Xuân 1975 - Bài ca non sông thống nhất (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 8)

Hướng tới kỷ niệm 49 năm Ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2024), trân trọng giới thiệu tiếp với bạn đọc Tiểu thuyết lịch sử “Xuân 1975 - Bài ca non sông thống nhất” của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Thanh Niên ấn hành năm 2023.

Kỳ 8

 Nguyễn Văn Thiệu nói:

-Bản kế hoạch “Tái chiếm Buôn Mê Thuột” Thiếu tướng gửi về tôi chấp nhận, tuy nhiên có một số điều chỉnh như sau:

-Thứ nhất, sử dụng Liên đoàn 21 biệt động quân, kết hợp với số quân còn lại của Trung đoàn 53 tại hậu cứ Sư đoàn 23 (trại B50) tạo thành lực lượng tại chỗ để phản kích.

 -Thứ 2, toàn bộ lực lượng còn lại của hai Trung đoàn 44 và 45 của Sư đoàn 23, dùng trực thăng đổ bộ xuống Nông trại Phước An (phía đông Buôn Mê Thuột) hình thành cánh quân chủ yếu đánh vào thị xã.

 -Thứ 3, huy động tối đa Sư đoàn không quân 6 (thuộc Quân đoàn II) tại Đà Nẵng, tại Cần Thơ hỗ trợ tối đa cho cuộc phản kích.

-Thứ 4, điều động Liên đoàn 7 biệt động quân từ Sài Gòn lên Pleiku, thay thế cho Trung đoàn 45 đã được điều về Buôn Mê Thuột đề phòng Cộng quân tấn công bắc Tây Nguyên.

-Tuân lệnh Tổng thống, tôi sẽ cho thực hiện theo kế hoạch và phản kích ngay.

Nói chuyện xong với Tổng thống Thiệu, Tướng Phú quay máy bộ đàm gọi tiếp:

A lô, tôi Tướng Phú đây, cho tôi gặp Trung tá Phùng Văn Quang, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 45.

-Chào Thiếu tướng, tôi Phùng Văn Quang đây.

-Tôi ra lệnh cho Trung tá chỉ huy hai Tiểu đoàn của Trung đoàn 45 và một Đại đội thám báo của Sư đoàn 23 đổ quân xuống Phước An phản kích lấy lại thị xã Buôn Mê Thuột. Lực lượng của Trung tá sẽ được không quân yểm trợ.

-Tuân lệnh Thiếu tướng.

Tướng Phú gọi tiếp cho Sư đoàn trưởng Sư đoàn 6 không quân thuộc Quân đoàn II Phạm Ngọc Sang.

-A lô, tôi tướng Phú đây, Chuẩn tướng dùng 81 máy bay cường kích A-1, A37, F-5 hỗ trợ cho hai Trung đoàn thuộc Sư đoàn 23 do Trung tá Phùng Văn Quang chỉ huy phản kích lấy lại thị xã Buôn Mê Thuột.

-Tuân lệnh Thiếu tướng.

Chiều 12 tháng 3 năm 1975, 81 máy bay A-1, A-37, F-5 quần đảo ném bom bắn phá Phước An dọn đường cho cuộc đổ bộ chuyển quân. Hai Tiểu đoàn của Trung đoàn 45 và một Đại đội thám báo của Sư đoàn 23 do Trung tá Phùng Văn Quang chỉ huy từ Pleiku chuyển quân về Phước An. 100 máy bay trực thăng đủ loại, kể cả loại hạng nặng C1-47 Clinook bay rầm trời, xé gió đổ 1.000 quân xuống Phước An. Sáng ngày 13 tháng 3, 245 trực thăng đổ tiếp Trung đoàn 44, Pháo đội 232 và Tiểu đoàn còn lại của Trung đoàn 45 xuống cao điểm 581 và Nông trại Phước An, Chư Cúc dọc đường 21. Tướng Phú bay trên trực thăng nhẹ U-17 chỉ huy cuộc đổ quân của Sư đoàn 23 từ Pleiku về Buôn Mê Thuột. Trên máy bay, tướng Phú gọi cho Trung tá Vũ Ấn Chỉ huy lực lượng còn lại ở sân bay Hòa Bình:

-A lô, tôi tướng Phú đây, Trung tá Vũ Ấn phải không?

