Đồng Nai: Long trọng tổ chức giỗ Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh

Là một danh tướng, Nguyễn Hữu Cảnh người đã có công lớn trong việc mở cõi phương Nam, và thiết lập bộ máy hành chính cho nước ta. Ngoài tài thao lược về binh quyền, ông cũng là người có tư tưởng thoáng đạt và mưu lược trong việc “di dân” khi đưa dân lưu tán xứ Ngũ Quảng gồm: Quảng Trị, Quảng Bình, Quảng Đức (Thừa Thiên - Huế ngày nay), Quảng Nam, Quảng Ngãi vào Trấn Biên lập nghiệp.

Sáng ngày 21/6 (16/5 Âm lịch), tại Cù Lao Phố, thuộc xã Hiệp Hòa, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai; Thành ủy, HĐND, UBND, MTTQ Việt Nam thành phố Biên Hòa đã long trọng tổ chức Lễ giỗ Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh.

Đến dự và dâng hương có lãnh đạo tỉnh Đồng Nai, lãnh đạo thành phố Biên Hòa, các phòng, ban chuyên môn, lãnh đạo xã, phường cùng ban quý tế các đền, đình trên địa bàn thành phố.

z5560061626468-c5075144e4b06b5d61ebca717be88135-1718952261.jpg

Đại biểu tham dự Lễ giỗ Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh. (Ảnh:NDHA)

Ông Nguyễn Xuân Thanh, Thành ủy viên, Phó Chủ tịch UBND thành phố Biên Hòa, chủ lễ đọc diễn văn ôn lại quá trình lịch sử, bày tỏ lòng tri ân trước công lao to lớn của Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh (Đức Ông) trong việc định hình và thiết lập bộ máy chính quyền đầu tiên cho cho vùng đất phương Nam.

z5560150954238-1dcfce83e22a2dbbe4cd0aea3b98ef82-1718952905.jpg

Ông Nguyễn Xuân Thanh đọc diễn văn tại lễ giỗ. (Ảnh:NDHA)

Trong diễn văn mà ông Nguyễn Xuân Thanh đọc có đoạn: “Chúng ta tự hào là người con của Đất Việt với hơn bốn ngàn năm văn hiến, xây dựng và bảo vệ non sông. Nước Việt Nam chúng ta, đã trải qua biết bao thăng trầm, nhưng vẫn giữ vững được bờ cõi, gốc tích và những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Người Việt Nam ta cho dù có đi đâu, ở đâu, vẫn luôn tự hào về những giá trị di sản, văn hoá tốt đẹp của một dân tộc anh hùng...”.

z5560184135334-a44a6767ecdd162e41dbaa1ffd0e71e6-1718953140.jpg

 

Có mặt tại buổi lễ, phóng viên ghi nhận bầu không khí trang nghiêm và xúc động khi từng câu, từng chữ của bài diễn văn như tái hiện lại hình ảnh đoàn thuyền chiến do Đức Ông dẫn đầu cách đây 326 năm, ngược dòng sông Đồng Nai tiến về Biên Hòa và thiết lập dinh Trấn Biên. Cùng với dinh Phiên Trấn (Gia Định), đây là một  trong hai cơ quan hành chính đầu tiên của nước ta được thiết lập để khẳng định chủ quyền cũng như lập ra bộ máy Nhà nước để điều hành và quản lý vùng đất phương Nam.

z5560061605976-43486147e58d77cbca268f54bb710ec8-1718952660.jpg

Tượng thờ Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh nhìn ra sông Đồng Nai. (Ảnh:NDHA)

