôn ngữ châu Âu khác. Còn có ngôn ngữ Swati, Sesotho saLeboa, Setswana, Tshivenda và Xitsonga.Tiếng Anh chỉ là tiếng của 8,2% dân số nhưng là ngôn ngữ được sử dụng rộng rãi ở Nam Phi.

Người da đen bản địa theo tôn giáo truyền thống có từ thời nguyên thủy là bái vật giáo xuất phát từ quan niệm “vạn vật hữu linh (vạn vật đều có linh hồn), 80% cư dân Nam Phi theo Thiên Chúa giáo, còn có các tôn giáo khác như đạo Hindus (Ấn Độ giáo), Hồi giáo, đạo Phật. 59,5 % cư dân Nam phi sống ở các đô thị, 40, 5 %% cư dân sống ở nông thôn.

          Cộng hòa Nam Phi có ba thủ đô: Pretoria là thủ đô hành pháp, Capetown là thủ đô lập pháp và Bloemfotein là thủ đô tư pháp. Có ba thủ đô, nơi đóng của ba cơ quan quyền lực là do truyền thống lâu đời của Nam Phi, nhưng mặt khác nhằm khẳng định tính độc lập của ba nhánh quyền lực nhà nước. Thủ đô hành pháp khoảng 830.000 người. Ngoài thủ đô, Nam Phi còn có các thành phố lớn như Iohannesburg, Capetow, Durban, Port Elizabeth, Bloemfontein, East tondon, Kimberly. Nam Phi là nước cơ cấu lãnh thổ đơn nhất, toàn quốc được chia thành 9 tỉnh trực thuộc trung ương: Thewestem, TheEastim Cape, Kwazuku Natal, The Northem Cape, Free State, North west, Gauteng, Mpumalanga và Limpopo.

          Nam Phi là nước có nhiều kim cương, vàng và nhiều khoáng sản quí, là nước xuất khẩu vàng, kim cương nhất thế giới. Nông nghiệp chỉ là ngành phụ trong nền kinh tế. Tổng sản phẩm quốc dân GDP khoảng 330 tỉ USD (Năm 2010), GDP bình quân đầu người 6.600 USD. Đồng Rad Nam Phi là đơn vị tiền tệ của cộng hòa. Nam Phi là nước có nền kinh tế hiện đại và lớn nhất Nam châu Phi. GDP của Cộng hòa Nam Phi bằng 1/3 GDP của toàn bộ châu Phi. Nam Phi đóng vai trò đầu tàu thúc đẩy sự phát triển kinh tế của tổ chức Cộng đồng phát triển Nam châu Phi (SADC) bao gồm 14 nước. Các ngành kinh tế chính của Nam Phi là dịch vụ khai khóang, vận tải, năng lượng, cơ khí, nông nghiệp, du lịch.

          Hệ thống giao thông của Nam Phi chủ yếu là đường bộ, đường sắt và đường hàng không phát triển. Hạ tầng cơ sở viễn thông của Nam Phi tương đối hiện đại, internet được sử dụng rộng rãi. Nam Phi có 4 mạng điện thoại di động.

          Nam phi nằm ở Nam bán cầu nên có 4 mùa rõ rệt: Mùa xuân từ tháng 9 đến hết tháng 11, mùa hạ từ tháng 12 đến hết tháng 2 năm sau, mùa thu từ tháng 3 đến hết tháng 5, mùa đông từ tháng 6 đến hết tháng 8. Khí hậu Nam Phi khô và mát mẻ ngay cả mùa hè.

2. Lịch sử

2.1.    Thời kỳ nguyên thủy: Nhiều tài liệu cho thấy trên lãnh thổ sau này gọi là Nam Phi khoảng 100 nghìn năm trước đây đã có con người sinh sống. Nam Phi có nhiều di chỉ khảo cổ học cổ xưa nhất tại châu Phi chứng minh nơi đây là một trong những “quê hương” của loài người, tức là một trong những nơi trên thế giới vượn tiến hóa thành người. Những xương người hóa thạch tại các di chỉ Sterkfontein, Kromdraai và ở các hang động Makapansgat cho thấy nhiều giống người vượn phương Nam đã sinh sống và tồn tại có niên đại cách ngày nay khoảng 3 triệu năm. Theo qui trình tự nhiên, vượn tiến hóa thành người theo nhiều nấc thang trải qua hàng triệu năm: Vượn tiến hóa thành vượn người, vượn người tiến hóa thành người vượn. Như các di chỉ trên cho thấy sự tồn tại của người vượn phương Nam ở Nam Phi là đã đạt trình độ nấc thang thứ hai của sự tiến hóa. Từ người vượn tiếp tục tiến hóa thành người tinh khôn Homohabilis và Homoerectus. Giống người tinh khôn này tiếp tục tiến hóa thành người hiện đại Homosapiens, thủy tổ của người châu Phi bản địa da đen ngày nay.

