Người ươm mầm hạnh phúc tại Làng Hữu Nghị Việt Nam

Làng Hữu Nghị Việt Nam, TP Hà Nội không chỉ là nơi nuôi dưỡng những nạn nhân nhiễm chất độc màu da cam mà còn là nơi để xoa dịu, hòa giải, hàn gắn vết thương chiến tranh của những mảnh đời yếu thế. Ở đó có những tấm lòng nhân ái, đồng cảm với số phận kém may mắn của các cán bộ, nhân viên.

Làm “mẹ” của 120 trẻ, gần 10 năm làm việc với sứ mệnh cao cả chị Đặng Thị Toàn (Ba Vì, TP. Hà Nội) là một trong số các “mẹ” tại Làng Hữu Nghị Việt Nam, tiêu biểu cho tình yêu thương bao la và cũng là người truyền động lực cho các trẻ em nhiễm chất độc màu da cam tại đây. 

image001-1717381824.jpg

Chị Đặng Thị Toàn, người mẹ của Làng Hữu Nghị Việt Nam

Từ giáo viên mầm non trở thành bảo mẫu tại Làng Hữu Nghị Việt Nam

Chị Đặng Thị Toàn từng là giáo viên mầm non tại Trường Mẫu giáo Liễu Giai (Vĩnh Phúc, Ba Đình, TP. Hà Nội). Trong một lần tình cờ xem được hình ảnh các bé nhiễm chất độc màu da cam tại Làng, chị không khỏi đau xót và đồng cảm với sự đau đớn, bất hạnh với các nạn nhân nơi đây. Những hình ảnh ấy cứ loay hoay trong tâm trí, để lại cho người phụ nữ này nhiều băn khoăn, trăn trở rằng những đứa trẻ kém may mắn cần được sống trong tình thương yêu. 

Khi biết tin Làng có đợt tuyển nhân sự, không đắn đo, suy nghĩ, chị Toàn lập tức đăng ký làm bảo mẫu tại đây. Từ bỏ công việc tại Trường mầm non để vào Làng, cùng những nghiệp vụ sư phạm sẵn có và lòng bao dung của mình, chị đã bắt đầu công việc, rồi trở thành người “mẹ” đặc biệt của những “đứa con” đặc biệt. Chăm sóc những đứa trẻ bình thường đã khó và cần nhiều kĩ năng nhưng khao khát của chị lớn hơn cả là mong muốn chăm sóc những trẻ em kém may mắn, lan tỏa sự yêu thương để có thể lấp đầy sự thiếu thốn, bất hạnh trong tâm hồn, thể xác của chúng. 

Khởi đầu thường chẳng dễ dàng, ban đầu chị phụ trách 25 em, mỗi em mang một bệnh khác nhau từ nhẹ đến nặng, bé thì mù, câm, bé thì tăng động, thiểu năng nhưng điểm chung là thiếu thốn tình thương. Hàng ngày chị luôn chăm lo và theo sát các bạn từ những việc nhỏ nhất là vệ sinh cá nhân, ăn sáng đến đưa các con đi học vào buổi sáng, dạy học, kỹ năng sống vào buổi tối. Vì là những đứa trẻ tổn thương trí tuệ, nên công việc của người bảo mẫu có phần khó khăn hơn. Dù vậy, nhưng chị Toàn không nản lòng mà dùng sự tâm huyết của mình để xoa dịu cho các con.

“Nửa tháng đầu tiên vào Làng là quãng thời gian khó khăn nhất với tôi. Các con chưa quen nên tỏ ý không hợp tác, đêm hôm quậy phá không nghe lời, giả thành ma để dọa cả tôi. Đỉnh điểm là các con đi trốn, ẩn nấp dưới gầm cầu thang, tôi đi tìm đến nơi thì con hắt thẳng gáo nước ướt hết người. Khi kể đến đó, khuôn mặt người phụ nữ ấy vẫn tràn đầy sự nhẹ nhàng, đôi mắt ánh lên niềm vui. Những lúc đó tôi bình tĩnh kiểm soát cảm xúc, dành nhiều thời gian để tâm sự, bày tỏ tình cảm với các con, yêu chúng như con ruột. Từ đó, mẹ con hiểu nhau hơn, gắn bó hơn và không còn tình trạng trên xảy ra nữa” - chị Toàn chia sẻ.

image008-1717381824.jpg

Chị Toàn và những phút giây vui vẻ cùng những người con của mình tại Làng

 

Khao khát cống hiến và xây lên ước mơ cho những cuộc đời nhiễm chất độc màu da cam

Để đảm bảo chăm sóc tốt cho các em, cá nhân chị Toàn và tập thể nhân viên luôn nỗ lực hết sức, coi đây như ngôi nhà thứ hai của mình; nhiều khi phải hy sinh bản thân và gia đình để chăm lo những con người có số phận thiệt thòi, đang ngày đêm chịu nỗi đau bởi những vết thương do hậu quả của chiến tranh. 

