Rất nhiều điều lạ lẫm đối với một thanh niên miền núi chưa từng thấy biển, chưa từng biết bơi. Một trong những điều lạ lẫm ấy là chim Hải Âu.
Trên báo chí, trong phim, tuổi thơ tôi thấy chim Hải âu đẹp như thiên thần. Tôi thấy nó giống hệt chim bồ câu, hình ảnh đàn Hải âu chao cánh trên mặt biển xanh biếc đã in đậm trong trí nhớ tôi.
Lần đầu tiên được nhìn thật gần, tưởng giơ tay tóm được nó. Nó đậu trên dây ăng ten, nối từ cột ăng ten trên đỉnh ca bin đến cột mũi tầu. Nó kêu chít chít hay chiếc chiếc, tiếng là lạ. Nó thản nhiên nhìn tôi không hề sợ hãi như muốn hỏi:
- Chàng lính thủy trẻ con kia, sao bây giờ ta mới nhìn thấy mi trên con tầu này nhỉ? Lạ nhất là cái mỏ và bàn chân. Mỏ chúng nhìn xa nhọn như mỏ chim bồ câu, mầu hồng đỏ nhưng phía ngoài cùng lại to hơn và nửa mỏ phía trên quặp xuống như mỏ con vẹt. Có lẽ để giữ con mồi,
Tôi lấy vốc gạo xòe tay ra. Đưa sát mỏ nó, tưởng nó sẽ mổ, ăn như cho gà, cho chim bồ câu. Anh Lâm máy trưởng nhìn thấy cười bảo:
- Đúng là dân miền núi! Cậu phải lấy cá đặt vào tay, nó mới đớp.
Nhìn khuôn mặt đôn hậu với hàm răng trắng đều của anh, tôi biết anh không nói đùa. Anh Lâm người Thái Bình, cao, đẹp trai. Anh hay quàng tay ôm vai tôi bảo:
- Gả chị cho anh nhé! Lúc đó anh khoảng 28 - 30 tuổi. Còn chị tôi 22 tuổi đang học ở Liên Xô. Tôi cho anh xem ảnh nên anh biết. Chẳng biết chị tôi có thích hay không nhưng tôi vẫn viết thư cho chị giới thiệu.
Có lẽ vì tôi trẻ nhất, lại là sinh viên nên là mục tiêu trêu đùa của anh em. Từ thuyền trưởng đến lính boong, thợ máy, hàng hải đều hay trêu đùa tôi. Anh thuyền trưởng gọi tôi là " Đồ tiểu tư sản" còn mấy thủy thủ trẻ thì hay bẹo má tôi. Thằng Long thợ máy còn đè tôi ra, để cắn bằng được vào cái má bầu bĩnh, không chịu cháy đen vì gió biển mặn mòi.
Điều lạ nữa là chân của chim Hải âu. Khi bay nó dấu chân vào bụng, giống hệt chim bồ câu. Khi nó đậu lên dây ăng ten thì mới thấy chân nó giống chân vịt, ngan, ngỗng tức là có màng. Chắc màng chân giúp cho nó quạt nước, bơi, lặn nhanh.
Tôi hỏi anh Mạc thủy thủ trưởng:
- Hải âu làm tổ ở đâu? Thịt nó có ngon không?
Anh Mạc trợn mắt nói:
- Ai lại ăn thịt Hải âu? Hải âu là thần may mắn của con người. Đi biển bị lạc, mất phương hướng thấy chim Hải âu bay là biết sắp đến đất liền. Cũng như cá heo, người đi biển tôn thờ nó.
Chim Hải âu có sải cánh rất dài và khỏe. Nó có thể bay xa, bay dài ngày từ vùng biển này đến vùng biển khác không nghỉ. Không ai bắt và ăn thịt nó. Nó thường làm tổ, đẻ trứng trên các bãi phẳng trên núi. Ở Trường Sa nhiều lắm! Tầu V121 kia kìa, đến đảo Song Tử Tây năm 1970 còn nhặt cả xuồng cao su trứng. Khi về cảng K20 này, họ còn mang biếu đại tướng Võ Nguyên Giáp một hộp. Hôm đó đại tướng đang nghỉ ở Đồ Sơn.
Chim Hải âu có nhiều mầu. Thân bụng trắng, lưng xám, đen hoặc nâu. Hải âu sống từng đàn nhưng lại có cặp đôi như vợ chồng. Chúng đẻ trứng, vợ chồng thay nhau ấp và kiếm mồi nuôi con, vì thế con người lấy Hải âu làm biểu tượng cho tình yêu, sự chung thủy. Hải âu sống rất lâu so với các loài chim khác. Có cặp đến 60 năm.
Ai đã từng ra khơi sẽ chứng kiến cảnh chim Hải âu kiếm mồi tuyệt đẹp. Đàn Hải âu bay rợp trời, trắng sáng lóa, chúng thu hai cánh vào thân, lao xuống như một mũi tên. Khi ngoi lên, trên mỏ đã kẹp chặt một con cá đang còn dãy dụa. Mùa cá chuồn, cá cơm là mùa chim Hải âu béo nhất, khỏe nhất và là mùa sinh sản của chúng.
Tôi có người yêu là một cô sinh viên trường sư phạm. Chúng tôi thường viết thư cho nhau. Mỗi khi ca nô tiếp phẩm mang thực phẩm cho tầu, tôi lại nhận được một tập thư dầy. Nhiều khi 16 cán bộ chiến sỹ trên tầu chẳng có cái nào, chỉ mình tôi có thư. Thư của bố mẹ, thư của nàng. Anh bạn thân Đinh Xuân Thế là quân bưu trên bờ rất ngưỡng mộ tình yêu của tôi nên luôn giữ và gửi cho tôi.