          Như những dân tộc khác trên thế giới, người da đen châu Phi buộc phải đi qua xã hội nguyên thủy vì đây là xã hội đầu tiên thơ ấu của con người mà không một dân tộc nào có thể bỏ qua được. Những người hiện đại Homosapiens da đen đầu tiên buộc phải sống theo cộng đồng bầy người nguyên thủy để dựa vào nhau mà sinh sống tồn tại. Trên đất Nam Phi thời đó có nhiều bầy người, mỗi bầy người khoảng 10 đến 30 người hoặc đông hơn nữa. Cộng đồng bầy người là thời kỳ thấp kém lạc hậu, khổ cực nhất của con người. Con người lúc đó chưa có quần áo, chưa có nhà cửa, thậm chí một giai đoạn dài chưa tìm ra lửa, công cụ thô sơ thuộc thời đại đồ đá cũ, tức là đồ đá chưa được chế tác. Người thời đó cầm hòn đá như thế nào thì sử dụng như vậy. Phương thức kiếm ăn hoàn toàn thụ động, phụ thuộc vào thiên nhiên, nhặt nhạnh rau, quả chín. Họ sống trong các hang động. Hôn nhân ngay trong bầy, chưa phận biệt được đâu là cha mẹ, anh em, kiểu hôn nhân này được các nhà khoa học gọi là “tạp hôn”. Giai đoạn bầy người chưa có tôn giáo, chưa có phong tục tập quán. Có thể giai đoạn đầu của Bầy người còn chưa có tín hiệu thứ hai là ngôn ngữ để giao tiếp, việc giao tiếp được thực hiện bằng tín hiệu thứ nhất tức là động tác cử chỉ giữa những người trong cộng đồng với nhau. Thời kỳ bầy người xã hội chưa được hình thành theo đúng nghĩa của nó, nó chưa tạo được “tổng thể các mối quan hệ” để tạo nên xã hội hoàn chỉnh, có chăng thời kỳ này đang tạo nên các nhân tố xã hội loài người.

          Thời kỳ thứ hai trong xã hội nguyên thủy của người Nam Phi là xã hội thị tộc. Trong cộng đồng bầy người hàng chục vạn năm đã tích lũy những nhân tố tiến hóa để đưa bầy người tiến lên giai đoạn cao hơn này. Đó là việc con người tìm ra lửa. F.Ăngghen một trong ba nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác-Lênin đã luận cứ rằng việc tìm ra lửa đóng vai trò quan trọng trong lịch sử tiến hóa của xã hội loài người. Lửa sưởi ấm, soi sáng cho con người trong những đêm giá lạnh, lửa nấu chín thức ăn làm cho cơ thể và bộ não con người ngày càng phát triển; lửa giúp rèn giũa những công cụ vũ khí bằng kim loại… cùng với việc tìm ra lửa thì con người bước sang thời kỳ sử dụng công cụ đồ đá mới, tức là đồ đá đã được chế tác dù là chưa tinh xảo nhưng đã nâng cao hiệu suất lao động. Tất cả đã đưa con người nguyên thủy Nam Phi sang một giai đoạn cao hơn, giai đoạn thị tộc.

          Cơ sở của xã hội thị tộc là dựa trên các thành viên đều có quan hệ máu mủ ruột rà anh em với nhau, tức là quan hệ huyết thống. Thị tộc có lẽ đã đặt nền tảng cho dòng họ về sau này. Thị tộc đầu tiên là thị tộc mẫu quyền, còn gọi là thị tộc mẫu hệ. Mẫu quyền là người đàn bà là tộc trưởng, nắm quyền điều hành thị tộc. Mẫu hệ là do chế độ hôn nhân quyết định. Xã hội thị tộc mẫu hệ nghiêm cấm việc hôn nhân trong thị tộc vì cùng là anh em, cho nên các thị tộc phải hôn nhân với các thị tộc khác, gọi là chế độ ngoại tộc hôn theo hình thức quần hôn (hôn nhân tập thể). Với hình thức hôn nhân này con chỉ biết mặt mẹ nên khai nhận theo họ của thị tộc mẹ, gọi là chế độ mẫu hệ.

