Nhà thơ Nguyễn Thiện, tên thật là Nguyễn Thanh Thiện, sinh năm Đinh Dậu 1957 tại xã Tiến Thịnh, huyện Mê Linh, thành phố Hà Nội. Năm 1975 khi vừa tròn 18 tuổi, anh nhập ngũ và tham gia cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975. Sau đó anh tham gia cuộc chiến bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam, và sau đó là tham gia cuộc chiến tranh biên giới ở phía Bắc năm 1979.
Trong quá trình ở trong quân ngũ, Nguyễn Thiện mang quân hàm Đại tá, khi rời quân ngũ, anh có nhiều thời gian dành cho gia đình, anh làm thơ và viết nhạc. Thơ và nhạc của anh nhanh chóng được nhiều người biết đến với hình ảnh một cây bút nổi trội cùng với nhiều thành công đáng ghi nhận.
Tập thơ Thổn Thức – tập thơ mới xuất bản của Nhà thơ Nguyễn Thiện,tập thơ do Nhà xuất bản Hội Nhà văn phát hành quý I năm 2024. Tập thơ dày 244 trang, bao gồm 208 bài, mở đầu tập thơ bằng bài Thổn Thức, và kết thúc tập thơ bằng bài Khôn Nguôi.
Theo nhà thơ Đoàn Thị Lam Luyến, thơ Thơ Nguyễn Thiện nổi bật nhất vẫn là chất tình và tính nhạc. Ở đề tài nào nhà thơ cũng am hiểu và bộc bạch được những lời gan ruột, những trăn trở từ thẳm sâu đáy lòng.
Quê hương có lẽ là đề tài mà nhà thơ đau đáu nhất, trong tập thơ này có nhiều bài thơ tác giả viết về quê hương như: Nhớ sông quê; Người quê tôi; Quê ơi... Trong bài Nhớ sông quê anh có những câu thơ da diết: “Tuổi thơ ơi năm tháng về đâu/ Ta muốn níu thời gian ở lại/ Muốn dòng sông cử cùng ta mãi/ Để con đò sóng vỗ chiều hôm...”.
Cùng với quê hương là đề tài về tuổi thơ, về người mẹ in đậm trong tập thơ Thổn Thức này. Không riêng gì nhà thơ Nguyễn Thiện mà với những ai đã đặt bút viết thơ đều có những tình cảm sâu sắc với người mẹ, với quê hương, với tuổi thơ .Thế nhưng mỗi nhà thơ lại có một cách cảm nhận khác nhau, có những rung động khác nhau khiến người đọc như bắt gặp mình đây đó qua những câu thơ mà nhà thơ muốn truyền tải. Chẳng hạn khi đọc “Vai gầy của mẻ”: Mẹ bảo ngày tháng mười/ Chưa kịp cười đã tối/ Bếp nhà ai cơm mới Trẻ nô đùa reo vui/ Tháng Mười xưa quê tôi/ Cánh đồng xơ xác lúa/ Rau tập tàng trừ bữa/ Tiếng sáo buồn lưng Trâu”, ta như thấy tuổi thơ của mình trong đó.
Không chỉ dừng lại ở đề tài viết về những người thân thích trong gia đình mà nhà thơ Nguyễn Thiện còn tái hiện lại trong những sáng tác của mình về tình yêu, tình bạn và cả những năm tháng tuổi trẻ đầy nhiệt huyết của mình. Đọc những câu thơ sau ta cảm nhận được nhà thơ Nguyễn Thiện là một người chân thành và yêu say đắm: “Cơn gió chiều mơn man/ Em chìm vào nỗi nhớ/ Tình yêu là hàng số/ Ta thêm phép cộng vào/ Đêm em ngồi đếm sao/ Ngày mong mặt trời lặn/ Biển bao giờ hết mặn/ Em nguội ngoại…/ tình đầu”, (Nguôi ngoai).
Trong tập thơ có nhiều thi phẩm nhắc đến các địa danh nơi nhà thơ đã từng đặt chân đến. Mỗi nơi mỗi nét, mỗi tình cảm riêng, khiến nhà thơ phải ngân lên tiếng lòng: “Ta ước gì cuộc sống/ Cứ nhẹ nhàng êm trôi/ Để Hạ Long trong tôi/ Lung linh…/ không tì vết. (Chiều Hạ Long). Hay trong “Đà Nẵng mình ơi” có những câu thơ khiến ta khi đọc lên thấy một Đà Nẵng kiêu sa mà hùng vĩ: “Bạch mã, Bà Nà, Non Nước nơi đây/ Đỉnh núi Bàn Cờ, Hải Vân hùng vĩ/ Quần đảo Hoàng Sa long lanh ngọc quý/ Tim óc thịt da của Tổ Quốc mình.”
