"Tiếng quê"

Sáng nay, một người bạn thân mời tôi tham gia trang nhóm mới lập trên phây búc. Vốn là tuýp người cổ điển nên tôi thường không hào hứng tham gia các trang nhóm nếu như cảm thấy mình có thể không đóng góp nhiều cho các trang đó. Tuy nhiên khi thấy tên trang nhóm mới lập này là “TIẾNG QUÊ”, thì trong tôi dâng lên một cảm xúc khó tả và tôi liền ngồi gõ bàn phím để cho những cảm xúc đó được thoát ra.

dt1anoij-1716686565.jpg

Tranh của Lê Anh Thanh do tác giả cung cấp.

 

“TIẾNG QUÊ” là âm thanh tiếng sáo diều du dương vang lên trong chiều hè ở một vùng quê nào đó của miền Bắc, miền Trung, miền Nam Việt Nam. “TIẾNG QUÊ” là tiếng đàn môi của chàng trai người Mông ở Quản Bạ, Hà Giang đã làm cho tiên nữ phải giáng trần làm vợ chàng, rồi phải để lại đôi nhũ hoa nuôi con khi buộc phải bay về trời và tạo nên một tuyệt phẩm “Núi đôi” cho du khách đến thăm và cảm nhận về tình yêu thiêng liêng của người Việt. “TIẾNG QUÊ” là tiếng khèn gọi bạn của các chàng trai miền núi phía Bắc, là dân ca bài chòi Quảng Nam, Chầu Văn thành Nam, là tiếng đàn kìm đệm cho những câu ca vọng cổ nao lòng người của đồng bào miền Tây Nam Bộ. “TIẾNG QUÊ” là những câu ca dao đã làm cho cựu chiến binh, nhà thơ Mỹ, Bruce Weigl khóc khi đọc bản dịch của bài thơ đầu tiên.

“Con ong làm mật yêu hoa

Con cá bơi yêu nước,

Con chim ca yêu trời.

Con người muốn sống con ơi

Phải yêu đồng chí, yêu người anh em”

“TIẾNG QUÊ” là những câu quan họ “Người ơi người ở đừng về”, để cho ai đó đã nghe thì dùng dằng chẳng thể ra về. “TIẾNG QUÊ” là câu hò mái đẩy, là giọng hát của chàng Trương Chi “xấu xí” đã làm mê mẩn nàng Mỵ Nương để rồi một câu chuyện cổ tích Việt Nam còn mãi với thời gian:

“Ngày xưa có anh Trương Chi

Người thì thậm xấu, hát thì thậm hay

Cô Mỵ nương vốn ở lầu tây

Con quan Thừa tướng ngày rày cấm cung

Trương Chi có chiếc thuyền chài

Chèo thuyền ngang dọc hôm mai dãi dầu

Trương Chi mới hát một câu

Gió đưa phảng phất tới lầu Mỵ Nương

Mỵ Nương nghe hát thì thương

Nhưng trông thấy mặt anh chường lại chê

Trương Chi buồn bã ra về

Cắm sào giữa bến hát thề một câu

Kiếp này đã dở dang nhau

Có sang kiếp khác lấy nhau cũng không thành.”

“TIẾNG QUÊ” là tiếng ve kêu, là khúc nhạc giao hòa của lũy tre làng với gió mùa Đông Nam. “TIẾNG QUÊ” là những bài thơ đầy tượng thanh, tượng hình của Bà Huyện Thanh Quan, của nữ sỹ Hồ Xuân Hương.

Qua đèo Ngang – Bà Huyện Thanh Quan

“Bước tới đèo Ngang bóng xế tà,

Cỏ cây chen đá, lá chen hoa.

Lom khom dưới núi tiều vài chú,

Lác đác bên sông rợ mấy nhà.

Nhớ nước, đau lòng con cuốc cuốc,

Thương nhà, mỏi miệng cái da da.

Dừng chân đứng lại: trời, non, nước,

Một mảnh tình riêng, ta với ta.

Tự tình II – Hồ Xuân Hương

" Đêm khuya văng vẳng trống canh dồn

Trơ cái hồng nhan với nước non

Chén rượu hương đưa say lại tỉnh

Vầng trăng bóng xế khuyết chưa tròn

Xiên ngang mặt đất rêu từng đám

Đâm toạc chân mây đá mấy hòn

Ngán nỗi xuân đi xuân lại lại

Mảnh tình san sẻ tí con con"

“TIẾNG QUÊ” đã giữ chân nhạc sỹ Trịnh Công Sơn, đã khiến cho Giáo sư Trần Văn Khê và nhạc sỹ Phạm Duy phải trở về.