          Thời kỳ thị tộc mẫu quyền, xã hội loài người hoàn thiện theo đúng nghĩa của nó. Tín hiệu thứ hai tức là ngôn ngữ ra đời trước đó nay càng phát triển đã giúp cho sự giao tiếp thuận tiện và sâu rộng. Trong xã hội thị tộc kinh tế hái lượm phát triển hơn. Đã xuất hiện tôn giáo nguyên thủy như tô tem giáo, bái vật giáo, đã quan niệm rằng mọi vật đều có linh hồn, đã có phong tục tập quán. Con người đã biết mặc quần áo; đã biết tới thẩm mỹ tức là biết trang điểm làm đẹp như đeo vòng (xâu chuỗi vỏ ốc..), như xăm mình. Bên cạnh cộng đồng thị tộc, thời kỳ này đã xuất hiện thêm một cộng đồng mới là bộ lạc do tù trưởng đứng đầu. Bộ lạc là sự liên minh giữa hai hay nhiều thị tộc gần gũi nhau về địa vực cư trú, gần gủi nhau về huyết thống, về sự giao tiếp làm ăn và hôn nhân. Tù trưởng là người đứng đầu bộ lạc được các thành viên bộ lạc bầu nên. Đã manh nha một nền dân chủ nguyên thủy bên cạnh nền công bằng nguyên thủy.

          Xã hội thị tộc mẫu  quyền của người da đen Nam Phi cuối cùng chuyển thành xã hội thị tộc phụ quyền. Lý do là trong xã hội thị tộc mẫu hệ đã chuẩn bị cho sự tiến hóa này theo “phép biện chứng tự nhiên”. Tham vọng của con người mọi thời đại trong quá trình lao động là nhằm đạt năng suất lao động cao. Cho nên con người luôn cải tiến nâng cao kỹ thuật lao động mà chủ yếu là cải tiến công cụ sản xuất. Vì thế công cụ sản xuất là yếu tố thay đổi trước tiên trong lực lượng sản xuất và đó là nguyên nhân kéo theo sự thay đổi của toàn bộ hình thái kinh tế xã hội. Nó là khâu đột phá gây nên toàn bộ những cơn bão táp cách mạng xã hội tiếp theo. Những người nguyên thủy Nam Phi trong xã hội thị tộc mẫu hệ đã tìm và chế tác ra cung tên. Cung tên được F.Ăngghen coi như súng của thời kỳ nguyên thủy. Trên thực tế cung tên không chỉ là súng của thời kỳ nguyên thủy mà còn là vũ khí lợi hại của chế độ nô lệ và chế độ phong kiến. Cho đến thời kỳ cận đại với việc tìm ra thuốc súng thì hỏa khí mới thay thế được cung tên. Đồ đá cũng chuyển sang thời kỳ công cụ đá giữa, tức là đá được chế tác thành công cụ sắc bén, hiệu quả khi sử dụng, khác xa với đồ đã cũ  hàng triệu năm trước đây.

          Những công cụ mới ra đời đã dẫn tới ra đời những ngành nghề mới như có cung tên thì ra đời nghề săn bắn. Những thú vật, chim muông bắn bị thương thì con người chưa lành vết thương và thuần hóa chúng và nghề chăn nuôi gia cầm gia súc ra đời. Chăn nuôi và cả con người cần rất nhiều đến ngũ cốc do đó ra đời nghề nông nghiệp trồng lúa và trồng cây ăn quả. Cùng với đó nghề đánh cá ra đời. Nghề thủ công nghiệp cũng ra đời để đáp ứng chế tác công cụ sản xuất, chế tác cung tên vũ khí,chế tác đồ gia dụng, vải vóc cho con người. Những công việc nặng nhọc trong các ngành nghề đòi hỏi người đàn ông phải cáng đáng công việc trong lao động sản xuất. Đóng vai trò chính trong lao động sản xuất nên người đàn ông đóng vai trò điều hành thị tộc. Chế độ thị tộc mẫu quyền nhường chỗ cho chế độ thị tộc phụ quyền. Chế độ thị tộc mẫu hệ cũng được thay thế bằng chế độ thị tộc phụ hệ vì hôn nhân bây giờ đã thay đổi. Xã hội của những người da đen Nam Phi đã xuất hiện những gia đình lớn nhiều vợ nhiều chồng. Con sinh ra đã biết mặt cha, do đó con cái phải mang họ của thị tộc cha (phụ hệ). Con mang họ thị tộc cha cũng nói lên quyền lực của người đàn ông trong xã hội được xác lập. Trong xã hội thị tộc phụ quyền đã xuất hiện thêm một cộng đồng người là liên minh bộ lạc. Liên minh bộ lạc là sự liên minh giữa hai hay nhiều bộ lạc với nhau. Đó là một sự Liên minh trên bình diện rộng lớn chuẩn bị cho sự hình thành lãnh thổ quốc gia. Đứng đầu liên minh bộ lạc là Hội đồng Liên minh bộ lạc mà thành viên là những tù trưởng của các bộ lạc.

