Gia Lai bị trộm mất 4 hiện vật đang trưng bày ở Thiên đường Tây Nguyên

Sáng 9/4, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai vừa có báo cáo gửi đến UBND tỉnh về việc bị mất trộm hiện vật tại khu vực trưng bày Thiên đường Tây Nguyên Gia Lai ở Quảng trường Đại Đoàn Kết, TP. Pleiku.

Theo báo cáo của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai, vào khoảng 01h30’ ngày 27/3/2024, tại khu vực trưng bày hiện vật ở Thiên đường Tây Nguyên Gia Lai nằm trong khuôn viên Quảng trường Đại Đoàn Kết, bị một nhóm đối tượng đột nhập trộm cắp hiện vật.

Sự việc đã được lực lượng bảo vệ phát hiện, tuy nhiên các đối tượng đã nhanh chóng bỏ trốn. Qua trích xuất camera, nhóm đối tượng tiếp cận khu vực trưng bày Thiên đường Tây Nguyên Gia Lai từ nhiều hướng, cổng chính và khu vực hàng rào xung quanh khu trưng bày, độ tuổi thanh niên.

1-thanh-lao-tren-ghe-voi-bi-lay-trom-1712639007.jpg
Một trong những hiện vật trưng bày trong khu vực nhà voi bị lấy trộm

Sau khi nhận được tin báo từ bảo vệ, Bảo tàng tỉnh Gia Lai đã phối hợp với Công ty Cổ Phần Thương mại Dịch vụ Bảo vệ Thiên Ưng (đơn vị trực tiếp thực hiện công tác bảo vệ khu vực trưng bày Thiên đường Tây Nguyên Gia Lai) tiến hành lập biên bản sự việc, kiểm kê, rà soát toàn bộ hiện trạng hiện vật tại khu trưng bày phát hiện các hiện vật bị mất bao gồm: 1 lao thú kim loại tại khu vực nhà Voi; 2 lao thú kim loại tại khu vực nhà rông Xê Đăng; 1 ché nhỏ tại khu vực nhà để ché (đã mất ở thời điểm trước đó).

Đến thời điểm hiện tại, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai đã chỉ đạo Bảo tàng tỉnh phối hợp với Công an TP. Pleiku và Công an phường Tây Sơn để điều tra, xử lý theo quy định.

Được biết, Thiên đường Tây Nguyên Gia Lai được Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai phối hợp với Công ty Trách nhiệm hữu hạn Việt Mốt, nhà nghiên cứu Đặng Minh Tâm tổ chức. Không gian trưng bày gồm hàng nghìn cổ vật, hiện vật trong bộ sưu tập hơn 30 nghìn hiện vật của Nhà sưu tập Đặng Minh Tâm, với các nhóm chủ đề chính như công cụ dệt, các loại nỏ săn bắn, các nhạc cụ dân tộc, công cụ phục vụ sản xuất và đời sống, thổ cẩm đặc trưng của các tộc người, vườn tượng gỗ, ghè, chóe cổ, trống da trâu…, mang đến cho công chúng một cái nhìn tổng thể về các tinh hoa, văn hóa, phong tục tập quán của các dân tộc Tây Nguyên. Đặc biệt, bộ sưu tập có chiếc ghế "độc nhất vô nhị" của vua voi Tây Nguyên, dụng cụ săn bắt, thuần dưỡng voi rừng vô cùng độc đáo.

 

LÊ QUANG HỒI

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/gia-lai-bi-trom-mat-4-hien-vat-dang-trung-bay-o-thien-duong-tay-nguyen-a24183.html