Một thời hoàng kim
Tuồng, một loại hình nghệ thuật sân khấu truyền thống lâu đời của Việt Nam, được xem là đỉnh cao trong kho tàng văn hóa dân tộc. Với lịch sử phát triển lâu đời, Tuồng đã được nâng tầm thành một bộ môn nghệ thuật hoàn chỉnh, mang đậm bản sắc văn hóa và giá trị nhân văn sâu sắc.
Được mệnh danh là “quốc kịch” dưới triều Nguyễn, Tuồng hội tụ tinh hoa văn hóa, kiến thức và giá trị nhân văn, thể hiện qua những vở diễn đặc sắc như “Quan Âm Thị Kính”, “Bà Đẻ Đầm Giang”, “Lục Vân Tiên”, “Tân Văn Bửu Truyện”... Mỗi vở diễn là một câu chuyện, một thông điệp giáo dục về lòng hiếu thảo, lòng yêu nước, tình yêu thương, tinh thần bác ái và khát vọng tự do, công lý của người dân Việt Nam.
Tuồng không đơn thuần chỉ là một loại hình biểu diễn nghệ thuật mà còn là một hành trình khám phá kho tàng văn hóa, lịch sử và tâm hồn của dân tộc. Âm nhạc đa dạng âm điệu, thể hiện nhiều sắc thái biểu cảm ở từng cung bậc khác nhau, những điệu múa uyển chuyển cùng trang phục lộng lẫy, tất cả hòa quyện tạo nên một thế giới huyền ảo, đưa khán giả đến với những trải nghiệm, cảm xúc khó quên. Tuy nhiên, càng đắm chìm vào vẻ đẹp của Tuồng, chúng tôi càng cảm thấy trăn trở khi nhận ra sự mai một dần của loại hình nghệ thuật truyền thống này. Đó không chỉ là sự mất mát của một di sản văn hóa quý báu, mà còn là sự phai mờ dần đi một phần tâm hồn của dân tộc.
Với những giá trị quan trọng như vậy, việc bảo tồn nghệ thuật Tuồng trở nên vô cùng cần thiết. Vậy liệu việc lựa chọn theo đuổi nghệ thuật Tuồng có phải một con đường đầy ý nghĩa và đáng trân trọng cho những người trẻ đam mê văn hóa truyền thống, hay chỉ là một sự lựa chọn đầy thử thách trong thời đại ngày nay? Người trẻ hiện nay đang góp phần xây dựng và bảo vệ di sản này như thế nào để đảm bảo nó tiếp tục tỏa sáng trong dòng chảy văn hóa của thời đại?
Mồ hôi, nước mắt và sự đánh đổi
Nghệ sĩ Đình Tiến hóa trang sau cánh gà
“Tôi không biết nếu mình không theo Tuồng thì sẽ đứng ở đâu trong xã hội vì tôi đã từ bỏ mọi thứ để theo đuổi Tuồng” - Nghệ sĩ Đình Tiến (sinh năm 1994, hiện đang công tác tại Nhà hát Tuồng Việt Nam) ngậm ngùi.
Bén duyên với Tuồng từ năm 2014, cho đến nay đã tròn một thập kỷ Đình Tiến gắn bó với bộ môn nghệ thuật truyền thống này. Chia sẻ với chúng tôi về hành trình đến với Tuồng, nghệ sĩ cho rằng Tuồng là “nghiệp duyên”, một mối nặng ân tình phải dành cả sự nghiệp để theo đuổi.
Quả thực theo đuổi đam mê với Tuồng thời nay đồng nghĩa với sự hy sinh, đặc biệt trong bối cảnh nghệ thuật truyền thống đang dần mai một khi không thể cạnh tranh với sự thay đổi chóng mặt của các phương tiện giải trí hiện đại. Khán giả tìm đến Tuồng ngày một ít đi, lớp nghệ sĩ trẻ được giao sứ mệnh tiếp nối truyền thống cũng không còn mấy ai thực sự thiết tha. Mối duyên với Tuồng, đáng buồn thay lại là “nghiệp duyên”, bởi hơn ai hết những nghệ sĩ trẻ hiểu rằng mình đang đi ngược lại với thị hiếu của thời đại, cũng là tự đưa mình vào một vị trí đầy thử thách.
Hành trình đến với Tuồng vốn đã không dễ dàng, nhưng để trụ lại với nghề còn đòi hỏi nhiều hơn chỉ là niềm yêu thích.
