Gia Lai: Khởi sắc vùng biên

Những năm gần đây, nhờ sự quan tâm đầu tư xây dựng của Đảng, Nhà nước, sự cố gắng của cấp uỷ , chính quyền và bà con địa phương, vùng biên giới Gia Lai đang đổi thay từng ngày. Cơ sở hạ tầng, “điện, đường, trường, trạm” được xây dựng cơ bản, tạo điều kiện thuận lợi để bà con đồng bào các dân tộc thiểu số phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo, góp phần đưa vùng phên dậu của Tổ quốc phát triển mạnh cả về kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh.

Vào những ngày giữa tháng 3, chúng tôi cùng nhau đi lên vùng biên giới. Hai bên đường bạt ngàn một màu xanh trù phú của cà phê, cao su, hồ tiêu, điều, lúa nước. Những ngôi nhà mới xây theo kiểu mái Thái rất đẹp, những chuyến xe ô tô chở đầy mì khô (sắn), cà phê, mủ cao su…hối hả về xuôi, minh chứng cho vùng đất phên giậu của tổ quốc đang trên đà phát triển, đời sống bà con no đủ, hạnh phúc. Đến đâu chúng tôi cũng bắt gặp hình ảnh vui tươi, không khí háo hức của bà con người dân tộc thiểu số người Jrai, Mường, Thái…đang tấp nập xuống đồng cho mùa vụ Xuân – Hè..

dc2-1711078292.jpg
Cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh- Gia Lai

Không giấu được niềm vui trên khuôn mặt, ông Sui Nghiệp, Chủ tịch xã Ia O, huyện Ia Grai (Gia Lai) cho biết : “Ia O là xã vùng biên giới, giáp với huyện Andoung Meas, tỉnh Ratanakiri, nước bạn Campuchia. Nơi đây, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm số đông, việc phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội gặp nhiều khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, phát huy nội lực, vận dụng linh hoạt, hiệu quả các tiềm năng, lợi thế về tự nhiên, các nguồn đầu tư của Đảng và Nhà nước, địa phương đang dần vươn mình để phát triển. Nhiều hộ dân ở đây đã tự tìm hướng phát triển kinh tế, xây dựng các sản phẩm địa phương đặc trưng, vươn lên thoát nghèo. Nhờ đó, xã Ia O đã đạt 19/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới; 100% đường trục xã, liên xã được nhựa hóa, bê tông hóa; 100% đường trục thôn làng, gần 90% đường trục chính nội đồng được cứng hóa…Tỷ lệ nhà đạt chuẩn theo quy định của Bộ Xây dựng là 87%, 9/9 thôn làng được xây dựng nhà sinh hoạt cộng đồng…

Hoạt động sản xuất kinh doanh thương mại trên địa bàn ngày càng phong phú và sôi động, cung ứng kịp thời nhu cầu tiêu dùng của nhân dân. Bà con đã chủ động tìm hướng phát triển thương mại, dịch vụ, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế địa phương. Đáng mừng nhất là sự thay đổi tư duy, nhận thức của đồng bào trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Đây sẽ là nguồn nội lực lớn để toàn Đảng bộ và nhân dân vùng biên giới Ia O tiếp tục phấn đấu, xây dựng xã phát triển vững chắc, xứng đáng là “thành trì” nơi biên cương Tổ quốc...

3-nguoi-dan-dak-ha-thu-hoach-ca-phe-1711078371.jpg
Niềm vui của người dân Ia Grai thu hoạch cà phê

Dòng Sê San cuộn đổ, ngọn gió Xuân mang theo hương hoa cà phê thơm dịu, xa xa nhà máy thuỷ điện Ia Ly, Sê San 4, Sê San 3A đang ngày đêm “biến cái nước của trời” thành những dòng điện cho cuộc sống hàng triệu người dân không chỉ ở Tây Nguyên mà còn lan ra cả nước.  Đi dọc vùng biên trên địa bàn huyện Ia Grai đến cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh – Đức Cơ, Chư Prông (Gia Lai), ở đâu cũng một sắc đỏ giữa nền xanh ngút ngàn của núi rừng, từ câu khẩu hiệu mừng xuân đỏ thắm trước cổng chào ở mỗi thôn, đến sắc màu cờ Tổ quốc treo trước mỗi căn nhà, như làm sắc xuân thêm rộn rã.

Gặp chúng tôi từ đầu làng, ông Siu HLim già làng Bi (xã Ia Dom, Đức Cơ) mời về thăm nhà. Căn nhà của ông nằm bên trục đường vừa dọn dẹp sạch sẽ, ông cho biết: “Vui như Tết, nhưng nay Tết Nguyên đán cũng qua rồi. Năm mới đến không những làng mình mà cả vùng biên giới này vui lắm, vì quê hương có được nhiều cái mới, lúa, mì, cà phê được mùa, được giá, đường sá thoáng rộng, giao thương buôn bán thuận lợi, sản phẩm bà con làm ra bán được liền, giá lại cao, chứ không phải như ngày trước củ mì, trái bắp làm ra ăn không hết, bỏ vào chòi canh, con chuột, con nhím, nó rúc, nó ăn hết, đói khổ lắm.Trẻ em đủ tuổi đến trường học, lại được Nhà nước tài trợ sách vở, trường lớp khang trang, người dân đau ốm thì đến trạm xá quân dân y để khám, chữa bệnh không mất tiền…”. Nói xong, ông đưa chúng tôi đến tham quan “trường làng”, nhà văn hoá cộng đồng được xây mới khang trang, thực sự là nơi để bà con địa phương, các cháu học sinh gửi gắm niềm tin.

