Sếp tôi người chiến thắng 4 cuộc chiến tranh

Thấy cụ " Sếp" Dương Chí Kỳ trên Tivi, tôi gọi video nói chuyện với sếp: - Em sẽ viết về sếp! Cụ bảo: - Viết đi! Cả tháng nay phóng viên các đài truyền hình, báo chí đến phỏng vấn tao liên tục. Tôi bảo: - Chú( Sếp) bây giờ là báu vật của nước nhà đấy. Chú cười khà khà sung sướng vì đúng vậy.

 

dt1hq1-1714981957.jpg
 

Tôi gọi là chú, lúc lại là sếp vì có thời gian chú làm trường phòng xe máy quân chủng Phòng không. Tôi là trợ lý nên là Sếp. Bố vợ tôi là Cục phó cục kỹ thuật Phòng không quản lý trực tiếp phòng Xe máy. Trước đó bố vợ tôi là Trưởng phòng, Chú là phó phòng nên gọi là chú.

Chú kể:

Chú sinh năm 1934 tại Can Lộc, Hà Tĩnh. Năm nay tròn 90 tuổi, tuổi âm là 91 đấy.

Năm 1953 từ quê Can Lộc, chú xung phong vào Thanh niên xung phong, lên tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Chú là những người":

"Khoét núi ngủ hầm, mưa dầm cơm vắt

Máu trộn bùn non

Gan không núng, trí không sờn "

dt2hq2-1714982065.jpg
 

Đơn vị TNXP của Chú mở đường cho xe ta kéo pháo, chở hàng vào mặt trận. Bom đạn của máy bay Pháp đã cướp đi bao đồng đội nhưng nhờ tổ tiên phù hộ, hòn tên mũi đạn đã tránh Chú. Được vài tháng, Chú được chuyển sang bộ đội chủ lực vì mặt trận thiếu quân. Chú được bổ sung vào Trung đoàn 174 F316. Chú cùng đồng đội đào hầm tham gia đánh trận Đồi A1.

Ngày 7 tháng 5 năm 1954 chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng. Chú được điều động áp giải tù binh Pháp về trao trả ở Thanh Hóa.

dthq3-1714982136.jpg
 

Năm 1958, một bộ phận Quân đội chuyển sang làm kinh tế. Đơn vị f316 được giao nhiệm vụ làm kinh tế, quay lại Điện Biên thành lập Nông trường Điện Biên. Chú trở thành công nhân của Nông trường.

Nhờ thành tích chiến đấu, lao động sản xuất, năm 1960, Chú được cử đi học Đại học Nông nghiệp 1, khoa Cơ khí hóa nông nghiệp, ngành động lực.

Năm 1965, ra trường Chú được điều về Bộ Tư Lệnh Phòng Không - Không quân. Làm trợ lý kỹ thuật Xe máy - Trạm nguồn cho Binh chủng tên lửa của Bộ Tư lệnh Phòng Không. Thời gian này Mỹ leo thang phá hoại miền Bắc bằng không quân. Bao xóm làng, thành phố bị bom Mỹ hủy diệt. Đơn vị Chú đã chiến đấu anh dũng với máy bay Mỹ, bắn rơi nhiều máy bay.

Năm 1971 chú cùng trung đoàn tên lửa 274 sư 365 Phòng Không cơ động vào Vĩnh Mốc, Quảng Trị đánh thử B52 để rút kinh nghiệm cho Binh chủng tên lửa. Đơn vị đã hoàn thành nhiệm vụ.

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ trên không tháng 12 năm 1972, đơn vị Chú chiến đấu ngoan cường, bắn rơi nhiều máy bay Mỹ, trong đó có cả máy bay B52.

Năm 1979 chiến tranh Biên giới phía Bắc bùng nổ, đơn vị Chú lại hành quân lên phía Bắc tham gia chiến đấu.

Năm 1975 trung đoànTên lửa lên đường vào Nam tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh. Trung đoàn hối hả hành quân. Đến thành phố Cam Ranh thì Sài Gòn đã giải phóng. Đơn vị ở lại, bảo vệ cảng, sân bay Cam Ranh.