“TIẾNG QUÊ” là những món ăn ngon khắp ba miền của Việt Nam. Bún chả, phở Hà Nội; Bánh đa cua Hải Phòng; Bún bò Huế; Mỳ Quảng Quảng Nam; Bánh hỏi lòng heo Phú Yên; Bánh tráng Trảng Bàng, Tây Ninh; Cháo cá lóc Cà Mau… ôi chao là nhiều món, chỉ cần nhắc tên đến mỗi món là nước miếng muốn tứa ra. Chẳng phải ngẫu nhiên mà đầu bếp nổi tiếng thế giới và nguyên Tổng thống Mỹ phải tìm đến Bún chả Hà Nội để thưởng thức. “Bánh mỳ Sài Gòn”, lại là một món ăn nổi tiếng thế giới để rồi khách Tây khi đến với Việt Nam đều tìm đến để thưởng thức cái thứ bánh mà nguồn gốc từ quê hương của họ - chỉ vì các món ăn đó là “TIẾNG QUÊ” Việt Nam.

“TIẾNG QUÊ” là âm thanh khác biệt của giọng nói ba miền: Bắc, Trung, Nam. Giọng miền Bắc thánh thót, giọng miền Trung nồng ấm, giọng miền Nam hào sảng nhưng cả ba chất giọng đó đều cuốn hút người nghe bởi những cung bậc do huyền, sắc, hỏi, ngã, nặng tạo ra. Tiếng Việt khó là vì thế mà cũng thật hay là vì thế. Tôi thích nghe ca sỹ người Mỹ, Kyo York hát những bài hát Việt Nam bởi vì ngoài giọng hát hay thì anh còn hát rất chuẩn âm sắc tiếng Việt trong từng câu hát, cảm xúc luôn đong đầy và chạm tới trái tim của người nghe. Tôi nghĩ ngoài khổ luyện và tài năng ra thì Kyo York rất khổ công trong nghiên cứu tiếng Việt, để tiếng Việt đã thành “TIẾNG QUÊ” của anh. Cám ơn Kyo York.

“TIẾNG QUÊ” là những phong tục tập quán vùng miền, là “chùm khế ngọt” cho mỗi người dân Việt Nam. Tôi có anh bạn đồng nghiệp là tiến sỹ vật lý hạt nhân sống ở Đà Nẵng. Hai vợ chồng anh đều quê ở Lệ Thủy, Quảng Bình và đều lập nghiệp ở Đà Nẵng, là công dân ưu tú của Đà Nẵng – thành phố đáng sống. Hai anh chị đã rời Quảng Bình hơn mười năm, đã sinh hai đứa con ở Đà Nẵng nhưng hình như chưa có cái Tết nào hai anh chị và các cháu không trở về Lệ Thủy, Quảng Bình. Trước chưa có xe ô tô riêng thì vợ chồng con cái tay xách nách mang đi xe khách. Nay có xe riêng thì cốp xe khi trở về Đà Nẵng luôn đầy ắp quà Quê. Anh nói tiếng Đà nẵng tốt mà tiếng Quảng Bình còn tốt hơn vì đó là “TIẾNG QUÊ” của anh.

“TIẾNG QUÊ” là những bức họa nổi tiếng của các họa sỹ Nguyễn Gia Trí (Vườn xuân Trung Nam Bắc), Tô Ngọc Vân (Thiếu nữ bên hoa Huệ), Trần Văn Cẩn (Em Thúy), Bùi Xuân Phái (Phố Phái), và cả những bức tranh quê của họa sỹ bạn tôi Lê Thanh Anh – những bức tranh luôn đầy ắp “TIẾNG QUÊ”.

Về ngôn ngữ, để hiểu “TIẾNG QUÊ” chắc phải nhờ bác Lê Kiều phân tích mới thấu. Tôi chỉ là một anh cử nhân Vật lý nên cảm nhận cũng rất hữu hạn, xin bạn đọc lượng thứ. Chúc Trang “TIẾNG QUÊ” luôn phát triển và giữ được bản sắc “TIẾNG QUÊ” Việt Nam.

Hà Nội, 25/5/2024

N.V.N.

 Nguyễn Văn Nọi

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/tieng-que-a25064.html