Trần Trọng Tải nhập ngũ ngày 25/7/1966. Đơn vị của ông đã rời Ninh Bình để đến Thanh Hóa và ở đây trong 4 tháng để tiến hành một khóa huấn luyện quân sự cho các tân binh. Ông Tải đã cùng đơn vị hành quân vào miền Nam ngày 11/11/1967 và tham chiến tại mặt trận Khe Sanh từ ngày 21/1/1968.
Hồ sơ bao gồm một cuốn sổ tay, có tiêu đề "Nhật ký Đời lính" với các trang ghi chép từ ngày 25/7/1966 đến tháng 1/1968, bởi Trần Trọng Tải. Tuy nhiên, chất lương hình ảnh hạn chế, nên rất khó đọc nội dung. Trong một trang sổ tay, tác giả cho biết ông từng viết trong một căn hầm trên điểm cao 383 tại Khe Sanh.
Cũng trong Hồ sơ nêu trên, còn có Nhật ký của một cá nhân có tên là Hoàng Trường Đại, có nghĩa là 2 cuốn nhật ký này được tìm thấy cùng nhau hoặc ở gần nhau, từ đó gợi ý rằng có khả năng Trần Trọng Tải và Hoàng Trường Đại thân nhau, vì cùng quê, hoặc là trong cùng một đơn vị (?) Nhật ký của Hoàng Trường Đại cũng ghi chép tên của các đồng đội cùng đơn vị của ông. Dù lính Mỹ đã thu giữ những cuốn nhật ký này, nhưng hy vọng nhiều người trong số họ đã sống sót qua chiến tranh.
Theo một báo cáo của CDEC, những "Chứng tích Chiến tranh" nêu trên đã được thu giữ vào ngày 8/4/1968, bởi Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 5, Sư đoàn 2 kỵ binh bay Mỹ, tại tọa độ 48QXD865385 [16.62044°, 106.74025°] ở tỉnh Quảng Trị. Nó liên quan đến các yếu tố của Sư đoàn 304 Quân đội Nhân dân Việt Nam.
*
16. Hồ sơ CDEC Item Number F034604512599 là một “Chứng tích Chiến tranh” của một cá nhân có tên là Nguyễn Xuân Đạt.
Chất lượng tổng thể của quét hình là kém nên rất khó đọc. Nó bao gồm một cuốn sổ tay 14 trang, các mục nhập được đánh dấu từ tháng 12/1967 đến tháng 10/1968, tiết lộ rằng: Nguyễn Xuân Đạt được "giao quân" cho Trung đoàn 246 tại huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang, vào tháng 11/1967 theo lệnh của Đại tá Bằng Giang.
Đơn vị của ông Đạt rời tỉnh Tuyên Quang vào ngày 25/12/1967. Họ hành quân đi qua địa danh: Lập Thạch, Vĩnh Phúc, Sơn Tây, Hà Nội, Hà Đông, Hà Tây, Thái Bình, Hưng Yên, Ninh Bình, Thanh Hóa, Ngọc Trao, rồi mới đến Bản Sinh - nơi đơn vị huấn luyện trong hơn 2 tháng.
Ngày 22/2/1968, Nguyễn Xuân Đạt cùng đơn vị nhận được lệnh chiến đấu. Sau gần 3 tháng hành quân, ngày 12/5/1968 họ đã tới Khe Sanh và tham chiến tại đây cho tới ngày 2/7/1968. Các địa danh: Đồi số 6, Làng Vây, Đồi số 1009… đã được nhắc đến trong sổ tay nhật ký của ông Đạt.
Kết thúc chiến dịch trên, hình như Nguyễn Xuân Đạt đã bị thương và phải nằm lại tại một địa điểm không xác định khoảng 2 tháng. Vào ngày 21/9/1968, ông được đưa đến điều trị một bệnh viện Quân y không xác định ở Trung Lào. Đạt ghi lại mã đơn vị của mình như sau “F6, 246” (có thể có nghĩa là Trung đoàn 246, Sư đoàn 6?). Cuốn sổ tay cho biết: vào ngày 16/10/1968, đơn vị của Đạt được lệnh di chuyển về Quảng Trị...
Theo báo cáo của CDEC: "Hồ sơ Chứng tích Chiến tranh" trên được thu giữ vào ngày 21/10/1968, bởi Sư đoàn 3 Thủy quân Lục chiến Mỹ, tại tọa độ 48QXD846501 [16.72902°, 106.72248°] ở tỉnh Quảng Trị, CTZ I. Nó chứa thông tin về hoạt động chiến đấu của Trung đoàn 246 và Mặt trận B5.
*
Bằng cách đăng tải những thông tin độc quyền, do Trung tâm Việt Nam và Lưu trữ tại Đại học Texas Tech University (viết tắt là VNCA) tại Hoa Kỳ, gửi cho Tổ chức “Trái tim người lính Việt Nam”, chúng tôi hi vọng thân nhân gia đình của các Liệt sĩ (hoặc CCB) Trần Trọng Tải, Hoàng Trường Đại và Nguyễn Xuân Đạt cùng đồng đội của các ông; có thể đọc được thông tin này và đăng ký tham dự tiếp nhận “Hồ sơ Chứng tích Chiến tranh Việt Nam”, do đại diện của VNCA trực tiếp trao tặng, dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 12/6/2024, tại Hà Nội. Mời liên hệ với Nhà văn Đặng Vương Hưng – Thường trực Ban Tổ chức sự kiện nêu trên; hoặc để lại lời nhắn dưới phần “bình luận”.
Ghi chú thêm: Sự kiện nhân văn và ý nghĩa nêu trên, được tổ chức bằng kinh phí xã hội hóa. Chúng tôi mong nhận được sự chung tay, góp sức, ủng hộ của các tập thể và cá nhân. Những thân nhân gia đình Liệt sĩ có Hồ sơ muốn tham dự, Ban Tổ chức sẽ hỗ trợ tiền tàu xe đi lại… Chúng tôi cũng mong những ai quan tâm đến các hoạt động tri ân và đền ơn đáp nghĩa, hãy chia sẻ rộng rãi thông tin này!
Xin trân trọng cảm ơn!
Hà Nội, 26/5/2024
Trái Tim Người Lính
Trái Tim Người Lính (Biên soạn và Giới thiệu)