Có lắng nghe những chia sẻ của Nghệ sĩ Thanh Phương (sinh năm 1999, hiện công tác tại Nhà hát Tuồng Việt Nam), chúng tôi mới thực sự cảm nhận được sức nặng của sự “đánh đổi” mà người ta hay nói.
Những nghệ sĩ trẻ chọn gác lại những giây phút sum vầy bên gia đình hay đến cả những thú vui giải trí bình thường để dâng hiến tuổi thanh xuân cho Tuồng. Mỗi ngày, họ phải dành hàng giờ tập luyện, chấp nhận phải sống xa gia đình từ khi còn nhỏ để theo học tại những cơ sở đào tạo về Tuồng.
Khó khăn là vậy, công sức bỏ ra là nhiều năm khổ luyện, thế nhưng nhận lại chỉ là đồng lương ít ỏi cùng sự rời xa của khán giả đại chúng thật dễ khiến người ta nản lòng. Đó phần lớn là cảm nhận chung của nhiều người, nhưng với nghệ sĩ, theo đuổi Tuồng chỉ vì mục tiêu đó thì có lẽ đã sớm không trụ được với nghề.
Tâm sự với chúng tôi, cả hai nghệ sĩ đều đau đáu một niềm tin: Chỉ cần tâm huyết với Tuồng, có ngày tổ nghề sẽ chứng cho tấm lòng. Với nghệ sĩ Thanh Phương, Tuồng không chỉ là một công việc, mà còn là tình yêu và sự gắn bó. Nghệ sĩ quả quyết: “Tuồng khó, tôi phải bỏ ra nhiều công sức và nhiều năm học tập nhưng về cơ chế, cả tiền lương lẫn tiền bồi dưỡng đều không cao. Nhưng không vì thế mà nản lòng hay có suy nghĩ dừng lại. Tôi sẽ “lấy ngắn nuôi dài”, làm nhiều công việc khác để nuôi niềm đam mê của mình với Tuồng.”
Nụ cười trên sân khấu
Nghệ sĩ Thanh Phương cho hay: “Sau khi được học tập và làm việc tại Nhà hát, tôi được học rất nhiều vai nhưng nhưng tâm đắc nhất là vai Đào Tam Xuân. Cảm giác như thể mỗi khi bước ra sân khấu, tôi trở thành Đào Tam Xuân, nhập tâm vào vai, sống trong cảm xúc của nhân vật đó. Có thể người xem vẫn chưa thấy tôi đạt đến đỉnh cao của vai diễn nhưng chính tôi đã được sống trong chính nhân vật đấy rồi. Tôi không phải là tôi nữa rồi.”
Nghệ sĩ Thanh Phương “thả hồn” vào nhân vật trên sân khấu
Nghệ sĩ Đình Tiến vẫn không thể nào quên cảm giác như đánh mất chính mình khi hóa thân vào nhân vật Kim Lân Linh Tá trong vở “Sơn hậu”. Dường như trong khoảnh khắc đó, nhân vật và nghệ sĩ trẻ Đình Tiến đã hòa làm một, trở nên hài hòa không chút gượng gạo. Cả đời người nghệ sĩ, có lẽ cũng chỉ vì một phút giây thăng hoa đó mà thôi.
Bên cạnh những cảm xúc thăng hoa trên sân khấu ấy, đằng sau ánh hào quang là câu chuyện dài với những nỗi niềm xúc động cũng như tiếc nuối của người nghệ sĩ. Nghệ sĩ Thanh Phương bén duyên với Tuồng từ khi còn rất trẻ, khi chỉ ở độ tuổi chưa tròn 15, đã bước chân vào Nhà hát và gắn bó với nghề diễn. Với nghệ sĩ Đình Tiến, Tuồng là ngã rẽ bất ngờ trong sự nghiệp những năm đôi mươi. Mỗi nghệ sĩ trẻ đều có những câu chuyện riêng về hành trình theo đuổi đam mê của mình. Đó là câu chuyện về tình yêu, niềm vui, sự tiếc nuối, là những cung bậc thăng trầm, sự hy sinh thầm lặng sau ánh đèn sân khấu. Tuy nhiên, điểm chung của họ là không bao giờ từ bỏ, Tuồng không chỉ là nghề mà còn là cuộc sống, là lý tưởng và là nguồn động lực to lớn.