Thư em viết kín 4 trang của tờ Giấy phê đúp( Giấy có tên năm hào hai, chỉ giá của tập giấy) tràn đầy nỗi nhớ thương. Em chẳng biết tôi ở đâu? Trên phong bì chỉ có địa chỉ là số hòm thư. Tôi nhớ như là: 610.354.JH21. Lính Tầu không số làm nhiệm vụ bí mật nên thư đi, đến đều bị kiểm duyệt. Chính trị viên Bùi Tư đọc xong, dán lại và tự tay đi gửi cho chúng tôi khi tầu cập bến hoặc giao cho lính tầu tiếp tế, bỏ thùng thư ở bưu điện.
Một hôm, tầu cập mạn tầu nước ngoài ở thương cảng Hải phòng để tránh máy bay Mỹ. Nước sông Cấm chảy lững lờ vì thủy triều đứng. Tôi nằm bò trên giường ngủ, kê gối làm bàn, viết thư cho nàng. Xin tả cho các bạn biết cái giường của lính tầu Quảng Châu V649 của tôi. Bề rộng giường 60 cm, bằng bạt. Giường tầng 2 treo lủng lẳng trên đầu giường tầng 1 bằng bốn dây xích. Khi sóng xô, giường cũng đung đưa theo. Tầng dưới là giường anh Bích cơ yếu của tầu. Tôi hay thò cổ xuống nói chuyện với anh.
Những năm trước, anh Bích ở tầu V43, V69 đã có lần bị Mỹ bắn chìm, một lần phải tự hủy tầu, bơi vào bờ. Hai lần vượt Trường Sơn ra miền Bắc tìm về đơn vị.
Hôm ấy tầu tôi được bóng của con tầu nước ngoài che nắng nên không gian trong tầu như tối lại, mát dịu. Tôi nhoài gần cửa sổ mạn để viết thư. Cửa sổ mạn hình tròn như chiếc đĩa to, bằng kính dày. Có bản lề để mở ra lấy gió, lấy không khí. Khi đi biển phải đóng lại. Nhìn qua cửa sổ mạn, tôi thấy những chú Hải âu sà xuống mặt nước đớp mồi rồi lại bay lên. Chúng gọi nhau choét choét, chít chít da diết, ấm áp.
Tờ Giấy poluy trắng tinh kín dần những lời yêu thương. Hình ảnh đàn chim Hải âu chao cánh kiếm mồi theo vào trong thư cùng những lời yêu, thương, nhớ nhung của tôi gửi đến em.
Viết hết một tờ, tôi xoay người với tay lấy tờ thứ 2. Bỗng một luồng gió biển thổi dọc thân tầu vào buồng ngủ. Gió cuốn lá thư viết dở của tôi, lật phật bay qua cửa sổ mạn, rơi xuống biển. Lá thư mỏng mang, trắng tinh trồi lên, trồi xuống theo lưng sóng . Mấy chú Hải âu lao tới lấy chân quặp lá thư bay lên. Bay đi một đoạn chúng thả lá thư xuống. Lúc này thủy triều bắt đầu xuống, lá thư bị nước cuốn đi. Lũ chim Hải âu thay nhau lao xuống mổ mổ vào lá thư rồi vọt bay lên. Cứ thế, từng đôi, từng đôi sà xuống kêu chiếc chiếc, chíp chíp ấm áp như đang đọc những dòng yêu thương ấy. Lá thư ngấm nước chìm dần. Lũ hải âu dáo dác như hỏi nhau:" đâu rồi? đâu rồi ?"
Tôi ngây người nhìn cảnh ấy, thầm thốt lên:
- Đẹp quá, lãng mạn quá!
Viết vội lại lá thư với dòng chữ:
- Em thân yêu! Anh gửi chim Hải âu mang đến cho em lá thư từ biển bay lên núi đây! Tôi kể lại câu chuyện lá thư bay xuống biển và đàn Hải âu vào tờ thư mới.
Những tập thư của nàng gửi, tôi như được tiếp thêm sức mạnh vượt qua say sóng, vượt qua nỗi sợ hãi khi Thuyền trưởng chỉ cái nút đỏ trên tầu và bảo:
- Ấn vào nút này, cả con tầu sẽ tan thành ngàn mảnh, chìm sâu vào lòng biển không để lại dấu vết.
Tôi đã chịu rất nhiều gian khổ, vượt qua nhiều vất vả, nhất là say sóng. Đã nôn ra giun đũa, đã nôn cả vào nồi canh đang nấu nhưng tôi không bỏ vị trí chiến đấu. Tôi phải bò, phải lết trên boong tầu. Miệng ọe ra dãi dớt xanh, vàng và nước mắt để đi ca. Tôi đã chiến thắng bản thân mình. Đã quen được với biển và bám biển, bám ca được. Thuyền trưởng, Chính trị viên đã vỗ vai tôi với lời khen suồng sã:
- Thằng này thế mà được!
Chỉ có 2 năm trên con tầu bé nhỏ. Tôi đã trưởng thành. Từ anh sinh viên thư sinh, tôi thành anh lính thủy thực thụ.
Năm 1974 tôi được cử đi học Đại học Kỹ thuật Quân sự, thật buồn khi ra trường, Cục cán bộ lại không điều tôi về Hải quân. Phải xa tầu, xa biển xa đàn chim Hải âu tôi rất nhớ.
Cánh chim Hải âu và đàn Hải âu chao cánh trên biển đã in đậm trong ký ức của tôi cho đến bây giờ.
Tôi yêu biển, yêu chim Hải âu!
Hà Nội ngày 2/5/2024.
T.H.Q
Tống Hồng Quân
Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/chim-hai-au-a24604.html