Kiên Giang: Tư Việt- Nhà khoa học của nhà nông

Phục tráng, bảo tồn nguồn gen các giống lúa mùa là một công việc gian truân, cam go, kiên trì, nhẫn nại, vất vả và có phần “ngược đời” so với xu thế của thời đại, khi người dân trồng lúa cao sản, mỗi năm 2 đến 3 vụ. Nhưng với niềm đam mê, sự quyết tâm của mình, anh Lê Quốc Việt (Tư Việt, 60 tuổi, Thị trấn Minh Lương, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang) đã thành công bảo tồn 40 giống lúa mùa quý hiếm, có giống gần như thất truyền.

1-kien-giang-1718014326.jpg

anh Tư Việt - “Nhà khoa học của nhà nông” thăm đồng lúa mùa

Bài 1: Tuổi thơ nghèo khó

Biết tôi thực hiện bài viết về đề tài nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, đồng chí Đỗ Trần Thịnh, Tỉnh uỷ viên, Chủ tịch Hội nông dân tỉnh Kiên Giang, Phó Ban thường trực Ban chỉ đạo phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi tỉnh Kiên Giang hồ hởi giới thiệu gương sản xuất, kinh doanh giỏi Tư Việt để tôi viết bài, mà theo anh Thịnh, nhà nông Tư Việt là kĩ sư nông nghiệp, am hiểu lúa mùa, đam mê phục hồi văn hoá lúa mùa, được đi nhiều nơi trong nước và nước ngoài để trao đổi, học tập kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp, được người dân mệnh danh là “Nhà khoa học của nhà nông”.

Đến thị trấn Minh Lương, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang hỏi thăm nhà anh “Tư Việt lúa mùa” ai cũng biết, nhiệt tình chỉ địa chỉ nhà. Nhà anh ở gần tháp 4 sư liệt sĩ. Đón tôi trước sân nhà là người đàn ông tầm thước, mái tóc hoa râm, nước da đen, thân hình rắn rỏi với cái bắt tay siết chặt. Anh Lê Quốc Việt, tên thường gọi là Tư Việt bởi vì anh là con thứ 4 trong gia đình. Còn biệt hiệu “lúa mùa” là do anh nghiên cứu phục tráng, bảo tồn văn hoá lúa mùa nên trở thành cái danh gắn sau tên “Tư Việt”.

Anh Tư Việt sinh năm Giáp Thìn (1964) trong một gia đình có tám anh chị em ở xứ Cù Là, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang. Năm học lớp một, lớp hai anh đã biết đem cơm đi ruộng cho Ngoại. Năm 1977, khi anh học lớp bảy thì ba mất. Đó là mất mát quá lớn đối với anh và má cùng anh chị em khi mất đi người trụ cột của gia đình. Là con trai lớn trong nhà, anh trở thành lao động chính phụ má, ngoại công việc đồng áng. Công việc đồng áng hồi đó vất vả chứ không nhàn hạ như bây giờ do đó anh phải học và làm bằng được tất cả những công việc trên đồng mà người nông dân thực thụ phải làm. Anh học làm ruộng bằng cách đi làm thí công cho người ta, học từ những người bà con thương tình đến làm tiếp gia đình mình. Lúc đó, làm ruộng không đòi hỏi nhiều thời gian như bây giờ vì chỉ trồng có một vụ lúa mùa thôi, thời gian rảnh thì xay lúa, giã gạo bằng tay vì lúc đó khó khăn lắm, không có nhà máy như bây giờ, trồng đậu, đi cắm câu, tát cá,….

Tháng ngày trôi qua, năm học lớp 9, anh đã trở thành người nông dân thực thụ, chỉ có điều làm không được nhanh, không được nhiều bằng người ta mà thôi. Ba giờ sáng, chị Hai dậy nấu cơm, bốn giờ thì anh và người em kế bơi xuồng từ nhà nhà Ngọai ở Khu phố Minh Phú, Thị trấn Minh Lương đi ruộng ở gần chùa Chụng, ấp Tân Hưng, xã Giục Tượng. Đường đi vào ruộng lòng vòng theo mấy con rạch nhỏ chứ không có đường tắt như bây giờ, vì thế, khi đến ruộng thì mặt trời đã lên cao hơn hai sào rồi (khỏang 7 giờ sáng). Anh em anh làm ruộng cho đến lúc ông sãi đánh trống (khỏang ba giờ chiều) thì hai anh em bơi xuồng về, đến nhà cũng vừa chập tối. Mùa gặt lúa thì anh em Tư Việt không đi đi về về nữa mà mang gạo, nước mắm theo, sẳn có cá dưới mấy cái lung gần ruộng, lúc đó cá đồng còn nhiều lắm, muốn ăn bao nhiêu thì bắt mà nấu. Khâu nào cần mướn thì mướn, cái nào tự làm được thì làm, tối dựng chòi tạm để ngủ. Khi nào gặt, đập xong hết thì mướn ghe chở lúa hột về nhà.

