“Đóng cửa sổ, mở của sổ” thắp lên những niềm tin trong hạnh phúc gia đình

Nhà văn Nguyễn Thị Thu Hà là một cây bút văn xuôi khá chững chạc. Tác phẩm của chị thường được đăng tải trên các báo, tạp chí Trung ương và địa phương. Tập truyện ngắn Đóng cửa sổ, mở của sổ (NXB Hội Nhà văn, 2023), là cuốn sách thứ 5 và là tập truyện thứ 3 của chị.

z5571115333904-765c5398ba48482da663f77157012d53-1719278440.jpg

Tập truyện bao gồm 20 truyện ngắn giàu cảm xúc

Ở tập truyện này, tác giả  gửi tới bạn đọc 20 câu chuyện xoay quanh những lát cắt của đời sống thường nhật. Với lối viết đơn giản,  giàu cảm xúc và gửi gắm những thông điệp sâu lắng về cuộc sống đời thường  đã tạo nên một nét riêng trong mỗi truyện ngắn.
Tập truyện ngắn của Nguyễn Thị Thu Hà bao quát khá nhiều các đề tài xã hội. Dấu ấn đầu tiên là bối cảnh cuộc sống trong đại dịch Covid-19 với Trở về, Buổi sáng không cà phê, Nắng mới... Còn nhớ, quê hương của tác giả là điểm nóng đầu tiên trong cả nước gặp đại dịch Covid-19 vào năm 2020. Dù trong cuộc sống có biết bao những bon chen, cạnh tranh làm người ta mệt mỏi với cuộc sống hiện đại nhưng khi cả cộng đồng rơi vào trong hoàn cảnh đại dịch Covid-19, thì tinh thần yêu thương đùm bọc nhau ở mỗi  câu chuyện đã  thể hiện rõ khí phách anh hùng, tình đoàn kết của người Việt. Những miền quê thuần nông có cây gạo đỏ từng trải qua chiến tranh không hề bị quật ngã như  biểu tượng bất khuất của bao người dân giữ nước giữ làng thì bây giờ trong đại dịch này cũng vẫn tinh thần ấy, đã cùng nhau vượt qua bao ngày cách ly, không ai bị bỏ lại phía sau  (Nắng mới). 
Lời văn nhẹ nhàng, không tập trung miêu tả sự kiện, sự vật một cách gay cấn, tỉ mẩn hay thắt mở, nhưng lại ẩn sau là một lớp vỏ đời sống văn hóa hiện thực khá đậm nét với những câu chuyện đang diễn ra "nhan nhản" trong đời thường... và cách giải quyết sự việc trong một số chuyện có vẻ gọn gàng, dứt khoát.  
Tập truyện có thể hiện rõ những mảnh ghép trong đời sống thường nhật, đó là, đời sống hôn nhân gia đình  trong Nông nổi gió heo may, Mắt cá mùa đông, Đàn bà trẻ ở thành phố loại ba, Nhà có ba chiêc may ô, Chống lại ngày tận thế hôn nhân...;  cơn bão xâm thực của kinh tế thị trường vào đời sống tỉnh lẻ đang phát triển với những làn sóng bất động sản (Cơn mưa chạy qua thành phố, Sóng về bến cũ); vì lòng tham đất đai của cải mà người trong anh em họ hàng sẵn sàng trở nên  bất nghĩa (Không còn chim bói cá).