-Chào Thiếu tướng, tôi đây.

-Cuộc đổ quân xuống Phước An đã bắt đầu để phản kích lấy lại Buôn Mê Thuột. Ngài hãy động viên đơn vị tham gia vào cuộc phản kích.

-Tuân lệnh Thiếu tướng.

Chiều tối 12 tháng 3, sau khi cuộc đổ quân đợt 1 hoàn tất, Tướng Phú gọi điện cho Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu:

-A lô tôi Tướng Phú đây, chào Tổng thống, trình Tổng thống, Sư đoàn 968 của Cộng quân đã bí mật từ Lào về và tham chiến ở Buôn Mê Thuột.

Bên kia đầu dây Nguyễn Văn Thiệu đáp:

-Vậy là hướng tấn công chính của Cộng quân ở Tây Nguyên là thị xã Buôn Mê Thuột đã rõ. Thiếu tướng hãy phản kích lấy lại Buôn Mê Thuột bằng mọi giá.

-Tuân lệnh Tổng thống.

Trong khi đó tại Bộ chỉ huy chiến dịch giải phóng Tây Nguyên, Trung tướng Hoàng Minh Thảo quay máy bộ đàm:

-A lô, tôi Hoàng Minh Thảo đây, cho tôi gặp Sư đoàn trưởng Sư đoàn 968.

-Chào Trung tướng, tôi đây.

-Đồng chí cho pháo kích mạnh vào sân bay Cù Hanh, uy hiếp cuộc chuyển quân của Sư đoàn 23 ngụy từ Pleiku về Buôn Mê Thuột để phản kích lấy lại thị xã.

-Tuân lệnh Trung tướng.

Trung tướng lại quay máy gọi cho Sư đoàn trưởng Sư đoàn 10:

-A lô, tôi Hoàng Minh Thảo đây.

-Chào Trung tướng, tôi Sư đoàn trưởng Sư đoàn 10 đây.

-Đồng chí cho hai Trung đoàn 24 và 28, có hai đại đội xe tăng, một Tiểu đoàn pháo binh tấn công quận lỵ Phước An, tiêu diệt quân của Sư đoàn 23 ngụy từ Pleiku tới khi chúng chưa kịp triển khai đội hình chiến đấu.

-Rõ, tuân lệnh Trung tướng.

Trong khi Sư đoàn 23 đang chuyển quân thì sân bay Cù Hanh liên tục bị pháo kích, đồng thời chiều 13 tháng 3, các Trung đoàn 24, 28 Sư đoàn 10 Quân giải phóng cùng hai Đại đội xe tăng và một Tiểu đoàn pháo binh đã bao vậy quận lỵ Phước An. 7 giờ 7 phút sáng 14 tháng 3 khi hai Trung đoàn 44 và 45 của Sư đoàn 23 Sài Gòn vừa đến chưa kịp triển khai đội hình chiến đấu thì bị Trung đoàn 24 (Sư đoàn 10) Quân giải phóng cùng một Tiểu đoàn pháo binh, hai Tiểu đoàn xe tăng 273 đã tấn công vào Trung đoàn 45 Sài Gòn ở cao điểm 581. Súng nổ như sấm sét vang trời, đạn pháo từ pháo binh, từ xe tăng nã xuống như bão lửa. 12 giờ trưa ngày 14 tháng 3, hai Tiểu đoàn 1 và 2 của Trung đoàn 45 Sài Gòn và một Tiểu đoàn bảo an bị tiêu diệt. Ngày 16 tháng 3 cả hai cụm quân của Sư đoàn 23 tại Phước An bị xóa sổ. 8 giờ 45 phút Tiểu đoàn 3, đơn vị cuối cùng của Trung đoàn 45, Sư đoàn 23 bị đập tan. Trung tá Phùng Văn Quang và toàn bộ ban chỉ huy Trung đoàn bị bắt làm tù binh khi chưa kịp lên trực thăng tháo chạy.

