Vào những năm đầu của thế kỉ XX, nước ta bị thực dân Pháp đô hộ. Chữ Quốc ngữ dần thay thế cho chữ Nho. Tại làng Đông Yên, một số trí thức nho học tiến bộ như Trần Nghĩa, Hoàng Đối, Phạm Kình, Trần Tất Tố (cha của Tế Hanh) đã cùng tham gia các hoạt động của hội Duy Tân và phong trào “Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh” của Phan Châu Trinh. Các nho sĩ thường đem tài liệu chữ Quốc ngữ và Tân thơ về tuyên truyền cho dân làng tại ngôi chùa ở xóm Vĩnh Xương (làng Đông Yên). Vì vậy mà phong trào truyền bá chữ Quốc ngữ nhanh chóng phát triển. Các bà mẹ thường truyền miệng nhau câu hát khi đi làm trên đồng ruộng hoặc lúc ru con:
Chữ Quốc ngữ là vàng là ngọc
Khuyên bà con nên học làm đầu
Chữ ấy học chẳng bao lâu
Ra công vài tháng thuộc vần là xong.
Hoặc:
Dẫu làm giàu của chất đầy non
Chi bằng để cho con ba chữ.
Từ tâm huyết của các nhà nho, đến năm 1922 một trường học (hợp pháp) sơ khai đã hình thành với hai lớp: Đồng ấu và Dự bị. Số lượng ban đầu chỉ có 15 - 17 học trò, sau đó tăng dần. Người dân nơi đây quen gọi nôm na là “Trường Chùa”. Thầy dạy kết hợp cả chữ Quốc ngữ và chữ Nho, vừa dạy vừa truyền bá tinh thần yêu nước; tuyên truyền, phổ biến thơ ca, hò vè có nội dung yêu nước chống Pháp; khơi dậy lòng yêu nước, thương nòi, cổ vũ đấu tranh đòi độc lập tự do; chống sưu cao thuế nặng…
Dần dần, dân làng đưa con đến học ngày càng đông. Không những hai làng Đông Yên, Mỹ Huệ trong xã mà các làng khác cũng đến xin học. Vì vậy đến năm 1925 chính phủ Pháp cho dời trường lên vị trí mới ở làng Mỹ Huệ, thành lập luôn trường Tổng nhưng vẫn giữ tên là Trường Đông Yên. Trường được xây gạch ngói đàng hoàng, có mái hiên chạy dài trước cửa các lớp. Thời kì “trường ra trường, lớp ra lớp” được bắt đầu với bậc Sơ học yếu lược (gồm lớp Năm, lớp Tư, lớp Ba). Vì trường ở ngay trong làng nên phụ huynh vui mừng đưa con cháu đến học ngày càng đông. Vào một ngày đầu thu năm 1928, cậu bé Trần Tế Hanh cũng được thân phụ dắt tay đến trường, làm quen với nét chữ đầu đời trong niềm hân hoan, vui sướng vô cùng.
Trường Sơ đẳng Đông Yên được Chính phủ bổ nhiệm Hiệu trưởng và đưa giáo viên có trình độ kinh nghiệm, lương tâm nghề nghiệp đến dạy. Trường tiếp tục phát triển và mở thêm lớp Nhì Đệ nhất, lớp Nhì Đệ nhị, lớp Nhất. Đến năm 1937 hình thành một trường Tiểu học hoàn chỉnh. Cổng trường treo cao tấm biển với dòng chữ:“ Ecole Primaire cfficiel Đông Yên” (Trường Tiểu học Công lập Đông Yên). Học trò phấn khởi thi đua học tập và hăng hái lao động trồng cỏ, trồng hoa và trồng cây bóng mát như: cây bàng, cây phượng, cây dầu lai… tạo nên cảnh quang thật đẹp đẽ và mát mẻ.
Thuở ấy, học hết bậc Tiểu học được xem là người có trình độ học thức cao vì đã thông thạo tiếng Pháp và chữ Quốc ngữ. Thi đậu tốt nghiệp Tiểu học được cấp bằng Primaire (Còn gọi là Bằng Tốt nghiệp Tiểu học Đông Dương). Những năm tháng ấy thi cử rất nghiêm minh nhưng học sinh của trường luôn nằm trong tốp dẫn đầu của tỉnh Quảng Ngãi, có một số kì thi còn dành được vị trí thủ khoa, á khoa…
Tiếng lành đồn xa, năm 1937 các vị Tri phủ, Chánh tổng cùng thầy trò của trường tổ chức nghi lễ linh đình, trọng thể để đón ông Phạm Quỳnh - Thượng thư Bộ Giáo dục kiêm Tổng lý văn phòng Chính phủ Nam Triều Bảo Đại về thăm và được ông khen là một trong hai trường đẹp nhất tỉnh Quảng Ngãi.
Cậu học trò Trần Tế Hanh sinh ra trong một gia đình Nho giáo, được thừa hưởng tố chất từ người cha dạy chữ và yêu thích thơ ca nên từ nhỏ đã bộc lộ năng khiếu viết thơ vô cùng đặc biệt. Sau khi tốt nghiệp bậc Tiểu học trường làng Đông Yên với kết quả xuất sắc ông được gia đình cho theo học bậc Trung học ở trường Khải Định (tức trường Quốc học Huế). Mới 15 tuổi phải đi học xa nhà nên chàng trai hiền lành ấy nhớ nhà, nhớ quê da diết. Tại ngôi trường Quốc học này, vốn sẵn tính ham thích thơ ca và gặp gỡ quen biết thi sĩ Huy Cận nên Tế Hanh bắt đầu sáng tác và nhập cuộc với phong trào Thơ Mới. Cảm xúc nhớ thương đã tuôn trào thành dòng, thành mạch ngọt ngào và tha thiết trong bài “Những ngày nghỉ học”, “Làng tôi” mà sau đó ông đổi thành “Quê hương”.