Trong mỗi câu chuyện tác giả không để cho nhân vật của mình rơi vào tình trạng tuyệt vọng hoàn toàn, mà chỉ dừng lại ở ngưỡng vừa đủ để họ nhận ra “tí nữa thì mất hết”, đừng mơ làm giầu hão huyền, vì giầu nó có số, nhân vật được khép gọn là những người đã kịp dừng lại bên bờ vực thẳm. Cụ thể trong “Mùa săn bóng nước” là câu chuyện mới  liên quan đến những đồng tiền ảo sinh ra từ thời đại trong thời đại công nghệ số.  Lời nói của thằng bạn “Thời đại công nghệ số, ngồi xổm trên cánh đồng cũng kiếm được tiền”. Trò đầu tư tiền kĩ thuật số trên các sàn điện tử chưa được công nhận chính thức nhưng cũng đã thu hút rất nhiều người trẻ lao vào như một cuộc đỏ đen trên các sàn điện tử. Chỉ cần cái điện thoại và bàn tay bấm phím, đêm ngày hắn mê mệt và mất ăn, mất ngủ với những con số nhảy nhót trên màn hình. Toàn bộ số tiền hắn đầu tư lúc lên lúc xuống theo những cột tín hiệu và cuối cùng đã ở mức tụt sâu bằng đúng nguồn đầu tư, và những cột nến thấp dần, “sau mùa săn ảo mộng, hắn đã câu được một khuôn mặt hốc hác, mệt phờ”. Tuy hắn - người kỹ sư trẻ chưa rơi vào cảnh trắng tay, nhưng câu chuyện của hắn là lời cảnh tỉnh cho bao người muốn làm giầu bằng trò chơi đen đỏ. 
Bên cạnh đó, tác giả còn đề cập đến một số vấn đề khác với mức độ đậm nhạt khác nhau  về các vấn đề phòng chống tội phạm ma túy, lương tâm và trách nhiệm của nghề báo, tình yêu nghệ thuật ở trong Tượng đồng, Chuông đổ lúc không giờ, Mồ hôi biển, Đóng cửa sổ, mở cửa sổ... Từ những đề tài hiện thực này, thông qua những số phận, những cảnh đời cụ thể, tác giả đi sâu phản ánh các ngõ ngách, những khúc quanh của cuộc sống sôi động đang diễn ra từng ngày, từng giờ với những chiêm nghiệm buồn vui. 

z5571115334848-73b33f528d9d737d15e9d33889be19e1-1719278440.jpg

 

Cuộc sống hôn nhân gia đình có lẽ là mảng phản ánh đặc trưng nhất trong tập truyện này, được tác giả nhìn từ một góc khác. Trong “Chống lại ngày tận thế hôn nhân”, nhân vật  "gã" đã có thâm niên 20 năm làm nghề tư vấn tâm lý, gỡ rối cho các cuộc hôn nhân. Việc ngoại tình hay có người thứ ba luôn là nguyên nhân làm tan nát gia đình. Trong tình huống, gã đang tư vấn tìm lối thoát cho cuộc hôn nhân của một bà khách giàu có vì  “bà đã tự đặt chế độ thám tử trong điện thoại của chồng và phát hiện ra cuộc tình bí ẩn 10 năm” thì cũng chính thời điểm đó, “gã” cùng bạn gái đi chơi và bản thân đã vô cùng ngạc nhiên khi chứng kiến gia cảnh của người nghệ nhân gốm ở làng nghề có thể điều tiết được cuộc sống gia đình với hai người vợ cùng chung sống hòa bình trong một mái nhà.

Câu chuyện có vẻ rất đặc biệt, nhưng nó vẫn có thể xảy ra ở trong một không gian nào đó và thường bị coi là phi đạo đức trong đời sống hiện đại. Trong đời thực thì có những góc khuất mà người ta cố tình không dám đối mặt, để không thể nhận ra giá trị ngược.  Đặt ra tình huống chung chồng của một gia đình làm nghệ thuật, phải chăng tác giả đã có dụng ý đẩy hình ảnh người phụ nữ lên một đỉnh cao có trí tuệ, có lòng vị tha nhân ái vì  tình yêu nghệ thuật, đối lập với hình ảnh người đàn bà giàu có cài cả thiết bị hiện đại để theo dõi một người đàn ông trăng hoa. Người phụ nữ làm nghệ thuật trong câu chuyện này không hiện diện rõ nét nhưng đã găm lại một ấn tượng về sự hi sinh cả hạnh phúc tuyệt đối của mình vì giữ nghề gia truyền, phát triển làng nghề truyền thống.  Đạo Mẫu cũng sinh ra từ lý tưởng hi sinh, vì mục tiêu sống cao đẹp của người phụ nữ Việt Nam trải qua bao đời nay, chứ không phải hiện thân một tính cách xấu xí ở một góc nhìn nào đó của  thời nay là người đàn bà tầm thường, ghen tuông, ích kỷ chỉ vì một người đàn ông. Cuối cùng, gã cũng phải gào lên một câu như chân lý: “Không chân thành với nhau thì chống làm gì?”. Phải rồi, chân thành, cao thượng,  thủy chung là cốt lõi, là điều kiện tiên quyết để giữ gìn hạnh phúc gia đình... 
Cũng viết về đề tài này, truyện ngắn “Nông nổi gió heo may” là một câu chuyện có lối dẫn dắt đáng suy ngẫm về hạnh phúc gia đình. Truyện kể về sóng gió trong gia đình Mùi và thế sự cuộc đời vốn đang diễn ra. Chồng Mùi “vì một căn nhà to hơn, vì một cái ô tô cho oách với thiên hạ, vì tương lai của những đứa con muốn học trường quốc tế” nên phải tuân theo yêu cầu của sếp, triền miên trong các tiệc rượu chiêu đãi. Lâu dần thành quen, thành nghiện, anh ta tự cho mình là người hùng. Chính Mùi cũng nhận thấy “con đường thăng tiến, tiền tài của anh nâng lên theo những chén rượu”.