          Trong cộng đồng xã hội thị tộc phụ quyền, xã hội của người da đen Nam Phi phát triển cao hơn thời kỳ mẫu quyền về văn hóa, tôn giáo, về phong tục tập quán, mối quan hệ xã hội được thiết lập trên một bình diện sâu rộng. Tuy chưa có nhà nước nhưng có một hệ thống quyền lực xã hội đã hình thành bao gồm những “chức sắc” từ tộc trưởng, tù trưởng, Hội đồng Liên minh bộ lạc đến các thủ lĩnh quân sự “phục vụ” xã hội. Tuy chưa có pháp luật nhưng phong tục tập quán là “quy phạm” điều chỉnh các mối quan hệ xã hội. Lễ nghi tôn giáo, đặc biệt là lễ tế thần linh, những thần mang biểu tượng, phù hộ cho bộ lạc (tô tem giáo) đã ngày càng phức tạp, mang đầy tính huyền thoại và thần bí.

          Trong giai đoạn cuối cùng của xã hội thị tộc phụ quyền, các yếu tố làm tan rã công xã nguyên thủy của người da đen Nam Phi càng được đẩy mạnh nhanh chóng. Thời kỳ này ghi nhận sự phát triển nhanh chóng của công cụ sản xuất. Đồ đá giữa thời kỳ thị tộc mẫu hệ đã chuyển sang thời kỳ thời đại đồ đá mới, tức là đồ đá được chế tác tinh xảo. Ngoài ra người Nam Phi thời kỳ này đã tìm ra và chế tác công cụ đồ đồng và đồ sắt, mang lại hiệu quả to lớn trong lao động sản xuất. Năng suất lao động không chỉ đủ ăn mà con dư thừa. Sự xuất hiện chế độ gia đình một vợ một chồng, chế độ tư hữu về ruộng đất, lòng tham lam quyền lực, của cải đất đai của các thủ lĩnh đã đẩy các bộ lạc vào các cuộc xung đột quân sự thôn tính lẫn nhau. Những kẻ chiến thắng trong các cuộc xung đột sẽ thiết lập nên những vương quốc, những nhà nước thay thế cho xã hội nguyên thủy.

          Cùng với sự tan rã của công xã nguyên thủy thì sự di cư của các tộc người từ nơi này sang nơi khác thời kỳ này diễn ra một cách mạnh mẽ. Vào khoảng thiên niên kỷ II TCN, những cư dân miền Nam châu Phi sử dụng đồ sắt đã di cư về phía Nam sông Limpopo vào Nam Phi, hòa nhập với những người nói tiếng Khoi và San bản xứ. Họ tiếp tục chậm chạp tiến về phía Nam. Khảo cổ học đã tìm thấy những đồ sắt sớm nhất tại tỉnh KwZulu-Natal có niên đại khoảng năm 1050 TCN. Nhóm người tiến xa nhất về phía Nam là người Xhosa, (để lại nhiều dấu ấn trong ngôn ngữ của người Khoi và người San), họ tiến tới vùng Fishriver tại tỉnh EaStem Cape ngày nay. Những cư dân thời đại đồ sắt đó đã hòa nhập  với những cư dân săn bắn hái lượm tại đây.

          Tiếp đó vào thế kỷ I SCN, những người da đen thuộc sắc tộc Ban Tu đã từ phía bắc di cư xuống Nam Phi và cũng hòa nhập với người sắc tộc Khoi San thuộc cư dân bản địa ở đây.

   Như vậy, những thiên niên kỷ cuối cùng của trước công nguyên và những năm đầu của công nguyên, những cuộc di cư của các sắc tộc da đen châu Phi như Ban Tu vào Nam Phi và cùng hòa hợp với người Khoi-San vốn là cư dân bản địa ở đây. Những cuộc thiên di cuối thời kỳ nguyên thủy diễn ra một cách tự nhiên do lý do sinh sống, do bộ lạc đông người cần tách ra và nhiều bộ phận cư dân đã thiên di đi nơi ở mới.

2.2.  Người châu Âu du nhập và xâm lược Nam Phi: Tác động lớn nhất vào lịch sử Nam Phi có lẽ là những cuộc xâm nhập của người châu Âu vào vùng đất xa xôi này. Vào cuối thời kỳ trung đại phong kiến Tây Âu, con đường gần nhất từ phương Tây sang phương Đông qua biển Địa Trung Hải đã bị đế quốc Thổ Nhĩ Kỳ khống chế. Sang phương Đông tìm những vùng đất giàu có đầy vàng bạc châu báu là khát vọng của các triều đình Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và các nhà hàng hải thực dân khi đó. Việc tìm ra con đường mới sang phương Đông đã tạo nên những cuộc phát kiến địa lý thần kỳ vào thế kỷ XVI. Như việc tìm ra châu Mỹ của C.Colombo, nhà hàng hải người Ý phục vụ cho triều đình Tây Ban Nha, như cuộc vòng quanh thế giới lần đầu tiên của nhà hàng hải Mazenlan năm 1519-1521. Trong cuộc chạy đua tới phương Đông, các nhà hàng hải Bồ Đào Nha cũng ghi được nhiều thành tựu.

