Lục tỉnh Nam Kỳ khói lửa (Tiểu thuyết Lịch sử) - Kỳ 4

Trân trọng giới thiệu tiếp với bạn đọc Tiểu thuyết lịch sử “Lục tỉnh Nam Kỳ khói lửa” của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Hồng Đức ấn hành năm 2024.

Kỳ 4.

  Mặt yếu của Đại Đồn là hai bên hông và mặt tiền đều ngó ra sông Sài Gòn, đối với quân Pháp có tàu chiến nên dễ đánh trước mặt, đánh xuyên hông, đánh bọc hậu. Nguyễn Tri Phương chủ trương vừa công vừa thủ nhưng không hơn gì việc án binh bất động của Tôn Thất Hiệp, không công kích quân Pháp ngay mà tập trung 30.000 người xây dựng Đại Đồn hơn một năm nhằm bao vây quân Pháp, không cho chúng đánh rộng ra hơn nữa. Xây Đại Đồn một năm, chỉ vài ngày là mất, đây là chủ trương phòng thủ tai hại của Nguyễn Tri Phương và của quan chức triều đình Nguyễn.

  Trong Tổng hành dinh của Đại Đồn, Nguyễn Tri Phương đang chủ tọa cuộc họp với các tướng lĩnh để bàn cách bảo vệ Đại Đồn nếu quân Pháp tấn công. Nguyễn Tri Phương ngồi ghế chủ soái nhìn xuống. Ngồi dưới là Tán lý Nguyễn Duy, Tham tán đại thần Phạm Thế Hiển, Tham tán Tống Phúc Hiệp, Đề đốc Trương Công Định. Sau một lượt trà, Nguyễn Tri Phương nói:

-Qua một năm, với công sức của 3 vạn quân dân xây dựng, đến nay Đại Đồn đã hoàn tất. Hi vọng với Đại Đồn ta thực hiện được vừa thủ vừa công. Thủ là bao vây chặt quân Pháp, không cho chúng mở rộng địa bàn chiếm đóng, công là nếu chúng tấn công vào Đại Đồn ta sẽ tiêu diệt chúng. Đại Đồn sẽ là mồ chôn quân xâm lược. Nay các tướng nghe lệnh:

-Tán lý quân vụ Nguyễn Duy.

-Có thuộc tướng.

-Ngài hãy chỉ huy đồn Hữu chuẩn bị chống giặc.

-Thuộc tướng tuân lệnh.

-Đại thần Tôn Thất Hiệp.

-Có thuộc tướng.

-Ngài hãy chỉ huy đồn Tả chống giặc.

-Thuộc tướng tuân lệnh.

-Tham tán đại thần Phạm Thế Hiển.

-Có thuộc tướng.

Ngài hãy chỉ huy đồn Trung  chống giặc.

-Thuộc tướng tuân lệnh.

-Đề đốc Trương Công Định.

-Có thuộc tướng:

-Ngài hãy chỉ huy mặt trận phía Bắc chống giặc.

-Thuộc tướng tuân lệnh.

-Lãnh binh Nguyễn Trung Trực.

-Có thuộc tướng.

-Tướng quân hãy chỉ huy đồn Hậu chống giặc.

-Thuộc tướng tuân lệnh.

-Còn ta sẽ chỉ huy chung toàn bộ Đại Đồn. Chúng ta sẽ bảo vệ Đại Đồn để ngăn không cho giặc đánh rộng ra.

  Thấy nét mặt của các tướng có vẻ đăm chiêu lo lắng, Nguyễn Tri Phương nói:

-Ta biết các ngài lo lắng cho những trận đánh sắp tới. Quân giặc có vũ khí hiện đại, sức công phá  mạnh và sát thương lớn, pháo chúng lại cơ động đặt trên những tàu chiến. Pháo của chúng ta nhỏ hơn, phải vừa bắn vừa nhồi thuốc nên tốc độ chậm, đầu đạn không nhồi thuốc nên trúng mục tiêu không nổ, không có sức công phá và sát thương lớn. Vũ khí bộ binh cũng lạc hậu. Đây là nhược điểm mà ta không thể khắc phục ngay được. Chúng ta chỉ có một tấm lòng kiên trung vì nước mà thôi.

  Trương Công Định  nói:

-Ta có thế mạnh của ta. Giặc vài nghìn tên, dân ta chỉ riêng Nam Kỳ lục tỉnh đã gần chục triệu. Sau khi thành Gia Định thất thủ, các đội quân ứng nghĩa của bách tính nổi lên khắp nơi làm cho giặc khốn đốn, đến mức chúng không ở được trong thành Gia Định, phải đốt thành xuống tàu ở cho an thân. Thuộc tướng nghĩ nên kêu gọi nhân dân nổi dậy, tiến hành chiến tranh du kích khắp nơi làm cho quân giặc sa lầy thì chúng ta mới chiến thắng được. Đại bác quân pháp dù mạnh đến đâu cũng không bắn hết mọi nơi được. Không có các đội quân ứng nghĩa trợ giúp, thành lũy kiên cố của chúng ta cũng sẽ bị công phá.

  Nguyễn Tri Phương nói:

-Đề đốc nói có cái phải của ngài nhưng ta là quan quân của triều đình, không thể đi ngược lại ý chỉ của hoàng thượng, của triều đình là “Thủ để hòa nghị”. Có cố thủ thắng lợi thì mới đàm phán thắng lợi buộc Pháp phải rút quân khỏi nước ta. Trong hòa nghị, chúng ta chủ trương cho chúng tự do thông thương, tự do truyền đạo là được.

  Trương Công Định nói:

-Thưa Tổng thống quân vụ, nếu cố thủ không được thì làm sao ạ?

  Nguyễn Tri Phương buồn rầu nói:

-Phát động bách tính lập các đội quân ứng nghĩa là một chủ trương lớn phải được từ triều đình ban xuống cho phép. Chúng ta chỉ biết làm theo phận sự thôi.

  Cả năm người im lặng. Cả bốn vị đại thần, kể cả Nguyễn Tri Phương cũng không dám trả lời câu hỏi của Trương Công Định: Nếu cố thủ không được thì làm sao? Nhưng câu trả lời thì đã có là mất nước. Nhưng phát động bách tính nổi dậy là trái chủ trương của Tự Đức, là bất trung. Các quan lại của thời đại này đang gặp mâu thuẫn lớn trong lý thuyết, trong mối quan hệ trung với vua là trung với nước. Triều đình và quan lại không hiểu được nguyên nhân sâu xa mà Pháp xâm lược Đại Nam. Họ chỉ cho rằng nguyên nhân chính là do triều đình Đại Nam bắt giáo sĩ, cấm truyền đạo Thiên Chúa giáo, cấm thông thương. Họ không hiểu được dã tâm của thực dân Pháp là kiên quyết xâm lược Đại Nam để làm thuộc địa, thị trường. Lý thuyết Nho gia lạc hậu, bảo thủ đã làm cho họ không nhìn thấy được sự chuyển biến to lớn của thế giới, sự chuyển biến đó đang tác động to lớn đến Đại Nam. Từ đó dẫn tới những chủ trương quân sự và đối ngoại sai lầm: “ Thủ để hòa” và khi thủ không được thì nhân nhượng từng bước trong đàm phán dẫn tới mất nước. Từ nhân nhượng kẻ thù đến đầu hàng chỉ cần một bước.

(Còn nữa)

CVL

PGS TS Cao Văn Liên

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/luc-tinh-nam-ky-khoi-lua-tieu-thuyet-lich-su-ky-4-a24993.html