Theo đó, ngày 22/3/2024, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam ban hành Quyết định số 237/QĐ- LHHVN về việc công nhận Hội đồng Quản lý Viện Nghiên cứu Văn hoá và Phát triển gồm các thành viên: Ông Phạm Việt Long, Chủ tịch Hội đồng Quản lý; Ông Nguyễn Minh San, Phó Chủ tịch Hội đồng Quản lý; Ông Phạm Hùng Việt, uỷ viên; Ông Nguyễn Hữu Thức, uỷ viên; Ông Nguyễn Danh Hoà, uỷ viên.
Bộ máy lãnh đạo Viện Nghiên cứu Văn hoá và Phát triển sau kiện toàn được Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam ra quyết định: Ông Phạm Việt Long, Chủ tịch Hội đồng Quản lý; Ông Nguyễn Minh San, Phó Chủ tịch Hội đồng Quản lý; Ông Phạm Hùng Việt, Viện trưởng; Ông Nguyễn Hữu Thức, Phó Viện trưởng; Ông Nguyễn Danh Hoà, Phó Viện trưởng.
Viện Nghiên cứu Văn hóa và Phát triển (tiền thân là Viện Nghiên cứu Văn hóa và Ngôn ngữ) là đơn vị khoa học trực thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam được Bộ Khoa học và Công nghệ cấp phép hoạt động từ năm 2018.
Viện có các chức năng chính là: Nghiên cứu khoa học các vấn đề văn hóa, ngôn ngữ, phát triển xã hội. Dịch vụ KH&CN: Tổ chức hội nghị, hội thảo khoa học, sự kiện, truyền thông, biên soạn ấn phẩm và đào tạo bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn trong lĩnh vực nghiên cứu nêu trên. Hợp tác với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước phục vụ các nhiệm vụ của Viện.
Cho đến nay Viện Nghiên cứu Văn hoá và Phát triển có 7 đơn vị trực thuộc, gồm 02 Ban (Ban Hành chính - Tổ chức, Ban Truyền thông - Sự kiện), 3 Trung tâm (Trung tâm Phát triển Văn hóa nghệ thuật, Trung tâm Nghiên cứu Lịch sử và Bảo tồn di sản văn hóa Quốc gia, Trung tâm Nghiên cứu và Thực hành tín ngưỡng Thờ Mẫu), 01 Phòng (Phòng Nghiên cứu Di sản), 01 Tạp chí (Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển, hoạt động theo Luật Báo chí) và 01 Diễn đàn Mạng xã hội (Văn hóa và Đời sống).
Trong thời gian qua, Viện triển khai nhiều công việc trong giai đoạn nền kinh tế thế giới và Việt Nam chịu tác động của đại dịch Covid-19 và xung đột Nga - Ucraina, nên đã đặt ra nhiều khó khăn thách thức và ít nhiều tác động đến kết quả thực hiện các nhiệm vụ của Viện.
Cụ thể, năm 2021, 2022 tập trung thực hiện và đã hoàn thành 3 đề tài nghiên cứu, sưu tầm bằng nguồn kinh phí của Viện. Đồng thời, Viện cũng đã có một số hoạt động đáng chú ý là: Tổ chức xuất bản và ra mắt sách về truyền thống văn hóa “Ngàn năm văn hiến”; Tự biên soạn và xuất bản thông qua Nhà Xuất bản ra đời ấn phẩm “Xứ Nghệ xưa và nay”; Phối hợp tổ chức bản thảo, xuất bản và ra mắt một số cuốn sách về truyền thống văn hóa, lịch sử, cách mạng; Phối hợp với nhà xuất bản Hội Nhà văn và Gia đình tác giả xuất bản, ra mắt sách “Sắt son, vẹn tròn”; Phối hợp với Phân hội Từ điển học (thuộc Hội Ngôn ngữ học Việt Nam) tổ chức buổi Tọa đàm về cuốn sách “Vui buồn cùng tiếng Việt” của tác giả Bùi Việt Bắc. Phối hợp tổ chức một số sự kiện vinh danh và cổ vũ nhân dân phát huy di sản văn hóa; Tổ chức tọa đàm về chủ đề: “Những ứng xử cần tuyên truyền xây dựng Văn hóa giao thông”; Phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội tổ chức “Diễn đàn Văn hóa Doanh nhân Việt Nam năm 2022”…
Đặc biệt, năm 2023, Viện đã hoàn thành 3 đề tài nghiên cứu: “Tên gọi các địa danh lịch sử văn hóa Việt Nam từ góc độ cấu tạo và định danh”, “Tổng hợp và thu âm 31 bài xoan cổ tại phường Xoan An Thái, Phú Thọ”, “Sưu tập văn bản và phục hồi một số bài Ca trù thể cách Hát nói của danh nhân Nguyễn Công Trứ” bằng nguồn kinh phí của Viện và xã hội hóa.