Năm 2021 chú bị covid tưởng chết. Chú vật lộn với cái chết tại nhà với sự chăm sóc chu đáo của vợ. Chính quyền buộc gia đình đưa Chú vào điều trị ở Khoa Bệnh nhiệt đới của Bệnh viện Chợ Rẫy. Nhờ nghị lực, nhờ tổ tiên phù hộ. Chú đã sống trở về, chiến thắng địch covid - 19.

Chú cười ha hả:

" Tao tham gia 4 cuộc chiến là: Chống Pháp tại Điện Biên Phủ; chống Mỹ; bảo vệ biên giới phía Bắc và chống Covid - 19. Tao đã chiến thắng hết", ha, ha!

Nghe giọng cười tự tin vui tươi khỏe khoắn của người cựu binh già, tôi nghĩ:

- Nếu đất nước có chiến tranh, chú vẫn có thể tham gia chiến đấu.

Chú vào Đảng năm nào nhỉ? Tôi hỏi? Trước kia tôi sinh hoạt cùng chi bộ phòng Xe Máy Cực Kỹ Thuật nhưng chẳng nhớ.

Chú bảo:

- Năm nay Chú nhận huy hiệu 70 năm tuổi Đảng. Chú được kết nạp đảng tại mặt trận Điện Biên Phủ.

Vợ chú cô Trần Thị Minh Châu là Phó giáo sư tiến sỹ Hóa học, nguyên Giảng viên trường Đại học Bách Khoa.

Cô bảo:

- Trước khi vào bệnh viện dã chiến, tưởng chú đã ra đi. Cô đã chăm sóc chú hết mình để cứu Chú.

Cô Chú chỉ có một con trai từng học Đại học ở TP Xanhpetebua Nga. Em định cư ở đó và là một doanh nhân thành đạt. Chú có cháu nội cả ta cả Nga. Khi về hưu, cô chú chuyển vào TP HCM sinh sống. Cô cười:

- Từ khi vào đây chưú khỏi hẳn bệnh Suyễn và dị ứng mũi.

Nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, chú vinh dự được Mặt trận Tổ quốc Việt Nam mời thăm ĐBP với vai trò nhân chứng và thăm chiến trường 70 năm trước chú đã tham gia. Chú bảo:

- Điện Biên thay đổi nhiều quá không nhận ra những kỷ niệm xưa.

Tôi đùa:

- Chú có để quên mối tình và kỷ niệm nào ở mặt trận này không?

Chú lại cười ha hả!

Đường bay thẳng TP.HCM - ĐBP giúp người cựu binh già không mệt. Chú dự buổi giao lưu" Chiến thắng Điện Biên Phủ bản anh hùng ca bất diệt" của đài TH Việt Nam. Chú ra nghĩa trang liệt sỹ dâng hương, tri ân các liệt sỹ, trong đó có liệt sỹ Phan Đình Giót người con quê hương Hà Tĩnh.

Cảm xúc dâng trào, chú làm bài thơ:

VIẾNG MỘ ANH

Thắp nến tâm nhang viếng mộ anh

Thông reo bản nhạc khúc quân hành,

Nghĩa trang ngả bóng hoa ban trắng,

Hương Trầm thoang thoảng giữa trời xanh.

Nhớ đêm ngủ hầm ăn cơm vắt,

Quên sao Công kích bắn liên thanh,

Về lại chiến trường thăm đồng đội,

Anh hùng liệt sỹ được vinh danh.

Năm nay dự kiến có hàng vạn người đến với Điện Biên Phủ. Ngày 7/5/2024, tại đây sẽ diễn ra cuộc diễu binh, diễu hành hoành tráng kỷ niệm 70 năm Chiến thắng vang dội năm châu bốn biển, đem lại hòa bình cho nhân dân Việt Nam.

Chú cô thật hạnh phúc. Nụ cười tươi rói trên môi hai cụ đã nói lên điều đó.

Chúc cô chú, chúc SẾP của tôi khỏe mạnh để dự tiếp kỷ niệm 80 năm thành lập QĐNDVN( 22/12/2024) 50 năm thống nhất đất nước (30/4/2025) và 80 năm Chiến thắng ĐBP( 7/5/2034)

T.H.Q

Tống Hồng Quân

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/sep-toi-nguoi-chien-thang-4-cuoc-chien-tranh-a24669.html