Mọi người không quên công ơn đóng góp của biết bao thế hệ từ những ngày thành lập nước, đã chiến thắng giặc xâm lược Pháp, Mỹ, vượt qua đói nghèo, hàng trăm cán bộ chiến sỹ đã dũng cảm hy sinh nhiều bà mẹ được Nhà nước công nhận danh hiệu cao quý “Mẹ Việt Nam anh hùng” là những người phát huy truyền thống yêu nước, đã về với tổ tiên. Những vẫn còn nhiều người còn sống, vẫn phát huy tinh thần chủ nghĩa anh hùng.
Trong đó có một người từng được ra Thủ đô, báo cáo thành tích của quê hương với Bác Hồ trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ.
Ông Nguyễn Trung Hùng năm nay 90 tuổi. Sinh ra, lớn lên đến nay vẫn cư trú tại quê hương “Làng Đỏ” (khối Trung Định của phường Hưng Dũng, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An). Ông Hùng bắt đầu tham gia hoạt động cách mạng từ năm 15 tuổi. Rồi ông được vào Đoàn, vào Đảng, được cử làm chức danh tiểu đội trưởng, trung đội trưởng dân quân. Ngay trung đội dân quân làng Đỏ cùng các lực lượng phòng không thành phố bắn rơi máy bay hiện đại, bắt sống giặc lái Mỹ ở Cồn Soi bên bờ sông Lam là ông đang làm Phó rồi Chủ tịch và Bí thư Đảng ủy. Ông đã gắn bó với nhân dân quê hương từ lúc còn trẻ tuổi. Đến ngày thống nhất Bắc Nam. Ông đã một lòng, một dạ phục vụ nhân dân, bằng sự hiểu biết và trách nhiệm với truyền thống yêu nước của cha anh để lại, cùng sự tín nhiệm của tập thể. Không thiếu một chức danh gì không đảm đang. Từ liên lạc, đến Bí thư Đảng ủy, chủ tịch mặt trận, kiểm tra kiểm soát Hợp tác xã nông nghiệp….trong lúc trình độ văn hóa chỉ có học hết lớp 5. Ông không được đào tạo lớp chuyên môn nghiệp vụ lý luận gì, chỉ biết cống hiến sự nhiệt tình của mình vì lòng tin của nhân dân. Vì vậy, khi đất nước đổi mới, ông Hùng phải nghỉ “may còn chút lương hưu”, giành mọi chức danh cho tuổi trẻ, có sức khỏe, có trình độ chuyên môn nghiệp vụ phù hợp với thời kỳ phát triển.
Đến thăm ông đầu những ngày năm Thìn. Thấy ông khỏe, hồng hào, vui nhộn, minh mẫn kể cho tôi nghe chuyện, ông được vinh dự gặp Bác Hồ một lần.
Ông nói:
- Nhân dân Hưng Dũng ngày nay vô cùng tự hào với hai từ “Làng Đỏ” của quê mình. Đó là từ những năm 1930-1931. Làng Dũng Thượng quê ông bị bọn thực dân phong kiến áp bức, bóc lột dã man. Không chịu nổi, chế độ hà khắc ấy, những người nông dân nghèo đói làng Dũng Thượng đã dũng cảm đoàn kết nổi dậy, xóa bỏ được chế độ cũ, thành lập chính quyền Xô Viết; có chi bộ Đảng Cộng sản lãnh đạo là những nơi được gọi Làng Đỏ. Bác Hồ lúc ấy ở xa quê, nhiều việc cho cả nước, vẫn biết được tình hình đấu tranh của làng Dũng Thượng quê ông. Bởi vậy, Bác đã đề cập 2 từ “Làng Đỏ” trong 1 bức thư, Người gửi hội nông dân quốc tế: “…là những làng Đỏ như làng Dũng Thượng ở Nghệ An”.
- Mùa xuân 1969 mình đang làm bí thư Đảng ủy xã Hưng Dũng, được quân khu gọi làm thành tích của xã và được mời đi dự Đại hội thi đua quyết thắng của quân khu. Rồi vinh dự được chọn cùng 23 người nữa. Đại diện cho các đơn vị và địa phương có thành tích trong quân khu ra Hà Nội báo cáo với Trung ương- trong đoàn có 6 nữ, (ông nhìn tôi vì tôi tên Ngọc) tôi nhớ có cô Ngọc ở Quảng Trị, trẻ nhất và cô đại đội trưởng đại đội pháo binh xã Ngũ Thủy, huyện Lệ Thuỷ, Quảng Bình….
