“Đừng quá quan trọng điểm số, hãy lấp đầy kiến thức”
Đó chính là chia sẻ của Sal Khan - Nhà sáng lập nền tảng học trực tuyến miễn phí Khan Academy. Theo Sal Khan, hình dung quá trình học tập của mỗi học sinh như việc chúng ta xây dựng nền móng cho một ngôi nhà. Hàng gạch đầu tiên xuất hiện một lỗ hổng nhỏ, hàng gạch thứ hai cũng có một lỗ hổng nhỏ, tương tự như vậy ở hàng gạch thứ ba, thứ tư, thứ năm,… những lỗ hổng cũng xuất hiện. Khi cái móng hoàn thành, mỗi hàng gạch dường như đều đạt chất lượng từ 80% trở lên, nhưng tổng thể thì không như vậy, kết quả tất cả cấu trúc sụp đổ vì những lỗ hổng bị bỏ qua trước đó.
Tương tự, khi học sinh có những lỗ hổng kiến thức nhưng không được luyện tập để cải thiện kịp thời, mà thường phải tiếp tục học tập các kiến thức, kỹ năng mới, khiến các lỗ hổng ngày càng lớn. Hệ quả là học sinh bị hổng kiến thức cũ, không có cơ sở để tiếp thu được kiến thức mới, trở nên chán nản vì học không hiệu quả, dần gây ra tâm lý sợ và né tránh môn học đó.
Trong quá trình dạy môn Toán, Sal Khan nhận thấy nhiều em học sinh gặp khó khăn khi học môn học này bởi các em có những lỗ hổng kiến thức đã tích tụ trong suốt quá trình học tập. Khi học phần đại số, các em sẽ lo lắng nếu gặp phải vấn đề mà mình chưa hiểu từ phần số học. Hoặc chưa thể tiếp thu được kiến thức giải tích vì bị mắc một vấn đề nào đó từ phần đại số. Dần dần, các em nghĩ rằng bản thân mình không có tố chất để học. Thế nhưng khi được lấp đầy những lỗ hổng kiến thức, nắm vững các khái niệm thì rất nhiều em học sinh nhận thấy rằng tư duy không phải là thứ không thể thay đổi. Các em hoàn toàn có thể học Toán.
Chính vì vậy, khi bắt tay xây dựng nền tảng học trực tuyến Khan Academy, ông đã lấy phương pháp học tập Tinh thông “Mastery learning” làm triết lý cốt lõi, là đòn bẩy quan trọng trong quá trình học tập. Ông cho rằng học tinh thông chính là tạo cơ hội để “người học có thể quay đầu”, học đến đâu chắc đến đó, còn điểm số bao nhiêu, lần thi, lần kiểm tra thứ bao nhiêu không quan trọng. Thầy cô và phụ huynh có thể đồng hành để các em vừa học trên lớp, vừa bổ trợ, bù đắp lỗ hổng kiến thức tại nhà theo lộ trình riêng phù hợp. Cách học này giúp những học sinh mất gốc, hổng kiến thức, gián đoạn học tập, hay không theo kịp chương trình có thể tự tin tiếp tục hành trình học tập. Vì bất cứ ai, bất cứ độ tuổi nào và bất cứ trình độ nào cũng có quyền được học và phát triển.
Bí quyết lấp lỗ hổng kiến thức cùng Khan Academy
Hiện nay, các khóa học trên nền tảng Khan Academy đã được dịch thuật và bản địa hóa sang tiếng Việt bao gồm các môn Toán, Thống kê và xác suất, Lập trình, An toàn Internet… Chính vì vậy, các em học sinh trên khắp cả nước đều có thể tiếp cận với các khóa học chuẩn quốc tế với chi phí 0 đồng. Điểm đặc biệt chính là khi sử dụng Khan Academy để học tập, các em được cá nhân hoá lộ trình học tập, được chủ động học và ôn luyện các kiến thức, kỹ năng theo nhu cầu và khả năng cho tới khi thực sự thành thạo, không còn lỗ hổng nào.
Thông qua việc xem video bài giảng, kết hợp với hoạt động làm bài tập, bài kiểm tra sau mỗi chương, nền tảng Khan Academy sẽ phát hiện những lỗ hổng kiến thức cũ và đưa ra những gợi ý, câu hỏi, bài tập phù hợp để học sinh luyện tập cho đến khi tinh thông. Mục tiêu của Khan Academy chính là giúp học sinh trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình, bởi vì quá trình học tập của mỗi người là khác nhau và đó là điều hoàn toàn bình thường.
Đại diện chương trình Khan Academy Vietnam, đồng thời là Chuyên gia tài nguyên Giáo dục mở (OER), ông Đỗ Ngọc Minh gợi ý một vài điểm mấu chốt giúp phụ huynh và học sinh kết hợp học trên lớp với học trực tuyến trên nền tảng Khan Academy hiệu quả bằng cách: Thứ nhất, mỗi ngày phụ huynh có thể nhắc nhở các em học sinh tham khảo trước các bài giảng có sẵn trên nền tảng (áp dụng phương pháp học đảo ngược) để khi lên lớp có thể hiểu sâu và nắm chắc hơn phần khái niệm, lý thuyết. Thứ hai, mỗi ngày các em nên dành 10 - 15 phút mỗi ngày để làm bài tập và duy trì thói quen học tập. Khi làm bài tập, các em học sinh hãy chú để đến các “viên gạch tinh thông” ký hiệu trên nền tảng. Lấp đầy được từng viên gạch tức là các em đã làm chủ từng mạch kiến thức. Theo 1 nghiên cứu trong năm 2022 của Khan, học sinh càng dành nhiều thời gian học trên nền tảng càng đạt chỉ số phát triển cao (Conditional Growth Index - CGI), tương đương với sự phát triển trong năng lực và kết quả học tập. Thậm chí với những học sinh chỉ dành 5 phút học mỗi tuần, việc tăng lên 10 phút/ tuần cũng cho thấy những thay đổi tích cực trong chỉ số CGI. Cuối cùng, phụ huynh hoặc giáo viên nên dựa vào bảng đánh giá tiến trình học tập của học sinh và động viên, khuyến khích các em lấp đầy kiến thức theo từng bài học, chương học…
“Bất cứ ai cũng có quyền được học, hãy trao cơ hội để bất cứ ai cũng có thể có khả năng và động lực để quay lại học những gì còn thiếu, không định kiến” - Đó là lời nhắn nhủ mà Sal Khan cũng như đội ngũ Khan Academy Vietnam muốn gửi tới giáo viên, phụ huynh và các em học sinh.
Trần Mai Huệ
Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/lap-lo-hong-kien-thuc-chia-khoa-giup-hoc-sinh-cai-thien-hung-thu-va-ket-qua-hoc-tap-a24379.html