Trong đó, đề tài "Tên gọi các địa danh lịch sử văn hóa Việt Nam từ góc độ cấu tạo và định danh” đã tập trung nghiên cứu các địa danh lịch sử văn hóa trải dài trên 63 tỉnh thành của đất nước. Trên cơ sở 795 địa danh thu thập được (là những Di tích lịch sử văn hóa đã được Nhà nước công nhận là di tích quốc gia), dựa vào lí thuyết cấu tạo từ, lí thuyết về định danh, về ngữ nghĩa học, văn hóa học, đề tài tập trung phân tích, làm rõ được các đặc điểm về cấu tạo tên gọi, đặc điểm định danh và văn hóa của các địa danh lịch sử văn hóa Việt Nam. Đề tài cũng đi sâu phân tích nội dung ngữ nghĩa thể hiện qua tên gọi ĐDLSVHVN để từ đó làm rõ đặc trưng văn hóa của người Việt qua cách thức lựa chọn các tiêu chí để đặt tên các ĐDLSVHVN. Đề tài đã hoàn thành bản thảo với dung lượng 100 trang A4 bằng nguồn kinh phí của Viện.
Viện đã tổ chức Tập huấn “Bảo tồn và phát huy giá trị của các di sản văn hóa”, và gần đây nhất (ngày 18 tháng 11 năm 2023), đã tổ chức Tọa đàm “Thực hành tín ngưỡng Thờ Mẫu trong giai đoạn hiện nay trên địa bàn huyện Lương Tài” tỉnh Bắc Ninh. Buổi Tọa đàm đã được Sở Văn hóa và Thông tin huyện Lương Tài quan tâm cử đại diện lãnh đạo Sở cùng một số Phòng ban đến tham dự và có tham luận tại tọa đàm.
Viện cũng đã triển khai nhiệm vụ Nghiên cứu và Thực hành biểu diễn “Sử dụng kỹ thuật thanh nhạc vào biểu diễn các ca khúc mang âm hưởng dân ca các vùng miền” do Thượng tá, NSƯT Nguyễn Hương Giang làm chủ nhiệm nhiệm vụ bằng nguồn kinh phí xã hội hóa. Kết quả giai đoạn 1 đã hoà âm, phối khí và thu thanh được 50 ca khúc; Phát hành 20 MV nghệ thuật gắn với những sự kiện lớn của Đất nước trong năm 2023; Thực hành biểu diễn 10 sự kiện trên sân khấu trong đó có 03 chương trình truyền hình trực tiếp; Công bố 03 bài báo khoa học, 12 phóng sự chuyên đề được phát sóng trên VTV, VTC, Truyền hình Quốc Hội, Truyền hình Nhân dân, Đài tiếng nói Việt Nam…
Về công tác Tạp chí, Hội đồng Quản lý và Lãnh đạo Viện đã làm tốt công tác Chỉ đạo, điều hành hoạt động của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển. Tạp chí hoạt động đúng tôn chỉ mục đích, đáp ứng được yêu cầu tuyên truyền, ngày càng thu hút đông đảo bạn đọc, chưa bị vi phạm, nhắc nhở. Đặc biệt, Tạp chí cùng các chuyên trang và các văn phòng đại diện tại các địa phương đã làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước. Nhất là việc phối hợp với các sở, ban ngành ở địa phương trong việc đẩy mạnh tuyên truyền về xây dựng Nông thôn mới và Đô thị văn minh ở các địa phương.
Để tiếp tục kiện toàn tổ chức, nâng cao hiệu lực, hiệu quả các hoạt động của Viện và các đơn vị thành viên, phù hợp với các quy định của Đảng và Nhà nước, năm 2023, Viện đã thành lập Chi bộ Viện nghiên cứu Văn hóa và Phát triển, trực thuộc Đảng ủy Khối doanh nghiệp quận Đống Đa. Cùng với đó, Viện đã thành lập Công đoàn Viện nghiên cứu Văn hóa và Phát triển, trực thuộc Công đoàn Khối doanh nghiệp quận Đống Đa.
Từ những kết quả cụ thể trên có thể thấy, được sự quan tâm chỉ đạo của Đảng đoàn, lãnh đạo Liên hiệp các Hội KHKT Việt Nam cùng lãnh đạo các Bộ, Ban ngành liên quan, tập thể lãnh đạo Viện, Tạp chí cùng toàn thể cán bộ, nhân viên và các đơn vị thành viên đã chủ động, nghiêm túc hoạt động theo đúng các nội dung thể hiện trong Giấy đăng ký và Điều lệ; Tìm mọi biện pháp để thực hiện nghiên cứu khoa học, trong đó có hàng chục bài báo khoa học đăng trên Tạp chí các chuyên ngành, 3 công trình đã hoàn thành, 2 công trình đang tiền hành và đã đề xuất Liên hiệp Hội cho thực hiện một công trình cấp Liên hiệp. Viện cũng đã chấp hành nghiêm chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước.
Trung Anh
Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/le-cong-bo-quyet-dinh-bo-nhiem-lanh-dao-vien-nghien-cuu-van-hoa-va-phat-trien-a23970.html