Hà Nội: Hướng đi “xanh” của làng gốm Bát Tràng

Nhờ việc sử dụng lò nung gốm bằng ga và điện, khói bụi độc hại của làng gốm Bát Tràng (Gia Lâm, Hà Nội) đã giảm đi đáng kể. Làng nghề Bát Tràng hiện là làng nghề “kiểu mẫu”, hướng tới phát triển kinh tế bền vững gắn liền với vấn đề bảo vệ môi trường.

Từng là làng nghề khói bụi

battrang-1-1717155346.jpg

Phương pháp sản xuất gốm cũ cho sản lượng thấp, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người lao động và môi trường. (Ảnh: NVCC)

Xã Bát Tràng từ lâu nổi tiếng với nghề làm gốm sứ và gạch có chất lượng bậc nhất Hà thành. Trước đây, khi chưa áp dụng máy móc, công nghệ tiên tiến, làng gốm đã từng ngập trong khói bụi từ quá trình vận hành lò nung sản phẩm. Người dân làng gốm cho biết: Ngày trước, làng Bát Tràng thường xuyên sử dụng lò than để nung gốm. Vì vậy, không khí quanh làng luôn bao phủ bởi một màu xám xịt, những vệt đen sì trên mảng tường và khắp đường làng ngõ xóm là những ký ức không ai muốn nhớ lại.

Bên cạnh đó, một số chủ hộ sản gốm tại làng cũng khẳng định việc làm gốm đã có từ lâu, từ thời ông bà, cha mẹ. Trong hoàn cảnh đó, họ không tìm ra giải pháp để xử lý vấn đề này. Họ đành chấp nhận sống chung với khói bụi mặc cho sức khỏe bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Khoảng những năm 2010, vấn đề ô nhiễm ở làng gốm Bát Tràng trở nên nghiêm trọng khi người dân phải sống ngột ngạt cùng bầu không khí ô nhiễm. Trong đó có tới 70% dân số mắc bệnh rối loạn đường hô hấp và hơn 80% bị đau mắt hột. Bởi lẽ, làng chủ yếu sử dụng mô hình lò hộp dùng nhiên liệu 90% là than và 10% là củi. Những năm đó, chất lượng không khí ở địa phương thường xuyên  mức thấp, nằm trong mức báo động ô nhiễm không khí của thành phố Hà Nội.

Tiên phong trở thành làng nghề “xanh”

battrang-3-1717155346.jpg

Lò ga nung gốm được sử dụng phổ biến ở Bát Tràng hiện nay vì những hiệu quả vượt trội. (Ảnh: Công Minh)

Theo ông Đặng Đình Túc - Trưởng ban đại diện làng nghề gốm sứ Giang Cao (xã Bát Tràng) cho biết: 70% sản phẩm của làng nghề được xuất khẩu. Khách trong nước và quốc tế luôn đặt ra những họa tiết, hoa văn cầu kỳ nên làng cần sự ổn định về nhiệt độ nung để có sản phẩm chất lượng nhất. Và nhằm hỗ trợ làng làng nghề có thể đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng, đối tác Nhật Bản đã gửi tặng một lò nung ga có dung tích 1 mét khối. Tín hiệu nhận về rất tích cực khi sản phẩm thì có chất lượng ổn định và khói bụi cũng có dấu hiệu giảm nhiều.

“Nhanh chóng nắm bắt công nghệ nung mới, từ năm 2005 - 2007, Bát Tràng đã chuyển đổi hoàn toàn từ lò nung bằng than sang lò ga hoặc lò điện. Từ khi áp dụng công nghệ mới vào sản xuất, khí độc đã bớt đi đáng kể. Sức khỏe người dân được đảm bảo và môi trường cũng dần cải thiện” - ông Đặng Đình Túc khẳng định về hướng đi mới của làng gốm.

Hiện nay, 80% hộ sản xuất ở Bát Tràng đang sử dụng lò ga, 20% sử dụng lò điện. Anh Nguyễn Trọng Nghĩa, chủ cơ sở sản xuất tại thôn Giang Cao nhận định: “Tôi đã đầu tư lò điện cho xưởng từ khi thấy rõ những ảnh hưởng tiêu cực của khí độc như viêm phế quản; suy hô hấp; ung thư phổi. Vậy nên, sử dụng loại lò này không chỉ giúp tiết kiệm tối đa năng lượng sản xuất mà còn bảo vệ được chính sức khỏe của mình. Thợ gốm như chúng tôi cần có sức khỏe thì mới chuyên tâm phát triển kinh tế”.

Trên tinh thần “không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế”, nhiều năm qua, người dân làng gốm Bát Tràng đã và đang cố gắng tìm cách giảm thiểu ô nhiễm không khí từ hoạt động của làng nghề cũng như thay đổi nhận thức của mỗi hộ sản xuất trong làng. Người dân làng nghề Bát Tràng quyết tâm thực hiện phát triển kinh tế nhưng phải gắn liền với vấn đề bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn sống.

battrang-2-1717155346.jpg

Bên cạnh việc nâng cao chất lượng sản phẩm gốm, xã Bát Tràng đang đẩy mạnh phát triển du lịch làng nghề. (Ảnh: Công Minh)

“Khi biết đến công nghệ sử dụng điện và ga, lò bầu chúng tôi đã quyết định áp dụng và cố gắng mở rộng phương thức. Phát triển kinh tế là môt việc quan trọng nhưng sức khỏe con người và câu chuyện ổn định môi trường xung quanh “xanh” bền vững sẽ càng quan trọng hơn” - Ông Nguyễn Thành Như (quản đốc lò bầu hơn 700 tuổi) hy vọng trong tương lai vẫn còn nhiều người đủ sức khỏe để tiếp tục lưu giữ truyền thống làng nghề.

Ngoài ra, người dân Bát Tràng hiện cũng đã tìm hiểu, đầu tư lò tuynel (lò nung liên hoàn). Loại lò này có thể giảm 30% chi phí về năng lượng và một số chi phí sản xuất khác. Tuy nhiên, do thiếu mặt bằng làng nghề hiện chưa đầu tư, làng gốm cần những chính sách hỗ trợ và khuyến khích của nhà nước để có thể đầu tư công nghệ nung mới, tạo môi trường sống xanh và sản xuất bền vững.

Với những nỗ lực không ngừng nghỉ, bài toán ô nhiễm không khí ở xã Bát Tràng đã có những phương hướng giải quyết sơ bộ. Hình ảnh những cột khói đen nghi ngút hay những vệt than phủ kín đường làng đang dần biến mất. Bát Tràng ngày nay là một trong làng nghề tiên phong chuyển đổi xanh, kết hợp với du lịch văn hóa và nhiều hoạt động hấp dẫn.

Nhóm sinh viên Học viện Báo chí Tuyên truyền

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/huong-di-xanh-cua-lang-gom-bat-trang-a25153.html