Bài văn với phần mở đầu dung dị, giàu hình ảnh, chỉ với 53 chữ nhưng bằng lối so sánh bắc cầu và các địa danh quen thuộc từ Nam chí Bắc, tác giả đã đưa đến cho người đọc cảm nhận tre là người bạn thân thuộc nhất đối với mỗi người Việt Nam:
“Nước Việt Nam xanh muôn ngàn cây lá khác nhau. Cây nào cũng đẹp, cây nào cũng quý, nhưng thân thuộc nhất vẫn là tre nứa. Tre Đồng Nai, nứa Việt Bắc, tre ngút ngàn Điện Biên Phủ, luỹ tre thân mật làng tôi... đâu đâu ta cũng có nứa tre làm bạn”.
Phẩm chất của tre được tác giả miêu tả “cứng cáp, dẻo dai, vững chắc. Tre trông thanh cao, giản dị, chí khí như người”; để rồi “Tre ăn ở với người, đời đời, kiếp kiếp”.
Nhà văn Thép mới viết “Cây tre Việt Nam” từ năm 1955, sau chiến thắng Điện Biên Phủ, khi đất nước Việt Nam vẫn bị chia cắt làm hai miền; bối cảnh bài viết vẫn chủ yếu là miền Bắc Việt Nam nên cái nghèo khó, thiếu thốn, sự lo toan vẫn bám theo từng câu văn:
“Tre còn là nguồn vui duy nhất của tuổi thơ. Các em bé còn có đồ chơi gì nữa ngoài mấy que chuyền đánh chắt bằng tre.
Tuổi già hút thuốc làm vui. Với chiếc điếu cày tre là khoan khoái. Nhớ lại vụ mùa trước, nghĩ đến những mùa sau, hay nghĩ đến một ngày mai sẽ khác…
Suốt một đời người, từ thuở lọt lòng trong chiếc nôi tre, đến khi nhắm mắt xuôi tay, nằm trên giường tre, tre với mình, sống có nhau, chết có nhau, chung thuỷ.”
Tôi thích nhất đoạn văn tác giả Thép mới miêu tả “Nhạc của trúc, nhạc của tre…”, có lẽ vì tuổi thơ tôi đã từng được đắm mình trong những bản nhạc trưa hè do các thân tre, cành tre, lá tre tạo ra bởi gió lộng trưa hè.
“Nhớ một buổi trưa nào, nồm nam cơn gió thổi, khóm tre làng rung lên man mác khúc nhạc đồng quê.
Diều bay, diều lá tre bay lưng trời…
Sáo tre, sáo trúc vang lưng trời…
Gió đưa tiếng sáo, gió nâng cánh diều.
Trời cao lồng lộng, đồng ruộng mênh mông hãy lắng nghe tiếng hát giữa trời cao của trúc, của tre…” – chao ơi! Đọc đến đoạn này mà cảm thấy nôn nao bởi ký ức tuổi thơ như ào trở lại. Tôi đã từng nghĩ sẽ khó có bài viết nào viết về cây tre hay hơn bài “Cây tre Việt Nam” của nhà văn Thép Mới. Đã có vài thập kỷ, bài “Cây tre Việt Nam” của Thép Mới luôn là bài văn chuẩn mực nhất mà học sinh trung học được dạy, được học, được thi.
Vậy mà không, năm 1971, khi tôi bước vào giảng đường của trường đại học tổng hợp Hà Nội. Trong một buổi sinh hoạt ngoại khóa ở khu Thanh Xuân, bản doanh của khoa Văn, khoa Sử; tôi đã sửng sốt, bàng hoàng khi được nghe nhà thơ Nguyễn Duy đọc bài thơ “Tre Việt Nam” do ông sáng tác:
“Tre xanh,
Xanh tự bao giờ?
Chuyện ngày xưa... đã có bờ tre xanh.” – mở đầu bài thơ như mở đầu một câu chuyện cổ tích được nghe đọc giữa đêm khuya. Cả hội trường im phắc lắng nghe, tôi cũng im phắc lắng nghe:
“Thân gầy guộc, lá mong manh,
Mà sao nên luỹ nên thành tre ơi?
Ở đâu tre cũng xanh tươi,
Cho dù đất sỏi đất vôi bạc màu.” – đâu còn là câu thơ tả tre nữa, mà đó là những câu thơ tả mẹ tôi, tả mẹ của những sinh viên từ nông thôn đang ngồi, đứng chật kín hội trường mà. Cả hội trường chỉ còn nghe thấy tiếng thở nhẹ, thở gấp của những chàng trai, cô gái tuổi mười bảy, đôi mươi. Tất cả ánh mắt đều hướng về phía Nguyễn Duy:
“Có gì đâu, có gì đâu,
Mỡ màu ít chắt dồn lâu hoá nhiều.