          Năm 1488, người Bồ Đào Nha đã đến được mũi Hảo Vọng qua chuyến thám hiểm của hoàng tử Henri. Sau đó những cư dân Bồ Đào Nha đã đặt chân đến Cape vào những năm tiếp theo của thế kỷ XVI. Người Bồ Đào Nha đã biến nơi đây thành một cứ điểm quan trọng cho tàu bè dừng chân trong cuộc hành trình dài từ châu Âu đến châu Á mà đặc biệt là Ấn Độ, nơi được cho là giàu có nhất phương Đông.

          Tiếp sau đó, năm 1562 người của Công ty Đông Ấn Độ Hà Lan cũng đến mũi Hảo Vọng và thành lập khu định cư ở Keptao. Khu định cư có nhiệm vụ cung cấp nước ngọt, lương thực, thực phẩm cho các tàu bè của Công Ty Đông Ấn Độ Hà Lan từ châu Âu tới Ấn Độ. Sau đó những người nông dân Hà Lan lần  lượt tới định cư ở CapeTow. Một số khu định cư đánh cá cũng được JavanRiebeeck thành lập ở mũi Hảo Vọng nhân danh Công Ty Đông Ấn Hà Lan. Suốt thế kỷ XVII-XVIII các khu định cư đó thuộc quyền sở hữu của người Hà Lan. Những người định cư Hà Lan đã gặp những người bản địa Nam Phi Xhosa ở miền Tây –Nam tại vùng Fish River, đã xẩy ra một loạt các cuộc xung đột đụng độ do tranh giành đất đai giữa người Hà Lan với người bản địa, được gọi là những cuộc chiến tranh biên giới Cape.

          Tuy nhiên Cape thiếu nhân công phục vụ nên thực dân Hà lan đã đưa nhân công từ Indonexia (thuộc địa lớn của Hà Lan ở Đông Nam châu Á), từ Ấn Độ, từ Madagascar, một số quý tộc bất mãn ở các thuộc địa bị trục xuất sang Nam Phi. Những cư dân này cuối cùng trở thành một cộng đồng mới tại Nam Phi và tự gọi mình là “Cape Mailays”.Sau này trong xã hội Nam Phi, những người này có địa vị xã hội cao, nhiều người trong số họ trở thành những chủ giàu có. Chỉ trong chế độ Apartheis họ mới bị tước đi nhiều quyền lợi. Hậu duệ của những người nô lệ Cape Mailays là do quan hệ hôn nhân với những người định cư Hà Lan tạo ra giống người được xếp vào cùng nhóm với người Khoi Khoi (còn được gọi là người Khoi San) thành những người da màu Cape. Cùng được phân loại trong nhóm người da màu Cappe còn có người Xhosa và các sắc tộc Nam Phi khác. Họ chiếm khoảng 50% dân số tỉnh Tây Cape.(2).

          Năm 1770 Những người châu Âu bắt đầu xung  đột với những bộ tộc người Phi nói tiếng Ban Tu ở phía Đông Cape Tow. Thời gian này trên lãnh thổ Kwzuhi Natal đã xuất hiện một số vương quốc Zulu khá hùng mạnh. Từ năm 1830 những người Hà Lan (gọi là the Boer Voortekkrers) đã bành trướng lên phía Bắc.

          Ngoài người Hà Lan thì người Anh và người Pháp cũng đã xâm nhập vào Nam Phi mà thế lực mạnh nhất là người Anh. Năm 1795 người Anh đã nắm quyền kiểm soát mũi Hảo Vọng. Anh đã ra sức ngăn chặn để miền này không rơi vào tay Pháp dưới thời Napoleon. Anh cũng đã tìm cách biến CapeTown thành một điểm dừng chân trên con đường từ châu Âu sang Ấn Độ, một thuộc địa lớn của Anh ở châu Á và Australia. Năm 1806 người Anh tiếp tục cuộc chiến tranh lấn đất của người Xhosa. Anh đã chiếm một vùng rộng lớn về phía Đông với chiến thuật thiết lập các pháo đài dọc sông Fish và củng cố vùng chiếm đóng bằng cách cho người Anh tới định cư.

