Quảng Ngãi: Miếu bà Phú Thạnh được công nhận Di tích lịch sử cấp tỉnh

 UBND phường Quảng Phú (Tp. Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi) tổ chức Lễ công bố và đón nhận Bằng xếp hạng Di tích lịch sử cấp tỉnh Miếu bà Phú Thạnh.

le-cong-bo-va-don-nhan-bang-xep-hang-di-tich-lich-su-cap-tinh-mieu-ba-phu-thanh-1714382541.jpg

Lễ công bố và đón nhận Bằng xếp hạng Di tích lịch sử cấp tỉnh Miếu bà Phú Thạnh.

Dự lễ có Bí thư Thành ủy Quảng Ngãi Ngô Văn Trọng; lãnh đạo Sở VH-TT&DL, phường Quảng Phú và đông đảo nhân dân địa phương. Đây là một ngôi Miếu cổ với hơn 200 năm, là nơi ghi dấu lịch sử một thời khai hoang lập làng ở vùng đất Thu Phổ xưa, nay là Tp. Quảng Ngãi. Nơi đây còn là điểm sinh hoạt văn hóa tâm linh của nhân dân trong và ngoài tỉnh.

    Miếu Bà Phú Thạnh là vùng đất Thu Phổ xưa (nay thuộc phường Quảng Phú, Tp. Quảng Ngãi) nhiều năm nay nơi đây đã có bước phát triển mạnh mẽ về kinh tế thu hút nhiều người dân từ nhiều nơi tụ hội về đây sinh cơ lập nghiệp bằng nhiều nghề khác nhau. Trải qua bao thăng trầm của thời cuộc, miếu Bà Phú Thạnh được bảo vệ, đầu tư xây dựng ngày càng khang trang, nhằm phục vụ nhu cầu tín ngưỡng, tham quan của du khách gần xa. Được biết, năm 1796 nhân dân nơi đây đã quyên góp xây dựng miếu Bà Phú Thạnh thờ các bậc tiền hiền, hậu hiền và Bà Chúa Ngũ Hành - một vị thần có quyền năng đến những ngành nghề sinh kế của người dân. Làng Thu Phổ lúc bấy giờ chưa có đình làng, nhưng với sự ra đời của miếu Bà Phú Thạnh đã đáp ứng nhu cầu tâm linh của nhân dân trong vùng. 

mieu-ba-phu-thanh-co-kien-truc-vo-cung-doc-dao-1714382520.jpg

Miếu Bà Phú Thạnh có kiến trúc vô cùng độc đáo.

    Miếu Bà Phú Thạnh được xây dựng với kiến trúc nghệ thuật độc đáo, trên diện tích 816m2 tại vị trí có cảnh quan thiên nhiên đẹp, dưới chân núi Ông, bên bờ nam sông Trà Khúc. Miếu được nhân dân chung tay đóng góp để trùng tu lớn vào năm 1856 và năm 2016. Miếu được chia làm các không gian thờ, gồm: Chính điện, tả ban, hữu ban và tiền hiền, hậu hiền. Không gian giữa chính điện đặt điện thờ Bà. Trên điện thờ là linh tượng của 5 Bà Ngũ Hành. Sau các linh tượng, ở phía trên điện thờ treo bức liễn đối bằng chữ Hán với nội dung “Ngũ Hành Tiên Nương”.
        Ông Trần Công Đạt – Trưởng ban Quản lý cho biết, hàng năm vào ngày 19/3 âm lịch tại miếu Bà Phú Thạnh có tổ chức đại lễ tắm bà đây là một trong những lễ lớn trong năm. Có rất đông khách thập phương và nhân dân các địa phương tụ họp về đây chung tay lo lễ. Trong lễ có các nghi thức như lễ thắp đèn cho bá tánh tham dự lễ tế đàn, nghi thức châm nước và cuối cùng là nghi lễ tế thiên. 

cac-thanh-vien-trong-ban-quan-ly-mieu-ba-phu-thanh-chup-anh-luu-niem-trong-le-don-nhan-di-tich-lich-su-cap-tinh-1714382531.jpg

Các thành viên trong Ban quản lý Miếu bà Phú Thạnh chụp ảnh lưu niệm trong lễ đón nhận di tích lịch sử cấp tỉnh.

          Di tích miếu Bà Phú Thạnh còn là nơi lưu giữ những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể có vai trò và ý nghĩa to lớn trong việc giáo dục truyền thống và bản sắc văn hóa địa phương cho cán bộ nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ. Đây cũng là nơi trao truyền, hướng dẫn thực hành các nghi thức tế lễ giàu tính nhân văn cho những người thực hành tín ngưỡng, tiếp nối và duy trì truyền thống trong cuộc sống của thế hệ cha ông.

         Di tích miếu Bà Phú Thạnh đã được UBND tỉnh công nhận là Di tích lịch sử cấp tỉnh vào ngày 29/2/2024. Đây là nơi lưu giữ nhiều giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể có vai trò và ý nghĩa to lớn trong việc giáo dục truyền thống và bản sắc văn hóa địa phương cho nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ. Miếu Bà Phú Thạnh cùng với di tích Mộ và đền thờ Bùi Tá Hán (đã được công nhận di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia), ở phường Quảng Phú (Tp. Quảng Ngãi) không chỉ mang đậm dấu ấn lịch sử, văn hóa, mà còn góp phần phát triển du lịch ở địa phương.


 

CTV Đặng Nhựt

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/quang-ngai-mieu-ba-phu-thanh-duoc-cong-nhan-di-tich-lich-su-cap-tinh-a24561.html