Mỗi kì nghỉ hè về quê, Trần Tế Hanh lại đến trường làng để thăm thầy cô, lớp học, thăm các cây do lớp mình trồng và còn chỉ dạy thêm cho đàn em nhỏ. Bác Đoàn Xảo (tức Thiếu tướng Đoàn Y Thanh*) lúc sinh thời có kể lại như sau:
Hè năm 1938 chúng tôi học thêm anh Tế Hanh là nhà thơ - học sinh ở Huế về dạy. Trong dịp đó chúng tôi được đọc báo “Ngày nay” và sách của Tự lực văn đoàn như: “Gánh hàng hoa”, “Đoạn tuyệt”, “Giông Tố”. Chúng tôi say mê đọc thơ anh, thơ của Thế Lữ, Huy Cận… và cả tiểu thuyết “ Tắt đèn” của Ngô Tất Tố nữa. Anh Tế Hanh đã mang về cho chúng tôi một luồng gió mới, thổi bùng lên ý thức cá nhân. Từ những trang văn thơ đó, một chất men mới bắt đầu bừng sáng và thấm dần vào tâm hồn tuổi trẻ quê nhà. Chúng tôi muốn bung ra khỏi vòng cương tỏa chật hẹp, muốn thoát ra khỏi chốn thôn quê “bùn lầy nước đọng”; phải chống bất công, chống bọn cường hào gian ác… Chúng tôi bắt đầu nghĩ đến Dân tộc và Tổ quốc, Độc lập và Tự do, dù chưa định hình nhưng tình yêu và lý tưởng đã bắt đầu lờ mờ, manh nha trong đầu óc mỗi người.
Trong khí thế sôi nổi của những ngày Cách Mạng tháng 8/1945, trường Đông Yên trở thành trụ sở chỉ huy khởi nghĩa của Tổng Bình Hà, do hai đồng chí Nguyễn Công Say và Lê Đình Yên là học sinh cũ của trường lãnh đạo. Đông đảo thanh niên vốn là học sinh cũ trường làng nay trở thành lực lượng chủ yếu, xung kích đi đầu, góp phần mang lại thắng lợi cho cuộc khởi nghĩa ở quê nhà.
Từ mái trường này, các thế hệ đã nối tiếp truyền thống Cách mạng “cầm súng xa nhà đi kháng chiến” trở thành những anh bộ đội cụ Hồ, anh Giải phóng quân… Họ có mặt trên khắp các mặt trận, góp phần tô thắm lá cờ vinh quang của Tổ quốc đi đến ngày toàn thắng. Trong hàng ngũ đó có cả nhà thơ Trần Tế Hanh.
Sau ngày thống nhất đất nước 1975, nhà thơ Tế Hanh lại về với con sông quê hương “đã tắm cả đời tôi” và cũng không quên đến thăm mái trường làng Đông Yên - nơi lưu dấu nhiều kỉ niệm thời niên thiếu. Thời gian đã làm ngôi trường xuống cấp, ngói phủ rêu phong, vách tường vôi loang lổ. Cảnh vật có nhiều đổi thay nhưng dường như lòng người không thay đổi. Chân chầm chậm bước, ông đi dạo một vòng quanh khuôn viên và dừng lại hồi lâu dưới gốc cây dầu lai ở góc sân trường. Vẫn còn đây dấu tích của ngày xưa! Cây dầu lai do lớp ông trồng và chăm sóc bây giờ đã trở thành cổ thụ, sừng sững, vươn cành tỏa bóng như nhân chứng của thời gian. Ông bồi hồi đưa bàn tay ấn nhẹ vào từng cái gai trên lớp vỏ sù sì của thân cây già như nhẩm đếm tìm kỉ niệm. Những gương mặt thầy cô, bạn bè thân thuộc cứ lần lượt hiện về, cuộn dâng nỗi nhớ... Trong buổi nói chuyện với học sinh của trường hôm ấy (bấy giờ là Trường Cấp I xã Bình Dương) ông đã nhắc nhở mọi người về truyền thống Cách mạng và truyền thống hiếu học trên mảnh đất quê mình; gửi gắm niềm tin và mong muốn thế hệ trẻ hãy nối tiếp, phát huy... Cái dáng vẻ hiền từ và giọng nói ấm áp, đậm đặc ngôn ngữ bình dân của nhà thơ trông thật gần gũi thân thương vô cùng. Cả sân trường im lặng, chúng tôi chăm chú lắng nghe như muốn khắc ghi từng lời.
Thời gian cứ trôi qua như dòng sông Trà Bồng luôn xuôi về biển cả. Mọi thứ trên đời đều có thể mất đi duy chỉ có tình yêu thương ở lại. Tình cảm của Tế Hanh đối với ngôi trường thời niên thiếu vẫn còn neo đọng mãi trong tâm hồn người dân quê tôi tựa như mạch nguồn sông suối - lặng lẽ, âm thầm nhưng đầy ắp yêu thương.
____________________
*Thiếu tướng tướng Đoàn Y Thanh - người làng Đông Yên - Bình Dương,là tác giả của hồi kí “Một đời quân ngũ” của Nhà xuất bản Quân đội nhân dân.
Hoàng Lan Quyên
Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/mai-truong-lang-va-nha-tho-que-huong-a24964.html