Không chỉ đảm nhận vai trò như một người mẹ, chị còn là những người bạn, người trị liệu tâm lý, người thầy dạy kĩ năng sống. Hiểu được rằng những đứa trẻ  ấy không chỉ cần chăm sóc về thể chất mà còn cần sự quan tâm sâu sắc, chia sẻ và yêu thương để có thể hồi phục về tinh thần

Với chị Toàn, gần như toàn dành bộ quỹ thời gian của mình cho các con  bất kể đêm hay ngày. Vất vả là thế nhưng chị chưa từng khuất phục hay nản lòng.

“Tôi sẽ tiếp tục cống hiến và ở bên các con cho đến khi không còn đủ sức khỏe” - một sự khẳng định, dứt khoát từ chị Toàn khi được hỏi về dự định trong tương lai của bản thân. 

image005-1717381824.jpg

Chị Toàn coi công việc này là một cách để gửi lời cảm ơn đến những người đã có công với đất nước

Qua nhiều năm chăm sóc và nuôi dạy trong tình thương của chị Toàn với hy vọng những đứa trẻ trong Làng được hưởng cuộc sống tươi đẹp như những đứa trẻ bình thường, nhiều bạn đã có chuyển biến tích cực trong hành động và suy nghĩ. Thấy được những điều tốt đẹp đó, trong chị có sự nghẹn ngào, hạnh phúc và mãn nguyện. Nhiều bạn được nuôi dưỡng dưới bàn tay ấm áp của chị đã có dự định về công việc.

“Có bạn ước mơ trở thành bác sĩ, có bạn lại muốn trở thành thợ may,...”, nói đến đây thôi, khuôn mặt chị lại rạng rỡ và tràn đầy niềm hy vọng, “tôi mong sao các con đều thành công, có ngành nghề ổn định để cuộc đời tươi sáng hơn” - chị Toàn cho biết thêm. 

Chị Toàn kể về công việc của mình với niềm tự hào: “Tôi coi công việc này là một cách để gửi lời cảm ơn đến những người đã có công với đất nước. Ở nhà tôi chỉ có 2 người con, nhưng khi vào Làng tôi được nghe 120 đứa con gọi tiếng mẹ. Đó là niềm hạnh phúc lớn lao không điều gì sánh được”.

Một công việc đầy nhân đạo, lớn hơn nữa là tình yêu với Tổ quốc, chị Toàn đã thực sự dốc hết tâm huyết vào sự lựa chọn này của mình.

Đại tá Nguyễn Thăng Long - Giám đốc Làng Hữu Nghị Việt Nam đánh giá: “Làng có được như ngày nay là nhờ công rất lớn của các cán bộ, nhân viên nữ. Chính các bảo mẫu như cô Toàn là người đã mang tình thương đến nơi đây, giúp cuộc sống của Làng bớt u tối, heo hút”

Để yên tâm công tác trong Làng, chị Toàn không quên cảm ơn gia đình vì đã thấu hiểu và luôn ở bên cạnh ủng hộ chị. Hiểu được sự vất vả và khó khăn trong công việc của chị nên gia đình luôn tạo điều kiện, các con ý thức và luôn ngoan ngoãn bảo ban nhau học hành. 

Tình yêu, sự nhiệt huyết của mẹ Toàn cùng các "mẹ" tại Làng như làn gió mát gieo mầm những ước mơ tươi sáng cho những mảnh đời khiếm khuyết. Với tấm lòng cao cả này, các mẹ tại Làng Hữu Nghị Việt Nam nói chung  xứng đáng nhận được sự tôn vinh, ghi nhận và là nguồn cảm hứng cho nhiều cá nhân khác. 

PV

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/nguoi-uom-mam-hanh-phuc-tai-lang-huu-nghi-viet-nam-a25193.html