“Tôi phải cố gắng và yêu nghề nhiều hơn, phải rèn luyện nhiều hơn nữa. Như Bác Hồ đã từng nói: “Tuồng là vốn quý của dân tộc”, bởi vì nghệ thuật là hồn cốt của dân tộc, đánh mất nghệ thuật là đánh mất hồn cốt, ý nghĩa. Bản thân tôi đến giờ phút này ở lại đây là do tình yêu nghề, yêu những giá trị nghệ thuật truyền thống, và hơn hết là tình yêu tổ quốc. Mất đi văn hoá, mất đi nghệ thuật chắc chắn sẽ mất nước, tôi và những con người gắn bó với nghệ thuật Tuồng luôn cố gắng giữ gìn và bảo tồn những giá trị truyền thống của nước mình.” Nghệ sĩ Thanh Phương xúc động chia sẻ.
Với nghệ sĩ Đình Tiến, người gắn bó với Tuồng cho đến ngày hôm nay là nhờ sự tự hào. “Tuồng là của Việt Nam”, Đình Tiến đã cẩn thận nhấn mạnh điều này xuyên suốt buổi nói chuyện. Tuồng là nét đẹp được gây dựng, vun đắp từ đời sống văn hóa của nhân dân, được thổi hồn bằng triết lý nhân sinh cũng xuất phát từ gốc rễ là nhân dân. “Vậy nên khi đứng trên sân khấu Tuồng, tôi luôn nỗ lực hết mình. Tôi đã bỏ hết tất cả để theo Tuồng. Dù kinh tế Tuồng không cho mình nhiều, nhưng ngược lại tôi nhận được những thứ mà có tiền cũng không thể mua được.”
Nỗ lực phải đến từ nhiều phía
“Đã đến lúc Tuồng phải thay đổi”, nghệ sĩ Đình Tiến nói với chúng tôi. “Vấn đề bảo tồn Tuồng là đúng, nhưng cần phải thay đổi hợp với thị hiếu của khán giả, đặc biệt là khán giả trẻ. Quá trình thay đổi vẫn phải giữ nguyên các giá trị cốt lõi của Tuồng. Tuồng là tuồng, không thể biến nó thành chèo, thành hát hay tạp kỹ. Vấn đề là khai thác ở góc độ nào để vừa đổi mới nhưng không làm mất đi giá trị truyền thống. Để làm được điều này thì không thể chỉ dựa vào công sức của cá nhân, mà phải là mọi người cùng chung tay.”
Khi hỏi nghệ sĩ Đình Tiến rằng thế nào là “chung tay”, nghệ sĩ trẻ chỉ cười chua xót. Đúng vậy, những người nghệ sĩ, tập thể nhân viên tại Nhà hát Tuồng Việt Nam luôn nỗ lực từng ngày để chạm đến khán giả. Thế nhưng sự thành công của một buổi biểu diễn không thể đến từ một chiều là nghệ sĩ. Chính tương tác của khán giả là chất xúc tác quan trọng tạo nên một đêm diễn thăng hoa. Điều đáng buồn việc khán giả vẫn chưa thực sự có cái nhìn cởi mở với Tuồng.
Hiện nay, hầu hết mọi người, đặc biệt là giới trẻ đều nghĩ: “Tuồng là những gì truyền thống và rất khó xem”. Sự tiếp cận của Tuồng đến với khán giả đang rất ít và ấn tượng trong mắt mọi người thường là “dành cho người già”, “quát tháo ầm ĩ” và “khó hiểu”, vì vậy có hay đến mấy họ cũng thường ái ngại khi tiếp cận. Cũng chính từ đây xuất hiện một bài toán vô cùng nan giải: Phải khai thác Tuồng ở góc độ nào để mang lại sự đổi mới nhưng không làm mất đi giá trị truyền thống? Thị hiếu của khán giả Việt là thích sự mới mẻ. Với những người lần đầu xem Tuồng sẽ thấy rất hấp dẫn, nhưng đến lần thứ hai, thứ ba đã giảm bớt sự hứng thú rồi! Việc đổi mới là cấp thiết, điều này ai cũng hiểu. Thế nhưng quá trình cải tiến để tiếp cận thị hiếu hiện đại lại không dễ dàng, nhất là với một bộ môn truyền thống nặng tính ước lệ như Tuồng.
