Cần sớm có chính sách đặc thù cho lao động bị nợ bảo hiểm xã hội do doanh nghiệp gây ra

Cần sớm rà soát danh sách, có chính sách đặc thù giải quyết, đảm bảo quyền lợi cho hàng trăm nghìn người lao động bị nợ bảo hiểm xã hội do doanh nghiệp giải thể, phá sản, chủ bỏ trốn hoặc tái cơ cấu…

Chú thích ảnh Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Đình Khang báo cáo kết quả công tác phối hợp giữa Chính phủ với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Ảnh: TTXVN

TTXVN dẫn lời đề nghị của Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang tại Hội nghị đánh giá việc thực hiện Quy chế về mối quan hệ công tác giữa Chính phủ với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì, ngày 26/5. 

Sớm giảm thời giờ làm của người lao động thấp hơn 48 giờ/tuần

Báo cáo tóm tắt kết quả thực hiện Quy chế về mối quan hệ công tác giữa Chính phủ và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, ông Nguyễn Đình Khang cho biết, năm 2023, Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã tích cực, chủ động triển khai công tác phối hợp, bảo đảm hiệu quả các nhiệm vụ theo Quy chế phối hợp, các nhiệm vụ đột xuất, phát sinh theo lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và yêu cầu thực tiễn.

Chính phủ và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã tiếp tục phối hợp chặt chẽ, thiết thực, tập trung nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách, pháp luật về an sinh, phúc lợi xã hội cho người lao động, nâng cao đời sống của người lao động, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong tình hình mới. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, chính quyền địa phương tích cực phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và các cấp công đoàn giải quyết kịp thời nhu cầu, nguyện vọng, quyền lợi chính đáng, hợp pháp của người lao động, nhất là về việc làm, thu nhập, vấn đề nhà ở của công nhân, người lao động, đồng bộ hạ tầng xã hội, trường học, trạm y tế, nhu cầu về văn hóa, nơi vui chơi giải trí…

Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ đã tích cực phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động trong xây dựng và hoàn thiện chính sách, thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng về công đoàn, giai cấp công nhân, người lao động, như: Ban Cán sự Đảng Chính phủ đã có văn bản tham gia ý kiến về tổ chức Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XIII gửi Văn phòng Trung ương Đảng; Chính phủ đã trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung nhiều dự án Luật quan trọng liên quan đến quyền và lợi ích của người lao động như về nhà ở, đất đai, bảo hiểm xã hội, khám chữa bệnh…

Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Tổng Liên đoàn đã tích cực phối hợp triển khai thực hiện các biện pháp ổn định, phát triển thị trường lao động hiệu quả, bền vững và chăm lo đời sống người lao động theo Nghị quyết số 06/NQ-CP ngày 10/1/2023 của Chính phủ. Tổng Liên đoàn đã ban hành thực hiện chính sách hỗ trợ cho đoàn viên, người lao động bị giảm thời gian làm việc, chấm dứt hợp đồng lao động do doanh nghiệp bị cắt, giảm đơn hàng…

Ông Nguyễn Đình Khang đề nghị Chính phủ quan tâm hơn nữa đến quyền và lợi ích của người lao động và hoạt động công đoàn khi xây dựng các chủ trương, chính sách pháp luật. Các dự án Luật cần được khảo sát kỹ lưỡng, lấy ý kiến rộng rãi đối tượng chịu tác động trực tiếp; các quy định đảm bảo hài hòa lợi ích của người lao động, người sử dụng lao động và Nhà nước, quan tâm bảo vệ đối tượng yếu thế, thúc đẩy sự cân bằng, hài hòa trong quan hệ lao động; giúp người lao động được thụ hưởng thành quả xứng đáng với sự đóng góp của họ qua 40 năm đổi mới đất nước.

Cùng với đó, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành chức năng và UBND các tỉnh, thành phố thường xuyên thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các doanh nghiệp vi phạm pháp luật về lao động, công đoàn, bảo hiểm xã hội, an toàn vệ sinh lao động, nhất là các doanh nghiệp chậm hoặc không trả lương, trốn đóng bảo hiểm xã hội, để xảy ra tai nạn lao động, gây khó khăn cho hoạt động công đoàn và người lao động. Khắc phục tình trạng bỏ qua hoặc xử nhẹ doanh nghiệp vi phạm pháp luật liên quan đến quyền, lợi ích người lao động của chính quyền một số địa phương; đảm bảo quản lý chặt chẽ, đúng pháp luật việc thành lập và hoạt động của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp, không để lợi dụng việc thành lập, hoạt động để xâm phạm quyền lợi người lao động, gây khó khăn cho doanh nghiệp, làm mất an ninh, trật tự sau khi Nghị định được ban hành.

