Là lính nên chỉ biết thực hiện mệnh lệnh: Hành quân và... hành quân. Toàn Sư đoàn hành quân hết nơi này đến nơi khác. Vai đeo ba lô, đầy đủ cơ số súng đạn, gạo và máy thông tin 2w. Đi bộ suốt ngày, 5 giờ chiều thì vào nghỉ nhà dân. Ăn tối xong vẫn sinh hoạt trung đội. Lúc thì ở vườn chuối, lúc thì sân kho hợp tác v.v...
Trung úy, Chính trị viên phó tiểu đoàn Đoàn Văn Vượng thường xách đèn bão xuống với chiến sĩ. Anh thông báo nhanh về tình hình chiến sự và "lên dây cót" cho anh em: Sư đoàn đang chờ lệnh vào chiến trường. Trung đoàn ta có thể sẽ hành quân bằng đường không. Hai ngày nữa, tiểu đoàn sẽ có mặt tại Ninh Bình đợi lệnh...
Những ngày này, lính lúc nào cũng "căng như dây đàn"...
Sau này, cánh lính tụi tôi mới được trên thông báo: Trong chiến dịch mùa xuân năm 1975, Sư đoàn 308 có nhiệm vụ đặc biệt, vừa triển khai lực lượng bảo vệ thủ đô Hà Nội và hậu phương miền Bắc, vừa sẵn sàng cơ động thần tốc bằng cả đường bộ, đường thủy và đường không vào chiến trường khi nhiệm vụ cần thiết. Sư đoàn đã giữ được bí mật tuyệt đối, hoàn thành nhiệm vụ của “Sư đoàn cận vệ” trong thế trận chung của cả nước và nhiệm vụ nghi binh đánh lạc hướng phán đoán của địch. Ngày đó miền Bắc chỉ còn duy nhất quân chủ lực là Sư đoàn 308.
Trong Hồi ức của Trung tướng Nguyễn Hùng Phong có nhắc đến câu chuyện liên quan tới sư đoàn 308: Ngày 30/4/1975 khi Quân đoàn nhận được báo cáo của Sư đoàn 320B từ Bộ Tổng tham mưu quân đội Sài Gòn gửi về thì mọi khía cạnh của vấn đề mới sáng tỏ, càng chứng tỏ việc Bộ Chính trị quyết định Sư đoàn 308 ở lại là sáng suốt. Báo cáo ghi: Một đơn vị đi đầu của Sư đoàn đã nhanh chóng đánh chiếm phòng làm việc của Đại tướng Cao Văn Viên – Tổng Tham mưu Trưởng quân đội Sài Gòn. Trên bàn làm việc còn bừa bãi những giấy tờ, chai lọ, và còn cả cờ hiệu cấp tướng của ông Viên. Một tấm bản đồ lớn treo trên tường ghi các mũi tiến công của quân ta vẫn còn một dấu hỏi lớn, nét đậm, dưới ghi hàng chữ: Sư 308 ở đâu?... Tôi thực sự xúc động đến rơi nước mắt khi đọc những dòng báo cáo trên. Sau này, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhớ lại: “ Việc sử dụng Sư đoàn 308 ở lại miền Bắc làm nhiệm vụ dự bị chiến lược có thể gây thắc mắc trong các chiến sỹ Quân Tiên phong. Ngày 26 tháng 3, đồng chí Hoàng Kim, Chính ủy Sư đoàn lên Bộ đề đạt nguyện vọng của Sư đoàn 308 xin được đi chiến đấu. Hiểu rõ tâm trạng của anh em, tôi thân mật căn dặn: Sư đoàn đang làm một nhiệm vụ hết sức quan trọng. Hãy giải thích cho anh em hiểu thế nào là một Sư đoàn cận vệ của cách mạng trong lúc này. Hãy chuẩn bị thật tốt để sẵn sàng hoàn thành bất cứ nhiệm vụ gì khi Tổ quốc cần đến. Sư đoàn 308 đang phụ trách một hướng trọng yếu của trận quyết chiến chiến lược đó” . Rõ ràng, Sư đoàn 308 đã phát huy truyền thống bách chiến bách thắng, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ nghi binh chiến lược.
Ngay sau ngày 30-4-1975, đơn vị lại hành quân về Kỳ Sơn (Hòa Bình) lại lên rừng chặt cây, cắt tranh, lấy nứa dựng nhà. Lính lúc này trở thành "gã tiều phu" thực sự...
Bây giờ ngồi nhớ lại, những cuộc hành quân trong mưa, những nắm cơm chấm muối rang ăn dọc đường, chân phồng vai rộp. Nhớ những ngày ở nhà dân, ai cũng thương các chú bộ đội. Có nhà chưa kịp trò chuyện gì nhiều, sáng sớm hôm sau đã chia tay tạm biệt.
Có lần đơn vị tôi hành quân trên đường 21, gặp công nhân Cu Ba đang làm đường, họ thấy bộ đội hành quân liền hô Việt Nam - Cu Ba, Cu Ba - Việt Nam, rồi họ nhảy điệu Lambada. Họ nắm chặt hai tay giơ cao nhìn theo đoàn quân đang hướng về phía Nam.
Cũng trong cuộc hành quân chiến lược này, cánh lính tận mắt được trông thấy Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Cụ ngồi trong xe. Ôi, chẳng còn gì phải bí mật nữa, lính vẫy tay chào Thủ tướng. Cụ cũng kéo cửa kính vẫy tay chào lính...
Nhưng nhớ nhất vẫn là tình đồng đội. Lính mới, lính cũ chia ngọt sẻ bùi, thương nhau như anh em một nhà. Trung đội trưởng Mần (Thái Bình), trung đội phó Thắng, tiểu đội trưởng Thu (Vĩnh Phú) đều nhập ngũ năm 1968, và các anh: Điền, Mong, Giang, Sơn, Mấm, Liêu vv... nhắc tên các anh mà bồi hồi xúc động.
Tôi được nghe anh Thu kể: Năm 1972, tại thành cổ Quảng Trị, Sư đoàn 308 chịu nhiều tổn thất lớn, kể từ khi bước vào chiến đấu cho đến khi kết thúc chiến dịch, hơn 70% cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn theo biên chế hy sinh và bị thương. Nhiều đại đội, tiểu đoàn phải thay thế cán bộ chỉ huy từ 6 tới 7 lần. Có đại đội khi kết thúc chiến dịch không còn lại một ai là cán bộ, chiến sĩ cũ có mặt từ đầu cuộc tiến công chiến lược. Anh và anh Mần là lính thông tin tiểu đoàn 2 sống sót trở về...
49 năm đã trôi qua...
Đêm nay QTST viết mấy dòng này để nhớ về các anh, những người lính sư đoàn 308.
Tháng Tư này... nhớ lắm đồng đội ơi!
QTST
Trái tim người lính
Quoc Toan Son Tay
Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/ngay-nay-49-nam-truoc-a24554.html