Năm 1979, khi học lớp 10, anh Tư Việt phải đi ở cho nhà người ta để có cơ hội theo đuổi nghiệp đèn sách. Nửa ngày anh đi học, nửa ngày anh đi làm thuê cho nhà bà Ý, buổi tối thì làm kem chuối để bán,... Vất vả, khó khăn là vậy, nhưng không khi nào anh Tư Việt nản lòng, có suy nghĩ nghỉ học trở về nhà cùng với chị em trong gia đình làm thuê làm mướn nuôi nhau. Trong sâu thẳm trong lòng mình, anh hiểu rằng, chỉ có đi học thì tâm trí mình mới được khai sáng, mới có trình độ, kiến thức để thắp sáng tương lai, không trở thành gánh nặng của gia đình và xã hội. Trong quá trình học tập của bản thân mình, anh luôn ghi nhớ lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu trong thư gửi học sinh cả nước ngày khai trường đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa : “Non sông Việt Nam có trở nên vẻ vang hay không, dân tộc Việt Nam có sánh vai với cường quốc năm châu hay không chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các cháu”. Anh cũng luôn khắc sâu lời Bác Hồ dạy “Làm nghề gì cũng phải học”, và mục đích của việc học là để “nâng cao năng lực làm cho kinh tế phát triển, chiến đấu thắng lợi, đời sống nhân dân ngày càng no ấm, vui tươi”.

Nhờ sự nỗ lực của bản thân, niềm tin vào tương lai tươi sáng, anh kiên trì học tập. Năm 1982, anh tốt nghiệp THPT và học Đại học Cần Thơ, chuyên ngành trồng trọt. Khi học đại học, ngoài học bổng, anh đi bán bánh, tuốt lá mía, dặm lúa, thu hoạch lúa,…thuê để có tiền ăn học. Mọi khó khăn trên bước đường chinh phục tri thức đã không ngăn cản được, đã không làm gục ngã, đã không làm thay đổi được lòng quyết tâm của chàng trai nghèo Tư Việt. Thành quả xứng đáng giành cho chàng trai nghèo ấy là kết quả điểm thi tốt nghiệp đại học có kết quả rất cao: Luận văn tốt nghiệp đạt điểm 10, điểm thực tập 10, điểm báo cáo đạt 9. Với thành tích xuất sắc trong học tập, anh Tư Việt được Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Cúc, giáo viên hướng dẫn tốt nghiệp khuyên anh Tư Việt ở lại trường cùng cô nghiên cứu đề tài “Tuyến Trùng” rồi tạo điều kiện cho đi Pháp du học, nhưng anh đã từ chối và trở về cống hiến cho quê hương.

Năm 1986 anh Tư Việt công tác trong ngành nông nghiệp huyện Châu Thành và luôn hoàn thành nhiệm vụ được giao. Năm 1993 anh Tư Việt vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Với những thành tích đã đạt được, anh Tư Việt được cấp trên tín nhiệm bổ nhiệm làm Trưởng phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Châu Thành, Chủ tịch Hội nông dân huyện Châu Thành. Tháng 5/2023, anh nghỉ hưu để chuyên tâm làm lúa mùa.

Trò truyện với anh Tư Việt, tôi chợt nhận ra ở người đàn ông 60 tuổi đời, 31 năm tuổi đảng này tính chân chất, mộc mạc, lòng kiên trì, sự quyết tâm mãnh liệt, sự kiên định vững vàng, không bao giờ hối tiếc trước các quyết định của mình. Đây là phẩm chất quý giá của anh. Phẩm chất ấy là tiền đề, là cơ sở tạo nên thương hiệu “Tư Việt lúa mùa”, “Nhà khoa học của nhà nông” sau này. Tại sao tôi lại khẳng định anh Tư Việt có phẩm chất ấy. Bởi, xuyên suốt quá trình học tập của mình, anh luôn nỗ lực cố gắng hết mình, vượt qua mọi khó khăn của bản thân để vươn lên. Ngoài ra, điều đặc biệt nữa là, anh đã có hai lần có cơ hội “đổi đời” nhưng anh đều từ chối. Hai “cơ hội đó, như lời anh kể: Một, khi bà Ý đi vượt biên ra nước ngoài có rủ anh đi theo, anh từ chối không đi, ở lại quê hương bản quán cùng anh chị em chăm sóc nhau. Hai, khi được Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Cúc, giáo viên hướng dẫn tốt nghiệp khuyên anh Tư Việt ở lại trường cùng cô nghiên cứu đề tài “Tuyến Trùng” rồi tạo điều kiện cho đi Pháp du học, nhưng anh đã từ chối và trở về cống hiến cho quê hương. Tôi hỏi, có hai cơ hội để thay đổi cuộc đời nhưng anh đều từ chối, anh có “ân hận” không? – Mỗi người đều có lối đi riêng của mình, vì thế, anh không ân hận, không nuối tiếc trước quyết định của mình. Được sống trên quê hương mình để cống hiến cho quê hương, cho đất nước là hạnh phúc của mỗi người, trong đó có anh. Nếu anh đi theo lời mời gọi của hai cơ hội trên, thì biết đâu đấy, sẽ chẳng có thương hiệu “Tư Việt lúa mùa” đâu em, anh dí dỏm.

Trương Anh Sáng

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/kien-giang-tu-viet-nha-khoa-hoc-cua-nha-nong-a25335.html