Thượng Lũng xanh

Cứ nghĩ giữa trưa hè oi nồng bất chợt được hòa mình vào giữa miền xanh của đất trời Thượng Lũng ta sẽ thấy bao nhiêu ngột ngạt nóng bức trong người bỗng nhiên lại được xua tan.

Dường như đã trở thành một thói quen “xê dịch”, mỗi lần trở về vùng đất Thượng Lũng (tên gọi xưa của xã Vĩ Thượng, huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang, năm 1950, Thượng Lũng là một trong bốn xã từng được Bác Hồ viết thư khen ngợi tinh thần hăng hái tham gia ủng hộ kháng chiến), tôi thường hay một mình lang thang tới các bản làng vẫn đang còn nằm ẩn mình trên những đồi cây hoặc xen giữa những nương ngô, ruộng lúa, bãi lạc ở mãi trong thung sâu, phía sau dải núi uốn lượn ngoằn nghèo bên các dòng suối trong veo gập ghềnh đá sỏi phủ rêu xanh biếc để được thả mình vào cái không gian yên bình, mát mẻ, dịu dàng tưởng như đang là một

thuong-lung-1-1714886079.jpg
Bản làng ẩn hiện giữa một màu xanh trập trùng của núi đồi, ruộng, nương

vật hiếm còn xót lại của trời đất giữa cái thời buổi con người đang thi nhau dùng mọi thủ đoạn để chặt rừng, bạt đồi, phá núi, ngăn sông và khoác cho hành vi ấy với biết bao mỹ từ quan trọng như nâng cao, phục vụ chất lượng cuộc sống của con người, giúp cho xã hội ngày càng hiện đại và văn minh. Nhưng hỡi ôi cái sự tước đoạt, cưỡng ép, thậm chí là bức tử người mẹ vĩ đại của sự sống ấy bằng cách tàn phá, cướp bóc, hủy hoại tự nhiên một cách vô lối và tàn nhẫn như thế thì con người chưa kịp làm cho cuộc sống của mình tiến lên hiện đại và văn minh bao nhiêu thì đã tự mình dẫn đến biết bao hậu họa cho chính đồng loại. Những hạn hán, lũ lụt, động đất và cả những sự thay đổi bất thường của bầu khí quyển chẳng còn phải xa lạ mà đâu đó đang dần được hiện hữu trên chính đất nước này. Sông Hồng và sông Cửu Long là những mạch nguồn chở nặng phù sa từng làm nên hai đồng bằng châu thổ phì nhiêu với những cánh đồng bất tận, thẳng cánh cò bay ở hai đầu đất nước nhưng nay cũng đang dần hết “đỏ” và ngày càng khô cạn, nhiễm mặn. Và có biết bao trái núi, quả đồi, cánh rừng chưa kịp hồi sinh bởi bom đạn của chiến tranh thì lại bị mìn nổ, máy san mù mịt khói bụi của những dự án khai thác đất đá mà phá núi, ủi đồi, chặt rừng điên loạn …

thuong-lung-3-1714886079.jpg
Sống chậm, thả hồn giữa dòng suối nước trong xanh biếc

Những tưởng như thế nên mỗi lần lạc bước giữa không gian tràn ngập một màu xanh trập trùng ở Thượng Lũng với những núi xanh, đồi xanh, ruộng xanh và cả xanh dòng nước suối thì bảo sao ta không khỏi sung sướng, thích thú; nhất là mỗi khi được mở toang lồng ngực để thỏa thuê hà hít, đón nhận bầu dưỡng khí quá đỗi tươi mát, khoáng đạt, trong lành khiến cho cả tâm thân được chìm đắm trong những khoảnh khắc an nhiên, thư thái khác xa với cái oi nồng, bức bối bởi sự ồn ào, bụi bặm làm cho ngột ngạt đến khó thở ở chốn phố phường đầy inh ỏi, huyên náo.