Rễ siêng không ngại đất nghèo,
Tre bao nhiêu rễ bấy nhiêu cần cù.
Vươn mình trong gió tre đu,
Cây kham khổ vẫn hát ru lá cành.
Yêu nhiều nắng nỏ trời xanh,
Tre xanh không đứng khuất mình bóng râm.” – sự lam lũ, chịu khó, chắt chiu của những bà mẹ ở dưới lũy tre làng miền Bắc cứ như hiện lên sau mỗi câu thơ. Nỗi ân hận, sự tri ân hiện lên trên từng khuôn mặt, ánh mắt của mỗi bạn trẻ trong hội trường. Họ hiểu rằng, họ có được ngày hôm nay là nhờ những chuỗi ngày gian khó mà cha mẹ họ đã phải trải qua:
“Bão bùng thân bọc lấy thân,
Tay ôm tay níu tre gần nhau thêm.
Thương nhau tre không ở riêng,
Luỹ thành từ đó mà nên hỡi người.
Chẳng may thân gãy cành rơi,
Vẫn nguyên cái gốc truyền đời cho măng.
Nòi tre đâu chịu mọc cong,
Chưa lên đã nhọn như chông lạ thường.
Lưng trần phơi nắng phơi sương,
Có manh áo cộc tre nhường cho con.” – Tre Việt nam đã được nhà thơ Nguyễn Duy nhân cách hóa thành những bà mẹ cụ thể của những bạn đọc thơ, nghe thơ và hơn thế nữa: “Tre Việt Nam” là Bà Mẹ Việt Nam “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”. Tôi thích nhất khổ thơ cuối của bài thơ, rất lạc quan và tự hào:
“Măng non là búp măng non,
Đã mang dáng thẳng thân tròn của tre.
Năm qua đi, tháng qua đi,
Tre già măng mọc có gì lạ đâu.
Mai sau,
Mai sau,
Mai sau...
Đất xanh tre mãi xanh màu tre xanh.” – như một lẽ tự nhiên, tre già măng mọc, và quan trọng nhất là “Đã mang dáng thẳng thân tròn của tre”. Tôi từ nhỏ đã thích và đến bây giờ vẫn thích chiếc huy hiệu của đội viên đội thiếu niên tiền phong do họa sỹ Thục Phi sáng tác năm 1954 - 1955. Trên huy hiệu đó có hình búp măng non, dáng thẳng nhọn với “manh áo cộc tre nhường cho con”
Măng tre còn là món thực phẩm không thể thiếu trong ngày Tết của những mâm cỗ cúng tổ tiên của dân tộc Việt Nam. Bát canh măng có thể nhiều thịt, ít thịt nhưng chắc chắn phải có trong mâm cơm ngày tết của những gia đình nghèo hoặc dư giả khắp mọi miền, từ nông thôn đến thành thị, từ vùng núi cao đến đồng bằng. Với các cựu chiến binh từng vượt dãy Trường Sơn và từng chiến đấu trong rừng thì món măng tươi xào không có mỡ đã là món đặc sản. Được đóng quân trong rừng tre có lẽ là hạnh phúc nhất đối với các chiến binh vì được nằm trên các sạp làm bằng tre thay cho nằm võng, được ăn măng tươi xào suông thường xuyên.
Như một lẽ tự nhiên, tre đang vắng bóng dần trong cuộc sống của chúng ta. Các vật dụng bằng tre trong đời sống hàng ngày của các gia đình Việt Nam đang được thay thế bằng những vật dụng bằng nhựa, bằng các vật liệu khác rẻ hơn, tiện lợi hơn. Ở các đô thị, nhiều trẻ em Việt Nam không còn phân biệt được rổ, rá, nong, nia, dần, sàng. Nhiều làng quê Việt Nam cũng không còn lũy tre làng; nhiều đình chùa đã thay lũy tre bằng những bức tường xây khô cứng, vô cảm. Không còn bản giao hưởng trưa hè của những bụi tre trong gió nồm Nam. Đũa tre, tăm tre chắc rồi cũng chỉ còn trong câu chuyện của mẹ, của bà.
Hà Nội, 18/4/2024 (10/3 Giáp Thìn – Ngày Giỗ Tổ Vua Hùng)
N.V.N.
Nguyễn Văn Nọi
Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/tre-viet-nam-a24386.html