Và chuyện gì đến cũng phải đến. Mùi phát hiện chồng ngoại tình. Ban đầu cô hành xử một cách không khôn khéo, nên bị cho là “cư xử không có văn hóa”. Nhưng chuyện ly hôn đã không xảy ra, một phần vì người chồng đã biết hối lỗi, phần khác vì Mùi đã bao dung khi cho rằng: “Những cuộc tình phiêu du ngoài vợ ngoài chồng chỉ là nông nổi theo gió bay”. Và tính nhân văn của câu chuyện còn nằm ở tình tiết khác. Đó là khi gặp mặt tình địch, Mùi đã rủa ả rằng: “Số phận là do tính cách. Em sống như thế không sợ đời con em nó giống em à?”. Và quả đúng như vậy, con của ả cũng bị lũ bạn làm nhục một cách tệ hại nơi cổng trường vì tội “tranh giai”. Chứng kiến cảnh ấy, dù biết rõ thân nhân của đứa trẻ, Mùi vẫn chạy lại cứu, và đứa trẻ đã coi cô như một cái phao cứu sinh.

Từ tình huống đó, Mùi luôn ân hận, day dứt và cho rằng, vì sự “độc mồm độc miệng ” của mình nên tai họa đã trút lên đầu đứa trẻ vô tội. Khi hiểu ra sự bận rộn trong công việc của mình, đã“tạo ra khoảng trống cô đơn cho chồng” chính là nguyên nhân khiến chồng ngoại tình, Mùi đã chủ động rút khỏi dự án tiếp theo, để có thời gian gần chồng, chăm con nhiều hơn.

Rồi khi biết được, Thúy Vi con của tình địch, đang gặp hoàn cảnh khó khăn, sắp phải nghỉ học… (vì mẹ Vi là đối tượng lừa đảo, vơ vét sạch tiền của công ty, bỏ trốn), Mùi đã tìm nhà tài trợ để giúp con bé học xong lớp 12. Sự day dứt của nhân vật trở thành điểm sáng khiến người đọc có lẽ cũng đồng lòng:  “Cầu mong lời độc mồm độc miệng của mình sẽ được hóa giải, đừng vận vào con bé. Nó không có tội tình gì. Ai có lỗi người đó phải chịu”. 
Với truyện Những người “Đàn bà trẻ ở thành phố loại ba”, có 3 nhân vật nữ có 3 hoàn cảnh đời sống khác nhau trong một môi trường của tỉnh lẻ đang trên đà phát triển giao thoa giữa cũ mới. Nhân vật M thì sụt sịt kể tội chồng có bồ với bạn. H thì không an ủi động viên bạn, mà xui “cho con đấy một lọ a xít. À mà không, thuê đầu gấu đánh cho nó một trận, dằn mặt cho nó chừa thói cướp chồng”. Sau hai tháng, M tự do giải thoát bằng một tình yêu mới, thần sắc thay đổi hẳn, bởi người đã đến bên nàng, dành cho nàng “những điều mà gã chồng “củ tỉ” đã quên làm”.

Còn nhân vật xưng Em, “mỗi ngày, em đem những vui buồn lẫn lộn trở về căn nhà của mình”, bởi gã chồng suốt ngày chỉ chăm chút con Lát- đa như cục cưng, đêm nào cũng gáy ò ò ì ì như chiếc xe lúc lên dốc… Mặc người vợ cô đơn nằm xoay lưng vào tường. Hình ảnh đậm nét và mang tính ẩn ý chính là chiếc xe ô tô lát- đa cũ, biểu tượng của cuộc sống hiện đại "lên xe, xuống ngựa".