 

3-nu-cuoi-quan-dan-tren-canh-dong-lua-1711078371.JPG
Niềm vui của bà con dân tộc thiểu số nhờ bộ đội giúp đỡ trồng lúa xen canh

 

Đến cửa khẩu quốc tế Lệ thanh (Đức Cơ – Gia Lai), đã gần 16 giờ, nhưng vẫn có rất nhiều xe ô tô vận chuyển hàng hoá qua lại, hàng trăm xe xếp hàng dọc bãi đang chờ bốc dở hàng hoá ở kho trạm; chợ vùng biên cửa khẩu những ngày đầu năm mới, hàng hoá về từ nước bạn Campuchia, từ các các tỉnh đồng bằng lên rất nhiều, các quầy, các sạp, bán đầy đủ các loại hàng hoá. Chị Khum Chi, một thương lái đến từ Campuchia buôn bán ở chợ cửa khẩu cho biết: “Năm nay đường sá đi lại thuận lợi, có xe ô tô chở hàng đến tận nơi nên giá cả cũng gần như tương đương như ở thành phố Pleiku và ở thị trấn Chư Ty. Đặc biệt, năm nay, dân địa phương làm ăn cũng khá giả hơn, nên bà con mua sắm cũng nhiều hơn. Tình hình an ninh, chính trị vùng biên giới Việt Nam- Cam-pu-chia ổn định, là cơ sở để bà con hai nước đoàn kết, giao thương, buôn bán thuận lợi phát triển”.

2-dien-gio-chu-p-rong-1711078370.jpg
Cánh đồng điện gió ở Chư Prông- Gia Lai

Từ cửa khẩu quốc tế Lệ thanh  chúng tôi tiếp bước đến xã Ia Púch và Ia Mơr của huyện Chư Prông. Một màu xanh trải dài theo đường biên hơn 42 km giáp với nước bạn Campuchia.

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Đinh Văn Dũng – Bí thư Huyện ủy Chư Prông – Gia Lai cho biết: Bám sát nhiệm vụ, thực hiện tốt các mô hình và cách làm mới trong sản xuất kinh doanh nên trong năm 2023, kinh tế của huyện tiếp tục tăng trưởng khá, tổng giá trị sản xuất ước đạt trên 105% kế hoạch, tăng gần 14% so với cùng kỳ. Trong năm đã có 11 dự án được cấp quyết định chủ trương đầu tư với tổng vốn đầu tư 1.209,49 tỷ đồng; đến nay trên địa bàn huyện có 41 dự án được cấp quyết định chủ trương đầu tư và giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đang triển khai thực hiện xây dựng cơ bản với tổng vốn đầu tư 10.615,26 tỷ đồng, góp phần giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động trên địa bàn huyện. Thu ngân sách huyện ước đến 31/12/2023 là 70,506 tỷ đồng, đạt 108,04% so với dự toán tỉnh giao, đạt 101,03% so với Nghị quyết và bằng 65,95% so với cùng kỳ.

dc4-1711078371.jpg
Bảo tồn và huy văn hóa các dân tộc ở Đức Cơ - Gia Lai

Tập trung xây dựng tổ chức Đảng TSVM, đội ngũ cản bộ đảng viên “vừa hồng, vừa chuyên” gắn với đẩy mạng phát triển kinh tế, Huyện ủy- UBND huyện tập trung xây dựng Đảng bộ và hộ thống chính trị vững mạnh; tăng cường sức mạnh đoàn kết dân tộc, giữ vững ổn định chính trị- xã hội, bảo đảm tốc độ tăng trưởng kinh tế hợp lý và bền vững, bảo đảm an sinh xã hội; nâng cao đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần cho nhân dân; chú trọng  xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững chắc, xây dựng LLVT huyện vững mạnh, SSCĐ tốt, hoàn thành tốt các nhiệm vụ, góp phần bảo vệ TTAT xã hội trên địa bàn, đặc biệt là vùng biên giới bình yên, phát triển.

2-hoi-dua-thuyen-doc-moc-tren-song-po-co-1711078370.jpg
Đua thuyền độc mộc ở vùng biên giới huyện Ia Grai - Gia Lai

Đi dọc đường biên giới, đến đâu chúng tôi cũng thấy sắc Xuân trên từng gương mặt của bà con đồng bào các dân tộc. Một mùa Xuân yên bình, ấm áp đang đến với bà con vùng biên giới của Tổ quốc.

 

LÊ QUANG HỒI

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/gia-lai-khoi-sac-vung-bien-a23895.html