          Năm 1814 Anh chiếm Keptao của người Hà Lan. Từ đây Anh có ý tưởng xâm lược toàn bộ Nam Phi và châu Phi. Năm 1867 ở Kimberly và ở Witwatersrant đã tìm thấy kim cương và vàng (ngày nay vùng này vẫn chiếm 90% vàng của Nam Phi). Điều này càng thúc đẩy Anh quyết tâm chiếm bằng được Nam Phi. Mục đích chiếm Nam Phi của Anh còn để thực hiện kế hoạch nối các thuộc địa từ Nam Phi lên Bắc Phi (Ai Cập) xuyên sang phía Đông Ấn Độ  và Mianma, đặt một đường xe lửa từ Keptao qua thủ đô Cairo của Ai Cập đến Cancutta của Ấn Độ. Bước đầu cuộc xâm lược Anh đã chiếm hai vùng Bắc sông Limpogo, thành lập thuộc địa Nam Rôdedi và tiếp tục mở rộng sang bên kia sông Dawmbri, thành lập thuộc địa Bắc Rôdedi. Cho đến cuối thế kỷ XIX Anh đã chiếm được hầu hết Nam Phi, chỉ còn lại hai nước Cộng hòa Nam Phi (the South African Republic hoặc Transvaal và Orange Free State) là những nước cộng hòa của người da trắng gốc châu Âu như Hà Lan, Pháp, Đức (gọi chung là người Boers). Hai nước cộng hòa này được người Boers thành lập vào những năm 30 thế kỷ XIX. Năm 1895 Anh bắt đầu cuộc chiến tranh tấn công vào hai nước cộng hòa này. Dù chỉ có 1,5 triệu người nhưng người Boers đã dùng chiến tranh du kích chống lại nên cuộc xâm lược lần thứ nhất của Anh bị đánh bại. Tháng 9 năm 1901 thực dân Anh mở cuộc tấn công lần thứ hai huy động tới 50 vạn quân, kết hợp tấn công quân sự với việc xây dựng các trại tập trung để tách du kích ra khỏi nhân dân Boers, thực hiện chính sách đàn áp tàn bạo, đã giết chết khoảng 26.000 phụ nữ và trẻ em trong các trại tập trung. Chỉ khi đó Anh mới hoàn thành cuộc xâm lược Transvaal và Orange Free State. Tuy nhiên người Boers vẫn còn anh dũng chiến đấu một thời gian nữa nhưng họ không dám vũ trang cho người da đen tham gia  nên cuối cũng đã thất bại. Chiếm được Nam , Anh đã làm chủ được phần lớn châu Phi vào năm 1902.    2.3.  Thành lập nhà nước Nam Phi của người da trắng: Trước đó  ngày 31-5-1910, Anh đã thành lập Liên bang Nam Phi (the Urion Of South Africa), là một lãnh thổ tự trị nằm trong khối Liên hiệp Anh, trên cơ sở sáp nhập Cape, Natal, Trasvaal và Oranal Free State. Đây là một nhà nước của người da trắng. Người da đen và da màu bị gạt ra bên lề chính trị xã hội. Hiệp ước Vereeniging xác định đầy đủ chủ quyền của Anh trên toàn bộ nước Cộng hòa Nam Phi. Chính phủ Anh chấp nhận chi trả khoản nợ chiến phí là 3. 000.000 Livro Steclinh cho các chính phủ Nam Phi gốc Âu. Một trong các điều khoản chấm dứt chiến tranh của hiệp ước là người da đen không được bầu cử, ngoại trừ thuộc địa cape.

          Bị gạt ra ngoài lề chính trị của đất nước cho nên những cuộc đấu tranh của người da màu và da đen chống người da trắng đã bùng lên mạnh mẽ vào đầu thế kỷ XX, chống lại sự áp bức bóc lột tàn bạo của người da trắng kể cả người Boers và người Anh. Trong phong trào đấu tranh, năm 1912 Đảng Đại hội dân tộc Phi (the Afican National Congres-gọi tắt là ANC) ra đời. Đây là một tổ chức chính trị của người Phi da đen mà lãnh tụ xuất sắc là Nelson Madela đấu tranh chống chế độ thực dân da trắng. Phong trào của người da đen đặc biệt mạnh mẽ vào những năm 20 của thế kỷ XX.

          Năm 1921 Đảng Cộng sản Nam Phi ra đời.

          Trong đại chiến thế giới thứ nhất (1914-1918) Cộng Hòa Nam Phi đứng bên cạnh Anh chống Đức và đã chiếm thuộc địa Namibia của Đức. Năm 1931 Nam Phi được Hội Quốc Liên ủy trị cho cai trị Namibia. Trong Đại chiến thế giới thứ hai (1939-1945) Cộng hòa Nam Phi đã đứng về phe Đồng minh chống phát xít Đức, Ý, Nhật. (3)      2.4.Nhà nước Nam Phi đa sắc tộc: 1948 Đảng Dân tộc Phi (Natioal Party), đảng của người da trắng lên nắm chính quyền và thực hiện chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, gọi là chủ nghĩa Apartheis. Chủ nghĩa này phân biệt đối xử với người da đen. Người da đen bị chính quyền người da trắng cướp đoạt quyền công dân. Chính quyền người da trắng lập ra các trường học, bệnh viện riêng cho người da đen mà không được chung đụng với người da trắng. Người da đen còn bị đàn áp một cách tàn bạo, bị phân biệt đối xử về kinh tế, tài sản. Năm 1961 Đảng Đại hội dân tộc Phi (ANC) bị cấm hoạt động. Đại đa số người Phi da đen sống trong nghèo khổ theo mọi tiêu chuẩn từ thu nhập, giáo dục, nhà ở và tuổi thọ. Trong khi đó  vào những năm 70 của thế kỷ XX cộng dồng người da trắng có mức sống cao nhất trong toàn bộ châu Phi, có thể so sánh với các quốc gia phương Tây thuộc thế giới thứ nhất.