Bất cứ chủ đề nào dưới ngòi bút của nhà thơ Nguyễn Thiện cũng khiến lòng ta xúc động. Để khiến người đọc phải thiết tha, thổn thức, trăn trở với nhà thơ đó chính là chất tình trong thơ. Nếu những bài thơ chỉ khô khan về mặt cảm xúc chắc chắn khó mà đi được vào lòng người đọc.
Thổn Thức thơ Nguyễn Thiện
Dưới đây là bài thơ Thổn Thức, bài thơ được chọn làm tiêu đề đặt tên cho cả tập thơ
Anh không về gạo sắp tàn hoa/Tim em cũng cạn dần nổi nhớ/Có phải anh đã quên lời hứa/ Với dòng song bến nước con đò.
Anh không về sẽ nhạt câu thơ/Viết tặng em cái ngày hôm ấy/Và tháng năm hoen màu giấy/Đau vàng trăng khuyết mãi không tròn.
Anh không về sương phủ đầu non/Căn bếp lạnh không còn hơi lửa/Và con đường hôm nao lá đổ/Cũng xác xơ không một bóng người.
Anh không về nắng mãi chơi vơi/Dòng sông cuộn tròn nổi nhớ/Và bông hồng ép trong cuốn vở/Ngóng chờ ai… Thổn thức… tình đầu.
Thơ của Nguyễn thiện rất có duyên với nhạc, hiện tại anh đã có hơn 100 bài thơ được phổ nhạc. Các nhạc sỹ đã phổ thơ của Nguyễn Thiện như nhạc sỹ Đào Mạnh Kiên (26 bài), nhạc sỹ Hiếu Vũ (7 bài), nhạc sỹ Đoàn Bổng (7 bài), nhạc sỹ Trịnh Ngọc Châu (8 bài), nhạc sỹ Minh Dương (2bài), nhạc sỹ Thanh Tài (1 bài), nhạc sỹ, nhạc sỹ Minh Dương (1 bài), nhạc sỹ Minh Ngọc (1 bài), nhạc sỹ Vũ Nga (1 bài). Và Các bài còn lại là nhà thơ Nguyễn Thiện tự phổ thơ anh.
Các ca sỹ hát ca khúc của nhà thơ Nguyễn Thiện gồm các nghệ sỹ, ca sỹ như NSND Vi Hoa, NSƯT Đăng Dương, NSƯT Bùi Thu Hiền, NSƯT Minh Thành, NSƯT Diệu Hương, NSƯT Lê Anh Dũng, NSƯT Vành Khuyên, NSƯT Lương Huy, NSƯT Ploog Thiết. Các ca sỹ như Trọng Tấn, Thanh Tài, Hoàng Viết Danh, Văn Tuấn, Xuân Hào, Cẩm Tú, Lê Tuân, Lê Nhưng, Mai Chi, Mai Hương, Duy Hải, Hồng Ngát, Nam Giang, Tố Nga, Thu Quỳnh, Hạnh Nguyễn, Quỳnh Sen, Thế Quỳnh, Khánh Huyền, Mạnh Kiên, mạnh Dũng, Nguyễn Luyến, Quang Luyến, Bùi Thúy, và tốp ca đoàn CAND… Nhiều bài hát được phổ nhạc của nhà thơ Nguyễn thiện đã được phát trên đài phát thanh và truyền hình như đài truyền hình VTV3, Đài truyền hình Hà Nội, chương trình phát thanh Quân đội Nhân dân, VOV, Đài VOV6, VOV3 âm nhạc với cuộc sống.
Nguyễn Thiện sáng tác rất nhiều thơ, sắp tới anh còn chuẩn bị in thêm mấy tập thơ nữa. chúng ta cùng chờ mong những tác phẩm mới của anh, những bài thơ hay của anh sẽ xuất hiện trước công chúng.
Bùi Thị Huyền Trang
Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/den-voi-tap-tho-hay-thon-thuc-cua-nha-tho-nguyen-thien-a24092.html