Cuộc sống bắt nhịp với sự hiện đại hơn thì nảy sinh nhiều vấn đề hơn. Nhưng tâm lý người trẻ vẫn đang hướng tới sự hưởng thụ: mới cưới nhau xong thì được bố mẹ tặng nhà ra ở riêng,  có điều kiện kinh tế hơn thì có bồ, rồi mong ước có lấy một  xe ôto... Tất cả những mong muốn đó đều là nhu cầu của con người bình thường. Nhưng cách xử lý của mỗi người lại khác nhau và là nguyên nhân dẫn đến bất ổn trong gia đình. Truyện rung lên một hồi chuông cảnh báo về những nguy cơ dẫn đến tan vỡ hạnh phúc gia đình vì những điều tầm thường không ngờ tới trong cuộc sống này. 

nguyen-thi-thu-ha-1719278420.jpg

Nhà văn Nguyễn Thị Thu Hà - Phó Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Bắc Giang

Truyện của Nguyễn Thị Thu Hà ít khi miêu tả trực tiếp ngoại hình, tính cách nhân vật, mà thường để nhân vật va chạm với thế giới bên ngoài, đấu tranh với nội tâm, qua đó mà bộc lộ tính cách. Mỗi truyện của chị là một mảnh đời, một số phận với những mảng sáng tối đan cài, nhưng mảng sáng vẫn nổi trội hơn bởi cái tốt luôn lấn át cái xấu.

Nhân vật Mặc (May) trong “Tượng đồng” là một trong những trường hợp như vậy. Mặc vốn là một đứa trẻ không nhà không cửa, kiếm sống bằng nghề kiếm sắt vụn, được ông Nhất (làm nghề thầy cúng) đưa về nuôi, cho ăn học và đổi tên là May. Từ đó, May vừa được đi học, vừa cùng cha nuôi trông coi, quét dọn chùa. Trong chùa, có một bức tượng cậu bé bằng đồng đen, một tay chỉ lên trời, một tay chỉ xuống đất, được nhà Gạn “dở”  làng bên cúng tiến.

Một ngày có một vị chuyên gia cổ học nổi tiếng Châu Á đã đến thăm thú và khám phá ra ngôi chùa là một bảo vật bị lãng quên, với đầy đủ bộ tượng La Hán, với nghệ thuật tạo hình tinh xảo… nhất là khi ông khách đã  “nhìn” thấy giá trị đặc biệt của bức tượng đồng đen và tức tốc trình bày lên lãnh đạo xã… Từ đó, tượng đồng được đặt trong hòm kính, tủ gỗ và được đặt lên chỗ uy nghiêm hơn, camera cũng được lắp để bảo vệ… Cho đến khi, có một thanh niên xăm trổ, hổ báo xách làn nặng đồ lễ vào chùa, May nhận ra đó là Bứt- thằng bạn cùng lang thang ngày xưa, nay là Khôi “đồ cổ”. Khôi đã nhanh chóng nhận ra giá trị tiền tỷ của bức tượng. Biết gia đình May đang gặp khó khăn, nó  cho May 10 triệu đồng với vẻ giàu có. Khôi cố mua chuộc May bằng mọi cách, hắn bàn với May“chỉ cần mày đổi tượng khác vào là được. Không ai biết đâu. Đời mày sẽ lên tiên”.

Sau một hồi đấu tranh tư tưởng, May về nhà kể lại chuyện với cha, và cha đã có ngay hướng giải quyết. Mấy ngày sau, người của tỉnh và Trung ương về rước báu vật quý giá đi. Khôi “đồ cổ” tiu nghỉu vì không thực hiện được ý định đen tối. Trước khi lủi đi, nó còn quay lại đòi tiền và văng tục, chửi May là ngu…thể hiện rõ bản chất của một kẻ hung tợn trong giới làm ăn phi pháp. Bức tượng, ngôi chùa cổ là đại diện cho văn hóa bản địa. Ngôi chùa làng là nơi nương náu tinh thần, thực hành tín ngưỡng trong cộng đồng làng xã Việt đã được hình thành từ trong dân và được nuôi dưỡng từ tâm nguyện của người dân. Có lẽ đây là thông điệp về sự bảo lưu văn hóa tốt đẹp mà tác giả muốn gửi tới người đọc.  
Văn của Nguyễn Thị Thu Hà khá trong sáng, mạch lạc, chị thường sử dụng câu văn ngắn, tự nhiên, dễ đọc. Không giống với một số nhà văn khác, nhân vật của chị ít khi có những trường đoạn giằng xé nội tâm quyết liệt. Lối dẫn chuyện như cách kể thủ thỉ, mạch kết của hầu hết câu chuyện trong tập truyện này hướng người đọc tới những ứng xử nhân văn, hoặc kết thúc có hậu hoặc  bỏ ngỏ có thể chưa  làm thỏa mãn lòng hiếu kỳ của người đọc.

