Định hướng nghề nghiệp
Em Nguyễn Đức Hậu, học sinh Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên quận Ba Đình chia sẻ: “Em đang học chuyên ngành Tin học, được thực hành kỹ năng thường xuyên và hiệu quả. Đến với phiên giao dịch việc làm lưu động, em biết mình có thể tìm kiếm thông tin việc làm tin cậy. Em sẽ chuyên tâm học tốt, bởi qua phiên giao dịch việc làm lưu động, dễ thấy người lao động có kiến thức, kỹ năng luôn được hỗ trợ kết nối giải quyết việc làm hiệu quả”.
Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Nguyễn Tây Nam cho biết, dưới sự chỉ đạo của Thành ủy, HĐND, UBND thành phố, thời gian qua, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội đã phối hợp chặt chẽ với các địa phương, chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội gắn kết với Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội các quận, huyện, thị xã để mỗi phiên giao dịch việc làm lưu động tổ chức tại địa phương thực sự là ngày hội việc làm, tư vấn hướng nghiệp hữu ích.
Theo đó, có nhiều mô hình, cách làm hay được thực hiện thông qua các phiên giao dịch việc làm lưu động, phù hợp với điều kiện của các địa phương. Tại phiên giao dịch việc làm lưu động quận Nam Từ Liêm, công tác tổ chức tư vấn, giới thiệu việc làm và cung cấp thông tin thị trường lao động cho các nhóm lao động yếu thế như học viên cai và sau cai nghiện ma túy, người chấp hành xong hình phạt tù... được đặc biệt quan tâm. Trong đó, lực lượng công an địa phương trực tiếp hỗ trợ giới thiệu người lao động diện này ngay tại phiên cho các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng công việc phù hợp như làm lái xe taxi, xe ôm công nghệ, bảo vệ…
Tại thị xã Sơn Tây, phiên giao dịch việc làm lưu động được tổ chức trong không gian rộng lớn, với sự tham gia của không chỉ các doanh nghiệp, mà còn gắn kết chặt chẽ với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đem đến các thiết bị máy móc phục vụ trình diễn kỹ năng nghề, giúp học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông hình dung rõ hơn về các nghề, các công việc mà các em có thể lựa chọn.
Tại phiên giao dịch việc làm lưu động huyện Đông Anh, ngoài trình diễn kỹ năng nghề, bố trí khu vực tư vấn tuyển dụng riêng biệt, ban tổ chức còn bố trí khu vực để các trường nghề mang đến các mô hình thiết bị tự làm do chính sinh viên của các trường thực hiện. Đây là cách các trường nghề minh chứng về chất lượng đào tạo nghề, năng lực và tư duy sáng tạo của học viên, sinh viên.
Trong khi đó, tại phiên giao dịch việc làm lưu động quận Hoàn Kiếm, công tác hỗ trợ vay vốn tạo việc làm được chú trọng, thậm chí Ban tổ chức còn trao hợp đồng vay vốn chính sách ưu đãi ngay tại phiên… Đặc biệt, tại hầu hết các phiên giao dịch việc làm lưu động hiện nay, Ban tổ chức đều bố trí gian hàng tư vấn cho đối tượng lao động hưởng bảo hiểm thất nghiệp, bảo đảm hỗ trợ quyền lợi cho người lao động một cách tốt nhất, thuận tiện nhất.
Theo kế hoạch, trong năm 2024, thực hiện chỉ đạo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội, UBND các quận, huyện, thị xã; Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội và phòng lao động - thương binh và xã hội các quận, huyện, thị xã tiếp tục tăng cường phối hợp, tổ chức tối thiểu 18 phiên giao dịch việc làm lưu động tại địa phương, rải đều theo các tháng. Từ đầu năm đến nay, đã có 11 phiên được tổ chức, đem đến nhiều cơ hội việc làm cho người lao động tại các địa phương.
Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội Vũ Quang Thành cho biết, các phiên giao dịch việc làm lưu động cung cấp thông tin thị trường lao động, mà còn hỗ trợ người lao động trực tiếp tiếp xúc, gặp gỡ các doanh nghiệp, mang tới nhiều cơ hội việc làm không quá xa nơi cư trú. Nếu chưa tìm được công việc phù hợp ngay, người lao động cũng có nhìn nhận, đánh giá chính xác hơn về thị trường lao động, chủ động trang bị những gì doanh nghiệp cần để sẵn sàng tham gia và thích nghi với thị trường lao động.
Bên cạnh đó, tại các phiên giao dịch việc làm lưu động, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội đều mời các chuyên gia tư vấn nghề nghiệp tư vấn về việc lựa chọn ngành nghề, lĩnh vực phù hợp với bản thân. Bên cạnh đó, mỗi đợt tổ chức Phiên giao dịch việc làm lưu động, các Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội các quận, huyện, thị xã sẽ phối hợp với các xã, phường rà soát thực tế cơ sở để thống kê về nhu cầu tìm việc tại địa phương để có dữ liệu tư vấn, kết nối việc làm. Qua đó, góp phần đánh giá chính xác về thực trạng lao động, việc làm, làm cơ sở hoạch định chính sách lao động, việc làm và phát triển nguồn nhân lực phù hợp với yêu cầu của thị trường lao động.
Cung cấp thông tin thị trường lao động
Nhờ tổ chức các phiên giao dịch việc làm, theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội, tính riêng trong tháng 5, thành phố giải quyết việc làm cho 27.037 lao động. Trong đó, giải quyết việc làm cho 8.778 lao động từ nguồn vốn ngân sách thành phố ủy thác qua ngân hàng Chính sách xã hội với số tiền là 647,1 tỷ đồng; số người lao động nhận được việc làm sau khi phỏng vấn tại các phiên, sàn giao dịch việc làm, trung tâm dịch vụ việc làm 1.626 lao động; số lao động được giải quyết việc làm qua hình thức xuất khẩu lao động, cung ứng dịch vụ việc làm của các doanh nghiệp và qua các hình thức khác 16.633 lao động.
Trong 5 tháng đầu năm 2024, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội đã tổ chức 127 phiên giao dịch việc làm với 3.660 đơn vị, doanh nghiệp tham gia; tổng số nhu cầu tuyển dụng, tuyển sinh là 75.102 người; tổng số lao động được phỏng vấn là 27.435 lao động; số lao động được tuyển dụng tại phiên là 8.735 lao động. Như vậy, 5 tháng đầu năm, thành phố đã giải quyết việc làm cho 100.335 lao động, trong đó, tạo việc làm cho 31.448 lao động từ xét duyệt hộ gia đình vay vốn từ nguồn vốn ngân sách thành phố ủy thác qua Ngân hàng chính sách xã hội ước cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn thành phố với số tiền là 3.011 tỷ đồng.
Lãnh đạo sở LĐTBXH TP Hà Nội cho biết, 5 tháng đầu năm 2024, TP Hà Nội đã giải quyết việc làm cho 100.335 lao động, đạt 60,8% kế hoạch giao trong năm. Ước 6 tháng đầu năm, tạo việc làm mới cho 120.000 lao động, đạt 73% kế hoạch năm, tương đương cùng kỳ năm 2023.
Đến nay, thành phố Hà Nội đã ra quyết định hưởng trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) cho 24.963 trường hợp với số tiền hỗ trợ 793,7 tỷ đồng, số lao động hưởng BHTN đã giảm 17,8% so với cùng kỳ năm 2023; 100% trường hợp đề nghị hưởng BHTN được tư vấn tìm việc làm mới, trong đó hỗ trợ đào tạo nghề cho 307 người với số tiền 1,25 tỷ đồng.
“Sở sẽ tiếp tục chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội tổ chức thu thập, cung cấp thông tin về nhu cầu tìm việc, học nghề, xuất khẩu lao động của người lao động qua các hình thức. Định hướng đào tạo nghề, chuyển đổi việc làm cho người lao động khi bị mất việc làm”, ông Nguyễn Tây Nam cho biết.
Xuân Cường
Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/cac-phien-giao-dich-viec-lam-luu-dong-dinh-huong-nghe-nghiep-a25180.html