(https://www.mapress.com/zt/article/view/zootaxa.5437.4.8)
Điều đặc biệt, dưới sự hướng dẫn của thầy Đỗ Mạnh Cương, tác giả chính Đặng Quang Khải là một học sinh phổ thông, khi bắt đầu với đề tài nghiên cứu đang là học sinh lớp 11 và Hoàng Trâm Anh là học sinh lớp 8. Trong nhóm nghiên cứu còn có Phạm Bá Minh Đạt mới là học sinh lớp 6.
“Một loài cua nước ngọt mới, Indomon datii n. sp. được mô tả ở Vườn quốc gia Xuân Sơn, tỉnh Phú Thọ, miền Bắc Việt Nam. Hình thái bên ngoài loài mới giống nhất với I. kimboiense (Dang, 1967) và I. bavi Naruse, Nguyen & Yeo, 2011. Tuy nhiên, có thể phân biệt với các loài khác bằng đặc điểm mai, telson và tuyến sinh dục đực đầu tiên . Indomon malipoense Zhang & Sun ở Zhang, Pan, Hao & Sun, 2020 cũng được ghi nhận lần đầu tiên ở Việt Nam.” Giới thiệu từ bài báo viết.
Về tác giả Đặng Quang Khải, bố mẹ làm các công ty công nghệ, không ai nghiên cứu về sinh học. Tuy nhiên, ngay từ 6 tuổi, hằng ngày được vào vườn Bách thảo chơi, Đặng Quang Khải đã bị thu hút chú ý tới các loài cây, các động vật cùng sinh vật côn trùng li ti. Cùng lúc này, được bố mua cho hai cuốn từ điển bằng hình về động vật và thực vật, hai cuốn sách đi theo Đặng Quang Khải tới tận hôm nay. “Khải đặc biệt chú ý và đam mê hằng giờ với các sinh vật, cây cỏ. Luôn trong tay có chai nhựa để bắt nòng nọc, ốc, cá con, sâu hay bọ mà Khải bắt được từ hồ, mương hay bụi cây.” Mẹ Đặng Quang Khải kể.
Nhà ở phố bé và chật, Đặng Quang Khải nuôi những con bắt được trong các hộp nhựa và chậu cây Tết bỏ đi. Nòng nọc lớn, đứt đuôi rồi mọc chân thành nhái nhảy ra sân. Cá cảnh lớn rồi đẻ trứng, nở cá con. Sâu đóng kén rồi thành bướm. Rong rêu, dương xỉ được ươm ở góc sân. “Cuối mỗi năm học, cô giáo từ lớp 3 trở đi, luôn phê cuối sổ là Con rất yêu thích các con côn trùng hay những con vật nhỏ bé…” Mẹ Đặng Quang Khải kể tiếp.
Hè năm học lớp 6, tại bảo tàng sinh học của Đại học KHTN Hà Nội, nhóm các thầy cô tổ chức lớp cho học sinh từ cấp I đến cấp II tới sinh hoạt tìm hiểu về các sinh vật tự nhiên cũng như tham quan khám phá bảo tàng, lớp Sinh học thầy Huy Hoàng của Green Edu. Đặng Quang Khải cùng các em đã được tham gia và tiếp cận với môi trường nghiên cứu của các thầy cô. Từ đó, niềm đam mê với sinh học nhân lên gấp nhiều lần. Trong mọi chuyến đi dã ngoại, nghỉ hè, về quê hay cùng lớp đi chơi, suốt nhiều năm, trong tay Đặng Quang Khải người ta luôn thấy có dụng cụ như chai lọ và vợt để bắt côn trùng nghiên cứu.
