Xuân 1975 - Bài ca non sông thống nhất (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 21)

Hướng tới kỷ niệm 49 năm Ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2024), trân trọng giới thiệu tiếp với bạn đọc Tiểu thuyết lịch sử “Xuân 1975 - Bài ca non sông thống nhất” của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Thanh Niên ấn hành năm 2023.

Kỳ 21

Mọi người cạn ly nhưng cảm thấy rượu chát đắng khi mà Thủ đô Sài Gòn đã bị 5 Quân đoàn với 20 Sư đoàn Quân giải phóng đang vây chặt, chuẩn bị tiến vào công phá, số phận Việt Nam Cộng hòa chỉ còn tính từng ngày. Khi mọi người đặt ly xuống, Tổng thống Trần Văn Hương nói:

-Các vị đã biết sau khi phòng tuyến Phan Rang-Xuân Lộc sụp đổ, khoảng 20 vạn quân tinh nhuệ của ta đã bị tan rã, bị tiêu diệt hoặc bị bắt. Bây giờ chúng ta chỉ còn Quân đoàn III với 240.000 quân và Quân đoàn IV khoảng 175.000 quân chính quy, còn 1117 xe tăng và xe thiết giáp, 772 pháo cỡ lớn, hơn 1.200 máy bay, 1431 tàu chiến và xuồng chiến đấu. Quân đoàn IV bận bảo vệ đồng bằng sông Cửu Long. Vậy thì bảo vệ Sài Gòn chỉ có Quân đoàn III. Xin mời Trung tướng Nguyễn Văn Toàn, Tư lệnh Quân đoàn III trình bày kế hoạch phòng thủ Sài Gòn.

Trung tướng Nguyễn Văn Toàn nói:

-Kính thưa Tổng thống, kính thưa Đại tướng Cao Văn Viên và Đại tướng Dương Văn Minh, thưa Thiếu tướng Nguyễn Cao Kỳ, thưa các quý vị, Quân đoàn III hiện có 245.000 người bao gồm cả tàn binh của Quân đoàn I và Quân đoàn II nhập vào sau khi Quân đoàn của họ bị xóa sổ, có 406 khẩu pháo, 624 xe tăng và thiết giáp, hơn 800 máy bay, 852 tàu và xuồng chiến đấu. Căn cứ vào lực lượng, chúng tôi bố trí phòng thủ Sài Gòn theo hai tuyến, tuyến ngoài và tuyến trong. Tuyến vòng ngoài: Thứ nhất, Sư đoàn bộ binh 22 ở Long An, Bến Lức, ngã ba Trung Lương. Sở chỉ huy Sư đoàn đặt tại Long An, phòng thủ hướng nam Sài Gòn. Thứ 2, Sư đoàn bộ binh 25 đóng ở Đồng Dù, Củ Chi, Hậu Nghĩa. Sở chỉ huy đặt tại căn cứ Đồng Dù. Sư đoàn này bảo vệ hướng tây-bắc Sài Gòn. Thứ 3, Sư đoàn bộ binh 5 giữ Lai Khê, Bến Cát, Bình Dương. Sở chỉ huy đặt tại Lai Khê. Sư đoàn này có nhiệm vụ bảo vệ hướng bắc của Sài Gòn. Thứ 4, Lữ đoàn 3 thiết giáp giữ Biên Hòa, bảo vệ phía đông bắc Sài Gòn. Thứ 5, Sư đoàn thủy quân lục chiến giữ Long Bình, bảo vệ hướng đông của Sài Gòn. Thứ 6, Sư đoàn 18 còn 2 chiến đoàn giữ Bàu Lá, Trảng Bom, Suối Đỉa, bảo về hướng đông của Sài Gòn. Gòn. Thứ 7, Lữ đoàn 1 dù giữ Bà Rịa-Vũng Tàu, phía đông nam Sài Gòn. Thứ 8, Sư đoàn 5 không quân ở sân bay Tân Sơn Nhất phía tây bắc thành phố sẽ chi viện hỗ trợ cho các hướng.

-Tuyến tử thủ bên trong: Thứ nhất, ba Liên đoàn biệt động quân giữ Bình Chánh, Hóc Môn, Bình Triệu, bảo vệ phía bắc nội đô. Thứ 2, bốn khu chiến lược thành lập ngày 14 tháng 4 gồm: Khu thứ nhất, Liên đoàn 9 biệt động quân, hai Liên đoàn công binh, số tân binh đang huấn luyện tại trại Quang Trung sẽ giữ Khu chiến Bắc từ Hóc Môn qua Cầu Bông đến sân bay Tân Sơn Nhất. Thứ 3, các Liên đoàn biệt động quân 7, 8 giữ Khu chiến Tây từ Vĩnh Lộc qua Tân Hiệp, Bình Chánh. Thứ 4, Liên đoàn bảo an 239 và một Liên đoàn phòng vệ dân sự giữ Khu chiến Nam, từ Nhà Bè đến Nhơn Trạch. Thứ 5, Liên đoàn bảo an 391 và Học viên Quân trường Thủ Đức giữ Chiến khu Đông từ Gò Vấp đến quận 9 Thủ Đức.

