Phượng Vỹ

Chắc chẳng riêng tôi, nhiều người, rất nhiều người đều gắn với kỷ niệm về hoa phượng. Bởi lẽ cây phượng có ở khắp nơi trên đất Việt Nam, bởi lẽ ngôi trường nào, dù ở làng quê cho đến thị thành đều có cây hoa phượng.

Riêng tôi còn có thêm kỷ niệm vì những ngày phượng rực rỡ nhất là ngày sinh nhật của 2 người thân yêu: Vợ và con đầu lòng. Dù ở đâu cứ thấy hoa phượng bói nở là biết sắp đến ngày sinh của vợ của con gái. Đó là Ngày 14/6 và ngày 15/6.

dt1hq1a-1717042536.jpg

Lên tầu ra mặt trận" do tác giả sưu tầm trên mạng.

 

Ngày ấy 15/6/1959 vợ người lính Phòng Không sinh ra cô con gái thứ hai là vợ tôi bây giờ. Chồng ở chiến trường xa. Mẹ vợ bụng chửa kềnh càng, một mình đạp xe từ xưởng May 10 Gia Lâm, nghiến răng chịu cơn đau tới khoa sản bệnh viện Quân đội 108 " Đi đẻ".

Y tá, hộ lý hỏi:

- Người nhà cô đâu?

- Tôi đi một mình. Chồng ở chiến trường! Bà nghiến răng vì cơn đau đẻ dồn tới, trả lời!

Vợ tôi đã khóc chào đời trong phòng hộ sinh bên ô cửa sổ đỏ có cánh phượng đỏ vẫy chào.

Thánh thiện những người vợ lính trong chiến tranh.

dt2hq-at-b-1717042494.jpg

Tác giả bài viết (bên phải) dưới tá choa phượng vỹ.

 

Ngày 14/6/1984 con gái chào đời. Con sung sướng hơn mẹ vì đất nước không còn chiến tranh, vì bố cô đưa mẹ cô bụng chửa to vượt mặt đến viện sản Hà Nội ở phố Đê La Thành. Hoa phượng thắp lửa đỏ rực dọc đường đón " mẹ tròn con vuông " trở về.

Cô chung hoàn cảnh với mẹ là đến viện bằng chiếc xe đạp cà tàng và nỗi khó khăn thiếu thốn của thời bao cấp.

Còn với lính Sinh viên Hải Quân thì mùa hoa phượng gắn với kỷ niệm " Xếp bút nghiên lên đường chiến đấu" . Đúng vào lúc phượng thắp lửa đỏ rực bầu trời. Tháng 5 năm 1972 là lúc chúng tôi lên tầu ở ga Hàng Cỏ, lên đường ra mặt trận. Trên loa Công cộng, ca sỹ Doãn Tần với giọng nam vang khỏe thức giục những chàng lính sinh viên:

Ta đi qua núi qua đồi ngọn đèn sáng giục lòng ta đó

Lời mẹ nói ấm lành ngọn gió, đàn em vui túi rút mái trường

...

Miền Nam ơi, miền Nam!

Hỡi những đồng sông soi bóng dừa xanh

Những ngọn núi mây mờ xa thắp

Ta còn đến nới nao còn giặc

Ta chưa về khi tổ quốc chưa yên.

Miền Nam miền Nam nghe từng tiếng vang !

Đoàn tầu dài dằng dặc hú còi, dùng dằng lưu luyến rời ga Hàng cỏ, nhằm hướng Nam chuyển bánh. Bánh xe nghiến ken két trên đường ray sắt, như sự kìm nén của người mẹ, người vợ, người yêu, chấp chới với cánh tay vẫy theo tạm biệt hay vĩnh biệt? Hàng ngàn chàng trai trẻ ấy ai biết mình có vé khứ hồi?

Một cựu chiến binh Đại học Tổng Hợp Hà Nội may mắn có vé khứ hồi. Anh thả hồn vào kỷ niệm Mùa hoa phượng trong bài thơ

CÁNH PHƯỢNG

Háo hức niềm vui bước tới cổng trường

Mười tám trăng tròn trời thu xanh cao quá

Chưa hết những kỳ thi, chưa quen phố phường xa lạ

Mắt thoáng tìm ai má đỏ giữa giảng đường

Giáo trình dở dang xen tiếng súng chiến trường .

Nên biết thầm ngày chia ly dần tới

Gặp nhau cứ huyên thuyên câu chuyện không đầu cuối

Mà chẳng dám cầm tay, e thẹn nói lời thương !

Đường hành quân nhớ da diết cánh phượng nở sân trường .

Ai gửi nụ mềm thêu trên khăn tay theo cùng vào trận .

Sốt rét , đói cơm, đạn bom bao đận

Phút chiến dịch giữa chừng giở nụ đỏ ngắm...hậu phương !

Tình yêu nhiệm màu cứ thế tự lên hương

Ấm áp vỗ về hồn thiêng người ngã xuống

Khắc khoải nhớ thương trong lòng người đang sống

Khúc tình ca đầu đời theo năm tháng du dương ...

Nguyễn Đình Bình

Nhiều năm đã qua những người cựu binh ấy đã thành ông. Cô gái sinh trong viện 108 đã thành bà. Con gái của họ đã tròn 40. Thời gian cứ trôi đi, chỉ phượng vỹ đời đời bất diệt, cứ đến hè là trổ hoa đỏ chói lên bầu trời. Đẹp và thiêng liêng biết bao

Hoa phượng vỹ!

Hà Nội tháng 5 năm 2024.

T.H.Q

 

Tống Hồng Quân

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/phuong-vy-a25133.html