“Khải có thể đọc tên nhiều cây lạ trong các khu nghỉ dưỡng, đọc tên rất nhiều loài hoa lan đang được bán trên phố Hoàng Hoa Thám, biết rõ nhiều loài rắn và các sâu bọ trong tự nhiên xung quanh.” Mẹ Đặng Quang Khải kể những lần Khải tự bắt rắn để nghiên cứu, sâu róm hay tắc kè. “Có con tắc kè đặc biệt, Khải bắt được trong chuyến đi rừng, về nghiên cứu 3 tuần. Chuyến đi sau Khải mang trả lại rừng và thả vào tự nhiên.” Không chỉ đam mê ở ngoài tự nhiên, ở nhà, thời gian rảnh sau học bài là Đặng Quang Khải gắn liền với máy tính, không phải để chơi trò chơi hay đọc truyện, Khải dành toàn thời gian trên máy để tra cứu và đọc các tài liệu khoa học. “Khải tự học tiếng Latin để phục vụ cho mình nữa.” Mẹ Đặng Quang Khải nói khi tình cờ phát hiện Khải đang tự học.
Việc sinh hoạt với nhóm các thầy cô ở trung tâm sinh học giúp Đặng Quang Khải kết nối tới thầy Đỗ Mạnh Cương, một chuyên gia sinh học có hàng chục công bố quốc tế, trong đó đặc biệt về chuồn chuồn. Phát hiện ra đam mê và khả năng của Đặng Quang Khải, thầy Đỗ Mạnh Cường thường gọi Đặng Quang Khải đi cùng các chuyến dã ngoại, vừa là cùng thu thập mẫu sinh học, vừa trợ giúp thầy hướng dẫn các em trong trung tâm tham gia các hoạt động ngoại khoá.
“Thực sự rất hiếm có học sinh nào có niềm đam mê về sinh học như Khải. Khải có đam mêm, có tố chất nghiên cứu, có kiến thức và phương pháp nghiên cứu.” Thầy Đỗ Mạnh Cường chia sẻ và kể “Với khả năng của Khải, đủ trình độ để tự nghiên cứu một đề tài, tuy nhiên gặp Khải khi đã học lớp 10, chỉ còn hơn 1 năm nữa cho đề tài vì sẽ phải thi tốt nghiệp và học đại học.” Như câu chuyện thầy Đỗ Mạnh Cường chia sẻ, để giúp Đặng Quang Khải thực hiện trong thời gian này, thầy lựa chọn một loài kích thước nhìn được, không đòi hỏi thiết bị đặc thù, vòng đời ngắn, mẫu sẵn có và dễ tìm. “Và tôi đã chọn cua nước ngọt để cho Khải bắt đầu vì biết Khải đã và đang nuôi cua trong nhà một thời gian rồi.” Thầy Đỗ Mạnh Cương nói.
Trong chuyến đi vườn Quốc gia Xuân Sơn, tỉnh Phú Thọ vào mùa hè năm 2022, nhóm thầy trò đã phát hiện ra mẫu cua đặc biệt. Tuy mẫu cua không còn đủ chân, nhưng là một phát hiện hiếm hoi. “Những con cua này được dân địa phương bắt và bán ven đường như một thứ “quà” từ thiên nhiên cho khách du lịch.” Thầy Đỗ Mạnh Cương kể về mẫu cua và kể về các thành viên dự án: “Đạt lúc đó là học sinh lớp 6, chưa thể đọc hiểu hết các tài liệu mô tả định loại bằng nhiều ngôn ngữ nên đã đóng vai trò phụ trợ cho Khải (vẽ hình, viết mô tả sinh thái và tham gia hỗ trợ thực địa). Sau nhiều tháng làm việc và ngày càng có thêm nhiều dẫn liệu để kết luận loài cua Indochinamon ở Xuân Sơn là một loài hoàn toàn chưa được thế giới biết tới. Nhóm đã quyết định mô tả loài cua này, Khải xung phong làm tác giả chính và là người chịu trách nhiệm hoàn thiện bản thảo dưới sự hướng dẫn của thầy Cương.”
“Nhóm vẫn thiếu một bạn vẽ hình mô tả cơ quan sinh sản con đực nên cô Hồng đã quyết định rút khỏi nhóm nghiên cứu cua và hè năm 2023, Trâm Anh (học sinh lớp 8 lên 9) được thêm vào nhóm tác giả với vai trò hỗ trợ hoàn thiện hình vẽ do Đạt còn quá bé để đọc hiểu mô tả cũng như vẽ đúng hình dạng cấu tạo cơ quan sinh sản của con cua đực. Để cám ơn những đóng góp của Đạt, cả nhóm đã quyết định đặt tên con cua theo tên của Đạt: loài Indochinamon datii như là loài mới cho khoa học.”