Cả đoàn ăn nghỉ ở trạm 66 Bộ Quốc Phòng.Buổi chiều (30 tháng 4 năm 1969) lên ô tô sang phủ Chủ tịch. Vừa ổn định chỗ ngồi; lúc này mình đang vui sướng được ngồi gần Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Bổng xuất hiện 1 xe con màu đen, một chiến sỹ đến mở cửa xe. Mình thấy Bác Hồ ra khỏi xe và giơ cao tay chào. Lúc này, mình muốn hô: Cháu xin chào Bác Hồ, Bác Hồ muôn năm! Nhưng nhìn thấy Bác không được khỏe, mọi người xúc động, đều im lặng.
Khi Bác ổn định chỗ ngồi, Bác lấy mảnh giấy trong túi ra nói: các chú không phải giới thiệu. Bác hỏi:
“Ai là cháu Ngọc?
Cô Ngọc đứng dậy báo cáo tóm tắt chiến công đánh Mỹ của cô, của nhân dân Quảng Trị quê hương.
Bác khen cô giỏi, rồi dặn “phải bám dân, bám đất và bám địch mà hoạt động”.
Bác hỏi tiếp: cháu nào là cháu Hùng?
Mình xúc động nhẹ nhàng đứng dậy và thưa: dạ cháu là Hùng ạ!
Bác nói: có gì của quê hương thì kể đi.
Thưa Bác! Cháu là Hùng ở Hưng Dũng, thành phố Vinh cách phà Bến Thủy về hướng đông theo đường chim bay 1km.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói tiếp:
Thưa Bác! Đây là Làng Đỏ ạ!
Bác xua tay, nói luôn. Đây là làng Dũng Quyết, rồi Bác bảo tôi- cháu nói tiếp đi.
- Cháu vào dân quân tham gia lực lượng bảo vệ thành phố. Rồi được cử làm cán bộ xã. Cùng tập thể lãnh đạo nhân dân phát huy truyền thống yêu nước, tập trung chống Mỹ. Quyết tâm “thóc không thiếu 1 cân và bảo đảm thừa quân”. Con em làng Đỏ quê cháu ra đi, không một ai bỏ ngũ trở về, nay quê hương đang có phong trào “Tiếng hát át tiếng bom” vui lắm. Đặc biệt không có một chị vợ bộ đội nào xa chồng hoặc cô gái nào xa người yêu mà vi phạm sự thủy chung…!Nói đến đó thì mình lúng túng thấy Bác đứng nhìn tôi âu yếm, mọi người cũng hướng về mình vui vẻ như khích lệ động viên.
Bác khen: Các chú làm như thế là tốt, đạo lý Việt Nam ta- yêu nước và yêu nhà phải trọn vẹn.
Bác ngừng một tý lại nhìn tôi nói tiếp:
- Cố gắng lo hậu phương quân đội thật tốt để anh em ngoài tiền tuyến yên tâm chiến đấu, cố gắng khắc phục những vết thương chiến tranh để nâng cao đời sống cho dân.
Mỗi người chỉ được báo cáo 15 phút, mình phải dành thời gian cho các đồng chí báo cáo sau….
Khi Bác trở ra xe, chưa thấy ai dùng quà của Bác gồm có kẹo, thuốc lá và chuối quả.
Bác chỉ các thứ quà nói: các thứ này có thể chia được, còn nước thì không được chia!
Ý Bác nói chân thực, mình lại nhớ câu nói của Bác tại đền Hùng với bộ đội: “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta hãy cùng nhau giữ lấy nước”.
Khi về quê, mình luôn tự hào, vui mừng và khắc sâu lời dạy của Bác vào trái tim, mãi mãi là niềm vinh dự, được gặp Bác Hồ.
Tôi thấy vui và rất thương ông rồi cảm ơn ông đã có công đóng góp cho quê hương được tươi đẹp ngày nay.
Đ.S.N
Trái tim người lính
Đặng Sỹ Ngọc
Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/lan-duoc-gap-bac-ho-a25291.html