Cứ nghĩ giữa trưa hè oi nồng bất chợt được hòa mình vào giữa miền xanh của đất trời Thượng Lũng ta sẽ thấy bao nhiêu ngột ngạt nóng bức trong người bỗng nhiên lại được xua tan. Cái sắc màu của lá xanh như đang được lan rộng theo các triền núi với những cây rừng, suối nước trên khắp miền Thượng Lũng kia dường như vừa hạ nhiệt được cái hầm hập của khí trời rực lửa vừa làm cho cái ánh thứ sáng chói chang, gắt gỏng khó coi của ông mặt trời trở nên dịu dàng trong một sắc nắng tựa như chuyển màu thiên thanh. Màu xanh của Thượng Lũng hòa vào trong nắng hè làm cho tất cả cứ mọi thứ như thể đang tan chảy và tràn ra lênh láng, tươi mát trên khắp núi rừng; lung linh trên những bờ tre, ngọn cọ; rung rinh trên những hoa ngô; lấp lánh trên những ruộng lúa vừa bước qua thì con gái đang chuẩn bị cúi đầu, uốn câu hứa hẹn một mùa vàng trĩu quả đang đến. Sắc màu của cây lá xanh biếc ấy bao trùm lên khắp bản làng giống như những chiếc khăn choàng từng tầng từng lớp ôm ấp, quấn quanh những nếp nhà sàn mà tôn lên cái màu cũ kĩ tựa như cổ tích của những mái cọ; làm cho những sóng lúa nhấp nhô đung đưa trong gió trên các thửa ruộng cũng trở nên mềm mại, êm mượt, óng ả như những thảm lụa trong mỗi cơn gió thoảng.

Màu xanh tươi mát, yểu điệu của trời đất núi rừng Thượng Lũng cứ như thế thì bảo làm sao người ta không khỏi bị phải lòng, mê luyến cho được.  

Trở về với Thượng Lũng xanh ta như được đắm mình vào trong thiên nhiên hoang sơ để có thể rũ bỏ những cuồng quay của công việc bộn bề từng làm cho tâm trí không khỏi có lúc bị căng lên, thân xác nhiều khi phờ phạc đến mệt nhoài. Những núi đồi xanh ngát, những đồng ruộng xanh tươi, những cây cỏ xanh biếc của nơi ấy vô tình đã trở thành một chốn thanh an, một sinh thái trong lành đủ sức tái tạo tâm thân, khiến cho tâm hồn con người có thể trở nên nhẹ nhõm, thư thái và tan đi hết mọi ưu phiền, mệt mỏi. Và cái sinh thái trong lành Thượng Lũng ấy cũng chẳng biết từ bao giờ đã trở thành một nơi sống chậm trong tôi, một chốn thanh an để thi thoảng lại tìm về “khất thực”.

Cái chốn thanh an ấy ma mị bởi một màu xanh biếc đầy mê luyến với những mây núi và khói chiều chờn vờn lúc nào cũng huyền ảo như một bức bích họa khiến cho chẳng phải chỉ có mình tôi mà đã có không ít người như bị bỏ bùa mê, lâu ngày không về là lại thấy nhớ, đi xa là cứ thấy thấp thỏm, mong ngóng ngày được trở về. Thú thực nhiều lúc mệt mỏi bởi những trăm công nghìn việc của cuộc đời mưu sinh trong lòng đã không ít lần muốn được đi về Thượng Lũng. Chốn an lành ấy đã không ít lần khiến lòng tôi nhắc nhỏm, thúc giục như thể thầm tự nhủ là phải về sớm đi chứ. Về để được đặt đôi chân trần nhỏ bé với những bước đi chậm rãi trên bờ bãi, núi đồi của một miền sơn cước bao la xanh mát. Về để hít hà vị thơm của hương lúa non, của mùi hoa bắp. Về để cho đôi tai được lắng nghe những thanh âm thánh thót, vang vọng của tiếng chim líu lo đang va đập vang vọng vào trong vách núi. Về để nghe tiếng róc rách mát lạnh vang lên từ những mó nước đơn sơ treo bên sườn núi và tràn ra lênh láng trên khắp nẻo đường. Về để cho con mắt được ngắm nhìn một lọn khói lam chiều đang nhè nhẹ vấn vương trên từng mái cọ thâm nâu của những nếp nhà thấp thoáng ẩn hiện giữa bao la của màu xanh cây lá…

Cứ vậy mà da diết đến khôn nguôi. Một màu xanh tươi mát của Thượng Lũng lúc nào cũng mời gọi, cũng như thúc giục trong lòng. Như thế bảo sao ta có thể nào dứt được, có thể bỏ đi mà không về được chứ!   

Phan Anh (Trung tâm GDNN-GDTX huyện Hoài Đức, TP Hà Nội)

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/thuong-lung-xanh-a24648.html