Tác phẩm phần nào chưa tạo nên những dấu ấn mạnh mẽ, nghiệt ngã của đời sống này như kiểu  khiến con người phải va đập, chát chúa, khổ đau tới tận cùng... thì với Nguyễn  Thị Thu Hà, chị đã chọn cách diễn đạt nhẹ nhàng, sâu lắng, nhìn đời sống từ một góc lạc quan và bình an, tin tưởng vào mọi điều tốt đẹp. Trang văn của mỗi người chính là phản ánh tâm hồn góc nhìn của tác giả về đời sống cá nhân hoặc thấu cảm riêng về đời sống theo trải nghiệm của riêng mình. Những trang viết của chị luôn lấp lánh những đốm lửa của niềm tin. 

 Ở nhiều truyện, chị thường có những câu văn mang tính triết lý. Khi thì để bày tỏ quan điểm của mình: “Cho nên, sự hận thù đã phải trả giá bằng chiến tranh truyền kiếp”; “Hạnh phúc là chiếc chăn hẹp, ai kéo được nhiều thì ấm, kéo được ít thì lạnh, ai không giữ thì… chẳng còn gì ngoài oán hận cuộc đời”; “Không có gì không thể vượt qua khi tin vào ngày mai”. Khi thì để biện hộ cho nhân vật: “Cô đơn là nguyên nhân  khiến phụ nữ dễ ngoại tình”; “Gia đình với người đàn ông là quan trọng. Họ hiếm khi đánh đổi những thứ đã dày công mới có được để đổi lấy vài thứ dễ kiếm đâu…”. Thiết nghĩ, đó cũng là một trong những lý do khiến người đọc phải suy nghĩ, trăn trở cùng nhân vật của chị.  
Có thể nói, Đóng cửa sổ, mở của sổ là một thành công của nhà văn Nguyễn Thị Thu Hà. Xin chúc mừng chị. Viết văn là một quá trình sáng tạo không ngừng nghỉ. Mỗi tác phẩm là một góc nhìn biểu cảm của tác giả đối với đời sống. Hy vọng chị sẽ bền bỉ với con đường mình theo đuổi và có nhiều tác phẩm mới thành công hơn.

nha-van-nguyen-thi-thu-ha-1719278776.jpg

Nhà văn Nguyễn Thị Thu Hà

Nhà văn Nguyễn Thị Thu Hà Bắt đầu sáng tác và dịch thuật từ năm 2001.

Đến nay Nguyễn Thị Thu Hà đã xuất bản các tác phẩm: Góc xanh khoảng trời (Tập tản văn, NXB Văn Học, 2013); Hoa oải hương (Tập truyện ngắn, NXB Dân Trí, 2016); Ngàn năm dưới bóng quê nhà (Tập bút ký, NXB Quân đội nhân dân, 2018); Tiếng chim sứ và cây lộc vừng (Tập truyện ngắn - tản văn, NXB Dân Trí, 2019) và được trao các giải thưởng văn học: Giải Sáng tác Văn học nghệ thuật Bắc Giang năm 2011, 2014 về đề tài học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; Giải Khuyến khích Giải thưởng Văn học nghệ thuật Sông Thương lần thứ 4 (5 năm 1 lần); Giải C truyện ngắn của Bộ Công an viết về hình tượng chiến sĩ cảnh sát nhân dân năm 2022.

Trường Thịnh

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/dong-cua-so-mo-cua-so-thap-len-nhung-niem-tin-trong-hanh-phuc-gia-dinh-a25490.html