          Từ những năm 60 của thế kỷ XX cuộc đấu tranh của những người da đen và da màu chống chế độ phân biệt chủng tộc phát triển mạnh. Tháng 6 năm 1976 nổ ra cuộc bạo động của học sinh da đen Soweto chống lại việc bắt học tiếng Africaans( tiếng của cộng đồng da trắng) trong các trường phổ thông da đen. Mấy chục học sinh đã bị cảnh sát bắn chết. Cuộc bạo động của học sinh đã đẩy cuộc đấu tranh chống phân biệt chủng tộc lên một trang mới. Những năm 70 của kỷ XX phong trào ngày càng phát triển mạnh mẽ. Cộng đồng thế giới cũng gây áp lực buộc chính phủ Nam Phi phải hủy bỏ chính sách phận biệt chủng tộc, một hiện tượng quái dị giữa thế kỷ XX, thế kỷ văn minh nhân loại.

          Năm 1990 Frederik Willem Deklerk người của Đảng Quốc gia lên làm Tổng thống thay Botha. Nhờ vị trí Tổng thống với quyết tâm xóa bỏ chế độ Apartheis, Deklerk đã cải cách từng bước phá vỡ chế độ Apartheis, đã bỏ lệnh cấm Đại hội  Dân tộc Phi và các đảng phái cánh tả hoạt động, trả lại tự do cho những tù nhân chính trị da màu, trong số đó có Nelson Madela, bị bắt từ năm 1964 vì bị cáo buộc bạo lực vũ trang chống nhà nước. Các đạo luật liên quan đến chế độ phận biệt chủng tộc dần đần bị thủ tiêu. Nam Phi cũng phá bỏ kho vũ khí hạt nhân của mình và gia nhập hiệp ước  không phổ biến vũ khí hạt nhân. Những năm 90 của thế kỷ XX các cuộc thương lượng giữa chính phủ với các lãnh tụ da đen được tiến hành để xóa bỏ cơ cấu của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc. Tháng 12 năm 1991 Hội nghị đa đảng, đa sắc tộc đã họp lần thứ nhất quyết định nhà nước Nam Phi dân chủ hóa đời sống chính trị, chia sẻ quyền lực giữa người da trắng và người da màu, ban bố hiến pháp mới.

          Tháng 4 năm 1994 cuộc bầu cử đa sắc tộc đầu tiên được tổ chức. Đại hội Dân tộc Phi ANC giành thắng lợi vang dội. Ngày 10-5-1994 Nelson Madela trở thành Tổng thống da đen đầu tiên của nền Cộng hòa Nam Phi. Chế độ phận biệt chủng tộc Apartheis hoàn toàn bị thủ tiêu.            Năm 1997 Cộng Hòa Nam Phi ban hành hiến pháp mới. Hiến pháp ghi nhận thiết chế chính trị là Cộng hòa Tổng thống. Tổng thống là người đứng đầu nhà nước do Quốc hội bầu ra nhiệm kỳ năm năm. Quốc hội 2 viện nắm quyền lập pháp. Thượng viện gồm 90 thượng nghị sĩ đại diện cho các tỉnh. Hạ viện gồm 360 hạ nghị sĩ bầu cử theo tỉ lệ dân cư. Chính phủ do Tổng thống đứng đầu nắm quyền hành pháp. Qua bầu cử lãnh tụ đảng chiếm đa số ở hạ viện sẽ trở thành Tổng thống. Tổng thống bổ nhiệm các thành viên chính phủ. Tòa án tối cao nắm quyền tư pháp.

          Chế độ chính trị đa đảng. Đảng Đại hội dân tộc Phi chi phối nền chính trị, là đảng cầm quyền. Các đối thủ của ANC là Đảng Liên minh dân chủ. Đảng tự do Inkatha đại diện cho cử tri Zulu, Đảng những người dân chủ độc lập.

          Cộng hòa Nam Phi là thành viên của Liên hợp quốc, Liên minh châu Phi.(4).

Quốc khánh ngày 31-5- năm 1910.

          Quan hệ ngoại giao với Việt Nam cấp Đại sứ ngày 22-12 năm 1973.

3. Kết luận.

          Tiến trình lịch sử Nam Phi là do những yếu tố bên trong quyết định nhưng yếu tố bên ngoài đã tác động vô cùng to lớn, nhất là vào thời kỳ cận- hiện đại.