Điểm nhấn tại lễ giỗ của Đức Ông năm nay là chương trình hội trại với sự tham gia của các trường tiểu học, trung học cơ sở trên địa bàn thành phố Biên Hòa.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Xuân Thanh - Phó Chủ tịch UBND thành phố, chủ lễ cho biết: Nhằm tăng cường sự giáo dục, nâng cao hiểu biết cho các em học sinh về lịch sử, văn hóa của tỉnh nhà thông qua chương trình kỷ niệm các ngày lễ trong năm, cũng như các sự kiện có giá trị về lịch sử, văn hóa bằng hình thức giáo dục trực quan nên, trong dịp giỗ Đức Ông năm nay, Ban Tổ chức đã đề ra chương trình hội trại để các em học sinh có cơ hội trải nghiệm, có điều kiện quan sát và ghi nhận thực tế, qua đó, sẽ mang lại cho các em sự hiểu đúng, nhận thức đầy đủ và biết yêu lịch sử của dân tộc.

z5560061607567-49b5786556c67b1ed5cf1b2d1b3971f5-1718952192.jpg

Các em học sinh Trường THPT Nguyễn Hữu Cảnh có mặt tại Lễ giỗ của Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh. (Ảnh:NDHA)

Trao đổi bên lề, cô Nguyễn Thị Vân, giáo viên Trường THCS Lê Quang Định chia sẻ: Được tham gia hội trại cùng với tập thể giáo viên, học sinh của Trường Lê Quang Định trong dịp này là một cơ hội giúp cho các em học sinh nâng cao kiến thức về lịch sử, và giúp cho giáo viên có thêm nguồn tư liệu quý giá để phục vụ tốt công tác giảng dạy đối với môn giáo dục địa phương.

z5560061599705-14d127590caacf9d82f265d70f1c7703-1718952172.jpg

Cô giáo Nguyễn Thị Vân, Giáo viên Trường THCS Lê Quang Định (Biên Hòa) chia sẻ cảm xúc. (Ảnh:NDHA)

Cùng chung cảm xúc với cô Vân, cô Phạm Thị Nguyệt, Hiệu trưởng Trường Tiểu học An Hảo bày tỏ lòng tôn kính đối với bậc tiền nhân qua việc nấu các món ăn dân gian để dâng cúng Đức Ông và giới thiệu cho du khách về sự đa dạng của ẩm thực ba miền với các món bánh, chè, xôi đặc trưng.

Cô Nguyệt mong muốn những năm tiếp theo, các hoạt động như thế này sẽ được tổ chức phong phú, tươm tất hơn. Tạo cơ hội cho các thế hệ trẻ, đặc biệt là các em học sinh có cơ hội tham quan, trải nghiệm một cách bổ ích.

z5560061603277-ad597e2ee8b120bf85e06e9e7fd52bfb-1718952186.jpg

Hội trại và các món ăn đân gian được giới thiệu cho khách đến tham quan. (Ảnh:NDHA)

“Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh nguyên danh là Nguyễn Hữu Kính.  

Ông sinh năm 1650 tại thôn Phước Long, xã Vạn Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình, là con thứ 3 của Danh tướng Nguyễn Hữu Dật.

Năm 1698, ông vâng lệnh Chúa Nguyễn Phúc Chu dẫn đoàn thuyền chiến tiến về phương Nam và thiết lập bộ máy hành chính đầu tiên cho nước ta với hai cơ quan hành pháp là dinh Trấn Biên (Biên Hòa) và dinh Phiên Trấn  (Gia  Định).

Ông mất năm 1700 tại An Giang, sau đó linh cửu ông được đưa về Cù Lao Phố để an táng. Cũng có nhiều tài liệu nói linh cửu ông được đưa về núi An Mã, thuộc xã Trường Thuỷ, huyện Lệ Thuỷ, tỉnh Quảng Bình. Về thông tin mộ của Đức Ông chính xác ở đâu vẫn còn là bí ẩn, nhưng ở Cù Lao Phố (Biên Hòa) có một ngôi mộ cổ được đặt tên là Gò Y Lăng, và theo nhiều nguồn tư liệu địa phương thì đây là mộ của ông.

 

 

 

Nguyễn Đặng Hà Anh

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/dong-nai-long-trong-to-chuc-gio-le-thanh-hau-nguyen-huu-canh-a25455.html