Ngày 17 tháng 3 năm 1975, Trung đoàn 66 Sư đoàn 10 và Trung đoàn đặc công 198 mở cuộc tổng công kích vào sân bay Hòa Bình. 11 giờ 30 phút, sân bay Hòa Bình hoàn toàn bị quân Giải phóng chiếm, Trung đoàn 53 và Liên đoàn 21 biệt động quân bị xóa sổ. Tại đây, Trung đoàn 44 cũng bị tấn công, Đại tá Đức, Tư lệnh mới của Sư đoàn 23  cùng 700 quân chạy về Chư Cúc. Tàn quân này bị Trung đoàn 28 Sư đoàn 10 và một Tiểu đoàn của Trung đoàn xe tăng 273 truy kích. Đại tá Đức bỏ Chư Cúc chạy về Pleiku. Cuộc phản kích của Quân lực Việt Nam Cộng hòa tại thị xã Buôn Mê Thuột thất bại. Sư đoàn 23 của ngụy được mệnh danh là “Nam bình, Bắc phạt cao nguyên trấn" bị xóa sổ. Chính quyền Việt Nam Cộng hòa cố bịt kín tin mất thị xã Buôn Mê Thuột. Nhà báo Pháp  Paul Leandrri đưa tin này bị bắn chết tại Trụ sở cảnh sát Sài Gòn.

*     *

                                                 *

                                                  

  Đêm 10 tháng 3 năm 1975 là một đêm không yên tĩnh đối với Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu. Trong tư dinh Tổng thống  ở Dinh Độc Lập liên tục cấp báo về tình hình chiến sự khẩn cấp ở Tây Nguyên, mất thị xã Buôn Mê Thuột, cùng lúc đó những cuộc gọi từ Quân khu I của Quân đoàn I:

-A lô tôi Nguyễn Văn Thiệu đây.

-A lô tôi Ngô Quang Trưởng, Tư lệnh Quân đoàn I đây. Xin chào Tổng thống.

-Có vấn đề gì vậy?

-Dạ, báo cáo Tổng thống, các Sư đoàn 324, 325 của Cộng quân đã thâm nhập Trị Thiên-Huế, nhiều đơn vị cấp Tiểu đoàn đã xâm nhập xuống cả đồng bằng. Ngoài Tây Nguyên ra thì có lẽ Cộng quân đang chuẩn bị tấn công Quân khu I.

-Họ đã tấn công ở những địa phương nào chưa?

-Trình Tổng thống, từ ngày 8 đến 13 tháng 3, quân ta đã giao chiến với họ ở Truồi phía nam Huế, Chi khu quân sự Mai Lĩnh, căn cứ Mỏ Tàu (Thừa Thiên), các Chi khu quân sự Tiên Phước, Hậu Đức (Quảng Tín). Tại phía nam Quân khu I nhiều căn cứ ở ven sông Vệ Quảng Ngãi bị tấn công.

  Sau một lúc đắn đo, Nguyễn Văn Thiệu nói:

-Rồi, ngày mai tôi sẽ họp các tướng lĩnh của Quân lực Việt Nam Cộng hòa tìm cách đối phó. Tôi sẽ nói với Bộ Tổng tham mưu không được điều các Sư đoàn dù, Sư đoàn thủy quân lục chiến ở Quân khu I cho mặt trận Tây Nguyên như đã dự kiến.

-Dạ, chào Tổng thống.

-Chào Trung tướng.

(Còn nữa)

CVL

PGS TS Cao Văn Liên

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/xuan-1975-bai-ca-non-song-thong-nhat-tieu-thuyet-lich-su-ky-8-a24023.html