Những người “giữ lửa”
Được ngồi xuống trò chuyện cùng nghệ sĩ Thanh Phương và nghệ sĩ Đình Tiến, chúng tôi mới hiểu thấu sự cố gắng của các nghệ sĩ và Nhà hát trong nỗ lực đổi mới và sáng tạo để đưa Tuồng đến gần hơn với khán giả. “Tôi luôn cố gắng rèn luyện để hoàn thành tốt vai diễn. Đồng thời, Nhà hát đã và đang thay đổi rất nhiều để theo kịp sự phát triển của xã hội, cho ra đời rất nhiều vở Tuồng hiện đại, gần gũi như đời thường.” Nghệ sĩ Thanh Phương chia sẻ.
Trong những năm qua, Nhà hát Tuồng Việt Nam đã tổ chức nhiều hoạt động thú vị như xây dựng các dự án sân khấu học đường, tổ chức diễn Tuồng miễn phí trên phố đi bộ Mã Mây mỗi tối thứ 6 và Chủ nhật hàng tuần. “Tôi thấy Nhà hát thực sự có ban lãnh đạo rất tuyệt vời. Thực ra những chương trình sân khấu học đường hay quảng bá trên phố cổ không mang lại nguồn thu nhiều, không đủ chi cho một đêm biểu diễn. Nhưng vì tâm huyết với nghề, để tiếp cận được với khán giả mà ban lãnh đạo đã tìm mọi cách để xin chương trình cho anh em được diễn. Phố cổ Mã Mây là phương án quảng bá hiệu quả nhất, bởi mỗi ngày sẽ có một lượng khách khác, chứ không phải lượng khách quay vòng, từ đó lượt tiếp cận của mình được trải rộng hơn. Mỗi đêm diễn trên phố cổ, tôi có thể thấy cả khách du lịch lẫn du khách nội địa đều vô cùng hứng thú. Họ chụp ảnh, quay phim, thậm chí thưởng cho đoàn để cảm ơn sự vất cả của các nghệ sĩ.” Nghệ sĩ Đình Tiến nói.
Buổi biểu diễn sôi động và thú vị trên phố đi bộ của các nghệ sĩ
Các nghệ sĩ trẻ hy vọng Tuồng sẽ được yêu thích và biết đến nhiều hơn. Đồng thời, họ mong muốn nhận được những chính sách hỗ trợ và đãi ngộ xứng đáng để có thể an tâm theo đuổi đam mê.
Nghệ sĩ Thanh Phương xúc động cho hay: “Tôi không còn từ ngữ nào để miêu tả khi nhắc đến những người lãnh đạo và diễn viên hiện vẫn đang cống hiến cho nhà hát, dù cuộc sống không dễ dàng, nhưng họ vẫn luôn cống hiến cho nhà hát với tình yêu và sự say mê. Với những người có gia đình, họ phải lo nhiều hơn cho cuộc sống mưu sinh nhưng chứng kiến mọi người vẫn ở lại và chung tay giữ “lửa” Tuồng khiến tôi càng thêm yêu nghề. Bởi “một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao”, tôi quyết tâm cùng mọi người gìn giữ và phát triển nghệ thuật Tuồng.”
Nói đến đây, cả chị và chúng tôi đều không kìm được nước mắt. Cả đời cống hiến cho Tuồng, có lẽ nặng lòng nhất với tập thể nghệ sĩ và cán bộ nhà hát là làm sao được thấy Tuồng trên sân khấu, dù là 20 hay 30 năm nữa. Những lời tâm sự đầy sâu lắng đến từ các nghệ sĩ trẻ gieo vào lòng chúng tôi niềm tin mãnh liệt vào tương lai tươi sáng của Tuồng.
Con đường phía trước có lẽ còn nhiều gian nan, thử thách, nhưng với sự nỗ lực không ngừng của những nghệ sĩ đầy tâm huyết, sự ủng hộ của khán giả và sự hỗ trợ thiết thực đến từ phía cơ quan nhà nước, chúng tôi tin rằng “lửa” Tuồng sẽ luôn bùng cháy rực rỡ, tiếp tục lan tỏa những giá trị tốt đẹp đến thế hệ mai sau.
Nhóm sinh viên Học viện Ngoại giao
Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/giu-lua-tuong-nuoc-mat-mo-hoi-va-nu-cuoi-tren-san-khau-a25339.html