Ông Nguyễn Đình Khang cũng đề nghị Chính phủ giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với các bộ, ngành nghiên cứu sớm thực hiện nội dung Nghị quyết kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV. Cụ thể nghiên cứu đề xuất giảm thời giờ làm việc bình thường đối với người lao động thấp hơn 48 giờ/tuần; hướng tới đảm bảo sự công bằng giữa thời giờ làm việc của người lao động khu vực cơ quan hành chính Nhà nước (40 giờ/tuần) và khu vực doanh nghiệp (48 giờ/tuần); tạo điều kiện để người lao động nghỉ ngơi, tái sản xuất sức lao động, chăm sóc con cái, đảm bảo hạnh phúc gia đình.

Có chính sách đặc thù cho lao động bị nợ bảo hiểm xã hội

Chú thích ảnh Hội nghị đánh giá việc thực hiện quy chế về mối quan hệ công tác giữa Chính phủ với Tổng LĐLĐ Việt Nam. Ảnh: TTXVN

Theo Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang, trọng tâm công tác phối hợp công tác giữa Chính phủ và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trong năm 2024 là phối hợp nghiên cứu, xây dựng trình Quốc hội chính sách, pháp luật liên quan đến quyền lợi của người lao động, như: Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Luật Công đoàn (sửa đổi), Luật Việc làm (sửa đổi)…

Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang đề nghị Chính phủ sớm chỉ đạo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội rà soát danh sách, có chính sách đặc thù giải quyết, đảm bảo quyền lợi cho hàng trăm nghìn người lao động bị nợ bảo hiểm xã hội do doanh nghiệp giải thể, phá sản, chủ bỏ trốn hoặc tái cơ cấu…

Trả lời về nội dung này, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, vấn đề quyền lợi của người lao động bị "treo" đã tồn tại nhiều năm liền. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cùng Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã xử lý cơ bản. Cụ thể, các cơ quan đã được xử lý được hơn 4.000 chủ hộ kinh doanh cá thể đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, 200.000 lao động bị nợ bảo hiểm xã hội trong các doanh nghiệp phá sản, giải thể...

Về giải quyết quyền lợi của người lao động do doanh nghiệp phá sản, doanh nghiệp có chủ bỏ trốn, theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, những trường hợp mới phát sinh được tạm thời ghi nhận khoản đóng bảo hiểm xã hội đến đâu, người lao động hưởng đến đó.

Về phần doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội khiến người lao động bị ngắt quãng thời gian đóng bảo hiểm xã hội thì phần nợ này, quyền lợi chưa được ghi nhận. Để giải quyết vấn đề này, Bộ trưởng cho biết, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã đề nghị Bảo hiểm xã hội Việt Nam báo cáo Chính phủ, Quốc hội xóa nợ bảo hiểm xã hội trong trường hợp này, bằng nguồn kết dư của Quỹ bảo hiểm xã hội và các nguồn dự trữ. Hướng giải quyết này nhằm đảm bảo quyền lợi của người lao động. Theo Bộ trưởng, hơn 200.000 người lao động bị "treo" quyền lợi bảo hiểm xã hội, trong khi đó, bảo hiểm chính là tiền của người lao động đóng góp, chứ không phải Nhà nước hay tư nhân đóng cho họ.

Bên cạnh đề xuất giải quyết quyền lợi triệt để cho những lao động đang bị "treo" quyền lợi do doanh nghiệp phá sản, giải thể nợ bảo hiểm xã hội, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho hay, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Chính phủ đang tập trung hoàn thiện các cơ chế, chính sách liên quan đến người lao động. Theo số liệu của các cơ quan Bảo hiểm xã hội, 206.000 lao động tại các đơn vị sản xuất kinh doanh đã phá sản, giải thể trên cả nước thời gian qua vẫn đang được giải quyết các chế độ theo quy định.

PV

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/som-co-chinh-sach-dac-thu-cho-lao-dong-bi-no-bao-hiem-xa-hoi-a25082.html