Thứ 6, Trong nội đô còn có 5 Liên khu phòng thủ gồm:

-Liên khu 1 bảo vệ quận 1 và quân 3.

-Liên khu 2 bảo vệ quận 2, quận 6.

-Liên khu 3 bảo vệ quận 2, quận 4.

-Liên khu 4 bảo vệ quận 7, quận 8.

-Liên khu 5 bảo vệ quận 10, quận 11.

-Liên đoàn biệt kích dù bảo vệ Bộ Tư lệnh Biệt khu Thủ đô.

-Một Lữ đoàn cảnh vệ quốc gia có xe tăng, xe bọc thép sẽ bảo vệ sân bay Tân Sơn Nhất, Tổng nha Cảnh sát, Dinh Độc Lập.

-Tôi có đề nghị ngài Thiếu tướng không quân Nguyễn Cao Kỳ phối hợp với Sư đoàn 5 không quân hỗ trợ cho Quân đoàn III tác chiến.

-Báo cáo Tổng thống và các vị, tôi đã trình bày hết.

Nguyễn Cao Kỳ nhếch bộ râu nổi tiếng:

-Tôi sẽ cố hết sức nhưng giữ được Sài Gòn hay không là do bộ binh Quân đoàn III quyết định.

Tổng thống Trần Văn Hương nói:

-Quân khu IV chưa bị trực tiếp tấn công nhưng ngài Thiếu tướng Nguyễn Khoa Nam phải có kế hoạch tác chiến, Quân đoàn IV có thể hỗ trợ cho mặt trận Sài Gòn nếu cần.

Nguyễn Khoa Nam đáp:

-Tuân lệnh Tổng thống.

Trần Văn Hương nâng ly:

-Chúc các tướng lĩnh và Quân lực Quân đoàn III bảo vệ được Sài Gòn và bảo vệ được Việt Nam Cộng hòa.

Mọi người nâng ly và nói:

-Cảm ơn Tổng thống, chúc thắng lợi.

         *

*

  Để nâng cao tinh thần cho 5 Quân đoàn trong tổng tấn công, ngày 22 tháng 4 năm 1975, đồng chí Lê Duẩn Bí Thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam đã theo sát cuộc Tổng tấn công và chỉ đạo Bộ Chỉ huy chiến dịch Hồ Chí Minh: “Thời cơ quân sự và chính trị để mở cuộc Tổng tấn công vào Sài Gòn đã chín muồi. Ta cần tranh thủ từng ngày, kịp thời phát động tiến công địch trên các hướng, không thể để chậm. Nếu để chậm thì không có lợi về chính trị, quân sự. Kịp thời hành động lúc này là đảm bảo chắc chắn nhất để giành thắng lợi hoàn toàn”.       .                                                           

Chấp hành chỉ thị đó, Bộ Chỉ huy chiến dịch Hồ Chí Minh ra lệnh cho 5 Quân đoàn hành động. Năm Quân đoàn Quân giải phóng đã vây chặt Sài Gòn từ bốn hướng với 20 Sư đoàn tinh nhuệ hùng mạnh.                Quân đoàn I (Binh đoàn Quyết Thắng) tại hướng bắc tiến vào, lực lượng có các Sư đoàn bộ binh 312, Sư đoàn trưởng Nguyễn Chuông, Sư đoàn 320B, Sư đoàn trưởng Lưu Bá Xảo, Trung đoàn pháo binh 45, Sư đoàn 390, Lữ đoàn xe tăng-thiết giáp 202, Sư đoàn phòng không 367, Lữ đoàn công binh 299, tăng cường thêm Lữ đoàn pháo binh 38, Trung đoàn 140 thông tin, Trung đoàn tên lửa phòng không 236. Tư lệnh Quân đoàn 1 Thiếu tướng Nguyễn Hòa, Chính ủy Thiếu tướng Hoàng Minh Thi. Tổng quân số 31.272 người.

  Quân đoàn II (Binh đoàn Hương Giang) từ hướng đông-nam tiến vào, lực lượng gồm các Sư đoàn bộ binh 325, Sư đoàn trưởng Phạm Minh Tâm, Sư đoàn 304, Sư đoàn 324, Lữ đoàn pháo binh 164, Lữ đoàn tăng-thiết giáp 203, Sư đoàn phòng không 673, Lữ đoàn công binh 219, Trung đoàn đặc công 116, Trung đoàn thông tin 463, xe chở người chở vũ khí quân dụng 2.267 chiếc, 54 xe tăng, 35 xe thiết giáp, 223 xe kéo pháo, 87 khẩu pháo 130mm và 105mm, 136 pháo cao xạ. Quân đoàn II còn phối thuộc với Sư đoàn Sao Vàng của Quân khu 5, Sư đoàn trưởng Trần Bá Khuê. Tư lệnh Quân đoàn Thiếu tướng Nguyễn Hữu An, Chính ủy Thiếu tướng Lê Linh. Tổng quân số 40.000 người. Ngày 23 tháng 4-1975 Quân đoàn 2 đã giải phóng thị xã Hàm Tân và toàn tỉnh Bình Tuy, áp sát Biên Hòa.