          Các di chỉ khảo cổ học đã minh chứng châu Phi nói chung và Nam phi nói riêng là một trong những nơi trên thế giới là quê hương của loài người, là nơi sản sinh ra người da đen bản địa và họ đã trải qua xã hội nguyên thủy hàng triệu năm trên mảnh đất cực nam châu Phi này.

          Khi công xã nguyên thủy tan rã vì nhiều nguyên nhân khác nhau thì sự phân hóa xã hội thành giai cấp và sự hình thành nhà nước của người bản địa da đen diễn  hết sức chậm chạp. Khi lịch sử thế giới đã tiến sâu vào thời kỳ cận đại thì trên đất Nam Phi sự hình thành các tiểu vương quốc và vương quốc còn rất mờ nhạt. Hầu hết còn đang hình thành một số lãnh địa do những thủ lĩnh thời kỳ nguyên thủy đứng đầu. Những lãnh địa này liên hệ với nhau bằng các mối quan hệ thị tộc. Đang khi đó thì nghững cuộc di dân và xâm lược thực dân của người châu Âu đã phá vỡ cuộc sống bình yên của cư dân da đen bản địa. Đầu tiên là người Bồ Đào Nha, sau đó là người Hà Lan và cuối cùng là người Anh. Trong cuộc đấu tranh giành thuộc địa Nam Phi, người Anh cuối cùng đã chiến thắng. Cũng từ đó người dân da đen bản địa trải qua những trang lịch sử đầy máu và nước mắt: Bị đàn áp chém giết tù đày, đất đai bị mất, quyền dân chủ và quyền con người không có. Người Anh đã lập nên nhà nước của người da trắng và đó là công cụ để bóc lột áp bức đàn áp người da đen và da màu khác, phục vụ cho quyền lợi của thực dân Anh.

          Sau thế chiến thứ hai (1939-1945) Nam Phi cũng được độc lập nhưng nhà nước của người da trắng thiểu số lại thi hành chế độ phân biệt chủng tộc Apartheis, một chế độ quái dị trong thời đại văn minh của loài người ở thế kỷ XX. Nhưng người da đen, da màu Nam Phi đã không khuất phục. Họ đã anh dũng kiên cường đấu tranh không mệt mỏi từ thời cận đại, khi thực dân châu Âu vừa bước chân tới cho đến thời kỳ hiện đại. Cuối cùng họ đã chiến thắng, chế độ áp bức bóc lột dân tộc, chế độ phận biệt chủng tộc bị thủ tiêu. Người da đen và da màu đã có một nhà nước Nam Phi của họ, một nhà nước một quốc gia cho cả da trắng, da màu, da đen có thể chung sống thân ái và hữu nghị. Lịch sử Cộng hòa Nam Phi mới ngày nay gắn với lịch sử đấu tranh, hi sinh của biết bao anh hùng, chiến sĩ mà tiêu biểu là người anh hùng dân tộc Nelxon Madela.

CVL

(Còn nữa)

------------------------

Chú thích

1.Cộng hòa Nam Phi-Wikipedia-tiếng Việt-7-11-2015.

2.Nam Phi-Wikivoyage-7-11-2015.

3.Cao Văn Liên-Lịch sử 200 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới,NXB Chính trị Quốc gia.Hà Nội. 2011 (tái bản lần 2). Tr.607-610. 

4.Tạp chí nghiên cứu châu Phi và Trung Đông. Số tháng 8-2014.   

-------------------

Tài liệu tham khảo.

1.Các nước châu Phi.Nxb Sự Thật.Hà Nội.1986.

2.Anne Stamm. Các nền văn minh châu Phi. NXB Thế Giới. Hà Nội.2002.

3.Các nước trên thế giới.T.1 và 2.Nxb Sự Thật. Hà Nội.1978.

4. Cao Văn Liên. Lịch sử 200 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Nxb Chính trị Quốc Gia. Hà Nội. 2011.(Tái bản lần 2).

5.Bách khoa thư Lịch sử thế giới.Nxb Văn Hóa-Thông Tin, Hà Nội.2004.

6.V.N.Maiorốp. Mỹ và châu Phi.Nxb Khoa Học.Maxcơva.1972. (Tiếng Nga).

7.M.V.Pheugina. Lịch sử cận đại thế giới (1640-1871).Nxb Hữu Nghị Dân Tộc.Maxcơva.1985. (Tiếng Nga).

8.Lịch sử châu Phi.Nxb Tư Tưởng.Maxcơva.1980.(Tiếng Nga).

9.Tạp chí nghiên cứu Châu Phi và Trung Đông. Số tháng 2, 6, 10 năm 2012.

10.Khoa Lịch sử, Đại học Tổng hợp Hà Nội.Giáo trình lịch sử thế giới cận đại, phần II, Hà Nôi 1973.

PGS TS Cao Văn Liên

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/nhung-van-de-lich-su-trung-dong-va-chau-phi-ky-53-a23846.html