Sau thời gian dài theo dõi cá thể cua mẫu, Đặng Quang Khải đã tra cứu khối lượng tài liệu khổng lồ từ các nhà nghiên cứu, các hội nhóm, các công bố trước đây về loài cua nước ngọt của cả Việt Nam và Trung Quốc để xác định chính xác đây là một loài mới hoàn toàn, chưa từng công bố và chưa từng được đặt tên. “Loài cua Indochinamon đã biết trên thế giới lúc đó khoảng hơn 40 loài đã mô tả. Indochinamon là nhóm cua suối nước ngọt, có kích thước cơ thể tương đối lớn nhưng số lượng loài phong phú, vùng phân bố rộng nên có thể coi là một trong những nhóm rất khó bởi chúng rất giống nhau về hình thái.” Thầy Đỗ Mạnh Cương chia sẻ.
Để mô tả loài cua mới, nhiều mẫu vật cần được thu thập thêm và so sánh, nên nhóm đã phải trở lại Xuân Sơn nhiều lần sau đó, trong đó có một chuyến soi cua suối đêm, khi mà cá thể cái của loài này lần đầu được thầy Đỗ Mạnh Cương nhặt được (một cái xác mới chết nhưng đã bắt đầu bốc mùi). Các mẫu vật được bổ sung đã khẳng định loài Indochinamon datii ở Xuân Sơn là một loài chưa được mô tả với loài gần nhất được mô tả ở sát biên giới Việt Trung, loài Indochinamon malipoense.
Sau khi bản thảo đã được hoàn thiện tương đối và gửi phản biện trên Zootaxa, Khải cùng thầy Đỗ Mạnh Cương tình cờ có một chuyến đi Tây Bắc và ở trạm dừng nghỉ trên Đèo Đá Trắng, tỉnh Hòa Bình, 2 thầy trò đã bắt gặp một số loài Indochinamon được người dân địa phương bắt quanh khu vực đó bán cho khách đi đường. Trong số các loài này có loài I. maliopense, loài gần với loài I. datii nhưng khác hẳn về kích thước và cả nơi sống (theo mô tả lại của những người dân địa phương bắt cua ở đây). Như vậy loài I. malipoense lần đầu tiên được ghi nhận ở Việt Nam đã được so sánh bằng mẫu vật với loài I. datii. Dữ liệu bổ sung này đã càng khẳng định tính xác thực của nghiên cứu.
Nhóm đã nhanh chóng bổ sung thêm thông tin và gửi lại tạp chí Zootaxa. Sau rất nhiều lần sửa, biên tập, đọc duyệt và phản biện từ các chuyên gia về cua hàng đầu thế giới, cuối cùng bài báo đã được chính thức chấp nhận vào cuối tháng 3 và bản thảo trước in đã được gửi lại vào tháng 4.
Ngay sau bài báo công bố này, nhóm Experta, dự án Cua nước ngọt dưới sự hướng dẫn của thầy Đỗ Mạnh Cương cùng tác giả Đặng Quang Khải sẽ tiếp tục công bố các bài báo trên tạp chí Zootaxa thêm các loài mới được phát hiện đang nghiên cứu. Các bài mới đang được đánh giá và phản biện để công bố. Với niềm đam mê, không giới hạn tuổi, khả năng của các học sinh vẫn có thể tham gia các nghiên cứu khoa học khi được hướng dẫn đúng phương pháp và nghiêm túc. Kết quả là một khẳng định cho một hướng nghiên cứu trẻ hoá đang diễn ra.
Đặng Văn Phúc
Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/hoc-sinh-pho-thong-nghien-cuu-phat-hien-va-cong-bo-mot-loai-cua-nuoc-ngot-moi-tai-viet-nam-a24369.html