  Quân đoàn III (Binh đoàn Tây Nguyên) từ hướng tây-bắc tiến vào, lực lượng có Sư đoàn bộ binh 316, Đồng sư trưởng Đàm Văn Ngụy, Nguyễn Hải Bằng, Sư đoàn 320A, Sư đoàn trưởng Bùi Đình Hòe, Sư đoàn 10, Sư đoàn trưởng Đoàn Hồng Sơn, Trung đoàn đặc công 193, hai Trung đoàn pháo mặt đất 40 và 575, Trung đoàn xe tăng 273, các Trung đoàn phòng không hỗn hợp 234, 593 và 232, hai Trung đoàn công binh 7 và 575, Trung đoàn thông tin 29, các Trung đoàn Gia Định 1 và 2, 54 xe tăng, 64 xe bọc thép, 100 khẩu pháo 130mm, 105mm và hỏa tiễn H12, có 250 khẩu cối 61mm đến 120mm, 110 pháo phòng không 57mm và 37mm, hơn 250 súng máy phòng không các cỡ 12,4mm và 14,5mm. Tổng số Quân đoàn có 47.400 người. Tư lệnh Quân đoàn Thiếu tướng Vũ Lăng, Chính ủy Đại tá Đặng Vũ Hiệp. Thiếu tướng Vũ Lăng là một trong những vị tướng đã tham gia đánh tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ 1954. Khi đó ông là Trung đoàn trưởng chỉ huy Trung đoàn 98 trong Đại đoàn 316 chiến đấu ác liệt ở đồi C1. Trung đoàn 98 đã đập tan cứ điểm kiên cố này, góp phần vào chiến thắng của chiến dịch ngày 7-5-1954.

  Quân đoàn IV (Binh đoàn Cửu Long) từ hướng đông-bắc tiến vào, lực lượng gồm các Sư đoàn 6, 7, 341, 52, một Tiểu đoàn pháo binh 130mm, một trung đoàn và một Tiểu đoàn phòng không hỗn hợp, ba Tiểu đoàn xe tăng, thiết giáp. Sau Trận Xuân Lộc, tổng số quân còn 30.000 người. Tư lệnh Quân đoàn Thiếu tướng Hoàng Cầm, Chính ủy Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện. Hoàng Cầm là một trong những vị tướng đã tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Tại Điện Biên Phủ ông là Trung đoàn trưởng Trung đoàn 209, Đại đoàn 312, Chỉ huy Trung đoàn tham gia đánh chiếm cứ điểm Đồi Độc Lập, mở đường cho 5 chiến sĩ của Trung đoàn ông đứng đầu là Tạ Quốc Luật, Hoàng Đăng Vinh, Đào Văn Hiếu, Bùi Văn Nhỏ và Nguyễn Văn Lam đánh chiếm Sở chỉ huy Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, bắt sống tướng De Castories và toàn bộ Bộ chỉ huy chiến dịch ngày 7-5-1954.

  Sáng sớm ngày 26 tháng 4 năm 1975, Đại tướng Văn Tiến Dũng từ Bộ Chỉ huy chiến dịch quay máy gọi:

-A lô, tôi Văn Tiến Dũng đây.

-Xin chào Đại tướng, tôi Tư lệnh Quân đoàn II Nguyễn Hữu An đây.

-Tôi ra lệnh cho đồng chí đúng 17 giờ ngày 26 tháng 4 bắt đầu đồng loạt tấn công giải phóng Sài Gòn. Tôi đã báo cho đồng chí Lê Trọng Tấn, Phó tư lệnh chiến dịch, Tư lệnh cánh quân phía đông.

-Tuân lệnh đồng chí.

-A lô, tôi Văn Tiến Dũng đây.

-Xin chào Đại tướng, tôi Tư lệnh Quân đoàn III Vũ Lăng xin nghe.

-Tôi ra lệnh cho đồng chí đúng 17 giờ ngày 26 tháng 4 đồng loạt nổ súng tấn công giải phóng Sài Gòn. Tôi đã báo cho đồng chí Lê Trọng Tấn, Phó tư lệnh chiến dịch, Tư lệnh cánh quân phía đông.

-Tuân lệnh đồng chí Đại tướng.

(Còn nữa)

CVL

PGS TS Cao Văn Liên

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/xuan-1975-bai-ca-non-song-thong-nhat-tieu-thuyet-lich-su-ky-21-a24250.html