Địa điểm gặp nhau của những cựu chiến binh tuổi 70 thường là bên tượng đài kỷ niệm sinh viên chiến sỹ ở các sân trường đại học bách khoa Hà Nội, đại học khoa học tự nhiên...hoặc ở các quán bia hơi bình dân, các quán ăn giá cả phải chăng. Mỗi năm trôi qua, số người tham dự những cuộc gặp mặt nhân ngày 30 tháng 4, ngày thống nhất đất nước cũng dần vơi bớt mặc dù sự náo nức của những cựu chiến binh được gặp nhau không hề giảm nhiệt.
Những bàn tiệc của các cựu chiến binh thời chống Mỹ và cả các cựu chiến binh trong cuộc chiến bảo vệ biên giới Tây - Nam, biên giới phía Bắc rất nhiều trong các quán bia nhưng rất khó nhận biết ra họ. Họ đâu còn quân phục để mặc nên phần lớn là mặc thường phục, trừ một số anh tại ngũ cho đến khi về hưu hoặc một số anh tự trang bị cho mình vì nhớ màu xanh lá. Chỉ có những nhân viên phục vụ nhà hàng là biết rõ khách hàng của mình, họ luôn ưu ái những khách hàng ăn uống ít, nói chuyện nhiều và chủ yếu là nói chuyện chiến tranh. Quản lý nhà hàng luôn ưu tiên cho các cựu chiến binh những dãy bàn ở vị trí thuận tiện nhất. Nhân viên nhà hàng luôn nhiệt tình chụp ảnh giúp các bác, các chú, đôi khi còn bị các bác các chú làm khó nhưng các cháu luôn mỉm cười. Các cháu hình như đều biết đây là những người đã hy sinh bản thân mình cho các cháu có cuộc sống hiện tại. Đôi khi ở một quán bia nào đó, một tốp các anh chị thuộc hội phan quần áo quân lực, đang ầm ỹ khoe nhau những bộ quân phục lính Mỹ, lính ngụy chợt lặng xuống vì phát hiện mấy chục ông già bàn bên đang nói chuyện về giải phóng Tây Nguyên, về trận chiến Xuân Lộc, về chiến dịch Hồ Chí Minh hoặc trận chiến Vị Xuyên. Họ đã nhận ra, những bác những chú không có quân phục để mặc đó mới là những chiến binh thực thụ.
Mấy ngày này, trên ti vi và trên nhiều trang mạng luôn đăng tải các cuộc mít tinh, hội nghị chào mừng 70 năm ngày chiến thắng Điện Biên Phủ, 49 năm ngày đất nước thống nhất. Trong các hội trường đó đa phần là các sỹ quan quân đội với quân phục chỉnh tề, các quan khách với trang phục trang trọng. Hầu hết trong họ, kể cả các quân nhân là những người không tham gia các cuộc chiến chống Mỹ, chống giặc bành trướng và đánh đuổi Khơ Me đỏ ở biên giới Tây Nam. Cũng có những cựu chiến binh thực thụ được mời tham dự, đó thường là các sỹ quan, những chiến sỹ có chiến công nổi bật. Những tham luận xúc động, những phát biểu tâm huyết, những tràng vỗ tay không ngớt - hình như rất xa lạ với hàng chục nghìn cựu chiến binh đang hội tụ bên các tượng đài, nghĩa trang liệt sỹ hoặc ngồi bên nhau ở các quán bia để nhớ về những đồng đội đã không trở về.
Tôi thì mong rằng, những cựu chiến binh không có cơ hội được ngồi trong những hội trường hoành tráng trong những ngày kỷ niệm 30 tháng 4, 22 tháng 12 có được một bộ quân phục để mặc trong những ngày lễ ấy. Sẽ đẹp biết bao và hào hùng biết bao, nếu trong những quán bia, nhà hàng hay bên các tượng đài kỷ niệm sinh viên chiến sỹ hoặc các nghĩa trang liệt sỹ tại Quảng Trị hay Vị Xuyên, Hà Giang; sẽ tràn ngập sắc quân phục của những cựu chiến binh?
Một số cựu chiến binh đã tự sắm cho mình một bộ quân phục để mặc trong những ngày lễ lớn. Một số khác có thể tự sắm được nhưng vì tự trọng nên họ không tự sắm, họ xứng đáng để được trang bị một bộ quân phục, rất có thể là bộ quân phục họ muốn được mặc để về với các đồng đội đã hy sinh.
Có nhiều đơn vị quân đội đã may tặng quân phục cho các cựu chiến binh của đơn vị mình, nhưng tôi nghĩ và mong Bộ quốc phòng nên chỉ đạo các đơn vị toàn quân, tổ chức phát quân phục cho toàn thể cựu chiến binh nhân dịp 50 năm ngày thống nhất đất nước, 30 tháng 4 năm 2025.
Hà Nội, 29/4/2024
N.V.N.
Nguyễn Văn Nọi
Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/cam-xuc-30-thang-4-a24571.html